Xây dựng Ðảng về đạo đức và sứ mệnh vẻ vang của báo chí hiện nay
(Tiếp theo kỳ trước)
BGM-Ba là: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
Tâm huyết, trách nhiệm, dấn thân, nỗ lực hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, có ý chí, quyết tâm thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Ảnh TL
Quản lý, sử dụng tài sản công đúng mục đích, đúng quy định; tiết kiệm và hiệu quả; không xa hoa, lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức và các nguồn lực vật chất khác của tập thể và cá nhân. Trong sạch, không tham ô, tham nhũng, tiêu cực, không gây phiền hà, sách nhiễu. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Trung thực, thẳng thắn, khách quan, công tâm, tích cực đấu tranh tự phê bình và phê bình, không giấu khuyết điểm, không nói sai sự thật; thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh. Nêu cao lòng tự trọng, danh dự, không cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, giữ gìn phẩm giá của người cán bộ, đảng viên, không để tác động lôi kéo, cám dỗ tiêu cực. Không để gia đình, người thân và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi; bảo vệ uy tín, danh dự của bản thân và tổ chức đảng. Thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín.
Bốn là: Đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm.
Luôn luôn giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, cơ quan, tổ chức và trong nhân dân, trước hết là ở chi bộ, cơ quan, đơn vị công tác, khu dân cư; kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện chia rẽ, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm; xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật, kỷ cương, nhất là kỷ luật phát ngôn. Nói và làm theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chấp hành các quy định của cơ quan, đơn vị; phục tùng sự phân công của Đảng, của tổ chức. Sống có nghĩa tình, chân thành, thương yêu, đối xử, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp và mọi người theo lẽ phải, phù hợp với đạo lý dân tộc, cùng nhau tiến bộ.
Nêu cao trách nhiệm trong công tác và sinh hoạt; sẵn sàng đảm nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Kiên quyết đấu tranh, phê phán mọi hành vi né tránh, đùn đẩy hoặc có tư tưởng trung bình chủ nghĩa, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, không dám làm. Làm tốt trách nhiệm, bổn phận, nghĩa vụ đối với gia đình, cộng đồng, xã hội.
Năm là: Gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời.
Gương mẫu trong công tác và sinh hoạt, tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cán bộ, đảng viên chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, cấp trên gương mẫu trước cấp dưới, cấp ủy gương mẫu trước đảng viên, đảng viên gương mẫu trước quần chúng.
Tích cực vận động, thuyết phục gia đình, người thân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Khiêm tốn, cầu thị, giản dị; không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao phẩm chất, đạo đức, trình độ, năng lực công tác. Nói đi đôi với làm, đã nói là làm.
Đó là đạo đức hành động để mỗi cán bộ, đảng viên, từng cấp ủy và tổ chức đảng hành động đạo đức xuyên thấm trong xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Một cách tự nhiên nhi nhiên, đảng viên của một Đảng lãnh đạo, cầm quyền, nếu đạo đức kém hay không có đạo đức, nhất định sẽ không thể xứng đáng làm người chân chính, càng không thể thuyết phục và dẫn dắt được ai. Tổng hòa các nhân tố đó hợp thành nội dung hữu cơ của đạo đức, quán xuyến công tác xây dựng Đảng về đạo đức; là sự định hướng, định tính và định lượng về đạo đức của Đảng, của mỗi đảng viên, dù ở bất cứ cương vị nào, ở bất cứ đâu; là yêu cầu phát triển và thước đo trưởng thành về chính trị, tư tưởng và tổ chức của mỗi cấp ủy, mỗi tổ chức đảng và của toàn Đảng hiện nay.
Trước hết và sau cùng, càng phải xây dựng và phát triển nền móng đạo đức xã hội, đạo đức công dân, trước hết là đạo đức của mỗi đảng viên, để Đảng thực sự là một biểu tượng của văn hóa Việt Nam.
Không nghiêm cẩn về đạo đức, phẩm hạnh sẽ sa vào hủ hóa, tha hóa,… nghĩa là chuốc lấy cái chết về đạo lý, khi đó nhất định dẫn tới cái chết về pháp lý, về chính trị.
Báo chí làm gì và làm thế nào để góp phần xây dựng Ðảng về đạo đức?
Thực tiễn cho thấy, nếu thiếu sự tham gia của báo chí, chắc chắn khiếm khuyết, nhất định gặp rất nhiều khó khăn nan giải, thậm chí rất khó thành công.
Với 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí, trong đó có 319 tạp chí khoa học và 72 tạp chí văn học nghệ thuật - nơi hội tụ 7.587 người có bằng đại học trở lên, trong đó có nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu và hoạt động báo chí là lực lượng to lớn và khá toàn diện trên phương diện nghiên cứu khoa học nói chung và tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng. Đặc biệt, 481 cơ quan tạp chí khoa học và văn học nghệ thuật thật sự là nơi hội tụ và là diễn đàn rộng lớn và đa diện của các nhà khoa học, nhất là khoa học chính trị, đang góp phần làm nên cốt cách và vị thế của báo chí nước nhà trong việc tiên phong nghiên cứu, tuyên truyền về đạo đức và thực hành đạo đức.
Trong tình hình hiện nay, báo chí cần tiếp tục làm tốt các việc căn bản sau đây:
Thứ nhất, báo chí tiên phong trong việc nghiên cứu toàn diện và thấu triệt xây dựng Đảng về đạo đức, đồng thời cùng các tổ chức đảng xây dựng cơ chế thực hành đạo đức của đảng viên, cán bộ.
Đây là công việc mở đầu, có ý nghĩa nền móng của báo chí trên phương diện này. Trách nhiệm trước hết thuộc về các tạp chí lý luận chính trị, các tờ báo chính trị và các cơ quan truyền thông. Và, báo chí cần dựa vào các học viện, nhà trường nghiên cứu về vấn đề này.
Có thể nói, báo chí không nghiên cứu xứng tầm không thể tuyên truyền, cổ động và tham mưu xứng đáng về tư tưởng liêm chính hành động và hành động liêm chính trước hết trong đảng viên, cán bộ của hệ thống chính trị. Do đó, trọng trách đầu tiên của các cấp ủy và ban lãnh đạo các tờ báo, tạp chí là thực hiện nghiên cứu nội dung này. Và tối thiểu, cần tiếp tục kiến giải và phát triển các vấn đề nổi bật và cấp bách sau đây:
Một là, tiếp tục đổi mới việc nghiên cứu về lĩnh vực đạo đức, trực tiếp là đạo đức hành động và hành động đạo đức - tính quy luật của công tác xây dựng Đảng, với tư cách là một bộ phận hợp thành chỉnh thể của công tác xây dựng Đảng làm nền móng cho việc tuyên truyền và cổ động về đạo đức hành động và hành động đạo đức.
Đạo đức trong Đảng là đạo đức cách mạng, với những chuẩn mực giá trị cụ thể, là đạo đức hành động chứ không chỉ đơn thuần là tri thức đạo đức càng không phải là thứ đạo đức suông, “đạo đức cho người và đạo đức cho ta”. Đạo đức đó đối lập với chủ nghĩa cá nhân - “giặc nội xâm”, “căn bệnh gốc, bệnh mẹ đẻ ra trăm thứ bệnh xấu xa, hư hỏng, lỗi thời” và những chứng bệnh khác của một đảng cầm quyền về đạo đức, đó là đảng viên đa nhân cách, phân thân, dẫn tới suy thoái về chính trị, cơ hội chính trị, a dua chính trị, thậm chí phản bội chính trị.
Đảng trong sạch, vững mạnh, phải được biểu hiện và định lượng đúng đắn bằng nhiều tiêu chí, trong đó, tiêu chí đạo đức là nhân tố hàng đầu và xuyên thấm, hòa quyện trong những tiêu chí khác như chính trị cách mạng, đúng đắn, sáng suốt, kiên định; tư tưởng khoa học, tiên tiến, hiện đại, thống nhất; tổ chức thống nhất, chặt chẽ, kỷ luật trên nền tảng dân chủ - pháp quyền, phải là máu thịt của nhân dân... Đảng cầm quyền chính pháp, chính năng và tiêu biểu về chính đức, chính tín. Do đó, xây dựng Đảng về đạo đức phải bằng các chuẩn mực về những giá trị đạo đức cách mạng hành động và hành động đạo đức cách mạng vì dân, vì Tổ quốc, vì sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng. Xây dựng Đảng về đạo đức để làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng ngang tầm trọng trách lịch sử; chính là xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức xứng đáng với sự tin cậy và trao gửi trách nhiệm lịch sử của nhân dân. Đó là hạnh phúc của Đảng, của nhân dân. Cổ nhân nói: Hạnh phúc, cho dù dưới chế độ chuyên quyền hay dân chủ, cho dù trong sự nô lệ hay tự do, không bao giờ đạt được, nếu ta không có đạo đức.
Hai là, trong cổ động, tuyên truyền, cần kết hợp giáo dục nhận thức với rèn luyện quan điểm, tư tưởng, tình cảm, niềm tin và thực hành đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, trong từng cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức đảng và trong toàn Đảng của các cơ quan báo chí.
Để sức mạnh đạo đức cùng với sức mạnh luật pháp thể hiện và phát huy hiệu lực trong chống những thói tệ như xa dân, tham nhũng, vô liêm sỉ… cần đề cao, bảo vệ và “dưỡng đức” cán bộ, đảng viên trong Đảng, Nhà nước, toàn hệ thống chính trị - xã hội. Đặc biệt đề cao trách nhiệm chính trị và trách nhiệm đạo đức của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và đoàn thể.
Xây dựng Đảng về đạo đức gắn liền với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức thông qua thực hành đạo đức, thực hành dân chủ, thực hành tự phê bình và phê bình, thường xuyên lắng nghe và thành thực tiếp thu ý kiến đóng góp, phê bình của nhân dân trong xây dựng Đảng, thực hiện sự giám sát, kiểm tra của nhân dân đối với tổ chức đảng và các cán bộ, đảng viên. Thực hiện công khai, minh bạch thông tin và chế độ trách nhiệm trong Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức đoàn thể… để dân biết, dân bàn, dân kiểm tra. Trao quyền tới đâu kiểm tra, giám sát tới đó, chặt chẽ và nghiêm minh. Buông lỏng kiểm soát quyền lực chính trị, để cho quyền lực bị tha hóa, thoái hóa, nhất là tham nhũng quyền lực là vô trách nhiệm, thậm chí vô đạo đức. Người xưa cảnh báo: Quyền lực luôn thu hút những kẻ không có đạo đức. Gắn chặt các nội dung xây dựng Đảng, trực tiếp là xây dựng Đảng về đạo đức trong việc thực hiện quyền giám sát, phản biện, quyền và trách nhiệm kiểm soát quyền lực từ phía xã hội và nhân dân nhằm ngăn chặn và tẩy sạch tình trạng phi đạo đức trong cán bộ, đảng viên và các tổ chức đảng.
Cần nhấn mạnh rằng, việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, việc thực hiện Điều lệ Đảng và các quy định trong thể chế Đảng không chỉ có ý nghĩa pháp lý - chính trị mà còn chứa đựng những nội dung đạo lý và văn hóa. Ông cha ta nói: Dùng pháp trị chỉ được một dặm, dùng đức trị chỉ được mười dặm, nhưng kết hợp đức trị và pháp trị hài hòa thì giữ yên được muôn dặm sơn hà xã tắc.
(còn nữa)
Tác giả: TS. Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản