Huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước thành lập và hoạt động từ ngày 1-11-2009 gồm 18 xã. Tháng 8-2015, Bù Gia Mập chia tách để thành lập huyện Phú Riềng. Từ đó đến nay, huyện Bù Gia Mập có 8 xã, dân số 85 ngàn người, trong đó hơn 36% hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Sau 15 năm huyện đã vượt khó đi lên, đạt nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội
Từ những khó khăn ban đầu
Năm 2009, Bù Gia Mập là một trong những huyện rất khó khăn. Cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp, thương mại dịch vụ chưa phát triển; cơ sở vật chất kỹ thuật còn nghèo nàn, kết cấu hạ tầng còn hạn chế (nhất là về giao thông, cấp điện, cấp nước và các dịch vụ thương mại, tài chính, ngân hàng…). Đời sống Nhân dân trong huyện gặp rất nhiều khó khăn, GDP bình quân đầu người chỉ đạt 14,58 triệu đồng/người/năm. Đội ngũ cán bộ vừa thiếu, vừa yếu, chưa ngang tầm nhiệm vụ, nhất là nhân sự các phòng, ban, ngành ở huyện chủ yếu là các sinh viên mới ra trường. Trình độ dân trí thấp, tỷ lệ mù chữ cao, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Huyện có 64km đường biên giới giáp với Campuchia, tiềm ẩn nguy cơ phức tạp… Đó là những trở ngại ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình xây dựng và phát triển của huyện
Một góc Trung tâm hành chính huyện Bù Gia Mập
Đạt những thành tựu phát triển
Sau 15 năm thành lập, huyện có những bước chuyển biến tích cực, tình hình kinh tế đã đi vào ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế theo chiều hướng khá, sản xuất kinh doanh tương đối phát triển, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn hàng năm liên tục tăng. Thu ngân sách năm 2024 ước đạt 206 tỷ đồng, bình quân hàng năm tăng 8%. Cơ cấu kinh tế của huyện trong những năm qua đang chuyển dịch đúng hướng theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ và giảm tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thu ngân sách hàng năm đều tăng và vượt so với dự toán tỉnh, HĐND huyện giao. Đầu tư xây dựng cơ bản được đẩy mạnh, nguồn vốn đầu tư tăng mạnh qua các năm, góp phần thay đổi diện mạo của huyện.
Giữ gìn và bảo tồn nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số
Bên cạnh đó, an sinh xã hội được bảo đảm, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số..., thực hiện tốt các công tác chính sách xã hội đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Các chính sách hỗ trợ cho người nghèo, người có thu nhập thấp nhằm giảm bớt khó khăn mang lại hiệu quả rõ rệt; công tác giải quyết việc làm cho người lao động được đẩy mạnh, số lao động được tạo việc làm ngày càng tăng; Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân có bước tiến bộ, các chỉ tiêu về chăm sóc sức khỏe, dân số như: giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em; chỉ tiêu giảm sinh đều đạt kế hoạch đề ra, tỷ lệ dân cư được tiếp cận các dịch vụ y tế ngày càng gia tăng; Quy mô và mạng lưới giáo dục tiếp tục được mở rộng
Dự án xây dựng đường giao thông tại xã Bù Gia Mập với 07 tuyến đường; 01 cầu bê tông, hệ thống đường ống cấp nước sinh hoạt, hệ thống lưới điện trung, hạ thế và trạm biến áp công suất 50hVA
Các trường học trên địa bàn huyện được đầu tư xây dựng mới cùng với sửa chữa, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu dạy và học ngày được tốt hơn. Tổng nguồn vốn chi cho sự nghiệp giáo dục luôn chiếm tỷ trọng lớn trong đầu tư của toàn huyện. Tập trung đẩy mạnh xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia hoàn thành các chỉ tiêu theo Nghị quyết đảng bộ huyện đề ra. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao luôn được phát huy và ngày càng đa dạng phong phú góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
Giá trị sản xuất ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản đạt 3.930 tỷ đồng, tăng tỷ lệ bình quân hàng năm 9,49% so với cùng kỳ. Tổng diện tích cây trồng trên địa bàn tính đến năm 2024 là 62.054,9 ha, trong đó, diện tích Cao su tăng 3,85%, sản lượng tăng 7,38%; cây Điều tăng 2,16%, sản lượng tăng 2,01 %; sản phẩm chăn nuôi tăng tăng 8,36%.
Lễ công bố xã Đa Kia đạt chuẩn Nông thôn mới
Tổng nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới là 1.850 tỷ đồng; đến nay toàn huyện có 06/08 xã được công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới và 02/08 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; toàn huyện đạt trung bình 17,88 tiêu chí; công trình bê tông xi măng theo cơ chế đặc thù thực hiện trên địa bàn huyện từ năm 2020 - 2024 đã đầu tư hơn 135km đường Bê tông đặc thù, và hơn 15.802m2 sân bê tông vượt so với kế hoạch tỉnh giao.
Ngoài ra, huyện có 204 doanh nghiệp đang hoạt động. Ngành Công nghiệp gồm 50 đơn vị chiếm 24,53%; xây dựng 31 đơn vị chiếm 15,19%; thương mại 97 đơn vị chiếm 47,54%; ngành dịch vụ khách chiếm 26 đơn vị chiếm 12,74%.
Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 3.270 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân mỗi năm 21,71%. Tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 98,7%. Huyện đã quy hoạch 03 Cụm Công nghiệp gồm, cụm Công nghiệp Phú Nghĩa II với diện tích 30ha; Phú Nghĩa III với diện tích 30ha và Đa Kia với diện tích 75ha. Các Cụm công nghiệp trên đã được phê duyệt Quy hoạch chi tiết và kêu gọi đầu tư.
Giá trị Thương mại - Dịch vụ ước thực hiện là 3.042 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng tăng bình quân 15,31%; mạng lưới Thương mại - Dịch vụ trên địa bàn huyện phát triển nhanh, nhất là ở khu vực trung tâm các xã như: Phú Nghĩa, Đa Kia, Đăk Ơ,…đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và đời sống của nhân dân. Toàn huyện hiện có 162 doanh nghiệp đăng ký sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động.
Công tác giao thông - Vận tải đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hoá của nhân dân. Tiếp tục thực hiện hoàn thành công tác điều chỉnh quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông nông thôn đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 và hoàn thành công tác lập quy hoạch tỷ lệ 1/500 đối với các dự án đã được phê duyệt. Đẩy mạnh việc hình thành và phát triển các Cụm công nghiệp trên địa bàn huyện; điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập thị trấn và làm cơ sở lập quy hoạch vùng đô thị loại V trên địa bàn huyện.
Đ/c Lý Trọng Nhân –TUV- Bí thư huyện ủy Bù Gia Mập trao bằng công nhận trường THPT đạt chuẩn quốc gia
mức độ 1 cho lãnh đạo nhà trường
Cơ sở vật chất, trường lớp được đầu tư đồng bộ, kiên cố từ huyện đến các xã, trong đó, số trường đạt chuẩn Quốc gia là 13/33 trường so với đạt tỷ lệ 40%.
Sự nghiệp y tế được quan tâm, mạng lưới y tế từ huyện đến xã tiếp tục được củng cố, hoàn thiện, đáp ứng tốt yêu cầu khám bệnh của nhân dân. Trong đó đáng chú ý là việc xây dựng Bệnh viện đa khoa huyện với quy mô 50 giường và xây dựng Trạm Y tế các xã theo chuẩn quốc gia gắn với việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề và y đức của đội ngũ thầy thuốc, nâng cao năng lực khám và chữa bệnh cho nhân dân được chú trọng.
Công tác khám, chữa bệnh đáp ứng nhu cầu cơ bản trong việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, chất lượng y tế ngày càng được nâng lên, toàn huyện có 09 cơ sở y tế (01 Trung tâm Y tế huyện và 08 Trạm Y tế xã), 90 giường bệnh (tuyến huyện 50 giường và tuyến xã 40 giường), tỷ lệ bác sĩ đạt 2,35 bác sĩ/vạn dân; có 8/8 xã đã có Trạm Y tế, 6/8 Trạm Y tế có bác sĩ làm việc thường xuyên tại Trạm, 98,5% thôn có nhân viên y tế thôn bản.
Các hoạt động bảo trợ xã hội, chăm sóc người có công được thực hiện tốt. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” trong xã hội tiếp tục được đẩy mạnh. Công tác giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho lao động nông thôn được quan tâm, đến nay tập trung giải quyết việc làm cho 46.508/38.314 lao động (đạt 121,38%); tỷ lệ lao động qua đào tạo 9.257/7.147 đạt 129,5% .
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện từ đầu khi thành lập huyện, tỷ lệ hộ nghèo từ 8,26% năm 2009, đến nay tỷ lệ hộ nghèo còn 2,03% năm 2024.
Khởi công công trình nâng cấp mở rộng đường giao thông nông thôn tại xã Phú Văn
Dấu ấn Nghị quyết của lòng dân
Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 02 về tập trung mọi nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống giao thông nông thôn (GTNT) và Nghị quyết số 03-NQ/HU về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Qua hơn nửa nhiệm kỳ lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, với sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, Nghị quyết số 02 và 03 đã đạt những kết quả tích cực, được người dân đồng thuận, hưởng ứng cao.
Trong đó, Nghị quyết số 02 về phát huy mọi nguồn lực, tập trung đầu tư phát triển hệ thống GTNT là một trong 3 chương trình đột phá theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bù Gia Mập lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra. Toàn huyện đã đẩy mạnh phong trào làm đường GTNT rộng khắp ở 08 xã và 68 thôn. Đến nay, hệ thống giao thông của huyện ngày càng hoàn chỉnh và đang từng bước được nâng cấp, phục vụ đắc lực cho phát triển KT - XH, lưu thông hàng hóa và đi lại của người dân.
Hệ thống tưới nước tự động của Hợp tác xã nông - lâm nghiệp - dịch vụ Phương Nghĩa
Những kết quả đạt được trên các lĩnh vực trong 15 năm qua sẽ là tiền đề để Đảng bộ huyện tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu được đề ra trong nghị quyết. Xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh trên cả 4 mặt: chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền; củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết các dân tộc; quản lý, khai thác sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của huyện để đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa gắn với xây dựng nông thôn mới; duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; phát triển kinh tế -xã hội gắn với giữ vững ổn định quốc phòng, an ninh.
Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bù Gia Mập khoá XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025
Phấn đấu xây dựng huyện Bù Gia Mập ổn định và phát triển bền vững với phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Phát triển”; Đảng bộ, Chính quyền, Nhân dân huyện Bù Gia Mập quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XII và nghị quyết của cấp ủy cấp trên đề ra.