HOC TAP BAC

Xã Phú Văn: Tập trung triển khai thực hiện các giải pháp về công tác giảm nghèo bền vững trong đồng bào dân tộc thiếu số giai đoạn (2024-2029)

Thứ tư - 19/06/2024 03:25 622 0
Xã Phú Văn, Huyện Bù Gia Mập, Tỉnh Bình Phước là xã đặc biệt khó khăn theo quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, có diện tích tự nhiên 8.305,19 ha; Dân số: 2.415 hộ, 9.240 khẩu, trong đó: đồng bào dân tộc thiểu số: 705 hộ, 2.993 khẩu chiếm tỷ lệ 32,4% dân số toàn xã, điều kiện dân trí không đồng đều, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Toàn xã hiện có 72 hộ nghèo, với 225 khẩu và 33 hộ cận nghèo với 122 khẩu (Trong đó: 33 hộ nghèo dân tộc thiểu số; 12 hộ cận nghèo dân tộc thiểu số)
Trên địa bàn xã có 9 dân tộc anh em sinh sống gồm: Kinh, Tày, Nùng, Hoa, Mường, X’tiêng, Khmer, Thái, Dao. Dân tộc sinh sống lâu đời nhất trên địa bàn xã là người S’tiêng (chiếm khoảng 25%), các dân tộc anh em khác chủ yếu là người các Tỉnh miền núi phía Bắc di cư và sinh sống ổn định từ khá lâu.
Toàn cảnh hội nghị
Giảm nghèo bền vững ở vùng dân tộc thiểu số là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, các dân tộc, nhóm dân cư. Đây là những nội dung quan trọng trong chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, bởi trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì vấn đề đói nghèo của quốc gia nói chung, đói nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng đang là vấn đề cấp thiết được đặt ra. Vì vậy, công tác giảm nghèo bền vững đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là mục tiêu quan trọng trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước và hội nhập sâu rộng nền kinh tế thế giới.
Lãnh đạo xã Phú Văn đón nhận các nguồn lực ủng hộ xây dựng nông thôn mới từ các cấp chính quyền, doanh nghiệp, tập thể, cá nhân
Những kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo bền vững và bình xét nhu cầu thoát nghèo ĐBDTTS:
Qua quá trình triển khai thực hiện đã mang lại những kết quả quan trọng:
Nhu cầu thiết yếu: xây mới 94 căn nhà, sửa 55 căn; 127 nhà vệ sinh; Hỗ trợ 125 giếng nước; cấp 235 con giống; 135 nông cụ sản xuất; 7 xe máy; 119 ti vi; cấp đất ở cho 02 hộ... với tổng kinh phí 23,622 tỷ đồng; Xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả như: Mô hình ca cao xen dưới tán điều, mô hình sầu riêng, mô hình nuôi gà… nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; Phối hợp với các ban ngành tổ chức mở 1 lớp truyền dạy cồng chiêng và 1 lớp dệt thổ cẩm ở thôn Đăk Son 2 xã Phú Văn với 24 học viên tham dự.
Hỗ trợ kinh phí sinh hoạt cho 05 câu lạc bộ văn hóa (3 CLB cồng chiêng; 1 CLB đờn ca tài tử; 1 CLB dân vũ) với tổng số tiền 52 triệu đồng; Tổ chức khám chữa bệnh cho hơn 2 nghìn lượt người DTTS. Tổ chức tư vấn sức khỏe sinh sản kế hoạch hóa gia đình, cách chăm sóc nuôi dạy con khỏe. Tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho hơn 4.100 người; Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh. Phối hợp với các Phòng Lao động thương Binh và xã hội huyện, Đoàn KT-QP 778 tổ chức 5 lớp đào tạo nghề cạo mủ cao su với 175 học viên tham dự, giải quyết việc làm cho 800 lao động.
 Vì vậy, tổng số hộ nghèo dân tộc thiểu số hàng năm đều giảm. Nếu như năm 2020 là 216/319 hộ nghèo, 160/212 hộ cận nghèo DTTS thì đến năm 2024 còn 33/72 hộ nghèo; 12/33 hộ cận nghèo DTTS.
Tỉnh Đoàn - Hội LHTN Việt Nam tỉnh; UBND xã Phú Văn, Công ty TNHH Một Thành Viên Sản Xuất Thương Mại Dịch Vụ Bảo Tín (đơn vị thi công) bàn giao thiết bị Dự án
Giải pháp:
Từ những kết quả đạt được, để đảm bảo thực hiện tốt công tác giảm nghèo, bình xét nhu cầu thoát nghèo trong thời gian tới UBND xã Phú Văn tập trung triển khai thực hiện các giải pháp như sau:
Một là: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, sự vững mạnh của chính quyền và các tổ chức đoàn thể, tạo sự đồng thuận trong nhân dân về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác xóa đói giảm nghèo, chính quyền địa phương cần căn cứ vào điều kiện cụ thể để có những phương án phù hợp
Hai là, Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác xóa đói giảm nghèo. Cần đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác xóa đói giảm nghèo, nhất là cán bộ tuyên truyền có đủ năng lực (trình độ, kỹ năng, thái độ, kinh nghiệm), có tâm huyết, cống hiến, có chính sách hỗ trợ thêm thu nhập cho cán bộ làm công tác xóa đói giảm nghèo.
Các ĐB nhận khen thưởng tại đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Bù Gia Mập lần thứ III
Ba là, Hàng năm xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững trên địa bàn xã; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Kế hoạch giảm hộ nghèo dân tộc thiểu số; Rà soát phân loại tìm ra nguyên nhân thiếu hụt của từng hộ nghèo, hộ cận nghèo, từ đó có giải pháp cụ thể, tăng cường công tác rà soát nhu cầu thực tế từng hộ dân đăng ký chương trình thoát nghèo từng năm.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia. Thường xuyên tự kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ được giao qua đó, phát huy những kết quả đã đạt được và phân tích nguyên nhân của khó khăn, hạn chế để có giải pháp thực hiện hiệu quả, kiệp thời nêu gương người tốt, việc tốt và khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong giảm nghèo tự vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bốn, xây dựng, phát triển, nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi... Tổ chức các hoạt động đa dạng hóa sinh kế khác do cộng đồng đề xuất, phù hợp với phong tục, tập quán, nhu cầu của người dân; phù hợp với mục tiêu của Chương trình và quy định của pháp luật
                   Lãnh đạo Huyện, xã dự lễ khai giảng năm học mới tại Trường tiểu học Hai Bà Trưng xã Phú Văn
Năm là, tập trung giải quyết  những vấn đề bức thiết về đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, như: tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế như: Hỗ trợ trồng rừng, bảo vệ rừng; hỗ trợ phát triển sản xuất, xác định cơ cấu cây trồng, vật nuôi chủ lực để sản xuất hàng hóa tập trung, tạo ra các sản phẩm có giá trị cao; kết nối tiêu thụ hàng hóa giữa vùng dân tộc thiểu số với thị trường trong nước và quốc tế để đồng bào ổn định cuộc sống; đồng thời, chú trọng việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vùng dân tộc thiểu số và xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Chương trình VHVN chào mừng đại hội
Sáu là, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, lãnh đạo các cấp, các ngành và đồng bào dân tộc thiểu số về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đổi mới hơn nữa nội dung thông tin, tuyên truyền, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, để đồng bào hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và tin tưởng thực hiện chính sách giảm nghèo; nhân rộng mô hình điển hình tiên tiến, đồng thời khơi dậy truyền thống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng. Phát huy vai trò tích cực của già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng.
Lãnh đạo tỉnh và huyện dự lễ khởi công công trình nâng cấp đường giao thông nông thôn
Bảy , tiếp tục phối hợp với Phòng LĐTBXH huyện, đoàn kinh tế Quốc phòng 778 triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách dạy nghề gắn với giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, mở các lớp đào tạo nghề mới phù hợp với nhu cầu của người dân địa phương, kết hợp với ngân hàng chính sách xã hội triển khai, giải ngân cho các hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn xây dựng nhà ở, vay vốn sản xuất kinh doanh sử dụng đúng nguồn vốn có hiệu quả.

 

Tác giả: ĐQ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây