HOC TAP BAC

Phát triển cây tầm vông: Hướng đi triển vọng

Thứ tư - 18/09/2024 22:11 570 0
BGM - Tầm vông là cây trồng không mấy xa lạ với nông dân. Thông thường, loại cây này được trồng làm nguyên liệu chế biến các sản phẩm mộc mỹ nghệ và một số vật dụng sinh hoạt trong gia đình nên giá trị kinh tế không cao. Điều ấn tượng là trên địa bàn tỉnh có một nông dân rất năng động, sáng tạo đã chứng minh giá trị cây tầm vông trồng trên đất Bình Phước chắc, bền, đẹp và chế tác, tạo ra nhiều sản phẩm được thị trường trong nước, quốc tế ưa chuộng.
Đó là anh Bùi Văn Đàm ở ấp Thanh Sơn, xã Thanh An, huyện Hớn Quản. Qua hơn 10 năm gắn bó, trồng, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ loại cây này, anh Đàm rất tự hào về tầm vông Bình Phước.
NHỮNG GIÁ TRỊ RIÊNG CÓ
Cây tầm vông trồng trên đất Bình Phước chắc, bền, đẹp. Hiện cây trồng dân dã, rất đỗi thân quen này đã có chỗ đứng trên thị trường, giúp phát huy tối đa hiệu quả kinh tế. Anh Đàm tự hào chia sẻ: “Với tôi, cây tầm vông của Bình Phước đứng đầu về chất lượng so với cả nước, kể cả ra nước ngoài. Phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu nên cây tầm vông Bình Phước chắc, đặc. Hiện tầm vông của tôi rất có tiếng trong ngành, giá bán ổn định và cao hơn hẳn”.
Mặc dù đất khô cằn, dưới chỉ toàn đá bàn nhưng khu vườn 5 ha tầm vông của gia đình anh Bùi Văn Đàm vẫn xanh tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao
Theo anh Đàm, cây tầm vông dễ trồng, chịu khô hạn tốt, có thể trồng được ở những vùng đất đỏ, cát, núi, ven hồ, suối… Đặc biệt, những vùng đất khắc nghiệt, nhiều loại cây không thể tồn tại, thì tầm vông vẫn sống và mang lại giá trị kinh tế cho người trồng. Trong điều kiện khí hậu ngày càng khắc nghiệt như hiện nay, nguồn nước một số nơi khan hiếm thì việc người dân trồng cây tầm vông ở những vùng đất khô hạn đã phát huy hiệu quả sử dụng đất, đem lại giá trị kinh tế.
Anh Đàm làm một phép tính đơn giản: 1 sào (1.000m²) trồng tầm vông thu được khoảng 6-7 triệu đồng/năm. Tương đương 1 ha thu được từ 60-70 triệu đồng. Đặc biệt không mất công chăm sóc, không tốn tiền phân bón như các loại cây khác.
Giải pháp của anh Đàm là tận dụng, khai thác những vùng đất bạc màu, hoang hóa và đa dạng sản phẩm từ cây tầm vông để phát huy tối đa hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, trồng cây tầm vông còn giúp bảo vệ đất, chống xói mòn, chắn gió, bụi, bảo vệ môi trường, góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc. Trước đây, nông dân địa phương chỉ trồng cây tầm vông ở triền bưng, sông, suối hay dọc các bờ ranh để chống xói mòn. Thế nhưng, từ khi thấy được hiệu quả kinh tế và cách làm sáng tạo của anh Đàm, nhiều hộ dân ở xã Thanh An và vùng phụ cận đã phát triển diện tích tầm vông lên đến hàng trăm héc-ta.
Ông Cao Cự Thắng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh An cho biết: Nơi nào đất xấu nhất, kể cả đá bàn, người dân đều trồng tầm vông, không để đất bị bỏ hoang. Loại cây nào không sống được, không mang lại hiệu quả kinh tế thì thay thế bằng cây tầm vông. Cây có chiều dài từ 6-8m, giá bán hơn 20 ngàn đồng/cây. 
“Cái hay của anh Bùi Văn Đàm là vừa trồng, sản xuất, kinh doanh và bao tiêu, thu mua cây tầm vông của bà con. Anh làm ra nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ, kể cả làm dịch vụ cho khu du lịch và xuất khẩu đi nhiều nước. Anh đã giúp 10 lao động tại địa phương có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định”.
Ông CAO CỰ THẮNG, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh An, huyện Hớn Quản

Trong quá trình gắn bó với cây tầm vông, anh Đàm đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý: Tầm vông có 2 loại là đá và mỡ, thị trường ưa chuộng nhất là tầm vông mỡ. Để có tầm vông thu hoạch đều, kéo dài 5-10 năm, thậm chí lâu hơn thì khi thu hoạch chỉ chọn bán những cây đủ tuổi, còn lại để nuôi măng. Khi được giá cũng không bán theo kiểu tận thu. Hiện nay, cây tầm vông Bình Phước được các cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh, ngoài nước rất ưa chuộng. Bên cạnh làm hàng thủ công mỹ nghệ như bàn ghế, trang trí nội thất trong nhà, cây tầm vông còn được dùng làm nhà ở các khu du lịch, khu nghỉ dưỡng, các nhà tạm ở vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long và xuất khẩu sang nhiều nước.
PHẢI CÓ CHỨNG NHẬN THƯƠNG HIỆU
Với kỹ thuật trồng, chăm sóc và làm thương mại của anh Đàm, cây tầm vông trồng trên đất Bình Phước đã chứng minh và khẳng định được uy tín, chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. “Hội Nông dân xã Thanh An đã trồng đối chứng 2 ha cao su và 2 ha tầm vông, đến thời kỳ cho khai thác thì tầm vông đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn, vừa không tốn công chăm sóc, không kén chọn đất, không cần bón phân, làm cỏ… Để tiềm năng này được “đánh thức”, chúng tôi rất mong các cấp, ngành quan tâm, xây dựng thương hiệu tầm vông Bình Phước” - ông Cao Cự Thắng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh An chia sẻ.
Tầm vông được anh Bùi Văn Đàm gia công, đa dạng sản phẩm phục vụ thị trường trong và ngoài nước, hiện cung không đủ cầu
Đây cũng là mong muốn, nguyện vọng của anh Đàm. Anh Đàm cho biết thêm: Nhờ giá cả ổn định, thị trường ưa chuộng, hiện có nhiều đối tác ở Phú Quốc, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai… đang cần mua cả gốc lớn để làm khu du lịch sinh thái. Do đó, rất mong các cấp, ngành quan tâm, sớm giúp những nông dân như tôi xây dựng thương hiệu cho tầm vông Bình Phước và đẩy mạnh xúc tiến thương mại cả trong và ngoài nước. Qua đó, hy vọng đời sống, thu nhập của nông dân ở những vùng đất khô cằn, sỏi đá sẽ khá lên. Đồng thời, trồng tầm vông cũng là giải pháp phủ xanh đất trống, đất khô cằn, bạc màu, sỏi đá nhằm mang lại hiệu quả kinh tế bền vững.
 

Tác giả:  Quốc Phong(BPO)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây