BGM - “Không thể chậm trễ hơn được nữa”, là một trong những yêu cầu, chỉ đạo quan trọng của Tổng Bí thư Tô Lâm, sau khi Tổng Bí thư phân tích về thế và lực của đất nước hiện nay; ý chí và quyết tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân; sự cấp thiết về cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị… trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Thông điệp này được lan tỏa rộng khắp trong cả nước sáng 1-12.
Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW Trung ương Đảng khóa XII; tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế diễn ra sáng 1-12 do Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội và kết hợp trực tuyến tới 14.535 điểm cầu với hơn 1,3 triệu cán bộ, đảng viên trong cả nước tham dự.
Diễn ra trong khoảng 3 giờ 30 phút, nhưng nhiều nội dung quan trọng đã được triển khai tập trung, nhanh chóng, đi thẳng vào vấn đề, hội nghị đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của cán bộ, đảng viên trong cả nước. Sau hội nghị, không chỉ lan tỏa tinh thần tích cực, niềm tin và sự kỳ vọng trong cán bộ, đảng viên, mà nhân dân khắp nơi cũng quan tâm, đặc biệt là rất phấn khởi khi sắp có những bước phát triển đột phá mới.
CUỘC CÁCH MẠNG VỀ TINH GỌN BỘ MÁY
Tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng truyền đạt các nội trọng tâm trong triển khai tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW Trung ương Đảng khóa XII; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã truyền đạt chuyên đề “Tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế”; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính truyền đạt chuyên đề “Báo cáo kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025”; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa hướng dẫn công tác tuyên truyền các nội dung của hội nghị. Đặc biệt, tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có phát biểu chỉ đạo vô cùng quan trọng, thu hút sự quan tâm rất lớn của cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước.
Cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy - là những vấn đề cấp thiết hiện nay, “không thể chậm hơn được nữa”
Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng cho biết: Bộ Chính trị xác định việc tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW và sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị.
Hiện nay tổ chức bộ máy Chính phủ có 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ và 8 cơ quan trực thuộc. Khi thực hiện tinh gọn bộ máy sắp tới như Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng trình bày, sẽ giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ. Bên cạnh đó, một số đơn vị trực thuộc một số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ cũng sẽ được nghiên cứu sắp xếp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả…
Mỗi giai đoạn lịch sử, bộ máy Chính phủ đều được sắp xếp phù hợp. Từ khi đổi mới năm 1986, nhiều lần bộ máy được sắp xếp, giai đoạn 1992-1997 có 36 bộ, ngành; giai đoạn 1997-2002 có 48 bộ, ngành; giai đoạn 2002-2007 có 38 bộ, ngành; từ năm 2007 có 30 bộ, ngành. Và sau 15 năm ổn định, lần này sẽ là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy ở nước ta, như Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng đánh giá. Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng cũng lưu ý: “Bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay…”.
Khi thực hiện Nghị quyết số 18, Nghị quyết số 19 về tinh gọn bộ máy, khoảng 4-5 năm trước, một số địa phương trong cả nước đã tiến hành sáp nhập, sắp xếp bộ máy hành chính, cơ quan chức năng tại địa phương mình. Điều đó cho thấy, vấn đề sắp xếp bộ máy đã đi vào thực tiễn và được đặt ra từ thực tiễn cuộc sống. Và cuộc cách mạng lần này là quy luật tất yếu trên chặng đường phát triển của đất nước.
BÌNH PHƯỚC THẾ NÀO?
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Câu hỏi được đặt ra lúc này là chúng ta đã đủ thế và lực? Câu trả lời là đã đủ.
Câu hỏi đặt ra là chúng ta đã đủ ý chí và quyết tâm để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh của dân tộc hay chưa? Câu trả lời là đã đủ.
Hiện nay đã là thời điểm, thời cơ; là sự cấp thiết, là đòi hỏi tất yếu khách quan cho cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả hay chưa? Câu trả lời là không thể chậm trễ hơn được nữa”.
Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý: “…Về kinh tế - xã hội, để đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra, chúng ta phải đổi mới tư duy, phải cởi trói, phải quyết đoán, phải bứt phá, phải vượt lên chính mình. Để vươn tới mục tiêu thu nhập trung bình cao cho người dân vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045 thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phải đạt hai con số liên tục trong những năm tiếp theo. Đây là một bài toán rất khó mà chúng ta phải làm. Chỉ có phép giải rút gọn mới ra đáp số kịp thời gian”.
“Phải có liều thuốc đủ mạnh để trị căn bệnh cán bộ làm việc hành chính, máy móc, tiêu cực, nhũng nhiễu, “hành dân”, “hành doanh nghiệp”, có lợi ích cá nhân thì mới làm, cố tình làm chậm công việc, xin ý kiến lòng vòng, đổ lỗi cho thể chế”.
Tổng Bí thư Tô Lâm |
Những vấn đề Tổng Bí thư Tô Lâm đặt ra là những vấn đề sát sườn, thực tiễn với đất nước và từng địa phương. Về thu nhập bình quân, Bình Phước hiện nay còn thấp hơn khá nhiều so với mặt bằng chung của cả nước. Năm 2023, thu nhập bình quân của Bình Phước 93,94 triệu đồng/người, tương đương 3.840 USD, trong khi bình quân cả nước 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284,5 USD. Năm 2024, mặc dù Bình Phước đã có nhiều cố gắng, thu nhập bình quân theo đầu người Bình Phước ước đạt 108,4 triệu đồng, tương đương 4.276 USD, vẫn thấp hơn khá nhiều so với mức thu nhập bình quân cả nước ước đạt 4.679 USD/người. Phát triển kinh tế của Bình Phước năm 2024 cũng còn nhiều khó khăn, phải điều chỉnh giảm một số chỉ tiêu…
Mặt bằng chung tốc độ tăng trưởng “phải đạt hai con số liên tục” trong những năm tới, rất khó với cả nước, với Bình Phước càng khó hơn khi Bình Phước còn có nhiều khó khăn, bất lợi về một số điều kiện cơ bản trong phát triển kinh tế.
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “chỉ có phép giải rút gọn mới ra đáp số kịp thời gian”. Với địa phương như Bình Phước, phép giải rút gọn ấy như thế nào - là vấn đề đặt ra với lãnh đạo tỉnh, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, HĐND, UBND cùng các cơ quan chức năng của tỉnh.
Tổng Bí thư Tô Lâm đặt vấn đề: “Sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai) hoàn thành và hoàn thành trước thời hạn, thì Bình Dương nghĩ gì, Bà Rịa - Vũng Tàu nghĩ gì, TP. Hồ Chí Minh nghĩ gì… các tỉnh Đông Nam Bộ nghĩ gì?”.
Bình Phước nằm trong vùng Đông Nam Bộ, vấn đề Tổng Bí thư Tô Lâm đặt ra, có Bình Phước trong đó. Sân bay Long Thành là cảng hàng không quốc tế lớn nhất cả nước, trở thành điểm kết nối chung của khu vực và thế giới… Qua đó tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam Bộ và của cả quốc gia, với kỳ vọng khi hoạt động sẽ đóng góp từ 3-5% GDP cả nước. Đây là “thời cơ vàng” cho các tỉnh, thành Đông Nam Bộ nói chung, Bình Phước nói riêng trong thu hút đầu tư, phát triển du lịch, tăng cường xuất khẩu… Và Tổng Bí thư Tô Lâm đã một lần nữa gợi mở về điều đó.
ĐÍCH ĐẾN CUỐI CÙNG ĐỀU PHẢI VÌ NHÂN DÂN
Về công tác chuẩn bị đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết: “Các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng đã được Trung ương xây dựng tương đối công phu, kỹ càng, khoa học… Mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng tự học hỏi để “nâng mình lên”, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới của đất nước”.
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đặc biệt lưu ý: Cần khắc phục những căn bệnh của công tác cán bộ trước đại hội như người không tái cử thì giữ an toàn, thủ thế, không dám triển khai cái mới; nhân sự dự kiến tham gia cấp ủy khóa mới thì giữ mình, không muốn va chạm, sợ mất phiếu; tính toán cho người thân, người quen, người “cánh hẩu” với mình vào các vị trí lãnh đạo hoặc dùng “thủ thuật tổ chức” để gạt người mà mình không thích...
Trong phần cuối phát biểu, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: Yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong thời gian tới là rất nặng nề và khẩn trương, cấp bách, phía trước còn rất nhiều khó khăn... Bên cạnh nỗ lực của Đảng, Nhà nước, rất cần sự vào cuộc, đồng lòng của toàn thể nhân dân. Và mục đích cuối cùng mọi hoạt động của Đảng, Nhà nước đều phải là nâng cao đời sống của nhân dân, vì nhân dân…