BGM - Với chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo đúng đắn và nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, đông đảo chức sắc, tín đồ các tôn giáo đã phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, có những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Là địa phương có đa dạng tôn giáo, Bình Phước cũng đang thực hiện nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát huy vai trò của các chức sắc, chức việc, đồng thời xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng vững mạnh.
Chăm lo cho đồng bào giáo dân
Tăng cường khối đại đoàn kết tôn giáo, thời gian qua, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh luôn coi trọng việc lấy tình đồng bào, anh em, bạn bè để làm cơ sở; thực hiện tốt các phương hướng, nguyên tắc, hình thức công tác tôn giáo của Đảng. Trong đó, cốt lõi là công tác vận động quần chúng, thường xuyên quan tâm, giúp đỡ, động viên, khuyến khích các chức sắc, chức việc tôn giáo sống “tốt đời, đẹp đạo”. Từ đó, các chức sắc, chức việc tiếp tục tuyên truyền cho đồng bào giáo dân sống an cư, tuân thủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Phó Giáo cả Du Số phụ trách vấn đề giáo lý ở Thánh đường Hồi giáo Nurul Iman, xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng chia sẻ: “Trong bất kỳ buổi sinh hoạt nào mình cũng vận động bà con trong xóm, trong cộng đồng không làm những điều xấu, không sa vào tệ nạn xã hội, đồng thời tuyên truyền bà con thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Nhờ vậy, mấy năm gần đây, trong cộng đồng ít xảy ra tình trạng tụ tập ăn chơi mà chăm lo lao động, phát triển kinh tế gia đình”.
Mô hình trồng bơ sáp xen canh triển khai cho đồng bào giáo dân thôn Sơn Lang,xã Phú Sơn, huyện Bù Ðăng đang sinh trưởng, phát triển tốt
Ông Lê Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Phú Riềng cho biết, xã hiện có 5 cơ sở tôn giáo. Các tôn giáo hoạt động tương đối ổn định. Chính quyền xã thường xuyên phối hợp với lực lượng chức năng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của giáo dân. Nếu phát hiện vấn đề gì, xã kịp thời xử lý và tuyên truyền cho các cơ sở tôn giáo chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Do vậy, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đều được thực hiện đúng quy định, đảm bảo đúng nội dung, giữ gìn được những giá trị tốt đẹp.
Bên cạnh tuyên truyền, việc chăm lo đời sống cho đồng bào giáo dân cũng được các ngành, các cấp, lực lượng chức năng quan tâm triển khai thực hiện. Bởi chỉ có cải thiện, ổn định và nâng cao đời sống đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng có đông tín đồ tôn giáo thì mới đưa được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với giáo dân. Từ cùng làm với người dân, các mô hình trồng trọt, chăn nuôi bắt đầu được xây dựng theo hướng trồng cây gì, nuôi con gì để phù hợp với tập quán, khả năng của bà con. Năm 2019, mô hình trồng bơ xen canh trong các vườn điều già cỗi được thực hiện tại thôn Sơn Lang, xã Phú Sơn, huyện Bù Đăng. Phòng An ninh đối nội Công an tỉnh đã phối hợp các đơn vị liên quan đưa 6.000 cây giống bơ sáp về trồng tại khu vực này, với 60 hộ dân trồng thử nghiệm và bao tiêu sản phẩm.
Mục sư Điểu Hiêng, Quản nhiệm Chi hội Tin lành Bù Đăng, Trưởng Ban đại diện Hội thánh Tin lành miền Nam Việt Nam cho biết: Trồng nhiều loại cây trên cùng diện tích đất sẽ giải quyết được khó khăn trước mắt cho bà con. Nếu chỉ trồng cây điều thì phải chờ tới mùa mới có nguồn thu. Khó khăn về tài chính kéo dài trong 1 năm sẽ dẫn đến nhiều vấn đề khác phát sinh không lường trước được. Do vậy, việc xây dựng và phát triển lâu dài các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả sẽ giúp đỡ người dân rất nhiều trong ổn định kinh tế. Từ đó ổn định tư tưởng, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng giáo dân.
Tạo điều kiện cho tôn giáo hoạt động
Thực tế cho thấy, thời gian gần đây, số lượng chức sắc, chức việc, cơ sở thờ tự của các tôn giáo gia tăng đáng kể. Các hoạt động phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, thuyên chuyển chức sắc, chức việc, thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc, sửa đổi hiến chương, điều lệ… theo đúng quy định pháp luật. Đó cũng là bằng chứng sinh động trong việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, là nguyên tắc nhất quán xuyên suốt của Đảng, Nhà nước, vì đời sống tinh thần của hàng triệu tín đồ các tôn giáo, thể hiện đầy đủ bản chất Nhà nước dân chủ, pháp quyền.
Với phương châm “tốt đời, đẹp đạo”, các tôn giáo ở Việt Nam đã xây dựng nên đường hướng hành đạo tiến bộ như “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” của Phật giáo; “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc” của Công giáo; “Sống phúc âm phụng sự Thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và dân tộc” của Hội thánh Tin lành Việt Nam… vừa phù hợp với đạo lý, truyền thống của dân tộc vừa phù hợp Hiến pháp, pháp luật và xu hướng phát triển của thời đại.
Lực lượng chức năng tuyên truyền chính sách, pháp luật của Ðảng và Nhà nước cho bà con giáo dân tại Thánh đường Hồi giáo Nurul Iman, xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng
Tại Bình Phước, địa phương có 8 tôn giáo đang hoạt động với 380 cơ sở tôn giáo, 248.008 tín đồ, 871 chức sắc, 550 chức việc, việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực tôn giáo và âm mưu, hoạt động lợi dụng tôn giáo chống Đảng, Nhà nước cũng luôn được quan tâm thực hiện. Mỗi năm, dịp đầu xuân mới, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh đều tổ chức họp mặt các chức sắc, chức việc tiêu biểu của các tôn giáo trên địa bàn. Trong không khí thân tình, ấm áp của buổi họp mặt, các chức sắc, chức việc tôn giáo có cơ hội gặp gỡ, tăng cường khối đại đoàn kết, đồng thời tạo sự gắn bó, tin tưởng với cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Đây cũng là cơ hội để những vướng mắc kịp thời được tháo gỡ, đồng thời đưa ra kiến nghị, giải pháp để cùng nhau phát triển.
Bình Phước luôn đánh giá cao những đóng góp tích cực, sự đồng hành, chia sẻ của chức sắc, chức việc các tôn giáo vào sự phát triển chung của tỉnh. Chúng tôi mong muốn các chức sắc, chức việc tiếp tục đồng hành cùng Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, tích cực hưởng ứng các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, phát huy tốt hơn nữa vai trò đoàn kết các giai tầng, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy
LÊ THỊ XUÂN TRANG |
Trải qua nhiều biến cố lịch sử, các tôn giáo ở nước ta luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chỉ khi tiếp tục gìn giữ truyền thống đoàn kết, tương trợ lẫn nhau và phát huy lẽ sống “tốt đời, đẹp đạo”, gắn bó với dân tộc, đồng hành cùng đất nước, khối đoàn kết tôn giáo mới thật sự là tấm khiên vững chắc trước sự tấn công của giặc ngoại xâm và các tổ chức thù địch chống phá.