Bài cuối:
ĐỂ ĐẢNG VIÊN KHÔNG PHẢI CHỌN “1 TRONG 2”
BPO - Đối với đảng viên là quân nhân xuất ngũ trở về địa phương, Bình Phước luôn xác định đây là lực lượng hết sức quan trọng trong việc xây dựng, củng cố tổ chức Đảng ở cơ sở. Do đó, để từng bước kéo giảm và chấm dứt tình trạng đảng viên rời tổ chức sau khi xuất ngũ về địa phương, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã và đang có những bước đi phù hợp bằng nhiều chương trình, đề án cụ thể.
“Đọc bệnh và trị bệnh”
Đứng trước thực trạng “thất thoát” đảng viên sau khi xuất ngũ trở về địa phương, trung tuần tháng 8 vừa qua, Ban Tổ chức Tỉnh ủy phối hợp với Bộ CHQS tỉnh tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác quản lý đảng viên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an trở về địa phương. Đại biểu Trung ương, Quân khu 7, lãnh đạo các địa phương trong tỉnh, quân nhân xuất ngũ đã có những chia sẻ thẳng thắn tại hội nghị.
Đa phần các đại biểu cho rằng, đảng viên xuất ngũ còn trẻ, là trụ cột kinh tế gia đình, nhiều người phải đi làm xa nên sinh hoạt Đảng chưa thường xuyên. Việc nắm tình hình đảng viên đi làm xa nơi cư trú của cấp ủy, chi bộ gặp nhiều khó khăn; động cơ vào Đảng của số ít đảng viên xuất ngũ chưa đúng đắn, chưa rõ ràng nên dễ giảm sút ý chí khi gặp khó khăn… Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến thời gian qua đã có không ít đảng viên xuất ngũ bị xóa tên, khai trừ và xin ra khỏi Đảng.
Do đó, việc tăng cường đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho đảng viên xuất ngũ là giải pháp được lãnh đạo tỉnh hết sức quan tâm. Ông Lê Văn Mãi, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Theo Nghị định 61 của Chính phủ, từ năm 2016 đến nay, Bình Phước có 497 thanh niên xuất ngũ đăng ký học nghề. Để chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm hiệu quả hơn nữa, ngoài tiếp tục kiến nghị các bộ, ngành điều chỉnh văn bản sao cho phù hợp; các cơ quan, đơn vị liên quan hằng năm cũng đã chủ động khảo sát sớm, tổng hợp số liệu về quân nhân xuất ngũ có nhu cầu học nghề để sở xây dựng kế hoạch sát với thực tiễn.
Đại tá Trần Đức Thắng, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7 cho rằng: Khi xin ra khỏi Đảng, bị xóa tên khỏi Đảng, anh em cũng trăn trở lắm. Thực tế ai cũng muốn tiếp tục được đứng trong hàng ngũ của Đảng, nhưng vì kế sinh nhai nên đành phải chọn “1 trong 2”. Do đó, thời gian tới các cấp, ngành cần linh động hơn, mềm hóa vấn đề liên quan đến thời gian sinh hoạt, quy định đóng đảng phí. Tuy nhiên, các quy định, Điều lệ Đảng phải thực hiện nghiêm.
Theo Đại tá Trần Đức Thắng, để đảng viên sau khi xuất ngũ tiếp tục cống hiến, gắn bó với các phong trào của địa phương, đòi hỏi cấp ủy chi bộ cần sâu sát, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, động viên tư tưởng để họ an tâm lao động, sản xuất tại địa phương. Muốn vậy, cấp ủy, chính quyền địa phương cần tập trung lãnh đạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế để đảng viên sau xuất ngũ có việc làm, cuộc sống ổn định, an cư lập nghiệp trên chính quê hương mình. Đó cũng là điều kiện cần để đảng viên sau khi xuất ngũ phát huy tinh thần trách nhiệm của người đảng viên, từng bước hạn chế việc xin miễn sinh hoạt Đảng do phải đi làm xa, hoặc phải làm đơn xin ra khỏi Đảng, qua đó góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng ở cơ sở.
Cũng theo Đại tá Trần Đức Thắng, ngoài những giải pháp nêu trên thì việc nâng cao chất lượng đảng viên trước khi lên đường nhập ngũ cần được cấp ủy, chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm. Theo đó, quá trình điều tra hồ sơ thanh niên nhập ngũ, cán bộ đơn vị cần phối hợp với địa phương, gia đình nắm nguyện vọng của thanh niên và số lượng mà địa phương xác định tạo nguồn sau khi xuất ngũ. Bởi từ thực tế cho thấy, với những cá nhân có ý thức xây dựng Đảng thì dù ở đâu, làm nghề gì đều phát huy được tính chiến đấu trong Đảng.
Bình Phước hiện có 19 đảng bộ trực thuộc, 752 tổ chức cơ sở đảng, với hơn 40.000 đảng viên. Riêng tháng 9-2024, Bình Phước đã thành lập được 4 chi bộ cơ sở trong KCN, trong đó có 3 chi bộ cơ sở thuộc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tính đến nay, toàn tỉnh có 55 tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp, với 482 đảng viên. |
Liên quan đến đội ngũ đảng viên là quân nhân xuất ngũ trở về địa phương, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Hằng khẳng định, Bình Phước luôn xác định đây là đội ngũ hết sức quan trọng trong việc củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở. Bởi trải qua quá trình rèn luyện trong quân ngũ, các đảng viên trưởng thành hơn, bản lĩnh chính trị vững vàng. Do đó, thời gian tới, Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương, đơn vị quan tâm, tạo điều kiện để sắp xếp, sử dụng đội ngũ đảng viên xuất ngũ sao cho hiệu quả. Trong đó, tăng cường kết nối với các doanh nghiệp, trường học để đào tạo nghề, giải quyết việc làm, quá trình đào tạo nghề sẽ được đơn giản hóa các hồ sơ, thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đảng viên xuất ngũ.
Như cá gặp nước…
Từng có thời gian tham gia quân ngũ tại Tiểu đoàn 208, Trung đoàn 736, Bộ CHQS tỉnh Bình Phước, nhờ rèn luyện tốt, anh Nguyễn Bá Toàn đã vinh dự được kết nạp Đảng tại đơn vị. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh trở về địa phương và tham gia sinh hoạt Đảng tại Chi bộ ấp Thanh Xuân, xã Thanh Phú, thị xã Bình Long. Những khó khăn bắt đầu xuất hiện kể từ khi anh đi làm công nhân tại Công ty TNHH Long Fa, Khu công nghiệp (KCN) Minh Hưng III (phường Minh Hưng, thị xã Chơn Thành), cách nhà hơn 30km.
Bình Phước đang tập trung công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên, đặc biệt trong đội ngũ công nhân lao động ở các khu, cụm công nghiệp. Trong ảnh: Anh Lê Châu Tài (giữa), quản lý sản xuất Công ty TNHH Long Sơn Inter Foods, KCN Bắc Đồng Phú nhận hoa chúc mừng tại lễ kết nạp đảng viên
Anh Toàn cho biết: Trước đây, ngoài động viên, chi bộ đã linh động bố trí, sắp xếp lịch sinh hoạt vào Chủ nhật nhằm tạo điều kiện cho đảng viên đi làm có điều kiện tham gia sinh hoạt Đảng đầy đủ. Tuy nhiên, vẫn còn khá bất cập khi công ty thường xuyên tăng ca, không chủ động được thời gian. Đặc biệt, sau 1 ngày lao động mệt nhọc về nhà tôi chỉ muốn nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động nên việc tham gia sinh hoạt chi bộ không được thường xuyên. Rất vui khi vừa qua, công ty đã thành lập được chi bộ với 20 đảng viên. Từ nay về sau, việc sinh hoạt chi bộ của tôi cũng như các đảng viên khác sẽ thuận lợi hơn rất nhiều”.
Anh Nguyễn Bá Toàn (bìa trái) tại buổi sinh hoạt đầu tiên ở Chi bộ cơ sở Công ty TNHH Beesco Vina, thị xã Chơn Thành
Bình Phước hiện có hơn 11.000 doanh nghiệp tư nhân, 12 KCN đang hoạt động và 1 khu kinh tế, với gần 75.000 công nhân. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Hằng cho biết: Việc kết nạp đảng viên, phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp ở KCN, khu kinh tế được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao tỷ lệ đảng viên là công nhân. Do đó, tỉnh đã triển khai Đề án số 09-ĐA/TU ngày 18-7-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh kết nạp đảng viên, phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ở KCN, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030. Mục tiêu của đề án đến năm 2030 phấn đấu thành lập từ 25-35 chi bộ trong các doanh nghiệp ở KCN, khu kinh tế.
Với 12 khu công nghiệp đang hoạt động và 1 khu kinh tế, gần 75.000 công nhân, trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện thành lập chi bộ. Trong ảnh: Công nhân KCN Bắc Đồng Phú, huyện Đồng Phú trong một dây chuyền sản xuất
Thực tế hiện nay rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện thành lập chi bộ, như: Công ty cổ phần gỗ MDF VRG Dongwha 14 đảng viên (KCN Minh Hưng III, thị xã Chơn Thành), Công ty TNHH New Apparel Far Eastern (Việt Nam) 30 đảng viên (KCN Bắc Đồng Phú, huyện Đồng Phú), Công ty TNHH Shyang Ying 18 đảng viên, Công ty TNHH sản xuất giày dép Grand Gain 17 đảng viên (KCN Đồng Xoài II, TP Đồng Xoài)…
Các chi bộ đảng trong KCN được thành lập trên tinh thần Đề án 09 của Tỉnh ủy không chỉ góp phần giải bài toán “giữ chân” đảng viên là quân nhân xuất ngũ nói riêng mà còn với các đảng viên nói chung làm việc trong các doanh nghiệp. Lâu dài sẽ xây dựng được đội ngũ đảng viên tương xứng với lực lượng trẻ hùng hậu ở các KCN, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh, góp phần xây dựng, củng cố tổ chức Đảng ngày càng lớn mạnh.