HOC TAP BAC

Bình Phước sẽ là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, là “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam Bộ

Thứ ba - 05/11/2024 04:06 430 0
BGM - Đặt trong bối cảnh so sánh động với các địa phương trong vùng và cả nước gắn với các xu hướng phát triển có thể thấy rằng Bình Phước có hai lợi thế hay tài sản mang tính chiến lược, đó là thuộc làn sóng phát triển thứ tư trong vùng Đông Nam Bộ và sự có sẵn về đất đai với cơ sở hạ tầng có thể đáp ứng cho nhu cầu phát triển.
Bài 5:
PHƯƠNG ÁN QUY HOẠCH XÂY DỰNG
VÙNG LIÊN HUYỆN, VÙNG HUYỆN
Quy hoạch các vùng huyện đảm bảo phù hợp với mục tiêu định hướng phát triển tổng thể của tỉnh. Việc xác định vùng liên huyện là cơ sở để phân công phát triển từng vùng, phân bổ các chỉ tiêu về phát triển kinh tế, xã hội, đô thị, bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo tính thống nhất chung toàn tỉnh trong việc phát triển đồng bộ kinh tế, xã hội.
Phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện
Triển khai lập các quy hoạch vùng liên huyện bảo đảm phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh và theo quy định. Trên địa bàn tỉnh dự kiến có 3 vùng liên huyện gồm:
Vùng phía Nam gồm 3 đơn vị hành chính là thành phố Đồng Xoài, thị xã Chơn Thành và huyện Đồng Phú, là trung tâm kinh tế động lực và là trung tâm công nghiệp - đô thị - dịch vụ của tỉnh, trong đó thành phố Đồng Xoài là trung tâm phát triển của tỉnh Bình Phước. Định hướng phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường; phát triển các ngành sản phẩm công nghiệp chính như: công nghiệp phụ trợ, cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến thực phẩm gắn với việc khai thác có hiệu quả hệ thống đường cao tốc, đường sắt và các cảng cạn tại thị xã Chơn Thành và huyện Đồng Phú; phát triển đô thị gắn với các ngành dịch vụ, trọng tâm là dịch vụ logistics, thương mại, tài chính và các loại hình dịch vụ có giá trị gia tăng cao như: du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, đào tạo, y tế, du lịch, khoa học công nghệ. Thu hút đầu tư phát triển hệ thống các công trình hạ tầng kinh tế như: trung tâm hội chợ triển lãm, trung tâm logistics, cảng cạn, kho hàng hóa gắn với các khu - cụm công nghiệp, chợ đầu mối.
Vùng liên huyện gồm thành phố Đồng Xoài, thị xã Chơn Thành và huyện Đồng Phú sẽ là trung tâm kinh tế động lực và là trung tâm công nghiệp - đô thị - dịch vụ của tỉnh - Ảnh: Tiến Dũng
Vùng phía Tây gồm 3 đơn vị hành chính là thị xã Bình Long, huyện Hớn Quản và huyện Lộc Ninh, với trung tâm phát triển là thị xã Bình Long, là vùng phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ, logistics của tỉnh. Định hướng phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh như: công nghiệp chế biến nông lâm sản, công nghiệp năng lượng, công nghiệp hỗ trợ; phát triển các loại hình thương mại - dịch vụ, nhất là trung tâm thương mại mua sắm tập trung kết hợp với dịch vụ nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí; phát triển du lịch gắn với các di tích lịch sử văn hóa; phát triển hạ tầng thương mại biên giới, cảng cạn Hoa Lư, kho hàng hóa gắn với các khu, cụm công nghiệp và chợ đầu mối trên địa bàn.
Vùng phía Đông Bắc gồm 5 đơn vị hành chính gồm thị xã Phước Long và các huyện Bù Đốp, Bù Gia Mập, Phú Riềng, Bù Đăng, với trung tâm phát triển là thị xã Phước Long, là vùng miền núi, biên giới, sinh thái đầu nguồn. Định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông sản, du lịch sinh thái gắn với Vườn quốc gia Bù Gia Mập, núi Bà Rá, hồ Thác Mơ và trảng cỏ Bù Lạch; phát triển kinh tế vùng biên giới theo hướng kết hợp đẩy mạnh du lịch sinh thái, văn hóa để nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực.
Thị xã Phước Long là trung tâm phát triển của vùng phía Đông Bắc và được định hướng phát triển du lịch sinh thái gắn với núi Bà Rá, hồ Thác Mơ - Ảnh: Tiến Dũng
Phương án quy hoạch xây dựng vùng huyện
Quy hoạch các vùng huyện đảm bảo phù hợp với mục tiêu định hướng phát triển tổng thể của tỉnh gồm:
Vùng thành phố Đồng Xoài:
Tính chất: Xây dựng thành phố Đồng Xoài trở thành đô thị hiện đại, sinh thái, thông minh; là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng - an ninh của tỉnh Bình Phước.
Hướng phát triển trọng tâm: Phát triển trung tâm thương mại, trung tâm hội chợ triển lãm, kho hàng hóa gắn với các khu, cụm công nghiệp, trung tâm logistics; phát triển dịch vụ cao cấp kết hợp nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, đại lý thương mại, hệ thống bán lẻ và cửa hàng tiện dụng; phát triển công nghiệp hiện đại 4.0, chọn lọc các ngành có giá trị gia tăng cao như: chế biến, chế tạo, phụ trợ, vật liệu, công nghệ thông tin; phát triển nông nghiệp đô thị sạch, thông minh, hiệu quả.
Vùng thị xã Chơn Thành:
Tính chất: Xây dựng thị xã Chơn Thành trở thành đô thị năng động, sinh thái, thông minh.
Hướng phát triển trọng tâm: Phát triển công nghiệp gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và nguồn nhân lực có chất lượng cao; phát triển thương mại, dịch vụ, sân gôn, du lịch.
Việc xác định vùng huyện là cơ sở để phân công phát triển từng vùng phù hợp với thế mạnh của từng địa phương - Ảnh: Tiến Dũng
Vùng huyện Đồng Phú:
Tính chất: Xây dựng huyện Đồng Phú trở thành đô thị năng động, sinh thái và kết nối.
Hướng phát triển trọng tâm: Tập trung phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng và thế mạnh như chế biến nông lâm sản, chế biến sản phẩm từ chăn nuôi, may mặc xuất khẩu, sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch; phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch sinh thái.
Vùng thị xã Bình Long:
Tính chất: Xây dựng và phát triển thị xã Bình Long theo hướng đô thị bản sắc, sinh thái, văn minh; là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội khu vực Tây Bắc của tỉnh Bình Phước.
Hướng phát triển trọng tâm: Phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch; phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh như khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng (xi măng); chế biến nông lâm sản, công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp.
Vùng huyện Hớn Quản:
Tính chất: Là vùng đệm cho tam giác phát triển Chơn Thành - Đồng Xoài - Đồng Phú, có vai trò giảm các áp lực về đô thị, môi trường, giữ gìn các không gian xanh, quỹ đất dự trữ.
Hướng phát triển trọng tâm: Phát triển công nghiệp, đô thị, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.
Vùng huyện Lộc Ninh:
Tính chất: Là địa phương của vùng phía Tây, có vị trí an ninh - quốc phòng trọng yếu; là cửa ngõ đối ngoại quan trọng của tỉnh thông qua Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư giáp với Campuchia.
Hướng phát triển trọng tâm: Phát triển công nghiệp chế biến nông sản, chế biến cao su, chế biến gỗ xuất khẩu, điện năng lượng mặt trời; phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, nhất là dịch vụ vận tải, kho bãi, logistic tại cảng cạn Hoa Lư, thương mại biên giới.
Vùng huyện Lộc Ninh là cửa ngõ đối ngoại quan trọng của tỉnh thông qua Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư giáp với Campuchia - Ảnh: Tiến Dũng
Vùng huyện Phú Riềng:
Tính chất: Phú Riềng nằm trong vùng phát triển phía Đông của tỉnh Bình Phước với trục động lực chính là Đồng Xoài - Bù Gia Mập. Là vùng đệm cho tam giác phát triển Đồng Xoài - Đồng Phú - Chơn Thành, có vai trò giảm các áp lực về đô thị, môi trường, giữ gìn các không gian xanh, quỹ đất dự trữ.
Hướng phát triển trọng tâm: Phát triển công nghiệp chế biến cao su và chế biến điều; phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ; phát triển chăn nuôi theo mô hình công nghiệp, khép kín.
Vùng thị xã Phước Long:
Tính chất: Xây dựng và phát triển thị xã Phước Long theo hướng đô thị sinh thái, bản sắc, văn minh; là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội khu vực phía Bắc và Đông Bắc của tỉnh Bình Phước.
Hướng phát triển trọng tâm: Phát triển các khu thương mại, siêu thị; các dịch vụ vận tải, giáo dục, y tế, thông tin và truyền thông, tài chính, ngân hàng; phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm từ hạt điều, chế biến gỗ, chế biến hoa quả và du lịch sinh thái.
Vùng huyện Bù Gia Mập:
Tính chất: Là huyện miền núi phía Đông Bắc tỉnh Bình Phước, có vị trí chiến lược quốc phòng - an ninh, thuộc vùng biên giới Việt Nam - Campuchia.
Hướng phát triển trọng tâm: Phát triển nông, lâm nghiệp theo mô hình nông nghiệp sinh thái, bền vững và chăn nuôi đại gia súc; phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản và tiểu thủ công nghiệp; phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
Vùng huyện Bù Đăng:
Tính chất: Là huyện miền núi phía Đông Bắc tỉnh Bình Phước, cửa ngõ giáp với Tây Nguyên.
Hướng phát triển trọng tâm: Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến sâu nâng cao chuỗi giá trị và phát triển chăn nuôi tập trung quy mô công nghiệp; phát triển công nghiệp chế biến điều, chế biến nông sản; phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa lịch sử.
Bù Đăng được định hướng phát triển công nghiệp chế biến điều bởi thổ nhưỡng ở đây được quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu điều - Ảnh: Tiến Dũng
Vùng huyện Bù Đốp:
Tính chất: Là huyện miền núi phía Đông Bắc tỉnh Bình Phước, có vị trí chiến lược quốc phòng - an ninh, thuộc vùng biên giới Việt Nam - Campuchia.
Hướng phát triển trọng tâm: Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến sâu nâng cao chuỗi giá trị, nhất là hồ tiêu; phát triển trồng và chế biến cây ăn trái, rau củ quả và chăn nuôi heo, gia cầm gắn với chế biến, xuất khẩu; phát triển thương mại biên giới.

Tác giả: PV(BPO)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây