HOC TAP BAC

Một số giải pháp giai đoạn 5 năm (2024 - 2029) của MTTQVN huyện Bù Gia Mập

Thứ ba - 04/06/2024 04:27 925 0
 
Nhằm phát huy những thành quả của các nhiệm kỳ trước và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vượt qua mọi khó khăn thách thức, phấn đấu vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam huyện Bù Gia Mập lần thứ IV, xác định một số giải pháp sau giai đoạn 5 năm (2024 - 2029) như sau:
Giải pháp chủ yếu
Chương trình 1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của các tổ chức thành viên; vận động để nhân dân biết và ủng hộ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của địa phương.
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc, công tác tôn giáo và Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 12/10/2023 của Tỉnh ủy về tăng cường nắm tình hình Nhân dân, dân tộc, tôn giáo trong tình hình mới.
Tăng cường vận động, tập hợp đoàn kết đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Đổi mới nội dung, hình thức tổ chức ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư” làm tâm điểm gắn bó, đoàn kết các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn huyện.
Tổ chức gặp gỡ, tìm hiểu, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đồng bào các dân tộc, các tôn giáo để kiến nghị với cấp ủy, phối hợp cùng với chính quyền giải quyết kịp thời. Phát huy vai trò cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc, tôn giáo trong công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững ổn định tình hình ở địa bàn cơ sở.
Chương trình 2. Động viên các tầng lớp nhân dân thi sáng tạo, thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua.
Đổi mới, nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn huyện. Nâng cao hiệu quả các hoạt động vì người nghèo. Đổi mới và nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, lồng ghép nội dung Cuộc vận động với chương trình phát triển các sản phẩm đặc trưng của mỗi địa phương.
Tổ chức triển khai sâu rộng phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo” trong đoàn viên, hội viên và Nhân dân; động viên Nhân dân ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất và đời sống; lồng ghép phong trào “Đoàn kết sáng tạo” với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, phát triển các ý tưởng sáng tạo để thành lập các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, từng bước tham gia chuỗi giá trị hàng hóa của địa phương.
Tổ chức thực hiện các đợt vận động quyên góp đột xuất để cứu trợ đồng bào bị thiên tai, sự cố nghiêm trọng. Hỗ trợ người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững; tăng cường hỗ trợ xây dựng nhà, sinh kế cho hộ nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình chính sách, người có công, người cao tuổi, đối tượng yếu thế. Triển khai “Xóa nhà tạm cho người nghèo”. Phối hợp với các tổ chức thành viên tuyên truyền, cổ vũ, khuyến khích, động viên các điển hình mới, nhân tố mới; nhân rộng các điển hình, mô hình tiên tiến trong các phong trào thi đua, cuộc vận động. Tôn vinh, khen thưởng các tổ chức, cá nhân tiêu biểu, điển hình.
Chương trình 3. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, phát huy dân chủ, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước.
Tiếp tục cụ thể hóa nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội (Theo Quyết định số 217 ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị); tổ chức triển khai hoạt động giám sát và phản biện xã hội theo Nghị quyết liên tịch số 403/2017 ngày 15/6/2017 giữa Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chính phủ và Ủy ban thường vụ Quốc hội về các hình thức giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam; Thực hiện nhiệm vụ tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền (Theo Quyết định số 218 ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị).
Phối hợp tăng cường tổ chức các diễn đàn nhân dân, tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương với nhân dân (theo Quyết định 780-QĐ/TU ngày 13/9/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy); Trên cơ sở hướng dẫn của Mặt trận tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định 845-QĐ/TU ngày 13/12/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án “Phát huy vai trò của MTTQVN, các đoàn thể Chính trị - Xã hội và nhân dân trong tham gia góp ý xây dựng đảng, chính quyền”… Nhằm tập hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân với Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam; phát huy sáng kiến của nhân dân, nhất là đội ngũ trí thức để xây dựng địa phương.
Thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031; đề xuất đổi mới, nâng cao chất lượng phối hợp tổ chức cho đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp tiếp xúc cử tri.
Thực hiện công tác dân chủ ở cơ sở; tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo. Triển khai Đề án nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam giai đoạn 2024-2029. Triển khai Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện công tác phòng, chống tiêu cực.
Chương trình 4: Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
Tiếp tục thực hiện tốt vai trò của Mặt trận trong công tác đối ngoại nhân dân theo Kết luận số 57-KL/TW ngày 15/6/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới; Chỉ thị 12-CT/TW ngày 05/01/2022 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân trong tình hình mới.
Tổ chức tập huấn, tuyên truyền các chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; bồi dưỡng kỹ năng công tác lễ tân, đối ngoại, đối ngoại nhân dân cho cán bộ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; triển khai phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.
Vận động nhân dân trên địa bàn không vi phạm các quy chế biên giới, tuân thủ các quy định của Nhà nước về qua lại biên giới buôn bán, trao đổi hàng hóa và thăm người thân giữa hai bên. Tuân thủ luật pháp và phong tục, tập quán, giữ gìn tình đoàn kết hữu nghị với người dân Campuchia vùng biên giới tiếp giáp với Bình Phước.
Chương trình 5: Tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 26/12/2017 của Huyện ủy Bù Gia Mập V/v tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ, đoàn thể các cấp. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Mặt trận; củng cố hoạt động các Ban tư vấn; Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư.
Đổi mới các kỳ họp của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, bám sát tình hình đời sống nhân dân, tương quan với các kỳ họp của Hội đồng nhân dân các cấp để kịp thời phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân và phát huy vai trò của Mặt trận trong việc tham gia ý kiến phản biện các chính sách của chính quyền.
Đổi mới quan hệ công tác giữa Mặt trận với các cơ quan của Đảng, chính quyền; cụ thể việc phân công, hiệp thương phối hợp công tác hằng năm giữa Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp với các tổ chức thành viên. Mở rộng và phối hợp với các tổ chức không phải là thành viên của MTTQ Việt Nam.
Chương trình 6: Xây dựng khu dân cư đoàn kết, đồng thuận; an ninh, an toàn; ấm no, hạnh phúc.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục; phát huy vai trò chủ thể của Nhân dân; thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và toàn xã hội về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước. Chú trọng tuyên truyền, giới thiệu gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, mô hình mới, cách làm sáng tạo, hoạt động văn hóa, giáo dục nổi bật để nhân rộng và tạo sức lan tỏa trong xã hội.
Huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu văn hóa địa phương. Tạo dựng các sản phẩm văn hóa đặc trưng của huyện Bù Gia Mập.
Đổi mới việc tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua theo hướng thiết thực, hiệu quả, hướng mạnh về cơ sở để đông đảo người dân tham gia, thực sự là chủ thể trong lao động sản xuất, sáng tạo, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, làm giàu cho gia đình, quê hương, đất nước, củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Làm tốt công tác tôn vinh, khen thưởng các tổ chức, cá nhân tiêu biểu, điển hình; tích cực phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng mô hình hay, cách làm tốt. Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về thi đua, khen thưởng; tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ nhằm thúc đẩy mạnh mẽ các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.
Với tinh thần “Đoàn kết – Trách nhiệm – Trí tuệ - Hiệu quả” Đại hội kêu gọi các tầng lớp nhân dân trong và ngoài huyện phát huy tinh thần yêu nước, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, quyết tâm biến chương trình hành động Đại hội thành hiện thực trong cuộc sống, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của huyện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng quê hương Bù Gia Mập giàu mạnh, văn minh./.
“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết
Thành công, thành công, đại thành công”
 
 

Tác giả: ĐQ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây