HOC TAP BAC

Đồng bào Khmer Bình Phước tưng bừng vui hội Ok Om Bok

Thứ hai - 18/11/2024 03:05 212 0
BGM - Ok Om Bok là một trong 3 dịp lễ quan trọng, mang ý nghĩa to lớn đối với đồng bào Khmer, được tổ chức vào đêm trăng tròn tháng 10 âm lịch, cũng là lúc kết thúc vụ mùa. Mục đích chính của lễ hội là để đồng bào bày tỏ lòng biết ơn đối với mặt trăng.
Lễ cúng trăng diễn ra trong không khí vô cùng trang nghiêm
Lễ hội Ok Om Bok còn được biết đến với tên gọi như lễ đút cốm dẹp hay lễ hội cúng trăng... Đối với người Khmer, mặt trăng được xem là vị thần có quyền năng ảnh hưởng đến thành quả mùa màng và mang đến những điều tốt đẹp cho họ. Vì thế nên sau khi thu hoạch thành phẩm của mỗi vụ mùa thì đồng bào tiến hành nghi thức cúng tế để tạ ơn thần. Vật phẩm dâng cúng là các loại sản phẩm nông nghiệp bà con làm ra như ngô, khoai, trái cây... Đồ cúng quan trọng nhất không thể thiếu đó là cốm dẹp.
Các bà, các mẹ chuẩn bị nguyên liệu làm cốm dẹp. Ảnh: HenLy 
Để có được mẻ cốm dẹp thơm ngon, những người phụ nữ lanh lẹ, khỏe mạnh nhất sẽ được giao trách nhiệm giã cốm dẹp. Họ phải biết cách lựa chọn loại lúa vừa ngậm sữa được vài tuần để hạt cốm ngon dẻo, không bị vỡ ra khi giã. Nguyên liệu sau đó được đem rang một cách khéo léo để đảm bảo cốm thơm, chín đều nhưng không bị cháy hoặc làm giảm đi độ tươi ngon của hạt cốm. Bà Thị Chi, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh cho biết: "Món cốm dẹp ngon được trộn với dừa nạo, đường cát cùng một chút nước cốt dừa, như vậy mới cho vị béo, ngọt, bùi... nên phải qua nhiều công đoạn, tốn hao công sức. Mỗi năm một lần, chúng tôi giã cốm để cúng trăng vì thế ai cũng gửi hết vào đó trách nhiệm của mình, sự tận tâm và cả tình thương con trẻ nữa, vì các cháu sẽ được ưu tiên đút cốm dẹp trong mùa lễ hội. Ăn cốm, phải bốc bằng tay, nhúm gọn lại trước khi cho vào miệng mới cảm nhận đủ đầy sự dân dã của nó".
Đồng bào và các vị chư tăng, sư sãi tham gia đoàn rước hoa đăng
Tại chùa Sóc Lớn, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, lễ hội Ok Om Bok năm 2024 được tổ chức với quy mô nhỏ hơn so với các năm trước, nhưng về hình thức vẫn đảm bảo nhiều sắc màu tươi vui, đặc sắc. Một đoàn rước gồm nhiều chiếc cổng trang trí hoa lá; trên cổng giăng nhiều vật phẩm tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Xe thả đèn nước tháp tùng đoàn thả hoa đăng diễu hành qua các thôn sóc. Đi đầu là những nghệ nhân dân gian trong trang phục các vị thần cùng nhau nhảy múa, hát Aday, múa lâm thôn, lăm vông, lăm leo... cùng với âm thanh của tiếng trống sa dăm, nhạc ngũ âm làm rộn rã thôn, sóc. Những đóa hoa đăng được đồng bào thành kính kết từ nhiều loại cây trái vườn nhà, kèm theo hương hoa lung linh ánh nến... Sau khi diễn hành toàn bộ hoa đăng sẽ được đồng bào thả xuống mặt nước như gửi trao những ước nguyện đến các vị thần.
Những đĩa cốm được bày trí rất đẹp mắt cùng nhiều sản phẩm nông nghiệp khác như khoai, sắn, mía, trái cây trong lễ dâng cúng
Hoạt động ý nghĩa này đều được đồng bào từ già đến trẻ, các vị sư sãi trong các chùa thực hiện một cách trang nghiêm, thành kính nhất. Chính bởi sự sinh động, nhiều sắc màu của lễ hội Ok Om Bok, rất nhiều người dân, du khách ở khắp nơi cũng nô nức tham gia để tìm hiểu thêm về nét đặc sắc trong văn hóa đồng bào Khmer. Bạn Vũ Minh Thùy, du khách thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước bày tỏ: “Hôm nay em diện một bộ trang phục rất đẹp của đồng bào Khmer, hòa vào bầu không khí lễ hội Om Om Bok thật là tuyệt vời. Đây là lần đầu tiên em được trải nghiệm một lễ hội văn hóa đặc sắc như vậy. Qua đây mình yêu quý hơn nét văn hóa của đồng bào Khmer Bình Phước hơn”.
Các sư ban cốm và lời động viên cho các trẻ em
Những đóa hoa đăng được đồng bào thả xuống mặt nước như gửi trao những ước nguyện đến các vị thần 
Đúng lúc mặt trăng lên cao tỏa ánh sáng, các vị Acha, sư sãi sẽ chủ trì lễ cúng trăng. Họ bày tỏ lòng biết ơn của đồng bào Khmer đối với mặt trăng, xin mặt trăng tiếp nhận những lễ vật do bà con dâng cúng; ban cho mọi người sức khỏe dồi dào, cho mưa thuận gió hòa, cho năm tới trúng mùa, cho cuộc sống no đủ, hạnh phúc. Thú vị nhất là  thời điểm chủ lễ tập trung trẻ em lại ngồi xếp bằng, chắp tay nhìn về hướng mặt trăng, họ lấy cốm dẹp và các đồ cúng khác, mỗi thứ một ít phân phát cho các bé rồi hỏi các em mong ước gì? Sau khi nghe các trẻ trả lời, các vị sư sãi và người chủ lễ sẽ động viên, chúc các em nỗ lực thật cao để biến mong ước thành hiện thực.
Những điều mong cầu tốt đẹp của đồng bào Khmer được gửi trao trong đêm trăng tròn Ok Om Bok có ý nghĩa lớn hơn, đó là giúp mọi người sống lương thiện hơn, tử tế hơn với những nguyện ước, bởi có ai ước làm điều xấu bao giờ...
 

Tác giả:  Hưng Cát - Ngọc Thuận(BPO)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây