HOC TAP BAC

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Chủ nhật - 21/07/2024 10:12 120 0
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người vừa sâu sắc về lý luận, vừa bám sát tình hình thực tiễn trong Đảng, cho nên nội dung các bài phát biểu, các bài viết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đều tập trung trả lời những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, những điều mà nhân dân đang kỳ vọng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng (Ảnh: Nguồn xaydungdang.org.vn).
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư của Đảng luôn đau đáu lời nhắc nhở của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một dân tộc, một đảng và  mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định ngày hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào Chủ nghĩa cá nhân”. Do vậy, là người đứng đầu Đảng, Tổng Bí thư thấu hiểu tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đây “ là nhiệm vụ then chốt để phát triển đất nước” và “để làm sao cho Đảng ngày càng mạnh hơn; cán bộ, đảng viên gương mẫu hơn; tổ chức Đảng có sức chiến đấu cao hơn; đoàn kết nội bộ hơn; gắn bó với nhân dân mật thiết hơn; được nhân dân tin yêu hơn; thúc đẩy nhiệm vụ chính trị đạt kết quả cao hơn”.
Đồng chí Tổng Bí thư là người vừa sâu sắc về lý luận, vừa bám sát tình hình thực tiễn trong Đảng, cho nên nội dung các bài phát biểu, các bài viết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đều tập trung trả lời những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, những điều mà nhân dân đang kỳ vọng. Cụ thể là trả lời các câu hỏi: “ Tại sao từ trước đến nay, Đảng đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị về xây dựng Đảng, đã chỉ đạo nhiều cuộc vận động đổi mới, chỉnh đốn Đảng nhưng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, chưa ngăn chặn, đẩy lùi được “; rằng, tại sao càng chống tham nhũng thì tham nhũng lại có chiều hướng gia tăng và vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực; rằng, nguyên nhân nào dẫn đến những biểu hiện suy thoái  về tư tưởng, chính trị và đạo đức, lối sống, “ tự diễn biến “, “ tự chuyển hóa” nội bộ…?
Kế thừa Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh về tinh thần nói thẳng, nói thật, nói rõ sự thật, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi sâu phân tích, giải đáp nhiều vấn đề “ hóc búa “ không chỉ bằng lý luận khoa học mà bằng thực tiễn sinh động, làm sáng tỏ những vấn đề thực tiễn đặt ra, giúp cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng đi vào chiều sâu và đạt được những kết quả mà nhân dân mong đợi. Nhìn nhận rõ những yếu kém, khuyết điểm trong Đảng, những “ thói hư tật xấu” trong “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên”, Tổng Bí thư chỉ rõ nguyên nhân chính là “ do nguyên nhân chủ quan, do lỗi của chúng ta; do sự yếu kém, thiếu kiên quyết trong công tác giáo dục , lãnh đạo, quản lý các cấp. Suy đến cùng là do không vượt qua được chủ nghĩa cá nhân… Mọi thứ xấu xa, hư hỏng đều sinh ra từ căn bệnh này “.
Với quyết tâm chính trị và với tư duy biện chứng, tin tưởng vào sức mạnh đoàn kết của Đảng, vào sự yêu thương, đùm bọc của nhân dân, Tổng Bí thư cho rằng: “Đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “ tự diễn biến” , “tự chuyển hóa” trong nội bộ là cuộc chiến đầy cam go, nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến vận mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ ta. Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh vì “ từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống dẫn tới “ tự diễn biến”, “ tự chuyển hóa “ chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội các lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”.
Trên thực tế, qua các thời kỳ cách mạng đều cho thấy: Phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên luôn là vấn đề ảnh hưởng quyết định đến uy tín, danh dự của Đảng với nhân dân. Vì thế, quan điểm xuyên suốt của Đảng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ là:  “Kiên quyết, kiên trì thực hiện, khó mấy cũng phải thực hiện, thực hiện với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, tiến hành thường xuyên, liên tục ở các cấp, các ngành, đồng bộ ở cả Trung ương và cơ sở… “. Đồng thời, Tổng Bí thư cũng khẳng định: “ Đảng ta đã làm, làm nhiều, làm thường xuyên và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nếu không làm thì không có được những thành quả như ngày hôm nay “.
Do xác định rõ khó khăn, phức tạp trong việc tiến hành xây dựng, chỉnh đốn Đảng nên Tổng Bí thư cũng thường xuyên đặt ra yêu cầu:  “Phải rất bình tĩnh, tỉnh táo, khách quan, không nóng vội, làm bước nào chắc bước đó”. Đồng thời, muốn có sự “Chuyển biến rõ rệt  thì cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Từng tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ trách nhiệm của mình trước nhân dân, trước Đảng để họ tự giác thực hiện. Ở đây, sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định”.
Một nội dung được Tổng Bí thư đặc biệt quan tâm là vai trò của quần chúng nhân dân trong công tác xây dựng Đảng, trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; “ tự diễn biến ”, “tự chuyển hóa “ trong nội bộ. Trong hầu hết các bài phát biểu, bài viết, Tổng Bí thư luôn yêu cầu các cấp phải “ thực sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, là một chủ trương chiến lược, một vấn đề cơ bản trong đường lối của Đảng ta “. Vì thế, Tổng Bí thư thường xuyên chỉ đạo phải động viên nhân dân tham gia thảo luận xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng…, tham gia kiểm tra mọi hoạt động của tổ chức Đảng, giám sát, phê bình cán bộ, đảng viên.
Trong thời điểm này, Đảng ta sẽ biến đau thương thành sức mạnh, thành hành động cách mạng để thực hiện thắng lợi di nguyện của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, như Đồng chí đã chỉ đạo : “Nếu Đảng ta không thật sự vững vàng về chính trị, tư tưởng; không thống nhất cao về ý chí, hành động; không trong sạch về đạo đức, lối sống; không khoa học, chặt chẽ về bộ máy, tổ chức; không được nhân dân tin cậy và ủng hộ thì Đảng ta không thể đứng vững và đủ sức chỉ đạo đưa đất nước đi lên”. Chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, chung sức, đồng lòng, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, tiếp tục tiến hành thường xuyên công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, lãnh đạo nhân dân đưa đất nước phát triển phồn vinh và hạnh phúc như mong muốn lúc sinh thời của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng!
 
 

Tác giả: (ĐCSVN) Tiến sĩ Bùi Thế Đức

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây