HOC TAP BAC

Đền bù vùng bán ngập thủy điện Đắk U: Chờ hướng dẫn

Thứ năm - 11/07/2024 21:13 1.224 0
Năm 2008, UBND tỉnh Bình Phước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho Công ty cổ phần đầu tư phát triển năng lượng Phú Tân (nay là Công ty cổ phần đầu tư khai thác thủy điện Đắk U) để xây dựng công trình thủy điện, tổng diện tích 40,4 ha trên địa bàn 2 xã Đắk Ơ và Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập. Cuối năm 2009, Nhà máy thủy điện Đắk U vận hành. Trong quá trình hoạt động, hằng năm vào mùa mưa, hồ chứa nước thủy điện thường dâng ngập, gây ảnh hưởng đất đai, hoa màu của một số hộ dân ở thượng nguồn thuộc thôn Bù Gia Phúc 2, xã Phú Nghĩa. Vụ việc kéo dài nhiều năm nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.
Cứ mưa là ngập 
Năm 2008, ông Điểu Lố bị thu hồi hơn 6.000m2 đất tại thôn Bù Gia Phúc 2, xã Phú Nghĩa để xây dựng công trình thủy điện Đắk U. Diện tích còn lại 3,2 ha được canh tác trồng điều và hồ tiêu. Trong đó, khoảng 1,2 ha thuộc vùng bán ngập lòng hồ thủy điện Đắk U. Mỗi năm vào mùa mưa, nước từ hồ thủy điện dâng lên gây ngập khu vườn. Nước dâng ngập cục bộ từ 1-1,5m, kéo dài trong vài giờ, có khi cả tuần mới rút. Hiện nhiều cây điều trong vườn vẫn còn dấu vết bùn đỏ bám quanh gốc. Trước đây, ông Điểu Lố trồng 250 nọc tiêu, do bị ảnh hưởng bởi nước ngập nên vườn tiêu chết dần. Ngoài cây tiêu còn có 300 cây điều cũng bị “xóa sổ”. Sau cơn lũ quét, vườn cây chết dần, ông Điểu Lố chỉ còn cách cưa cây về làm củi khô. Năm nay, ông vừa trồng thêm một số cây điều lấp vào chỗ trống. Vụ mùa năm 2023, khu vườn cho thu hơn 3 tấn điều. Nếu vườn tiêu còn sống sẽ mang lại cho gia đình ông khoản thu nhập không nhỏ. Ông Điểu Lố cho biết: “Gia đình tôi khai phá đất trồng điều năm 1992. Mấy chục năm tôi canh tác quanh bờ suối này, chưa bao giờ bị ngập. Từ khi thủy điện Đắk U ngăn dòng chảy, mỗi cơn mưa lớn, nước dâng qua đập tràn vào vườn khiến cây cối thường xuyên ngập nước. Hàng trăm cây điều, cây tiêu đã chết, thiệt hại về kinh tế rất nhiều. Do nước ngập không trồng cây được nên nay đất bỏ hoang, cho bò ăn cỏ. Rất mong nhà máy thủy điện bồi thường thiệt hại cho gia đình tôi”.
Sau khi nước rút, nhiều cây điều trong vườn hộ ông Điểu Lố (trái) vẫn còn vết bùn đỏ
Cùng cảnh ngộ như hộ ông Điểu Lố, sau thu hồi đất, gia đình anh Điểu Minh còn lại hơn 1 ha đất trồng cà phê, hồ tiêu. Vào mùa mưa, nước từ hồ thủy điện tràn về gây ngập toàn bộ khu vườn. Đến nay, vườn cà phê cũng chết dần. Nhiều năm nay, không còn khoản thu nhập từ vườn cà phê, cây tiêu, cuộc sống gia đình anh ngày càng khó khăn. Năm 2022, anh Điểu Minh vay 40 triệu đồng móc mương, xuống giống 5.000 cây tràm, với hy vọng loại cây này có thể thích nghi ở vùng đất bán ngập. Anh Điểu Minh chia sẻ: “Gia đình tôi chỉ có mảnh đất này để canh tác, nhưng thường xuyên bị ngập nước. Nay chuyển sang trồng cây tràm nhưng không biết có sống nổi không”.
Anh Điểu Minh chuyển đổi vườn cà phê, hồ tiêu sang trồng tràm trong vùng đất bán ngập
Theo thống kê, gần 20 hộ dân có đất canh tác trong khu vực bán ngập lòng hồ thủy điện Đắk U. Hầu hết các hộ bị ảnh hưởng là người dân tộc thiểu số, trồng cây công nghiệp dài ngày. Hằng năm vào mùa mưa, khu vực này thường xuyên ngập nước, nhiều diện tích cây trồng bị chết. Còn mùa khô, muốn trồng cây ngắn ngày để có thêm thu nhập thì phải dùng máy dầu bơm nước tưới. Vì kinh tế khó khăn, lại thiếu vốn đầu tư, thiếu kinh nghiệm sản xuất nên các hộ dân không thể chuyển đổi cây trồng. Nhiều năm nay, người dân có đất nhưng bỏ hoang và phải đi làm thuê kiếm sống qua ngày.
Kiến nghị nhiều năm chưa giải quyết
Từ năm 2019 đến nay, các cơ quan chức năng của huyện Bù Gia Mập đã nhiều lần đi khảo sát thực tế về thiệt hại cây trồng, vẽ vạch sơn đỏ lên phần cây bị ngập, nhưng vẫn chưa giải quyết dứt điểm kiến nghị của các hộ dân. Bà Điểu Thị Dé ở thôn Bù Gia Phúc 2, xã Phú Nghĩa cho hay: “Gia đình tôi có 7 sào đất, mùa mưa nước ngập tràn lan không trồng được cây gì. Xã và huyện đã nhiều lần khảo sát thiệt hại cây trồng, nhưng không thấy bồi thường”.
 
Hồ thủy điện Đắk U
Vụ việc được UBND tỉnh giao Sở Công Thương chủ trì phối hợp UBND huyện Bù Gia Mập, Công ty cổ phần đầu tư khai thác thủy điện Đắk U và các đơn vị liên quan xem xét, giải quyết dứt điểm kiến nghị của các hộ dân trước ngày 28-9-2023. Sau nhiều buổi làm việc, Công ty cổ phần đầu tư khai thác thủy điện Đắk U hứa sẽ hỗ trợ, bồi thường cho các hộ dân trong tháng 11-2023. Tuy nhiên đến nay, công ty vẫn chưa thực hiện lời đã hứa. Điều đáng nói là sau nhiều năm các hộ dân kiến nghị, cơ quan chức năng của huyện vẫn chưa rà soát được chính xác số hộ dân và diện tích cây trồng bị ảnh hưởng bởi nước ngập. Thống kê của huyện Bù Gia Mập cho thấy, có 17 ha của 18 hộ dân bị ngập cục bộ, nhưng Công ty cổ phần đầu tư khai thác thủy điện Đắk U thống kê chỉ có gần 6 ha của 14 hộ dân bị ảnh hưởng. Đại diện công ty cho biết, là doanh nghiệp trên địa bàn nên rất cần sự hỗ trợ, hướng dẫn của chính quyền các cấp trong giải quyết bồi thường thiệt hại cho các hộ dân. Ông Trần Thế Sơn, Giám đốc Nhà máy thủy điện Đắk U cho biết: “Doanh nghiệp đã thuê đơn vị tư vấn đo đạc bản đồ địa chính khu vực ngập lụt. Sau đó, chúng tôi sẽ phối hợp với 2 xã Phú Nghĩa, Đắk Ơ triển khai họp dân, kiểm kê tài sản cây trồng bị ngập và thống nhất phương án bồi thường thiệt hại cho người dân”.
Ông Trần Thế Sơn (phải), Giám đốc Nhà máy thủy điện Đắk U khảo sát thực tế một số hộ dân có đất trong vùng bán ngập
Đại diện Công ty cổ phần đầu tư khai thác thủy điện Đắk U khẳng định, sẵn sàng hỗ trợ bồi thường cho các hộ dân, nhưng không hiểu vì sao vụ việc kéo dài nhiều năm nay, gây bức xúc trong nhân dân. Đến nay, quá trình thực hiện thủ tục bồi thường còn nhiều vướng mắc. Cụ thể, diện tích đất của các hộ dân bị ảnh hưởng nằm ngoài phạm vi đất của công ty đã được cấp GCNQSDĐ. Những năm qua, huyện Bù Gia Mập chưa xác định được giá trị bồi thường vì còn chờ ý kiến của UBND tỉnh về việc có nên thu hồi diện tích đất bị ngập giao cho doanh nghiệp. Trong khi Công ty cổ phần đầu tư khai thác thủy điện Đắk U không có nhu cầu sử dụng đất, mà chỉ đồng ý hỗ trợ bồi thường tài sản cây trồng trên đất. Các hộ dân có quyền sử dụng mảnh đất của mình sau khi được hỗ trợ bồi thường. Ông Trần Thế Sơn, Giám đốc Nhà máy thủy điện Đắk U cho biết: Khó khăn của doanh nghiệp là chưa xác định được giá trị hỗ trợ bồi thường cho phần đất bị ngập. Doanh nghiệp rất mong các cơ quan chức năng hỗ trợ tính toán giá trị tài sản cây trồng. Khi có thống kê thiệt hại cây trồng được cơ quan chức năng phê duyệt, thì doanh nghiệp mới chi trả tiền bồi thường, chứ hiện nay chưa có số liệu của từng hộ dân bị ảnh hưởng.
Tháng 6-2024, huyện Bù Gia Mập chỉ đạo xã Phú Nghĩa phối hợp Công ty cổ phần đầu tư khai thác thủy điện Đắk U thống kê diện tích cây trồng thiệt hại của các hộ dân bị ngập trong mùa mưa. Đồng thời, giao các phòng chuyên môn cung cấp văn bản liên quan theo quy định, hỗ trợ công ty trong quá trình xác định giá trị cây trồng, vật kiến trúc để làm cơ sở thống nhất bồi thường cho các hộ dân.
“Vụ việc kéo dài không phải chính quyền không lo cho dân, mà vì chờ UBND tỉnh hướng dẫn. Huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và 2 xã Phú Nghĩa, Đắk Ơ hỗ trợ doanh nghiệp xác định giá trị tài sản cây trồng bị thiệt hại. Từ đó, huyện sẽ tổ chức họp dân thống nhất phương án hỗ trợ bồi thường. Nếu người dân đồng ý với mức giá bồi thường và vẫn tiếp tục sử dụng mảnh đất của họ, thì huyện sẽ phê duyệt để làm căn cứ chi trả tiền bồi thường. Và huyện sẽ ghi rõ phần diện tích bị ảnh hưởng trong GCNQSDĐ để sau này họ không yêu cầu bồi thường nữa”.
Ông NGUYỄN XUÂN HOAN, Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập

Qua tiếp xúc cử tri, các hộ dân canh tác trong vùng bán ngập lòng hồ thủy điện Đắk U đã nhiều lần kiến nghị bồi thường thiệt hại. Đến nay, một mùa mưa nữa sắp trôi qua, người dân tiếp tục đặt niềm tin vào các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan. Hy vọng, vụ việc sẽ sớm được xem xét, giải quyết dứt điểm.
 

Tác giả:  Báo Bp (Thùy Linh)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây