HOC TAP BAC

Quốc hội phải đóng góp tích cực quan trọng trong xây dựng thể chế phát triển đất nước

Thứ hai - 21/10/2024 21:35 470 0
BGM - Sáng 21-10, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Dự phiên khai mạc có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Thường trực Ban Bí thư Lương Cường; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và MTTQ.
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ làm việc trong 29,5 ngày, từ ngày 21-10 đến ngày 30-11-2024; chia làm 2 đợt: đợt 1 từ ngày 21-10 đến ngày 13-11, đợt 2 từ ngày 20-11 đến sáng ngày 30-11.
Trước khi bắt đầu phiên khai mạc, Quốc hội tiến hành mặc niệm chiến sĩ hy sinh, đồng bào tử nạn do thiên tai trong thời gian qua
 
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ: Kỳ họp này có ý nghĩa quan trọng, Quốc hội sẽ thảo luận, quyết định nhiều vấn đề để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực, khắc phục các điểm nghẽn, tất cả vì phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đảm bảo đời sống của nhân dân.
 
Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và MTTQ tham dự kỳ họp
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Đây là kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp rất lớn; các dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội xem xét tại kỳ họp này liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực mà thực tiễn đang đòi hỏi cấp thiết và nhiều doanh nghiệp, cử tri, nhân dân rất quan tâm.
Đề nghị các đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, trí tuệ, chuyên nghiệp, khoa học, tập trung góp ý toàn diện cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp của các dự án luật, luật cần ngắn gọn, chỉ quy định những vấn đề theo đúng thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa các vấn đề thuộc thông tư, nghị định… đảm bảo khi các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua đạt chất lượng cao và tuổi thọ lâu, tạo điều kiện thuận lợi và giao quyền chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện luật, gắn việc xây dựng luật và tổ chức thi hành luật đạt hiệu quả cao nhất.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại biểu Quốc hội bám sát các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội; phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, tập trung vào những vấn đề lớn, những kết quả quan trọng đã đạt được, những bất cập, hạn chế, yếu kém, đề xuất những giải pháp thiết thực, hiệu quả.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận, góp ý về sự phù hợp, tính khả thi, hiệu quả của các chính sách; tính thống nhất, đồng bộ với các quy định của pháp luật nhằm phát huy được nguồn lực, tận dụng được cơ hội phát triển để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. 
Nhấn mạnh khối lượng công việc của kỳ họp là rất lớn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy dân chủ, nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận sôi nổi trên tinh thần xây dựng, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, đáp ứng sự mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025
Trong phiên khai mạc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có bài phát biểu quan trọng, trong đó nêu rõ đây là kỳ họp đầu tiên có trách nhiệm về thể chế hóa nghị quyết của Trung ương lần thứ mười, khóa XIII, khẩn trương đưa chủ trương của Đảng vào thực tiễn cuộc sống và giải quyết nhiều vấn đề quan trọng khác của đất nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị phải đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, trong đó chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm. Các quy định của pháp luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài. Luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc, không cần quá dài. Những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì giao cho Chính phủ, địa phương quy định để đảm bảo linh hoạt trong điều hành. Tuyệt đối không hành chính hóa hoạt động của Quốc hội, luật hóa các quy định của nghị định và thông tư. Đổi mới quy trình xây dựng tổ chức thực hiện pháp luật, bám sát thực tiễn, đứng trên mảnh đất thực tiễn Việt Nam để xây dựng các quy định pháp luật phù hợp, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội nhưng không cầu toàn để mất thời cơ; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể.
Thường xuyên đánh giá hiệu quả chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh bất cập, mâu thuẫn, giảm nhiều thất thoát, lãng phí nguồn lực, chủ động phát hiện và tháo gỡ nhanh nhất những điểm nghẽn có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Cải cách triệt để thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp. Tập trung kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu, kiên quyết chống tiêu cực, lợi ích nhóm. Chủ động, tích cực, khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới, nhất là những vấn đề liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tạo khuôn khổ pháp lý để thực hiện thành công cuộc cách mạng về chuyển đổi số, tạo đột phá phát triển đất nước trong những năm tiếp theo.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm mong muốn hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội phải đúng vai thuộc bài, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ và quan hệ giữa các cơ quan, nhất là các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, đảm bảo chặt chẽ, hài hòa trong quy trình quản trị quốc gia. Quốc hội và các đại biểu Quốc hội cần thống nhất cao gương mẫu đi đầu đóng góp tích cực quan trọng trong xây dựng thể chế phát triển đất nước với tinh thần đổi mới, cải cách, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Tác giả:  Trần Thể(BPO)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây