HOC TAP BAC

“Dân vận khéo, việc gì cũng thành công”

Chủ nhật - 13/10/2024 23:39 216 0
BGM - Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ hệ thống tư tưởng của Người về cách mạng Việt Nam. Đó là hệ thống quan điểm về mục đích, nhiệm vụ, đối tượng và phương thức tiến hành công tác dân vận, trong đó nổi bật, đặc sắc là phương pháp dân vận khéo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thực tiễn sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng đang đặt ra cho chúng ta những đòi hỏi tất yếu phải huy động sức mạnh, trí tuệ, kinh nghiệm, nguồn lực và sự đoàn kết, ủng hộ của nhân dân để phát triển đất nước. Bởi thực tế “dân vận khéo, việc gì cũng thành công”.
Ngày 15/10/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Dân vận” đăng trên báo Sự thật số 120 và đây được xem là cương lĩnh, kim chỉ nam về công tác vận động quần chúng của Đảng.
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ “DÂN VẬN KHÉO”
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định nhất quán quan điểm “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, mọi lực lượng cách mạng đều ở nơi dân. Người luôn ý thức sâu sắc rằng, vai trò, lực lượng, sức mạnh của nhân dân chỉ có thể phát huy nếu dân chúng được giác ngộ, được tổ chức, được lãnh đạo. Muốn vậy, phải giảng giải lý luận cho quần chúng; cán bộ, đảng viên phải đi sâu vào quần chúng, vận động, giác ngộ, tổ chức quần chúng, lãnh đạo quần chúng, đưa quần chúng ra đấu tranh. Để tập hợp, đoàn kết được lực lượng đông đảo, khơi dậy và phát huy được sức mạnh của toàn dân, đòi hỏi phải làm tốt công tác dân vận. Công tác dân vận có ý nghĩa quan trọng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”1.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân vận khéo trước hết là phải thật thà nhúng tay vào việc. Người cán bộ nói phải đi đôi với làm, phải sát dân, phù hợp với đặc điểm lợi ích của từng đối tượng. Dân vận khéo tức là phải tiến hành một cách khoa học, khéo léo tổ chức, thực hiện cả về lãnh đạo, nội dung, phương thức, hình thức hoạt động phù hợp nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong công tác dân vận để tập hợp, đoàn kết rộng rãi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Dân vận khéo nghĩa là phải đạt tới trình độ nhuần nhuyễn, khoa học và được xem là nghệ thuật trong công tác dân vận.
Vậy ai là người phụ trách công tác dân vận? Hay nói cách khác, chủ thể của công tác dân vận là ai? Ngay trong bài báo Dân vận (1949), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt câu hỏi: “Ai phụ trách dân vận?” và Người tự trả lời: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh…) đều phải phụ trách dân vận”2. Như vậy, phụ trách công tác dân vận, thực hiện dân vận khéo để đạt được mục tiêu nhiệm vụ chính trị trong sự nghiệp cách mạng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị chứ không phải của riêng ai, là công việc chung, là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các tổ chức nhân dân… 
“Dân vận khéo” hiện nay chính là yêu cầu về sự đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công tác dân vận của cả hệ thống chính trị, phải khắc phục bệnh hình thức, không thật thà nhúng tay vào việc theo đúng tinh thần, chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Muốn đạt được mục tiêu của công tác dân vận, khi thực hiện phải có phương pháp đúng và khéo. Phương pháp đúng và khéo theo Người là phải cụ thể, thiết thực, phù hợp chứ không xa rời thực tế, cao siêu. Nghĩa là: Phương pháp dân vận khéo là cách thức tập hợp khéo léo, phù hợp, có hiệu quả trong công tác vận động quần chúng phù hợp với yêu cầu phát triển xã hội. 
“DÂN VẬN KHÉO” GÓP PHẦN XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Thời gian qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được cả hệ thống chính trị quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện, thu hút đông các tầng lớp nhân dân tham gia. Thông qua phong trào đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, đảng viên, công chức, viên chức và xã hội về vai trò và vị trí của công tác dân vận; phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; tạo động lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tất cả địa phương trong cả nước giải quyết thỏa đáng những vấn đề phức tạp, nảy sinh liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân. Điển hình “dân vận khéo” trên tất cả lĩnh vực được quan tâm nhân rộng góp phần nâng cao trình độ, kỹ năng, phương pháp, kinh nghiệm về công tác dân vận cho đội ngũ cán bộ dân vận cơ sở. Phong trào “Dân vận khéo” đã có sự chuyển biến cả về chất và lượng. 
Trong những năm tới, tình hình thế giới và khu vực bên cạnh mặt thuận lợi là cơ bản cũng có nhiều diễn biến phức tạp khó lường, sẽ tạo ra những chuyển biến sâu sắc và toàn diện trong đời sống xã hội, có cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia. Ở trong nước, thế và lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước tăng lên, uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao, tạo ra tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đất nước vẫn phải đối mặt với các yếu tố mới như khủng hoảng kinh tế, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, trật tự an toàn xã hội, nguy cơ chiến tranh, bất ổn trong khu vực và trên thế giới, sự chống phá của các thế lực thù địch còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường…
Trước bối cảnh đó, đòi hỏi công tác dân vận phải đổi mới nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, bảo đảm sự đồng thuận, thống nhất cao về tư tưởng và hành động, phấn đấu thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hướng tới mục tiêu xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh, công bằng; nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Để công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo” tiếp tục lan tỏa, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân, các cấp ủy đảng cần quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền về công tác dân vận gắn với các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng để có một phong trào thi đua toàn diện, rộng khắp, thực chất và hiệu quả.
Song song đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang. Xác định đúng mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay để lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo” và xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình “dân vận khéo” trong từng cơ quan, đơn vị. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” phải được các cấp ủy, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đồng thời phải xác định rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng các mô hình, điển hình “dân vận khéo”; xác định phong trào thi đua “Dân vận khéo” là việc làm thường xuyên của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân… 
Nâng cao nhận thức về công tác dân vận, về phong trào thi đua “Dân vận khéo” nhằm tạo sự chuyển biến thực chất trong quan hệ giữa Đảng với nhân dân, xác định phong trào thi đua “Dân vận khéo” là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị. Tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng phong trào gắn với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Phát huy vai trò của các phương tiện truyền thông đại chúng trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân. Việc xây dựng mô hình “dân vận khéo” phải bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; xuất phát từ các lợi ích, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, góp phần giải quyết những vấn đề bức thiết trong cuộc sống, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân.
Các cấp ủy đảng, chính quyền xác định nội dung trọng tâm của công tác dân vận hằng năm và phong trào thi đua “Dân vận khéo” phù hợp với điều kiện từng địa bàn, từng đối tượng; gắn triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” với quán triệt tư tưởng và phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận theo hướng vì nhân dân, chăm lo, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân. Phát huy trách nhiệm nêu gương, tự giác của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác, trong sinh hoạt để quần chúng nhân dân tin tưởng và noi theo. Cán bộ, công chức, viên chức nhà nước thực hiện chế độ “Tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân”, tiếp thu ý kiến phê bình, góp ý kiến xây dựng của nhân dân về công tác quản lý, điều hành; xây dựng và thực hiện phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Quan tâm giải quyết kịp thời đơn, thư khiếu nại, tố cáo và những vấn đề bức xúc của nhân dân ngay tại cơ sở.
Gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế… và đã thu được những thành tựu quan trọng, tự hào. Nhưng hiện nay, cũng có nhiều vấn đề mới trong nước và trên thế giới đang đặt ra, tác động đến sự phát triển, đến tư tưởng, tình cảm của nhân dân. Do vậy, cần tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận nói chung và phương pháp “dân vận khéo” nói riêng là một yêu cầu khách quan, thiết thực nhằm củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Đó là vấn đề có ý nghĩa chiến lược trong mọi thời kỳ cách mạng; điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo và củng cố, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, làm tốt điều đó, nhất định sự nghiệp đổi mới đất nước sẽ thành công.
1Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, NXBCTQG, Hà Nội 2011, trang 234.
2Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, NXBCTQG, Hà Nội 2011, trang 233.

Tác giả: TS Hà Thị Mỹ Hạnh - TS Nguyễn Thị Minh Nhâm(BPO)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây