HOC TAP BAC

Giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số

Thứ hai - 15/07/2024 23:41 826 0
Thay vì hỗ trợ theo hình thức “cho - nhận” thụ động như trước đây, Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được thực hiện theo phương châm “1 trung tâm - 3 trụ cột - đa tiếp cận”. Tức là lấy người nghèo làm trung tâm, kết hợp 3 trụ cột, gồm: Lồng ghép nguồn vốn tích hợp các chương trình mục tiêu quốc gia, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở cùng vào cuộc, huy động các tầng lớp xã hội cùng tham gia. Nhờ đó, sau 5 năm triển khai thực hiện chương trình, Bình Phước đã gặt hái “quả ngọt”. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh chỉ còn 574 hộ nghèo DTTS.
Bài cuối:
 “QUẢ NGỌT” TỪ CHƯƠNG TRÌNH ĐẶC THÙ

Điểm sáng giảm nghèo
Với 34 DTTS, hơn 57.000 người, chiếm hơn 40% dân số, huyện Bù Đăng được ví như một Bình Phước thu nhỏ. Đầu năm 2019, toàn huyện vẫn còn 1.488 hộ nghèo, 790 hộ cận nghèo, trong đó 959 hộ nghèo và 449 hộ cận nghèo DTTS.
Ông Nguyễn Văn Lưu, Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng cho biết, sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS, bằng các nguồn lực hỗ trợ, huyện đã bố trí hơn 120 tỷ đồng để hỗ trợ nhà ở cho 586 hộ; đất ở cho 35 hộ; nhà vệ sinh cho 127 hộ; nước sinh hoạt cho 616 hộ; chuyển đổi nghề cho 1.356 nhu cầu; kéo điện cho 316 hộ; vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho 57 hộ.
 
Từ nguồn vốn hỗ trợ, người dân lựa chọn hình thức phát triển kinh tế phù hợp điều kiện gia đình
Đối với những hộ trồng trọt, sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ nông cụ để phát triển kinh tế
“Cùng với các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS của tỉnh đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS. Đời sống người dân ngày càng được nâng cao, các chương trình y tế, giáo dục, mạng lưới thông tin đáp ứng tốt nhu cầu người dân. Nhờ đó, giai đoạn 2019-2023, toàn huyện đã giảm được 1.430 hộ nghèo. Đây là kết quả vô cùng to lớn, thể hiện tính nhân văn sâu sắc của chương trình, được đông đảo người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đồng tình, ủng hộ cao” - ông Lưu khẳng định.
Huyện biên giới Lộc Ninh có 16 xã, thị trấn, trong đó 8 xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi. Hiện nay, toàn huyện có hơn 114.000 người, trong đó gần 25.000 người DTTS, chiếm 21,7% dân số toàn huyện. Địa bàn biên giới rộng, tỷ lệ đồng bào DTTS cao nên công tác giảm nghèo bền vững của địa phương gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, từ khi triển khai Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS của tỉnh, trong 5 năm, huyện đã hỗ trợ 1.979 nhu cầu, tương ứng gần 60 tỷ đồng. Bằng những nguồn lực hỗ trợ kịp thời đã giúp các hộ nghèo DTTS phát triển kinh tế. Từ đó, đời sống người dân ngày càng được đảm bảo, bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc được bảo tồn; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng biên được giữ vững… góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo DTTS của huyện từ 938 hộ năm 2019, xuống còn 14 hộ cuối năm 2023.
Kết quả ấn tượng 
Thực hiện Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS, trong 5 năm, Bình Phước đã bố trí hơn 675 tỷ đồng để hỗ trợ các nhu cầu như: xây, sửa chữa nhà ở; đất ở; chăn nuôi, trồng trọt; đào tạo, chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm… cho hộ nghèo DTTS. Trong đó, vốn ngân sách tỉnh hơn 284 tỷ đồng, vốn ngân sách huyện gần 5,4 tỷ đồng, vốn lồng ghép từ chương trình mục tiêu quốc gia hơn 51 tỷ đồng, nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 147 tỷ đồng; vốn vận động từ cộng đồng gần 173 tỷ đồng, còn lại là các nguồn vốn lồng ghép khác để thực hiện chương trình.
Ông Mai Xuân Tuân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết, giai đoạn 2019-2023, toàn tỉnh đã có 3.311 hộ được hỗ trợ nhà ở, 82 hộ được hỗ trợ đất ở
Ông Mai Xuân Tuân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Để phát huy hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ, sở đã căn cứ vào chỉ tiêu giảm nghèo của từng địa phương, riêng với hộ nghèo DTTS dựa theo danh sách đăng ký thoát nghèo. Các địa phương khảo sát nhu cầu cần hỗ trợ của từng hộ để lập kế hoạch đề nghị bổ sung những chỉ tiêu còn thiếu hụt. Trên tinh thần đó, giai đoạn 2019-2023, toàn tỉnh có 3.311 hộ được hỗ trợ nhà ở; 82 hộ được hỗ trợ đất ở; 1.622 hộ được hỗ trợ xây nhà vệ sinh; 2.135 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt; 6.440 hộ được hỗ trợ chuyển đổi nghề; 1.353 hộ được hỗ trợ kéo điện; 1.092 hộ được hỗ trợ tivi và 3.125 hộ được hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. 
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh yêu cầu nỗ lực, phấn đấu trong năm 2024, chậm nhất trong quý 2/2025, Bình Phước không còn hộ nghèo
Giai đoạn 2016-2018, tỷ lệ giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS hằng năm của tỉnh đạt thấp, mỗi năm chỉ giảm 1,15%. Tỷ lệ hộ nghèo DTTS trong tổng số hộ nghèo của tỉnh có xu hướng tăng. Do đó, Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS được ban hành với mục đích tiếp thêm nguồn lực để đồng bào vươn lên thoát nghèo. Từ nguồn vốn hỗ trợ, giai đoạn 2019-2023, Bình Phước đã giảm được 6.598 hộ nghèo DTTS, từng bước đưa tỷ lệ hộ nghèo DTTS của tỉnh giảm xuống còn 574 hộ vào cuối năm 2023. Đây là kết quả to lớn, ấn tượng, ngoạn mục, góp phần làm thay đổi toàn diện cuộc sống người DTTS.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh TRẦN TUYẾT MINH

Phấn đấu đến năm 2025 không còn hộ nghèo
Thành quả từ Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh là hết sức to lớn, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, làm thay đổi toàn diện đời sống của hàng ngàn hộ DTTS. Hiện nay, toàn tỉnh chỉ còn 574 hộ nghèo DTTS (tính đến cuối năm 2023). Do đó, UBND tỉnh đề xuất Tỉnh ủy từ năm 2024 trở đi sẽ không thực hiện Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS, đưa nhiệm vụ giảm hộ nghèo DTTS thực hiện chung trong kế hoạch giảm nghèo hằng năm của tỉnh. Cụ thể, lồng ghép giảm 292 hộ nghèo DTTS vào chỉ tiêu giảm 500 hộ nghèo năm 2024 của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2116/QĐ-UBND ngày 27-12-2023 về việc giao kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Kinh tế phát triển, cuộc sống ổn định, người dân chú trọng giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Trong ảnh: Lễ hội kết bạn cộng đồng của người M’nông giữa 2 thôn Sơn Hòa và Sơn Tùng, xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng
Theo Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh, dù Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS khép lại nhưng trên tinh thần thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo hằng năm của tỉnh, thời gian tới, đề nghị các cấp, ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục duy trì bền vững kết quả giảm nghèo trên phạm vi toàn tỉnh. Nỗ lực, cố gắng hơn nữa không để tái nghèo, đặc biệt là tái nghèo trong vùng đồng bào DTTS. Chuyển trọng tâm chương trình giảm nghèo từ chiều rộng sang chiều sâu, tập trung nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, phấn đấu đến năm 2025, Bình Phước không còn hộ nghèo.
 

Tác giả:  Báo Bp (Xuân Túc - Ngọc Bích)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây