Tuyên Quang: Nhiều nhà dân bị ngập sâu trong nước lũ, nhiều tuyến đường bị hư hại sau bão số 3
Trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang chịu ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 3, các huyện, thành phố đã xảy ra nhiều đợt mưa vừa, mưa to trên diện rộng, đồng thời Thủy điện Tuyên Quang mở hoàn toàn các cửa xả đáy đã gây lũ lớn, thiệt hại nặng trên địa bàn toàn tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang cũng đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai.
Người dân phải di chuyển bằng thang ra ngoài
Theo thống kê chưa đầy đủ, mưa lũ đã làm 2 người mất tích do bị lũ cuốn trôi; 214 ngôi nhà bị tốc mái, sạt lở đất, đá vào nhà và hàng nghìn ngôi nhà của người dân bị ngập trong nước lũ; phải tổ chức di dời 360 người đến nơi an toàn; hơn 1.720ha lúa, hơn 431ha hoa màu bị ngập úng; hư hỏng nhiều đoạn tại các quốc lộ 2C, 279 và 280; đường tỉnh ĐT.188, ĐT.185 và nhiều tuyến đường huyện, xã bị sạt lở, ngập úng gây ách tắc giao thông; 159 cột điện 0,4kV bị gẫy, đổ và 3 tuyến đường điện bị hư hỏng; 3.288 cây xanh bị gẫy, đổ.
Tại huyện Chiêm Hóa, mưa lớn cũng khiến cầu Bình Thể, ở xã Vinh Quang bị trôi mặt cầu và cầu Lăng Đén, xã Tri Phú bị trôi mố cầu khiến giao thông qua khu vực này bị chia cắt. Toàn huyện có 4 nhà bị đổ sập và cuốn trôi hoàn toàn và hơn 920 nhà bị ngập; hơn 500ha cây trồng bị thiệt hại, ước thiệt hại hơn 9 tỷ đồng.
Hiện, mực lũ sông Lô đoạn qua thành phố Tuyên Quang lúc 14 giờ ngày 10-9, đã đạt 27m, trên mức báo động 3 là 1m, cấp cực kỳ nguy hiểm. Nhiều tuyến đường, khu dân cư trong thành phố đã bị ngập úng.
Nước ngập cao tại khu vực trung tâm thành phố Tuyên Quang
Cùng với đó, mực nước tại các sông, suối liên tục dâng cao. Trước tình hình bão lũ đang diễn ra phức tạp, Sở giao thông vận tải tỉnh Tuyên Quang đã có thông báo cấm người và các phương tiện tham gia giao thông trên các cầu: Nông Tiến, Quốc lộ 37, thành phố Tuyên Quang; cầu Chiêm Hóa, Quốc lộ 3B, thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa; cầu Bợ, Quốc lộ 3B, xã Thái Sơn, huyện Hàm Yên; cầu Sơn Dương quốc lộ 37, thị trấn Sơn Dương, cầu An Hòa, ĐT.186, xã Vĩnh Lợi và cầu Kim Xuyên, ĐT.186, xã Hồng Sơn, huyện Sơn Dương.
Một đoạn đê sông Lô qua xã Quyết Thắng đã bị vỡ do nước sông lên cao
Trong đêm 10-9, một đoạn đê sông Lô qua xã Quyết Thắng, huyện Sơn Dương đã bị vỡ do nước sông lên cao. Đoạn đê bị vỡ dài khoảng 10m giáp ranh với xã Hợp Nhất của huyện Đoan Hùng, Phú Thọ. Trước đó tại vị trí này đã có dấu hiệu của rò rỉ nước nên công tác di dời người dân trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng đã được triển khai, do đó không có thiệt hại về người.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có mưa lớn kết hợp Thủy điện Tuyên Quang mở hết 8 cửa xả đáy đã khiến lũ trên sông Lô lên cao gây ngập úng tại nhiều khu vực.
Từ chiều và đêm ngày 10-9 cho đến hiện tại, ngày 11-9, toàn bộ khu vực thành phố Tuyên Quang đã ngập, mực nước vào nhà dân có những nơi cao hơn 2m.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tuyên Quang, mưa lớn khiến mực nước trên các sông dâng cao. Cũng theo Báo cáo của Đài Khí tượng và Thủy văn, mực nước sông Lô đoạn qua thành phố Tuyên Quang đã lên trên mức báo động 3 (mức cực kỳ nguy hiểm).
Báo cáo của Đài Khí tượng và Thủy văn mới cập nhật cho biết, một thông tin tích cực đó là từ 6h sáng 11-9, mực nước đã đứng ở mức 27,72 m.
Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống lụt bão trên địa bàn thành phố Tuyên Quang. Kiểm tra thực tế tại cầu Nông Tiến, lũ lụt đã làm một số vật nổi rác thải bám chặt vào trụ cầu Nông Tiến có thể làm cản trở dòng chảy, ảnh hưởng đến an toàn của cầu Nông Tiến. Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương khơi thông, gỡ rác ra khỏi trụ cầu, đồng thời túc trực 24/24 giờ để bảo đảm an toàn, tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra.
Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống lụt bão trên địa bàn thành phố Tuyên Quang
Khi đi kiểm tra, thăm hỏi nhân dân khu vực tổ 2, phường Hưng Thành (khu Bến đất), khu vực bị ảnh hưởng ngập nghiêm trọng của thành phố Tuyên Quang, có trường hợp cháu nhỏ 10 tháng tuổi của gia đình anh Nguyễn Văn Tú và chị Đỗ Thị Thu Hà đang trong tình trạng bị sốt cao. Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh đã bố trí cho cháu bé và vợ chồng anh Tú lên xuồng đưa đi Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Đồng chí yêu cầu lãnh đạo Bệnh viện có phác đồ điều trị kịp thời, nhanh chóng cho bé.
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã kiểm tra công tác phòng chống thiên tai tại huyện Sơn Dương, đây là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng nhất do hoàn lưu bão số 3 gây ra. Đồng chí nhấn mạnh, yêu cầu cao nhất đối với huyện Sơn Dương hiện nay là bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.
Huyện khẩn trương rà soát, hỗ trợ các hộ dân trong diện di dời đến nơi an toàn. Đặc biệt, cần hỗ trợ tối đa về thực phẩm và các điều kiện khác, không để người dân phải khó khăn, thiếu thốn, không có chỗ ở.
Hoạt động cứu hộ, hỗ trợ người dân được đặt lên hàng đầu
Chủ động ứng phó giảm đến mức thấp nhất thiệt hại trên cơ sở theo dõi sát tình hình, đặc biệt là chăm lo cho người già trẻ em, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống và với phương châm “4 tại chỗ”; chủ động nắm tình hình và sơ tán dân ở tất cả các vị trí có nguy cơ sạt lở, ngập lụt; xem xét hỗ trợ cung cấp nhu yếu phẩm, thiết bị, phương tiện.
Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang cũng đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai, theo đó, yêu cầu các ngành chức năng, các địa phương triển khai các biện pháp khẩn cấp áp dụng để ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
Trước mắt, tiếp tục theo dõi chặt chẽ các bản tin, dự báo thời tiết của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Đài Khí tượng Thủy văn Tuyên Quang trên các phương tiện thông tin đại chúng để có kế hoạch và biện pháp ứng phó phù hợp với các loại thiên tai, để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra; thông báo các khu vực có ngập lụt, nguy cơ sạt lở đất đá, lũ ống, lũ quét; tăng cường công tác thông tin, cảnh báo hướng dẫn kỹ năng để người dân chủ động ứng phó, sẵn sàng sơ tán khi có tình huống khẩn cấp xảy ra; chủ động thực hiện việc sơ tán, di chuyển người dân đến nơi an toàn. Tập trung huy động mọi nguồn lực để ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Tác giả: Hải Chung (Báo Nhân Dân)