Dân quân tự vệ là một bộ phận của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng; là lực lượng chiến lược của chiến tranh nhân dân và quốc phòng toàn dân; là lực lượng bảo vệ Đảng, chính quyền, tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của cơ quan, tổ chức ở địa phương, cơ sở khi có chiến tranh. Cách đây tròn 90 năm, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ I (3/1935) đã thông qua “Nghị quyết về Đội Tự vệ”, đây là văn kiện, một trong những cơ sở quan trọng giúp Đảng tổ chức, xây dựng các nguyên tắc cơ bản về chính trị cho lực lượng vũ trang nhân dân hiện nay.
Nghị quyết Đội Tự vệ tháng 3 năm 1935
Quá trình hình thành và phát triển của lực lượng dân quân tự vệ Việt Nam gắn liền với cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngay từ khi ra đời năm 1930, Cương lĩnh chính trị đầu tiên của đảng được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng khẳng định quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội để tiến lên xã hội cộng sản là yêu cầu tất yếu phải “tổ chức ra quân đội công - nông”1, Luận Cương chính trị tháng 10-1930 chỉ ra “vũ trang cho công nông”, lập quân đội công nông và tổ chức ra đội tự vệ công nông. Trong phong trào cách mạng 1930 - 1931, mà đỉnh cao là Xô Viết - Nghệ Tĩnh, từ lực lượng khởi nghĩa của công - nông, Đội tự vệ công nông2 (Tự vệ đỏ)3 đã ra rời, đó là những hạt giống đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng nói chung và dân quân tự vệ Việt Nam nói riêng.

Các đồng chí tự vệ Đỏ thuộc Chiến khu Hỏa Quân và Đông Sở trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Ảnh tư liệu. Nguồn: Báo điện tử Quân đội Nhân dân.
Tháng 3-1935, Đại hội lần thứ nhất của Đảng họp tại Ma Cao (Trung Quốc). Ngoài những nghị quyết về đường lối cách mạng, về các mặt công tác chuẩn bị điều kiện cho phong trào cách mạng Đông Dương bước sang một thời kỳ mới, Đại hội đã thông qua Nghị quyết về Đội tự vệ nhằm tổng kết những kinh nghiệm về tổ chức, lãnh đạo và hoạt động của đội tự vệ.
Phân tích tình hình cuộc vận động cách mạng lúc đó, Nghị quyết đã chỉ ra rằng: Đảng ta phải chống lại cuộc “đại tấn công của khủng bố trắng” chưa từng thấy trong lịch sử cách mạng và phản cách mạng ở Đông Dương. Để đương đầu với sự khủng bố trắng của địch, Đảng ta vận động quần chúng nâng cao trình độ giác ngộ cách mạng là lấy lực lượng của mình mà đấu tranh, lấy sức mình mà chống khủng bố. Đảng ta phản đối chủ trương ám sát cá nhân kẻ thù để bảo vệ mình của các đảng phái tiểu tư sản và tư sản như Quốc dân đảng. Đảng ta chỉ rõ: “…phương sách tiểu tư sản này đã không có hiệu quả tốt lại có hại cho đoàn thể cách mạng, cho quần chúng”4. Đảng ta chủ trương tổ chức Đội tự vệ của công nông.
Nghị quyết nêu rõ mục đích của việc tổ chức Đội Tự vệ:
“a) Ủng hộ quần chúng hàng ngày;
b) Ủng hộ quần chúng trong các cuộc tranh đấu;
c) Ủng hộ các cơ quan cách mạng và chiến sĩ cách mạng của công nông;
d) Quân sự huấn luyện cho lao động cách mạng. Chống quân thù giai cấp tấn công và làm cho vận động cách mạng phát triển thắng lợi”5.
Nghị quyết giải thích rõ:
“Công nông tự vệ đội phân biệt với Du kích đội, nó cũng không phải là Hồng quân; Hồng quân, Du kích đội không bao giờ muốn tổ chức thì tổ chức được ngay, còn Đội tự vệ hễ có cách mạng vận động dù yếu mấy cũng có thể và cần phải tổ chức ngay; Tự vệ đội càng mạng thì tức là có điều kiện thuận tiện để sau này tổ chức du kích chiến tranh, võ trang bạo động, Hồng quân”6.
Bản gốc Nghị quyết chính trị của đại biểu Đại hội (Conggrès) lần thứ nhất (ngày 27 - 31-3-1935)
Ảnh tư liệu. Lưu tại Kho Lưu trữ Trung ương Đảng.
Nguồn: Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.31.
Tiếp theo, Nghị quyết của Đảng đề ra những nguyên tắc xây dựng đội tự vệ.
Về mặt chính trị, nghị quyết xác định bản chất giai cấp, bản chất cách mạng của Đội Tự vệ. Nó là một tổ chức có tính chất nửa quân sự của quần chúng nhân dân lao động, chủ yếu là công nông, do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo. Thành phần của nó là những người lao động có nhiệt tình, cương quyết, không phân biệt gái, trai, hoặc dân tộc, từ 18 tuổi trở lên, được giáo dục về nhiệm vụ và trách nhiệm chính trị của mình.
Nghị quyết nhấn mạnh:
“10. Công nông cách mạng tự vệ đội là dưới quyền chỉ huy thống nhất của Trung ương, quân ủy của Đảng Cộng sản...
11. Luôn luôn phải giữ nguyên quyền chỉ huy nghiêm ngặt của Đảng trong Tự vệ thường trực”7.
Từ đó, Nghị quyết đưa ra nhiệm vụ: “Từ Trung ương Chấp ủy tới mỗi Thành ủy, Tỉnh ủy phải tổ chức ngay Quân ủy, quân ủy này một bộ phận thì lo quân đội vận động, một bộ phận thì lo tổ chức và chỉ huy Đội Tự vệ”8. Trong các Ban chỉ huy đội tự vệ ở cấp trung đội và đại đội, bên cạnh đội trưởng và phó đội trưởng có một đại biểu của Đảng. Đội trưởng và đại biểu Đảng phải “…hợp tác mà chỉ huy. Sự hành động hằng ngày thì phục tùng đảng bộ tương đương. Sự hành động quân sự chung thì phục tùng thượng cấp tự vệ, và quân ủy tương đương của Đảng. Đội trưởng hay đại biểu đảng có bất đồng ý kiến thì do đảng ủy tương đương hay do thượng cấp quân ủy giải quyết…”9
Về nguyên tắc xây dựng kỷ luật và dân chủ nội bộ, Nghị quyết dựa trên nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng. “Kỷ luật tự vệ công nông cách mạng không phải là kỷ luật nhà binh, nhưng cũng nghiêm khắc. Không thỏa hiệp được với tính lười biếng, sụt sè và bất tuân mệnh lệnh thượng cấp,…”10. Trong điều kiện đấu tranh lúc đó, kỷ luật giữ bí mật được đề ra rất nghiêm khắc. Đội viên tự vệ có nhiệm vụ giữ bí mật công tác của đội, tiểu đội nào chỉ được biết tiểu đội ấy, cấp trên và cấp dưới quan hệ với nhau chỉ qua những người phụ trách của cấp ấy.
Trong đội tự vệ cũng đã thực hiện dân chủ nội bộ. “…,tự vệ đội viên có quyền và cần thảo luận rộng rãi những vấn đề thuộc về phương diện ủng hộ cách mạng vận động,…”11.
Về mối quan hệ mật thiết giữa Đội tự vệ với quần chúng nhân dân, Nghị quyết nhấn mạnh: “Đội tự vệ tổ chức và phát triển mật thiết liên lạc với quần chúng, hằng ngày Tự vệ phải chăm lo tranh đấu, ngăn cản bọn thù giai cấp nhũng nhiễu công nhân, nông dân. Đội Tự vệ phải hết sức ủng hộ quần chúng lao động trong các cuộc bãi công, mít tinh, thị oai, kháng sưu, kháng thuế, bãi thị v.v,.”12
Nghị quyết Đại hội lần thứ nhất của Đảng cũng đã nêu ra vấn đề vận động binh lính địch. Mỗi quân ủy của Đảng ở các cấp phải có một bộ phận chăm lo công tác binh vận.
Nghị quyết về Đội Tự vệ của Đại hội lần thứ nhất của Đảng có ý nghĩa quan trọng đối với việc hình thành tư tưởng chính trị, quân sự trong vũ trang cách mạng của Đảng thời kỳ mới thành lập. Lần đầu tiên, những nguyên tắc về chính trị về giữ vững bản chất cách mạng, bản chất giai cấp của Đội tự vệ; giữ vững và củng cố sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với lực lượng tự vệ, giáo dục nhiệm vụ, trách nhiệm chính trị cho đội viên tự vệ, thực hiện chế độ dân chủ đi đôi với kỷ luật nghiêm minh, đoàn kết nội bộ, tăng cường quan hệ mật thiết với nhân dân, vận động binh lính địch… được đề ra một cách cơ bản, toàn diện. Những nguyên tắc ấy thể hiện quan điểm giai cấp, quần chúng và quan điểm thực tiễn của chủ nghĩa Mác - Lênin trong việc xây dựng lực lượng nửa vũ trang trong hoàn cảnh đấu tranh chính trị Việt Nam những năm 30 thế kỷ XX; là cơ sở giúp Đảng, Nhà nước và Quân ủy Trung ương xây dựng các quan điểm, nghị quyết về chính trị, quân sự về Dân quân Tự vệ và lực lượng vũ trang nhân dân hiện nay.
Lực lượng Dân quân tự vệ xã Bù Gia Mập tiếp nối truyền thống anh hùng
Xã Bù Gia Mập là xã vùng sâu, vùng xa, xã biên giới của huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, gồm 8 thôn và 01 tổ tự quản Cây Da, xã có trên 73% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí không đồng đều, là khu vực “nhạy cảm” về quốc phòng - an ninh, dễ bị các thế lực thù địch dụ dỗ, lôi kéo, kích động người dân khiếu kiện, khiếu nại đông người, nhằm gây mất trật tự an ninh xã hội tại địa phương. Trong những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Bù Gia Mập luôn quan tâm, theo dõi sát sao, lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng công an và quân sự thường xuyên nắm bắt tình hình, tham mưu giải quyết kịp thời, không để xảy ra “điểm nóng” trên địa bàn. Trong đó, lực lượng Dân quân tự vệ xã Bù Gia Mập luôn giữ vai trò quan trọng trong việc bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật.

Lực lượng Dân quân thường trực xã Bù Gia Mập theo dõi Chương trình Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam
Ảnh: Nguyễn Thành Chung - DQTT xã Bù Gia Mập
Xã có 09 đồng chí là dân quân thường trực thực hiện nhiệm vụ quân sự quốc phòng của địa phương, phối hợp lực lượng vũ trang, các ngành, đoàn thể tham gia công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn xã.
Hội nghị xét duyệt chính trị, chính sách, tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ năm 2025
Ảnh: Nguyễn Thành Chung - DQTT xã Bù Gia Mập
Lắp đặt hệ thống đèn năng lượng mặt trời tại thôn Bù Lư
Ảnh: Nguyễn Thành Chung - DQTT xã Bù Gia Mập
Trong những năm qua, Lực lượng Dân quân tự vệ xã luôn đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chính trị về huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị, pháp luật, hội thi, hội thao, diễn tập. Tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh; tham gia xây dựng địa phương vững mạnh toàn diện, thực hiện chính sách xã hội. Qua đó, góp phần vào việc đảm bảo an ninh biên giới, giữ vững “thế trận lòng dân”, xây dựng xã Bù Gia Mập ngày càng đoàn kết, thống nhất.
Các cá nhân tiêu biểu nhận bằng khen trong Ngày hội Biên phòng Toàn dân năm 2025
Ảnh: Chu Thị Nhật Lệ - CB. Hỗ trợ truyền thông xã Bù Gia Mập
- Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng Toàn tập, t.2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.2.