HOC TAP BAC

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Tấm gương sáng để các thế hệ sau học tập

Chủ nhật - 21/07/2024 09:33 9.397 0
Người dân cả nước mãi ghi nhớ công lao và khâm phục nhân cách của nhà lãnh đạo lỗi lạc dành trọn đời mình cho Đảng, Tổ quốc, nhân dân.
Tiếp nối tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư
Bà Nguyễn Kim Cảnh, 75 tuổi, cán bộ hưu trí (Số nhà 45, Khu tập thể cơ khí Hà Nội, quận Thanh Xuân, Hà Nội) bày tỏ sự bàng hoàng, tiếc thương nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân. Ảnh: Tuyết Mai/TTXVN
Bà Nguyễn Kim Cảnh (75 tuổi, cán bộ hưu trí ở Khu tập thể cơ khí Hà Nội, quận Thanh Xuân, Hà Nội) bùi ngùi tâm sự: "Ở tuổi đáng ra đã được nghỉ ngơi nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cống hiến, làm việc tới hơi thở cuối cùng để gánh vác việc dân, việc nước. Sự ra đi của Tổng Bí thư là mất mát vô cùng to lớn cho dân tộc, cho Đảng và gia đình, quê hương, làng xóm".
Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện rõ vai trò hạt nhân lãnh đạo, tạo sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị, đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, giành được nhiều thành tựu trên nhiều lĩnh vực, uy tín, vị thế của đất nước ngày càng cao, được nhân dân và bạn bè quốc tế đánh giá cao. Đặc biệt, nhờ sự sáng suốt, quyết liệt của Tổng Bí thư, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực được thực hiện hiệu quả, không có vùng cấm, đem lại sự tin tưởng, ủng hộ của người dân vào Đảng, chính quyền.
Là nhà lãnh đạo lỗi lạc, trong cuộc sống đời thường đồng chí luôn giản dị, khiêm tốn, mẫu mực được dân kính, dân yêu, xứng đáng là tầm gương để cán bộ, đảng viên và mọi người dân noi theo.
"Tấm gương đạo đức sáng ngời của Tổng Bí thư sẽ luôn đồng hành cùng đất nước, dân tộc trong chặng đường phía trước và luôn tồn tại trong trái tim mỗi người dân Việt Nam. Những tư tưởng lớn của Tổng Bí thư là tài sản quý báu để lại cho thế hệ sau kế thừa và phát huy, bảo vệ và xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc", bà Nguyễn Kim Cảnh tin tưởng.
Ngồi trầm ngâm trước màn hình ti vi, ông Nguyễn Thuận Quảng (89 tuổi, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) ngậm ngùi cho biết, hơn 20 năm trong vai trò lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trong đó hơn 10 năm làm Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện rõ sự sáng suốt, quyết liệt trên tất cả các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt là sự đoàn kết nhất trí cao trong Đảng.
"Trong hơn 10 năm trở lại đây, công cuộc phòng, chống tham nhũng của đất nước ghi nhận hiệu quả cao. Có thể nói, niềm tin với Đảng ngày càng mạnh mẽ, sâu sắc, đó là công lao to lớn của Tổng Bí thư trên cương vị Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng. Tôi tin rằng, những tinh thần của Tổng Bí thư sẽ còn được tiếp nối để đất nước ngày càng mạnh, giàu", ông Nguyễn Thuận Quảng chia sẻ.
Tấm gương mẫu mực
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hào, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường - Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Thành phố Hồ Chí Minh tin rằng di sản mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại vẫn còn sống mãi. Ảnh: TTXVN
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sỹ Nguyễn Trọng Hào, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, sự ra đi của người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam là một mất mát lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Trong những năm qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đã có nhiều công lao to lớn trong việc xây dựng đất nước, đặc biệt là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Sinh thời, Tổng Bí thư là một người lãnh đạo bình dị, sống một đời giản dị, thanh cao khiến bao người nể phục. Đồng chí là tấm gương sáng về “cần, kiệm, liêm, chính” bất kể người lãnh đạo, đảng viên nào cũng cần học tập, noi theo.
Dù Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra đi nhưng di sản đồng chí để lại vẫn còn sống mãi. "Với tinh thần đoàn kết, thống nhất một lòng của hệ thống chính trị, chính quyền, nhân dân, tôi tin rằng trong thời gian tới đất nước ta sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh và  đạt các mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ VIII đã đề ra.
Chúng tôi luôn ghi nhớ lời dặn của đồng chí Tổng Bí thư: “Người thầy thuốc có vinh dự to lớn, nhiệm vụ vẻ vang nhưng hết sức nặng nề”. Bên cạnh công tác khám chữa bệnh, hiện chúng tôi đang nỗ lực đào tạo ra ngày càng nhiều bác sĩ “vừa hồng vừa chuyên” để chăm sóc ngày càng tốt hơn nữa sức khỏe của người dân", Phó Giáo sư Nguyễn Trọng Hào chia sẻ.

Ông Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Huỳnh Khương Ninh (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ: Trải qua nhiều cương vị, nhiều vai trò khác nhau, Tổng Bí thư đã dành cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, cho đất nước, cho dân tộc. Đặc biệt, công cuộc phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư lãnh đạo đã gặt hái được rất nhiều thành công. 
Theo ông Cao Đức Khoa, nhà trường sẽ đưa nội dung giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng, về những đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho nhân dân, cho đất nước vào nội dung giáo dục để các thế hệ học sinh tiếp tục học tập, noi theo. Trong kế hoạch đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhà trường cũng có nội dung về tấm gương mẫu mực trong học tập và làm theo Bác Hồ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây sẽ là nội dung được nhà trường sinh hoạt thường xuyên, trong chi bộ, Công đoàn.
Theo ông Tôn Thất Minh, nguyên là giáo viên bộ môn Lịch sử, Trường Trung học Cơ sở Cù Chính Lan (quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh), người dân đều thấy được công lao, đóng góp rất lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với đất nước. Ở cương vị người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Tổng Bí thư đã có những chủ trương lớn cho sự phát triển của đất nước nói chung, nhiều quyết sách nhất quán thúc đẩy Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng phát triển.
Ông Tôn Thất Minh bày tỏ sự yêu quý, kính trọng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - một người giản dị, gần gũi với nhân dân, được mọi người dân tôn kính. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một tấm gương mẫu mực, được sự tin tưởng tuyệt đối của toàn thể cán bộ, đảng viên, mọi tầng lớp nhân dân.

Nhân dân Pom Lót làm theo lời dặn của Tổng Bí thư
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ và nhân dân xã Pom Lót, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên trong chuyến thăm ngày 16-7-2016. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN
Ông Đoàn Đình Sứng, người dân xã Pom Lót, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên nhớ lại: Ngày 16-7-2016, ông may mắn được đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã. Điều đọng lại trong ông và mọi người về Tổng Bí thư là tác phong làm việc giản dị, gần gũi với cán bộ, nhân dân trong xã.
Sau khi nghe lãnh đạo xã báo cáo tình hình phát triển của địa phương, Tổng Bí thư lắng nghe và dặn dò nhiều vấn đề rất thiết thực với xã, nhấn mạnh tới việc đảm bảo tình hình an ninh chính trị, tập trung phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho người dân. Đặc biệt, trong buổi gặp mặt hôm ấy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh đến hai từ “Đoàn kết” và mong muốn sang năm 2017, xã sẽ phải về đích nông thôn mới.
Khắc ghi lời căn dặn của Tổng Bí thư, chính quyền địa phương và cộng đồng các dân tộc trong xã đã nỗ lực, đồng lòng để đến năm 2017, xã Pom Lót cũng đã cơ bản về đích nông thôn mới. Từ đó đến nay, xã luôn giữ vững và hoàn thành các tiêu chí còn lại về xây dựng nông thôn mới theo quy định. Năm 2023, xã Pom Lót vinh dự được chọn là xã nông thôn mới nâng cao. “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người chiến sỹ cộng sản, người lãnh đạo mẫu mực, gần gũi với nhân dân, yêu thương dân vô cùng. Trước sự mất mát to lớn này, dù rất đau buồn nhưng tôi tự nhủ lòng mình sẽ tiếp tục thực hiện tốt những di nguyện mà Tổng Bí thư đã căn dặn trong buổi gặp mặt hôm đó”, ông Đoàn Đình Sứng bày tỏ.
Ông Nguyễn Văn Đẩu, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Pom Lót, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên không giấu được sự xúc động, tiếc thương trước sự ra đi đột ngột của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN
Ông Nguyễn Văn Đẩu, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Pom Lót, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cho biết: Những lời căn dặn của Tổng Bí thư giúp cán bộ và nhân dân trong xã thực hiện tốt được các nội dung của Nghị quyết Đại hội XII, làm tiền đề thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII.
Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Pom Lót kể, kỷ niệm nhớ nhất đối với ông là khi cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi viếng đài tưởng niệm thanh niên xung phong trên địa bàn. Dù mới gặp lần đầu, nhưng Tổng Bí thư có hỏi ông đi bộ đội được bao nhiêu năm, ông trả lời là đi quân ngũ được 5 năm, làm nhiệm vụ tại nước bạn Lào.
Tổng Bí thư đã căn dặn: “Đã qua môi trường quân ngũ thì phải phát huy hết khả năng của mình để làm sao phục vụ nhân dân cho thật tốt”. Những lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là động lực mạnh mẽ để ông Nguyễn Văn Đẩu cùng với người dân, cấp ủy chính quyền địa phương trong xã, cùng nhau đoàn kết để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đã đề ra.

“Điều ấn tượng nhất về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người hết sức rất giản dị và gần gũi. Tại cuộc gặp mặt, xã có tặng Tổng Bí thư một chiếc khăn piêu của đồng bào dân tộc Thái và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất thích, quàng ngay lên cổ và đeo suốt trong buổi làm việc", ông Đẩu nhớ lại.
Ông Lê Ngọc Hoàn, Chủ tịch UBND xã Pom Lót, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên không giấu được sự xúc động, tiếc thương trước sự ra đi đột ngột của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN
Ông Lê Ngọc Hoàn, Chủ tịch UBND xã Pom Lót cho biết: Khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, toàn thể đảng viên, quần chúng nhân dân trên địa bàn vô cùng thương tiếc. Với tình cảm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành cho, xã Pom Lót một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu chỉ thị, Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đề ra.
Đặc biệt, thực hiện tốt việc đoàn kết, thống nhất nội bộ trong Đảng, cũng như công tác lãnh đạo, chỉ đạo về phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn, để xây dựng Pom Lót ngày càng phát triển theo tâm nguyện của Tổng Bí thư; nêu cao tinh thần đoàn kết, cảnh giác cách mạng, phòng chống các thế lực thù địch; quyết tâm xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng chính quyền ngày càng phát triển.

 

Tác giả: Nhóm PV TTXVN tại các địa phương

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây