HOC TAP BAC

Nỗi lo ngập lụt, sạt lở đất ở Ðắk Ơ

Thứ năm - 10/10/2024 23:04 486 0
BGM - Địa bàn xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập rộng, ngăn cách bởi nhiều khe, suối, đập thủy lợi. Trong khi đó, hệ thống giao thông, cầu, cống chưa được sửa chữa, nâng cấp kịp thời và dòng chảy ít được nạo vét, khơi thông đã dẫn đến ngập lụt cục bộ, nguy cơ cao xảy ra sạt lở mỗi khi mưa lớn.
Thường xuyên ngập lụt cục bộ
Do mưa lớn kéo dài liên tục, lượng mưa cao, ngày 17-9, trên tuyến QL14C đoạn qua khu vực cầu Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập bị ngập nặng khiến giao thông tê liệt. Đây là tuyến đường độc đạo kết nối 2 xã Đắk Ơ, Bù Gia Mập và các tỉnh Tây Nguyên khiến người dân đi lại vô cùng khó khăn.
Nước dâng cao tại cầu Đắk Ơ ngày 17-9
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, chính quyền 2 xã Đắk Ơ và Bù Gia Mập đã huy động lực lượng công an, dân quân tự vệ địa phương di dời các hộ dân tại khu vực cầu Đắk Ơ đến nơi an toàn; đồng thời tạm thời chặn không cho các loại xe lưu thông qua khu vực này nhằm đảm bảo an toàn.
Ghi nhận của phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) sau khi nước rút, vị trí thân cầu Đắk Ơ nằm thấp hơn nhiều so với mặt bằng hai bên đường. Cùng với đó, không gian gầm cầu hẹp, rác thải ứ đọng nhiều chưa kịp khơi thông là những nguyên nhân chính khiến khu vực này bị ngập sâu.
Bà Phan Thị Lưu ngụ thôn 7, xã Đắk Ơ, nhà ở gần cầu Đắk Ơ nhiều năm qua cho biết: Theo quan sát bằng mắt thường thì cầu rất thấp, mặt khác, rác thải dồn ứ nhiều chưa được khơi thông nên dòng chảy bị hạn chế dẫn đến ngập lụt cục bộ. Tình trạng này thường xuyên diễn ra, tuy nhiên năm nay là nặng nhất, nước dâng cao khiến giao thông bị tê liệt. Đây là tuyến đường duy nhất kết nối 2 xã Đắk Ơ, Bù Gia Mập và khu vực Tây Nguyên. Rất mong các cấp chính quyền, ngành chức năng quan tâm đầu tư nâng cấp cầu, đảm bảo lưu thông an toàn cũng như hạn chế ngập nước vào nhà dân.
Đoạn đường liên huyện từ thôn 2, 3 nối thôn Bù Bưng, thôn 10 trũng, mặt đường xấu, hẹp, khuất tầm nhìn nguy cơ mất an toàn giao thông
Tuyến đường liên huyện, kết nối các thôn 2, 3 với thôn Bù Bưng, thôn 10, xã Đắk Ơ, do mặt đường xấu, trũng, chật hẹp và khuất tầm nhìn bởi bụi rậm, độ dốc cao cùng với đó là không có lan can, biển cảnh báo nên rất nguy hiểm cho các phương tiện tham gia lưu thông. Đặc biệt thời gian qua, do mưa nhiều đã xuất hiện các điểm sạt lở đất, nếu không sớm được nâng cấp, nguy cơ nước sẽ cuốn trôi đoạn đường này.
Đoạn đường thôn 3, xã Đắk Ơ có độ dốc sâu, xuất hiện nhiều điểm sạt lở đất cần sớm được sửa chữa, nâng cấp
Anh Phạm Văn Hưng ngụ thôn 3, xã Đắk Ơ, nhà ở gần cầu Đắk Ơ cho biết: Là tuyến đường huyết mạch liên huyện nên phương tiện giao thông qua lại nhiều, trong khi đường chật hẹp, hai bên là bụi rậm, khe sâu nhưng không có biển cảnh báo nên rất nguy hiểm cho các phương tiện, nhất là vào ban đêm. Để đảm bảo an toàn cho người dân, ngoài tự phát quang bụi rậm, những hôm đèn đường mất tín hiệu, tôi phải kéo điện từ nhà ra để giúp người dân đi lại an toàn. Cũng theo anh Hưng, trước đây khu vực này là con suối nhỏ nhưng nay phía trên xây dựng hồ thôn 3, phía dưới xây dựng đập tràn nên nước chảy ngày càng mạnh, bởi vậy cần sớm đầu tư nâng cấp tuyến đường cũng như lắp đặt cống lớn để nước lưu thông nhanh hơn.
Tại thôn Bù Bưng, hệ thống mương, cống thoát nước bị ứ đọng bùn đất, vì vậy khi mưa lớn nước thoát không kịp nên tràn lên đường
Cũng trên tuyến đường này, tại thôn Bù Bưng, do cống thoát nước hẹp, cùng với đó là lượng bùn đất, rác thải bồi đắp nhiều năm nên khi có trận mưa lớn là nước ngập tràn lên đường khiến việc lưu thông, sinh hoạt của người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn.
Cứ mưa to khoảng 1 giờ là khu vực này nước tràn lên mặt đường và khoảng sau 2 giờ là nước tràn vào sân nhà gây khó khăn cho việc lưu thông, sinh hoạt của người dân. Ngoài nâng cấp, thay cống mới rất mong chính quyền địa phương huy động lực lượng khơi thông dòng chảy, bởi lượng bùn đất bồi đắp quá nhiều.
Bà NGUYỄN THỊ QUÝ
ngụ thôn Bù Bưng, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập
Nhiều phương án khắc phục
Chủ tịch UBND xã Đắk Ơ Nguyễn Minh Hóa cho biết: Địa bàn Đắk Ơ rộng, chia cắt bởi các suối, đập thủy lợi. Vì thế, vào mùa mưa thường xuất hiện 4 điểm ngập lụt chính là Đắk Ơ, cầu Cây Xanh, cầu thôn 4 và cầu Suối Đá. Theo đó, UBND xã đã đề xuất, kiến nghị huyện quan tâm xem xét, giải quyết. Từ năm 2021, huyện cũng đã tổ chức khảo sát triển khai xây dựng cầu Suối Đá tại thôn Đắk U, kinh phí khoảng 8 tỷ đồng. Hiện các khu vực còn lại là những điểm ngập rất nặng, khi mưa lớn, địa phương bố trí các lực lượng cùng với lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã trực tiếp chỉ đạo đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân.
Thân cầu Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập thấp hơn hai bên đường nên khi mưa lớn thường xuyên xảy ra ngập lụt cục bộ
Đối với cầu Đắk Ơ, UBND xã đã kiến nghị với huyện, huyện kiến nghị với tỉnh. Và theo thông báo của UBND huyện thì tỉnh đang xem xét xây dựng mới cầu này. Hiện mực nước suối cách dầm cầu khoảng 1,5m nên chỉ cần trận mưa lớn là nước tràn lên cầu, làm giao thông tê liệt, chính quyền xã phải thường xuyên bố trí lực lượng túc trực, khi nước rút mới cho người dân qua lại.
Mặt nước chỉ cách dầm cầu Đắk Ơ khoảng 1,5m, cùng với rác, cây cối, bùn đất ứ đọng chưa được khơi thông dẫn đến nước dâng cao khi mưa to
Đối với cầu Cây Xanh, UBND xã đã kiến nghị huyện bố trí kinh phí sửa chữa, nạo vét để khu vực thượng du, hạ du tiêu thoát nước nhanh chóng, hạn chế tối đa ngập lụt cục bộ kéo dài. Đối với cầu thôn 4, UBND xã đã báo cáo kiến nghị UBND huyện. Theo đó, Chủ tịch UBND huyện đã đi thực địa khảo sát, đưa ra phương án làm 2 cống hộp, đường kính 3,5m. Thực hiện ý kiến chỉ đạo đó, UBND xã đã thiết kế trình UBND huyện sửa chữa, nâng cấp, nạo vét khơi thông dòng chảy.
Theo lãnh đạo UBND xã Đắk Ơ, ngoài các điểm ngập chính thì những khu vực còn lại đều được khảo sát, có phương án khắc phục, sửa chữa, nâng cấp nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, phương tiện tham gia lưu thông. Cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương, MTTQ, hội, đoàn thể cần huy động nhân dân, đoàn viên, hội viên ra quân dọn vệ sinh, phát quang bụi rậm, nạo vét bùn đất, rác thải để khơi thông dòng chảy. Đây là giải pháp vừa hạn chế ngập lụt cục bộ vừa nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho nhân dân.

Tác giả:  Vũ Thuyên(BPO)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây