HOC TAP BAC

Con trâu trong văn hóa truyền thống của người S’tiêng

Thứ ba - 30/07/2024 20:45 624 0
BGM - Con trâu có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa của người S’tiêng. Trong nghi lễ nông nghiệp, nghi lễ vòng đời, xử phạt vi phạm luật tục hay mừng chiến thắng… tùy sự kiện, người S’tiêng có những ứng xử khác nhau với con trâu.
Con trâu - giá trị tài sản của gia đình
Trong văn hóa truyền thống của cư dân nông nghiệp lúa nước, con trâu có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp (cày, bừa, kéo xe, phân trâu dùng làm phân bón...). Con trâu có đặc điểm chân to, mình khỏe, thích nghi với môi trường nước, ẩm ướt nên rất thích hợp với việc cày, bừa ruộng nước. Vì vậy, con trâu được coi là đầu cơ nghiệp của các hộ cư dân nông nghiệp, nhiều câu ca dao đề cập đến hình ảnh con trâu trong đời sống văn hóa của con người.
Đối với người S’tiêng và cư dân làm nương rẫy, con trâu không gắn với công việc cày, bừa, kéo xe nhưng là tài sản quan trọng trong đời sống. Trong xã hội truyền thống của người S’tiêng, gia đình nào có chuồng trâu thì đó là dấu hiệu nhận biết nhà có điều kiện kinh tế. Nếu đó là nhà dài nhất làng, chuồng trâu rộng, chuồng có nhiều cọc trâu thì đó là nhà của chủ làng hay già làng, người có nhiều vợ, nhiều rẫy, nhiều trâu.
Con trâu có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa của người S'tiêng. Trong ảnh: Ông Điểu Đê ở xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng bên đàn trâu của gia đình - Ảnh: T.S
Để có được những đàn trâu, người S’tiêng phải cần cù lao động và biết tích lũy mới sở hữu được đàn trâu. Trước hết, họ phải nỗ lực để có nhiều rẫy, nhiều lúa, biết chăn nuôi. Những gia đình có phụ nữ biết dệt thổ cẩm thì họ bán thổ cẩm (chăn, váy, khố…) để đổi lấy heo, dần dần đổi lấy trâu. Những gia đình có nhiều con gái (S’tiêng phụ hệ), thông qua lễ cưới, họ được nhà trai đưa sính lễ như cồng, chiêng, ché quý…, những sính lễ này có thể bán, đổi để lấy trâu. Đặc biệt, trong lễ cưới của người S’tiêng thì trâu thịt và trâu dắt là thứ sính lễ không thể thiếu. Đây là những yếu tố hình thành đàn trâu đối với cộng đồng người S’tiêng. Hiện nay, một số nơi, người S’tiêng vẫn chưa bỏ tục đòi trâu thịt và trâu dắt trong lễ cưới.
Con trâu trong đời sống tinh thần
Con trâu có ý nghĩa quan trọng, rất phổ biến trong đời sống tinh thần của người S’tiêng và nhiều dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Trước hết, con trâu là sính lễ quan trọng trong cưới xin. Trong cưới xin truyền thống của người S’tiêng phụ hệ, trâu thịt và trâu dắt là thứ sính lễ quan trọng không thể thiếu. Đây cũng là tiêu chí để đánh giá mẹ cô dâu, cô dâu và địa vị của nhà trai. Một lễ cưới có thể là 1 hoặc 2 con trâu thịt và 1 con trâu dắt tùy vào lai lịch mẹ cô dâu. Mẹ cô dâu được cưới như thế nào thì cô dâu được cưới như thế ấy (nếu cưới mẹ không có trâu thì cưới con gái cũng không có trâu, trừ khi nhà trai có điều kiện, tự nguyện thực hiện), không có sự mặc cả, nếu gia đình nhà trai khó khăn thì nhà gái cho nợ sính lễ.
Đối với trâu thịt, sau khi giết trâu, người S’tiêng không cân trọng lượng con trâu mà họ dùng dây để đo kích thước cổ con trâu. Sau đó, người làm chứng và đại diện hai gia đình tiến hành đo kích thước cổ con trâu bằng cách: dùng độ dài của tay để đếm, nếu đoạn ngắn hơn thì dùng gang tay để đếm, kích thước nhỏ nhất được tính bằng chiều rộng ngón tay. Cách tính này chỉ mang tính tương đối, chủ yếu là cơ sở cho việc giao và nhận sính lễ, hoặc nếu phải hoàn trả sính lễ cho nhà trai. Thịt trâu được chia cho cộng đồng thể hiện tính cộng đồng, nâng giá trị của lễ cưới. Giá trị của lễ cưới không chỉ tính bởi nhà gái nhận được nhiều sính lễ từ nhà trai, giết mổ nhiều con vật, uống nhiều ché rượu, lễ cưới được tổ chức nhiều ngày... mà giá trị của lễ cưới còn được tính bởi “sự có mặt của con trâu” và thịt trâu được chia cho cộng đồng. Thông thường, những người đi dự lễ cưới phải nhớ số người của từng hộ trong làng mình, khi về có trách nhiệm chia thịt trâu cho dân làng.
Thứ hai là, con trâu được sử dụng làm lễ vật trong nghi lễ được mùa, mừng lúa mới. Khi thực hiện lễ gieo lúa, hoặc làm lễ cúng thần lúa (khi cây lúa trưởng thành khoảng 2-3 tháng), người S’tiêng thường khấn thần lúa và các vị thần phù hộ cho họ thu được nhiều gùi lúa. Nếu thu được 70 gùi thì sẽ cúng heo, nếu thu được 100 gùi thì cúng trâu. Những gia đình giàu có, nếu thu được nhiều gùi lúa thì có thể tổ chức lễ được mùa, đồng thời làm tạ lễ các sui gia với quy mô lớn, giết mổ nhiều con trâu và tổ chức nhiều ngày, đêm. Ngoài ra, người S’tiêng còn tổ chức lễ hội được mùa (ăn tết) với quy mô lớn (cộng đồng tổ chức), giết mổ nhiều trâu, heo, gà, thời gian diễn ra nhiều ngày.
Thứ ba, con trâu được sử dụng trong tang ma: Trong xã hội truyền thống, những gia đình khá giả, giàu có, khi có người thân qua đời, họ thường giết mổ trâu để tạ ơn cộng đồng đã đến chia buồn, phụ giúp gia đình làm quan tài (quan tài độc mộc được làm từ cây gỗ lớn, mất rất nhiều thời gian). Đây cũng là hình thức chia tài sản cho người quá cố.
Thứ tư là trong lễ kết bạn: Người S’tiêng dùng nhiều lễ vật khác nhau để làm lễ kết bạn. Nếu sử dụng những lễ vật nhỏ như gà, vịt, chó, heo thì gọi là “Ta poq”; nếu sử dụng con trâu làm lễ vật kết bạn thì gọi là “Ta gus”. Việc sử dụng con trâu làm lễ vật kết bạn là trường hợp rất đặc biệt, đây là những người giàu có, có địa vị xã hội (nhiều rẫy, nhà dài, nhiều vợ, người có mối quan hệ rộng, hiểu biết rộng…). Thông thường, khi ông A muốn kết bạn với ông B, thì ông A sẽ đặt vấn đề với ông B. Nếu ông B nhận lời thì ông A sẽ tiến hành các thủ tục, mời họ hàng, vợ con, cộng đồng chứng kiến. Ông B có thể trả lễ ngay hoặc sau vài tuần, vài tháng, vài năm. Nếu ông B chết thì con cái của ông B phải trả cho ông A. Nếu ông A chết thì ông B phải trả cho con cái, dòng họ ông A. Nếu cả hai đã chết thì con cái bên nợ phải trả lễ. Trong quá khứ, những người sĩ diện thường thách đố nhau và để lại những hậu quả nghiêm trọng. Sau khi ông B trả lễ cho ông A xong, ông B lại thách ông A với số trâu nhiều hơn mà ông A đã làm. Khi ông A trả lễ cho ông B xong, ông A lại thách ông B với số trâu nhiều hơn… và cứ thế tiếp tục. Những trường hợp như vậy, gia đình thường rơi vào cảnh túng quẫn, gả bán con gái, thậm chí người thân đi ở (làm nô lệ) để trả nợ. Hiện nay, việc dùng con trâu để làm lễ vật kết bạn không còn.
Thứ năm, con trâu được sử dụng trong lễ xử phạt loạn luân, chửa hoang, làm lây lan dịch bệnh cho cộng đồng. Đối với trường hợp này, trâu để cúng thần linh phải là trâu trắng để xóa ô uế theo quy định của làng.
Thứ sáu, con trâu được sử dụng trong dịp mừng chiến thắng: Trong quá khứ, khi chiến thắng (giải quyết cuộc xung đột), người S’tiêng thường mổ trâu, lấy huyết trâu để tẩy rửa ô uế vì đã sát hại đối thủ.

Tác giả: BáoBp (Điểu Điều)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây