HOC TAP BAC

"Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là cẩm nang cho các cấp ủy"

Thứ năm - 19/09/2024 23:30 703 0
BGM - Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhấn mạnh bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là một tài liệu rất bổ ích, cẩm nang cho các cấp ủy căn cứ vào thực hiện.

Phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII. (Ảnh: TTXVN)
Trong quá trình lãnh đạo, Đảng thường xuyên đổi mới, phát triển, hoàn thiện phương thức lãnh đạo, cầm quyền phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, từ đó lãnh đạo dân tộc Việt Nam giành nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, để đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Bài viết về “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới,” của đồng chí Tô Lâm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhấn mạnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng với phương pháp, cách thức cầm quyền dân chủ, khoa học, thường xuyên được đổi mới phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ từng thời kỳ, sự nghiệp cách mạng Việt Nam nói chung, sự nghiệp đổi mới nói riêng đã lập nhiều kỳ tích, đạt được thành tựu vĩ đại.
Từ một đất nước chưa có tên trên bản đồ thế giới, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Việt Nam đã vươn lên trở thành biểu tượng hòa bình, ổn định, hiếu khách, điểm đến của các nhà đầu tư và du khách quốc tế...
Đặc biệt, đã hình thành thể chế chính trị ổn định với cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Hệ thống tổ chức bộ máy của Đảng qua nhiều lần kiện toàn, từng bước định hình, đang tiếp tục đổi mới, sắp xếp lại. Hệ thống chính trị, nòng cốt là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân được xây dựng, hoàn thiện, khẳng định vai trò quản lý, điều hành mọi hoạt động của đời sống xã hội…
Tuy vậy, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, đó là một số chủ trương, định hướng lớn của Đảng chưa được thể chế kịp thời, đầy đủ hoặc đã thể chế nhưng tính khả thi không cao. Mô hình tổng thể của hệ thống chính trị chưa hoàn thiện; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của tổ chức, cá nhân, người đứng đầu có nội dung chưa rõ; phân cấp, phân quyền chưa mạnh...
Trao đổi với phóng viên về nội dung bài viết trên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về văn hóa-xã hội Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh đây là một tài liệu rất bổ ích, thậm chí đây là cẩm nang cho các cấp ủy, các địa phương căn cứ thực hiện.
Góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng
- Trong bài viết về "Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới,” đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn mạnh cụm từ "tiếp tục đổi mới mạnh mẽ," vậy xin ông cho biết ý nghĩa và tầm quan trọng trong các nội dung bài viết đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay?
Ông Nguyễn Túc: Chủ đề bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nói lên tất cả ý đồ của tác giả: Trong bối cảnh mới cần thay đổi phương pháp lãnh đạo và phương pháp điều hành.
Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng lần thứ 13 cũng nhấn mạnh sau 30 năm đổi mới chúng ta đã có một cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày hôm nay. Bên cạnh đó, Đại hội XIII cũng đặt ra các mục tiêu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng một cách cụ thể, rồi đến 2045 tức là 100 năm thành lập nước Việt Nam cũng phải đạt được những gì?
Muốn đạt được các mục tiêu đó, điều đầu tiên phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa. Cụm từ: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa” đã được nhắc đến trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Theo tôi nhận thấy, nếu cứ “bình bình” như thế này thì chúng ta khó có thể đạt được các mục tiêu đề ra.
Vì thế, với định hướng đưa ra, trước hết phải ở Đảng, phải làm khâu đột phá, trong đó chính là “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa phương thức lãnh đạo của Đảng để đạt được kết quả tốt nhất.”
Và, muốn đạt được đổi mới đó phải thấy được mặt mạnh và mặt yếu. Về mặt mạnh, bài viết đã nêu bật thành tích của hơn 94 năm lãnh đạo Cách mạng, Đảng ta không ngừng tìm tòi, phát triển, bổ sung, hoàn thiện phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền. Đây là yếu tố then chốt bảo đảm cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, đưa con thuyền cách mạng vượt qua mọi thác ghềnh, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đất nước đang đứng trước thời điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, yêu cầu đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền để đưa dân tộc tiếp tục tiến lên đang đặt ra cấp bách…
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Mặt mạnh còn thể hiện ở gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày hôm nay. Nhưng tôi thấy điểm nhấn ở đây trong bài viết đó là nếu cứ say sưa với những cái đạt được mà không thấy được cái thiếu sót hiện nay thì chúng ta không thể phát triển được.
Trong bài viết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng chỉ ra những hạn chế. Đơn cử như một số văn bản còn chung chung, trùng lắp, chậm bổ sung, sửa đổi, thay thế và một số chủ trương chưa được thực hiện và đặc biệt, đồng chí còn nêu: Một số chủ trương, định hướng lớn của Đảng chưa được thể chế kịp thời, đầy đủ hoặc đã thể chế nhưng tính khả thi không cao…
Tôi còn nhớ một câu nói của Bác Hồ: Trong cách viết phải làm sao để người ta hiểu được, người ta thuộc, người ta thực hiện và giám sát nó dễ. Do vậy, ngay trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng nhấn mạnh nghị quyết của các cấp ủy phải ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp thu, dễ thực hiện và dễ kiểm tra, đấy là điều tôi thấy hết sức cần thiết trong bài viết này và bản thân tôi cũng hết sức tâm đắc với ý đó.
Đảm bảo thực hiện có hiệu quả đường lối của Đảng
- Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy các cơ quan Đảng, Nhà nước, đặc biệt là “rõ người, rõ việc,” theo ông cần phải xây dựng các văn bản và triển khai cụ thể như thế nào tới các cấp, các ngành?
Ông Nguyễn Túc: Đại hội XIII của Đảng nêu: Phải tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng đề cập, đó là hiện nay có những cái trùng lắp, có cái bao biện làm thay. Thực tế theo quan sát của tôi, có nơi Đảng còn làm thay chính quyền, nhưng có cái lại buông lỏng… do đó, những điều đồng chí nêu ra, về đổi mới toàn diện là điều hết sức cần thiết.
Ngay cả mối quan hệ giữa Đảng với chính quyền như thế nào để từng vị trí, từng người sẽ làm đúng chức năng nhiệm vụ của mình. Hay mối quan hệ giữa Đảng với các đoàn thể, đặc biệt với Mặt trận Tổ quốc. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng đã chỉ rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là thành viên vừa là người lãnh đạo Mặt trận."
Mặc dù đã có quy định rõ việc lãnh đạo của đảng đối với mặt trận, nhưng có nơi vẫn chưa thực hiện tốt, hay việc đào tạo đội ngũ cán bộ cũng vậy, có cấp ủy còn chưa làm tốt.
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)
Tôi nhấn mạnh thêm về phương thức lãnh đạo của Đảng đó là phê bình, tự phê bình. Thực tế, qua nhiều vụ án mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương xử lý thì hầu hết đều nhấn mạnh việc không tập trung dân chủ. Một số nơi cán bộ, đảng viên vẫn chưa dám đấu tranh vì còn nể nang, né tránh, do vậy phải thực hiện tốt, bài bản, đúng trách nhiệm mình được phân công, chứ không “múa lộn sân” như đã từng xảy ra ở một số nơi, dẫn tới việc một số lãnh đạo chủ chốt bị xử lý kỷ luật.
Qua bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, tôi thấy cần phải tập trung vào việc xây dựng bộ máy tinh gọn, tổ chức của cơ quan Đảng thực sự là hạt nhân trí tuệ, là “Bộ Tổng tham mưu.” Đã nói là Đảng muốn đổi mới được phương thức lãnh đạo của các đoàn thể thì trước hết phải đổi mới lãnh đạo của Đảng, vì như vậy mới thấm vào phương thức lãnh đạo của các đoàn thể, Nhà nước.
Thực tế vừa qua, nhân sự cấp ủy ở một số nơi chưa phải là “Đức tài trọn vẹn.” Vì vậy, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nói rất đúng và trúng, đó là “tập trung tinh gọn bộ máy, tổ chức các cơ quan của đảng, thực sự là hạt nhân trí tuệ, là “bộ tổng tham mưu,” đội tiên phong lãnh đạo cơ quan Nhà nước. Xây dựng các cơ quan tham mưu của cấp ủy thực sự tinh gọn; cán bộ tham mưu có phẩm chất chính trị, có năng lực, trình độ chuyên môn giỏi, tinh thông nghề nghiệp, trách nhiệm và thông thạo công việc. Nghiên cứu, đẩy mạnh việc hợp nhất một số cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng.”
- Thực tế vẫn có tình trạng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm như ông nêu ở trên, vậy qua bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, theo ông các cơ quan chức năng cần tập trung khơi thông những vấn đề gì để đảng viên có thể sẵn sàng cống hiến, vì công việc chung của đất nước?
Ông Nguyễn Túc: Thực tế, Trung ương đã có văn bản về nêu gương người dám nghĩ, dám làm, dám nhận trách nhiệm, như thực tế ở một số nơi chưa làm tốt nên làm cho cán bộ còn ngại, thà tự phê bình trong Đảng còn hơn bị xử lý hình sự.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII. (Ảnh: TTXVN)
Vì thế, trong bài viết này, bản thân tôi luôn tâm đắc nội dung: Tiếp tục đổi mới công tác kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động của Đảng. Đảng kiểm tra, giám sát để công việc được thực hiện tốt hơn, nghị quyết được thực hiện hiệu quả hơn; bộ máy của Đảng, Nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đúng chủ trương, đường lối, đúng người, đúng việc; kịp thời phát hiện nhân tố mới, cách làm hay, sáng tạo; uốn nắn, điều chỉnh những biểu hiện lệch lạc, chệch hướng hoặc ngăn chặn những hành vi sai trái, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước… thì tôi thấy mừng ở điều đó.
- Xin trân trọng cảm ơn ông.
 

Tác giả:  (Vietnam+)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây