BGM - Vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết quan trọng về chống lãng phí. Trong đó, một quan điểm lớn được khẳng định là: “Cần thống nhất nhận thức đấu tranh phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp; là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp; có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng Đảng ta vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh””.
Lãng phí nghĩa là không tiết kiệm, xa xỉ, hoang phí, bừa bãi, quản lý, sử dụng vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và tài nguyên không hiệu quả. Lãng phí được biểu hiện dưới nhiều dạng thức khác nhau như: chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực; lãng phí thời gian, công sức của người dân, doanh nghiệp; lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, đất nước; lãng phí tài nguyên thiên nhiên… Dù ở dạng thức nào, lãng phí cũng đã gây ra không ít hệ quả xấu. Lãng phí không chỉ tiêu tốn nguồn lực vật chất của quốc gia mà còn trở thành rào cản ngăn trở sự phát triển của đất nước.
Chống lãng phí không phải là vấn đề mới được đề ra. Ngay từ những ngày đầu thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh đến việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nhiều lần Người chỉ rõ: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ”, “Tham ô có hại nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn: Nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến”, “Lãng phí tuy khác với tham ô ở chỗ người gây ra lãng phí không trực tiếp trộm cắp của công làm của riêng. Nhưng kết quả thì làm tổn hại rất nghiêm trọng cho Nhà nước, cho nhân dân”… Nhận thức rõ tác hại của lãng phí, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Chúng ta phải kiên quyết chống nạn lãng phí ở các cơ quan và trong sinh hoạt của chúng ta. Chống cách tiêu dùng bừa bãi tiền của của nhân dân và vốn liếng của Chính phủ”.
Trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, những năm qua, cùng với đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Đảng ta cũng đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống lãng phí. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta không thể phủ nhận tình trạng lãng phí vẫn tồn tại ở không ít đơn vị, địa bàn, lĩnh vực, gây bức xúc dư luận. Cuối tháng 5 vừa qua, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã nghe báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023. Bên cạnh những kết quả đạt được, các cơ quan chức năng cũng chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập như: tình trạng vi phạm các định mức, tiêu chuẩn, chế độ còn xảy ra tại một số cơ quan, tổ chức, đơn vị; việc xử lý các dự án, cụm dự án không hiệu quả, lãng phí theo Nghị quyết số 74/2022/QH15 chưa đạt yêu cầu, mới có phương án xử lý đối với 17/51 dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí, 11/13 dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, than, dầu khí chậm tiến độ; 14/19 dự án chậm triển khai, có khó khăn, vướng mắc để đất đai hoang hóa, lãng phí… Ngoài ra, việc thực hiện kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn chậm; có lúc, có nơi công tác vận động, tuyên truyền cán bộ, đảng viên chống lãng phí chưa được quan tâm đúng mức.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu. Ảnh: TTXVN
Lãng phí bắt nguồn từ cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Về mặt khách quan, một phần là do cơ chế, chính sách còn chưa đồng bộ, bất cập, chậm đổi mới, gây khó khăn khi áp dụng… Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan vẫn là yếu tố chính dẫn đến lãng phí. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng “điểm mặt” các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này: “Hoặc vì lập kế hoạch không chu đáo. Hoặc vì trong khi thực hiện kế hoạch tính toán không cẩn thận. Hoặc vì bệnh hình thức, xa xỉ, phô trương. Hoặc vì thiếu tinh thần bảo vệ của công. Nói tóm lại là vì thiếu ý thức trách nhiệm, thiếu ý thức quý trọng sức của, sức người của Nhà nước và của nhân dân”. Nói cách khác, ý thức, kỷ luật, kỷ cương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở nhiều nơi vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc. Thậm chí, có người còn coi tài sản công là “cha chung không ai khóc”, sử dụng một cách vô tội vạ.
Chống lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên từ chủ trương, đường lối, cơ chế, chính sách đến tổ chức thực hiện gắn với kiểm tra, giám sát. Trong bài viết về chống lãng phí mới được công bố, Tổng Bí thư Tô Lâm đề ra 4 nhóm giải pháp gồm: thống nhất nhận thức đấu tranh phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp, là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp và có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng Đảng ta vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”; tập trung hoàn thiện, tổ chức triển khai có hiệu quả thể chế phòng, chống lãng phí, xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản công; giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến lãng phí tài sản công, tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực chăm lo nhân dân và phát triển đất nước; xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí, đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hằng ngày”.
Trong bối cảnh đất nước đang có nhiều thời cơ thuận lợi để bước vào “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Như Bác Hồ từng nhấn mạnh: “Kết quả CẦN (cần cù) cộng với kết quả KIỆM (tiết kiệm) là bộ đội sẽ đầy đủ, nhân dân sẽ ấm no, kháng chiến sẽ mau thắng lợi, kiến quốc sẽ mau thành công, nước ta sẽ mau giàu mạnh ngang hàng với các nước tiên tiến trên thế giới”. Để chống lãng phí thực sự hiệu quả, từng cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp phải nghiên cứu, quán triệt, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư trong bài viết “Chống lãng phí”. Cùng với đó là đẩy mạnh dân chủ cơ sở, tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền giám sát theo quy định pháp luật, kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình, sáng kiến về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.