HOC TAP BAC

Xây dựng con người Bình Phước phát triển toàn diện

Thứ tư - 30/10/2024 03:59 327 0
BGM - Ngày 20-11-2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Mục tiêu nhằm xây dựng và phát triển văn hóa Bình Phước đa dạng, bản sắc và hội nhập; xây dựng con người Bình Phước phát triển toàn diện, có đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam, phát huy mạnh mẽ các đặc tính nổi trội là hòa hợp, nghĩa tình, tự cường, kỷ cương, sáng tạo. Đồng thời “giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Bảo tồn văn hóa sóc Bom Bo
Bình Phước là địa phương giàu truyền thống cách mạng, có những địa danh lịch sử gắn liền với chiến công oanh liệt của các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, chống thực dân, đế quốc xâm lược trong thế kỷ XX, như Phú Riềng Đỏ, giải phóng Phước Long ngày 6-1-1975 (tỉnh đầu tiên của miền Nam), giải phóng Lộc Ninh ngày 7-4-1972 (huyện đầu tiên của miền Nam dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa). Và một cái tên quen thuộc khác từng làm nên thương hiệu của Bình Phước là sóc Bom Bo (xã Bình Minh, huyện Bù Đăng), nơi đồng bào S’tiêng giã gạo nuôi quân, nhường cơm sẻ muối cho bộ đội đánh giặc trong những năm kháng chiến chống Mỹ gian khổ. Và với cảm hứng, niềm tin về vùng đất, con người nơi đây, nhạc sĩ Xuân Hồng sáng tác nên bài hát để đời “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”.
Tiết mục thi giã gạo của đồng bào S'tiêng trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc (18-11-2016) tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng - Ảnh: Sỹ Hòa
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường cho rằng: “Bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” của nhạc sĩ Xuân Hồng đã khắc họa một không gian lãng mạn của thời kỳ kháng chiến “đói cơm, lạt muối” khi bộ đội cùng đồng bào dân tộc giã gạo dưới ánh trăng. Đây là niềm tự hào của Đảng bộ, quân và dân Bình Phước mỗi khi nhớ về quá khứ; là điểm tựa văn hóa tinh thần để người dân Bình Phước tự tin hướng tới tương lai, vươn lên trong cuộc sống hôm nay”.
Sau khi hòa bình lập lại, người dân sóc Bom Bo lại bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới, Bù Đăng đón thêm đồng bào từ các vùng miền khác đến sinh sống, lập nghiệp. Anh Vũ Đức Hoàng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bù Đăng chia sẻ: Xuất phát từ truyền thống giã gạo nuôi quân, đánh giặc giữ nước, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh và huyện rất quan tâm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào S’tiêng, đặc biệt là khu vực sóc Bom Bo. Tỉnh đã quy hoạch, xây dựng Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo (113 ha), với tổng kinh phí 85 tỷ đồng. Tháng 10-2015, khu bảo tồn khánh thành đi vào hoạt động và đến năm 2018, khi giao về huyện quản lý, được đầu tư hơn 20 tỷ đồng để tôn tạo, bổ sung thêm hiện vật.
Hiện Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo có nhà sinh hoạt cộng đồng, khu trưng bày, bán hàng lưu niệm, đặc biệt nơi đây trưng bày bộ đàn đá kỷ lục Việt Nam nặng 20 tấn và bộ cồng chiêng lớn nhất Việt Nam gồm 6 chiêng, 5 cồng có đường kính 2,15m, nặng 600kg. Nơi đây thường xuyên đón khách đến tham quan, tìm hiểu về văn hóa các dân tộc S’tiêng, M’nông… Đồng thời là địa chỉ đỏ trong giáo dục thế hệ trẻ của tỉnh.
Một hoạt động tại lễ hội kết bạn cộng đồng ở xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng - Ảnh tư liệu
Hằng năm, huyện Bù Đăng duy trì tổ chức liên hoan văn hóa - thể thao các dân tộc nhằm bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống và tăng thêm mối đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc trong huyện, tạo động lực cho công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Tại Liên hoan văn hóa, thể thao các dân tộc thiểu số năm 2023, huyện đã cho phục dựng lễ mừng lúa mới, kết bạn của đồng bào S’tiêng, M’nông.
Nghị quyết số 14-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra các mục tiêu cụ thể như: Phấn đấu đến năm 2030, trên 94% hộ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa; trên 95% thôn, ấp, khu phố đạt danh hiệu văn hóa; 90% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. 100% lễ hội trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh được tổ chức định kỳ và có chất lượng. 100% cấp huyện có hội văn học nghệ thuật, mỗi năm tăng 15% số lượng tác phẩm văn học nghệ thuật, trong đó có ít nhất 5% tác phẩm giá trị, có sức lan tỏa về tư tưởng nghệ thuật. Phấn đấu chỉ số phát triển con người (HDI) của Bình Phước trong nhóm từ 25-30 tỉnh, thành phố trong cả nước…

Khẳng định phẩm chất tự cường
Trước hết, con người Bình Phước phải mang đặc trưng văn hóa của người Việt Nam từ các vùng miền với nhiều dân tộc anh em, có sự hội tụ, pha trộn bản sắc văn hóa riêng của từng dân tộc anh em nhưng trải qua quá trình cùng chung sống đã từng bước tạo nên bản sắc riêng với các giá trị như nghĩa tình, tự cường, hòa hợp, liêm chính, sáng tạo. Trong đó, phẩm chất tự cường, không muốn thua kém bạn bè, không muốn thua kém, tụt hậu so với các tỉnh, thành trong khu vực và trong cả nước đang hình thành một cách mạnh mẽ.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy
NGUYỄN MẠNH CƯỜNG

Cũng như các tỉnh, thành khu vực Đông Nam Bộ, từ sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, Bình Phước thu hút nhiều cư dân ở các vùng miền trên cả nước đến lập nghiệp và tạo nên một cộng đồng các dân tộc Việt Nam thu nhỏ. Vì vậy, giữ gìn và phát huy tinh hoa văn hóa các dân tộc là vấn đề được tỉnh đặc biệt chú trọng. Nói về các giải pháp phát triển văn hóa Bình Phước trong thời gian tới, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh cho biết: Tỉnh sẽ tập trung xây dựng, phát triển hệ giá trị văn hóa, con người Bình Phước với trọng tâm là xây dựng nền văn hóa, con người Bình Phước phát triển toàn diện, bảo tồn tính đa dạng trong thống nhất của văn hóa các dân tộc, tôn giáo trong tỉnh; bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, nghệ thuật truyền thống, thuần phong, mỹ tục trong nhân dân; chủ động, linh hoạt tiếp thu những yếu tố khoa học, tiến bộ, tinh hoa văn hóa nhân loại.
Đồng thời, quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng hoạt động biểu diễn nghệ thuật; đẩy mạnh các phong trào văn hóa, văn nghệ, đáp ứng ngày càng tốt hơn đời sống tinh thần của nhân dân. Đẩy mạnh phát triển văn học nghệ thuật, trong đó chú trọng khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho văn nghệ sĩ sáng tạo các tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật. Chú trọng xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. 
Bình Phước sẽ huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng và hoàn thiện thiết chế văn hóa cho các địa phương, cơ sở. Đồng thời, có cơ chế, chính sách phù hợp để huy động các nguồn lực xã hội hóa cho phát triển văn hóa, tạo điều kiện để văn hóa, nghệ thuật phát triển đa dạng và phát huy sức sáng tạo trong nhân dân; từng bước xây dựng các ngành công nghiệp văn hóa, văn hóa đối ngoại, tiến tới hội nhập quốc tế về văn hóa.
 

Tác giả:  Y Văn(BPO)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây