HOC TAP BAC

Giữ trọn tình yêu với thổ cẩm

Thứ hai - 26/08/2024 02:48 992 0
BGM- Dệt thổ cẩm là nét văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của người S’tiêng Bình Phước bao đời nay. Nghề dệt thổ cẩm được duy trì và phát triển trong cộng đồng người S’tiêng, thế hệ đi trước truyền dạy cho thế hệ sau và lưu giữ cho đến ngày nay.
Tình yêu với thổ cẩm
Người phụ nữ S’tiêng ngày xưa rất coi trọng nghề dệt thổ cẩm. Vì cuộc sống của họ gắn bó với rừng, với thiên nhiên. Phụ nữ S’tiêng biết dệt thổ cẩm là để đảm bảo quần áo, chăn, địu con… phục vụ cuộc sống gia đình, dòng tộc và cộng đồng. Ngày trước, vải thổ cẩm được dệt từ những nguyên liệu thiên nhiên, do phụ nữ S’tiêng dệt thủ công bằng tay với khung dệt tự chế tạo từ tre, lồ ô, gỗ. Thổ cẩm có họa tiết xen kẽ, nổi lên trên bề mặt vải giống như thêu. Những hoa văn màu sắc này đem lại sự nổi bật cho tấm vải.

Ngày nay, nguyên liệu làm nên vải thổ cẩm đã thay đổi, nhưng vẫn giữ được nét truyền thống qua kỹ năng dệt được truyền nối từ các thế hệ. Bà Thị Dư ở thôn Đắk Khâu, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập cho biết: Tôi được mẹ dạy dệt thổ cẩm từ nhỏ, đến năm 16 tuổi là biết dệt thành thạo, tạo ra các sản phẩm phục vụ gia đình. Thời ba mẹ tôi không có quần áo may sẵn như bây giờ, không dệt được thổ cẩm là không có quần áo để mặc, không có chăn để dùng, không có địu để địu con lên rẫy… Học dệt thổ cẩm cũng rất khó, đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo.
Bà Thị Dư ở thôn Đắk Khâu, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập là người truyền dạy, gìn giữ nét đẹp thổ cẩm của dân tộc mình
Có một tình yêu rất lớn với thổ cẩm nên dù bận rộn làm kinh tế gia đình, chăm lo cho các con nhưng bà Thị Dư vẫn tranh thủ dệt thổ cẩm khi có thời gian rảnh. “Hiện nay, giới trẻ không thường xuyên mặc đồ dệt từ thổ cẩm, nhưng phong tục của người S’tiêng khi con cháu trong gia đình, dòng họ kết hôn vẫn giữ văn hóa tặng vải thổ cẩm cho đôi vợ chồng trẻ. Vì vậy, tôi duy trì việc dệt để phục vụ gia đình những dịp lễ cần đến thổ cẩm” - bà Thị Dư cho biết.
Bà Thị Dư ở thôn Đắk Khâu, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập truyền dạy thổ cẩm cho những người trẻ trong thôn
Bà Thị Dư bắt đầu học dệt thổ cẩm từ năm 13 tuổi đến nay đã 80 tuổi, là người lớn tuổi nhất trong Tổ dệt thổ cẩm của thôn Đắk Khâu và Đắk Son 2. Tuổi cao nhưng bà vẫn chăm chỉ và rất có trách nhiệm trong truyền dạy cho thế hệ sau biết dệt thổ cẩm.
Gìn giữ nét đẹp truyền thống
Cuộc sống ngày càng phát triển, thổ cẩm truyền thống đang phải chịu sự cạnh tranh với các sản phẩm dệt máy. Mặt khác, thổ cẩm truyền thống có giá thành cao nên trang phục làm từ vải thổ cẩm không còn được sử dụng thường xuyên trong cuộc sống hằng ngày của người S’tiêng. Tuy nhiên, nét văn hóa thổ cẩm và nghề dệt vẫn có vai trò và giá trị rất lớn.
Bà Thị Dư ở thôn Ðắk Khâu, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập tâm huyết truyền dạy, gìn giữ nét đẹp thổ cẩm của dân tộc mình
Thế hệ trẻ ngày nay còn những người biết trân trọng nét văn hóa truyền thống dân tộc mình nên tích cực tham gia các tổ dệt thổ cẩm để học hỏi thêm từ những người có tay nghề, nhiều kinh nghiệm. Trong đó, các thôn Đắk Khâu và Đắk Son 2, xã Phú Văn có nhiều phụ nữ đam mê dệt thổ cẩm. Họ đã thành lập tổ dệt thổ cẩm từ tháng 8-2023. Từ ngày tổ dệt thổ cẩm thành lập, những phụ nữ nơi đây không chỉ có thêm niềm vui mà còn có thêm công việc khiến cuộc sống ý nghĩa hơn. Tổ dệt thổ cẩm không có lịch sinh hoạt định kỳ, khi các thành viên có thời gian hay những ngày mưa không thể lên rẫy, họ lại tập hợp quây quần bên khung dệt. Người già chỉ dạy, chia sẻ kinh nghiệm cho người trẻ để tay nghề ngày càng được nâng lên. Là người lớn tuổi trong tổ dệt thổ cẩm, bà Thị Gú ở thôn Đắk Khâu luôn nhiệt tình chỉ dạy những người đi sau, giúp họ ngày càng nâng cao tay nghề, tạo ra những sản phẩm thổ cẩm chất lượng, đẹp mắt.
Bà Thị Gú ở thôn Đắk Khâu, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập làm quen với dệt thổ cẩm từ rất nhỏ thông qua người bà, người mẹ, người chị trong gia đình. Hiện bà lại truyền dạy nghề cho người trẻ trên địa bàn để lưu giữ nét đẹp văn hóa dân tộc
Là thành viên mới và trẻ tuổi nhất trong tổ, em Thị Thu Hà ở thôn Đắk Khâu cho biết: “Tham gia tổ dệt thổ cẩm, em được các cô, các chị chỉ dạy rất nhiệt tình. Để biết dệt thành thạo rất khó, đã có lúc em dệt sai phải tháo ra để sửa lại. Em sẽ cố gắng kiên trì theo học để giữ nét đẹp văn hóa dân tộc mình”.
Phụ nữ S’tiêng làm quen với dệt thổ cẩm từ rất nhỏ thông qua người bà, người mẹ, người chị trong gia đình. Người biết chỉ cho người chưa biết. Phụ nữ S’tiêng đến với thổ cẩm là thế, không có một lớp đào tạo nghề bài bản, nhưng qua bao nhiêu năm dệt thổ cẩm vẫn được lưu truyền, tạo thành nét đẹp truyền thống trong cộng đồng người S’tiêng cần được bảo tồn và phát huy giá trị.
Bà THỊ GÚ, thôn Ðắk Khâu, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập

Bà Đặng Thị Lệ Xuân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Văn cho biết: Tổ dệt thổ cẩm thôn Đắk Khâu, Đắk Son 2 ra mắt tháng 8-2023, sau đó có nhiều phụ nữ tham gia. Từ 21 thành viên ban đầu, đến nay tổ đã thu hút hơn 40 thành viên tham gia. Tổ dệt thổ cẩm ra đời rất thiết thực, hữu ích, tập hợp những người có tay nghề cao, tuổi nghề lâu năm và những người yêu mến thổ cẩm có nơi sinh hoạt, nuôi dưỡng đam mê, để nghề dệt thổ cẩm trên địa bàn xã không bị mai một. Mặt khác, thông qua tổ dệt thổ cẩm giúp chị em có việc làm, cùng nhau sáng tạo ra nhiều sản phẩm thổ cẩm có giá trị, tìm kiếm đầu ra để tăng thu nhập.
Với đôi bàn tay khéo léo, các thành viên tổ dệt thổ cẩm thôn Đắk Khâu và Đắk Son 2 không chỉ dệt nên các sản phẩm truyền thống mà còn tạo ra trang phục hiện đại trên nền vải thổ cẩm phù hợp xu hướng thời trang cho phụ nữ S’tiêng. Qua đó, góp phần gìn giữ nét đẹp di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề dệt thổ cẩm trên địa bàn huyện Bù Gia Mập.
 

Tác giả:  Ngọc Bích (Báo Bp)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây