Bù Gia Mập, Tình Bình Phước là huyện miền núi, biên giới, diện tích tự nhiên là 106.464 ha, có 08 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 02 xã biên giới là Đăk Ơ và Bù Gia Mập với đường biên giới dài hơn 64 km; dân số trên địa bàn huyện là 21.019 hộ với 81.978 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có 6.555 hộ, với 29.983 khẩu, chiếm khoảng 36,6% dân số toàn huyện; toàn huyện có 23 thành phần dân tộc phân bố đều khắp ở các xã trên địa bàn huyện, có 03 xã và 16 thôn đặc biệt khó khăn.
Số hộ nghèo toàn huyện là 440 hộ, với 1.540 nhân khẩu chiếm tỷ lệ 2,03%; trong đó hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số là 262 hộ với 1.009 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 59,55%. Hộ cận nghèo toàn huyện là 609 hộ, với 2.384 khẩu, chiếm tỷ lệ 2,82%, trong đó hộ cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số là 334 hộ, với 1.395 khẩu, chiếm tỷ lệ 54,84%.
Đc Điểu Nen – Trưởng Ban dân tộc tỉnh – Phó trưởng Ban Chỉ đạo, Ban tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh tặng hoa chúc mừng Đại hội
Trong 5 năm qua (2029-2024) các cấp uỷ Đảng, chính quyền Huyện Bù Gia Mập, Tỉnh Bình Phước từ huyện đến cơ sở luôn quan tâm thực hiện các chính sách của Đảng, nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới đầu tư 251,3 tỷ đồng cho các chương trình xoá đói giảm nghèo, phúc lợi xã hội..v..vv trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhìn chung sau 05 năm (2029-2024) thực hiện công tác dân tộc, tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến, thay đổi tích cực, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo có xu hướng giảm; chính sách dân tộc được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, nhanh, bền vững; đẩy mạnh giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc; giảm dần vùng đặc biệt khó khăn; từng bước hình thành các trung tâm kinh tế, thương mại, văn hóa - xã hội vùng dân tộc thiểu số; phát triển nguồn nhân lực; tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số; củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững chắc; giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo ổn định an ninh - quốc phòng.
Tiết mục văn nghệ chào mừng Đại hội
Để phát huy hiệu quả công tác vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, thời gian tới cần thực hiện các nhiệm vụ giải pháp sau:
Đẩy mạnh công tác giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới. Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vay tiền với lãi suất cao, cầm cố đất, bán điều non, bán đất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn (2024- 2029).
Môt là, Huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể trong huyện tiếp tục quan tâm thực hiện như: Kế hoạch số 139-KH/HU ngày 09/4/2020 của Huyện uỷ thực hiện Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác dân tộc, Quyết định số 442/QĐ-UBND ngày 13/3/2023 của UBND huyện về ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn huyện Bù Gia Mập giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045...
Hai là, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành, của toàn bộ hệ thống chính trị; Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Xác định rõ công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ rất quan trọng, thường xuyên, là trách nhiệm của cấp ủy, hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Quan tâm đến công tác Đảng viên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển đoàn viên, Hội viên là người đồng bào dân tộc thiểu số. Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân tộc từ huyện đến cơ sở. Xây dựng và phát huy vai trò của già làng tiêu biểu, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, các chính sách dân tộc
Ba là, Kịp thời nắm được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đồng bào dân tộc thiểu số; trên cơ sở đó có giải pháp xử lý phù hợp. Người đứng đầu cấp ủy, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp phải thường xuyên đối thoại, tiếp xúc trực tiếp với nhân dân. Các cơ quan thông tin đại chúng, chủ động định hướng dư luận xã hội và đấu tranh phòng, chống có hiệu quả các luận điệu xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện có hiệu quả chủ trương về xóa đói, giảm tỉ lệ hộ nghèo, nâng cao mức thu nhập.
Tập trung tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số để kịp thời nhận diện, chủ động đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa âm mưu, thủ đoạn, hoạt động của các thế lực thù địch nhằm kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kích động tư tưởng ly khai, tự trị dân tộc, bạo loạn, biểu tình, phá rối trật tự an toàn xã hội.
Bốn là, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh và đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số có chất lượng, tỷ lệ và cơ cấu hợp lý, thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện công tác dân vận của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; sơ kết, tổng kết các chủ trương của Đảng về công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thăm cột mốc biên giới
Năm là, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công tác tại vùng DTTS sinh sống, có trình độ, hiểu biết, có uy tín gắn bó với đồng bào DTTS. Chăm lo đến xây dựng cơ cấu, đội ngũ cán bộ vùng đồng bào DTTS; lựa chọn cán bộ, đủ đức, đủ tài, có tinh thần trách nhiệm, kinh nghiệm, gần gũi, sát cơ sở; thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, thực hiện tốt công tác quy hoạch, bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển cán bộ, nhất là cán bộ người dân tộc.
Sáu là, tập trung đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; trong đó chú trọng đào tạo, quy hoạch, xây dựng và phát triển tại chỗ đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số. Bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số phù hợp với tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị; đặc biệt là tại các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc.
Huyện Bù Gia Mập chú trọng phổ biến kiến thức về trồng trọt cho người dân tộc thiểu số
Bảy là, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phòng học cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục và đào tạo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tiếp tục thực hiện tốt chính sách ưu tiên dành cho con em đồng bào dân tộc thiểu số vào học tại các trường Đại học, Cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, dạy nghề đối với con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tập trung đào tạo, bồi dưỡng các chuyên ngành có nhu cầu cấp thiết như: Bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư nông nghiệp, công nghệ thông tin, quản lý văn hóa cơ sở, quản lý kinh tế, tài chính - ngân hàng, quản trị nhân lực, công nghệ thực phẩm...
Phát huy và nâng cao hiệu quả công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, trong đó đặc biệt ưu tiên xóa mù chữ cho phụ nữ, trẻ em gái ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đảm bảo tỉ lệ biết chữ cân bằng giữa nam và nữ; thực hiện hiệu quả chính sách cử tuyển đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số, gắn đào tạo với nhu cầu và khả năng bố trí việc làm tại địa phương.
Khen thưởng đại biểu DTTS đạt thành tích trong công tác thực hiện chính sách trên địa bàn huyện Bù Gia Mập
Tám là, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe người dân, đầu tư hoàn thiện, nâng cấp Trạm Y tế xã, đào tạo đội ngũ cán bộ y tế thôn bản đạt chuẩn;Tăng cường công tác truyền thông về ý thức và biện pháp tự bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho bản thân. Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ và giáo dục y đức cho đội ngũ y, bác sỹ và nhân viên y tế, ưu tiên đào tạo y, bác sỹ là người đồng bào dân tộc thiểu số. Nâng cao hơn nữa chất lượng chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt chế độ miễn giảm viện phí, cấp thẻ bảo hiểm y tế kịp thời cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo.
Nghề truyền thống của người S’tiêng ở Bù Gia Mập
Chín là, phát triển đồng bộ hạ tầng thiết yếu, phục vụ sinh hoạt, sản xuất, giao thương, tăng cường kết nối thị trường, lưu thông hàng hóa bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó ưu tiên phát triển hệ thống giao thông đường bộ liên tỉnh, liên huyện kết nối với hệ thống đường bộ quốc gia, kết nối liên vùng và liên thông vận tải với các nước bạn có chung đường biên giới.
Đc Lý Trọng Nhân - Bí thư Huyện ủy Bù Gia Mập , Trưởng đoàn đại biểu dự Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Bình Phước lần thứ IV đồng thời thông qua quyết tâm thư đại hội
Thực hiện tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, khen thưởng, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn.