Ngày 1/7, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở sẽ chính thức ra mắt trên toàn quốc. Đây là lực lượng được hình thành từ việc kiện toàn 3 lực lượng sẵn có bao gồm: công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố và dân phòng.
Công an các địa phương đã xây dựng kế hoạch, tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức triển khai Luật và Lễ ra mắt theo đúng quy định và tiến độ đề ra; bảo đảm các điều kiện về trụ sở làm việc, công cụ hỗ trợ, kinh phí để lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở hoạt động hiệu quả, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm ANTT ở cơ sở.
Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là “cánh tay nối dài” của lực lượng Công an.
Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Luật số 30) được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 6 thông qua vào ngày 28/11/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng, vững chắc, toàn diện cho việc xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; góp phần kiện toàn, sắp xếp, bố trí lực lượng, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của từng tổ chức cơ sở; kịp thời đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới.
Luật này gồm 05 Chương 33 Điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Theo quy định của luật, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng do chính quyền địa phương thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân để hỗ trợ Công an xã, phường, thị trấn (công an cấp xã) giúp UBND cùng cấp trong bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Chịu sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng, sự quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã; sự hướng dẫn, phân công, kiểm tra của Công an cấp xã (Lực lượng này được hình thành từ việc kiện toàn 3 lực lượng sẵn có bao gồm: công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố và dân phòng).
Trong đó, nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được quy định từ Điều 7 đến Điều 12, gồm 6 nhóm nhiệm vụ: Hỗ trợ nắm tình hình về an ninh, trật tự; Hỗ trợ xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; Hỗ trợ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; Hỗ trợ quản lý hành chính về trật tự xã hội; Hỗ trợ vận động, giáo dục người đã có hành vi vi phạm pháp luật đang cư trú tại cơ sở; Hỗ trợ tuần tra bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự khi được điều động.
CA Bù Gia Mập khem thưởng cho cá nhân năm 2023
Sau lễ ra mắt, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở sẽ là “cánh tay nối dài” của lực lượng công an xã trong bám sát địa bàn cơ sở, gần dân, hiểu dân, phối hợp, hỗ trợ đắc lực thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở cũng quy định các điều kiện để tham gia lực lượng này, bao gồm: Đủ từ 18 - 70 tuổi (trường hợp trên 70 tuổi nhưng có sức khỏe tốt sẽ được xem xét theo quyết định của Chủ tịch UBND cấp xã dựa trên đề nghị của công an cấp xã); Có lý lịch rõ ràng, phẩm chất đạo đức tốt, cá nhân và gia đình tuân thủ tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang thụ án hình sự…
Góp phần bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở
* Sự ra đời của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ có tác động tích cực như thế nào đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
- Sự ra đời của lực lượng này sẽ góp phần bảo đảm việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo, mâu thuẫn. Cùng với đó kiện toàn, tinh gọn đầu mối, chức danh theo chủ trương chung hiện nay cũng như kiện toàn lực lượng để có điều kiện tập trung nguồn lực, cơ sở vật chất và bảo đảm điều kiện cho hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được tốt hơn, thực chất hơn.
Bảo đảm linh hoạt, chủ động, nhanh chóng trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự và phòng cháy chữa cháy ở địa bàn cơ sở. Khắc phục được những chồng chéo, mâu thuẫn trong thực hiện nhiệm vụ giữa các lực lượng và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của các văn bản quy phạm pháp luật.
* Một vấn đề được quan tâm là chế độ, chính sách, thu nhập, bảo hiểm với lực lượng sẽ ra sao?
- Luật quy định người tham gia lực lượng được hưởng tiền hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế theo mức do HĐND cấp tỉnh quyết định. Tùy theo tình hình kinh tế - xã hội của mỗi địa phương sẽ quyết định mức hỗ trợ hằng tháng.
Bên cạnh đó người chưa tham gia bảo hiểm y tế mà bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương trong quá trình làm nhiệm vụ được hỗ trợ thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh...
Lực lượng cũng được trang bị, sử dụng trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận, phương tiện, thiết bị cần thiết để thực hiện nhiệm vụ và các điều kiện bảo đảm hoạt động khác quy định tại luật. Hiện Chính phủ đã ban hành nghị định 40/2024 quy định chi tiết một số điều của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
6 nhiệm vụ của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
1. Hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ nắm tình hình về an ninh, trật tự.
2. Hỗ trợ xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
3. Hỗ trợ phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
4. Hỗ trợ quản lý hành chính về trật tự xã hội.
5. Hỗ trợ vận động, giáo dục người đã có hành vi vi phạm pháp luật đang cư trú tại cơ sở.
6. Hỗ trợ tuần tra bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự khi được điều động.