HOC TAP BAC

Văn hóa - một nhân tố căn bản quyết định Bình Phước phát triển mạnh mẽ, bền vững và nhân văn

Chủ nhật - 10/03/2024 23:10 1.021 0
 L.T.S: Ngày 20-11-2023, Tỉnh ủy Bình Phước ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước trân trọng giới thiệu bài viết “Văn hóa - một nhân tố căn bản quyết định Bình Phước phát triển mạnh mẽ, bền vững và nhân văn” của TS. Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản về những vấn đề quan trọng của nghị quyết.
Trình diễn lễ hội Mừng lúa mới của đồng bào S’tiêng, xã Bù Gia Mập
Trình diễn lễ hội Mừng lúa mới của đồng bào S’tiêng, xã Bù Gia Mập
Văn hóa và sự phát triển nhanh, mạnh, bền vững, nhân văn - xu thế đổi mới tất yếu
Văn hóa làm nên nền chính trị Việt Nam. Đó là Quốc chính Việt Nam. Văn hóa làm nên niềm tin. Đó là Quốc tín Việt Nam,… Không có những nhân tố đó thì không có Quốc thể Việt Nam. Đó chính là văn hóa. Một quốc gia mà không có quốc chính, không có quốc tín thì khó có thể có quốc thể một cách ngang tầm và xứng đáng. Xét cho cùng, không thể là gì khác, ngoài văn hóa.
Càng tiến vào thế kỷ XXI, khi lịch sử phát triển của thế giới là lịch sử ngắn hạn, kinh nghiệm thành công của các nước phát triển càng chỉ rõ và khẳng định, bất cứ một quốc gia, dân tộc nào muốn phát triển bền vững, không thể đi bằng một đôi chân khập khiễng, chỉ bằng văn hóa hoặc chỉ thiên lệch bằng kinh tế. Một dân tộc sẽ không thể gọi là dân tộc hoàn thiện khi không có văn hóa dân tộc, dù kinh tế có thể đạt được mức tăng trưởng kinh ngạc nhất thời nào đó. Kinh nghiệm lịch sử của những quốc gia hoạch phát, hoạch tàn về kinh tế đều cho thấy, họ thường thiếu một triết lý văn hóa về phát triển, cụ thể hơn là một nền văn hóa của sự phát triển bền vững.

Khu di tích quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy miền Tà Thiết, huyện Lộc Ninh - địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ. Trong ảnh: Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 208, Trung đoàn 736, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước tham quan phòng trưng bày tại khu di tích - Ảnh: Phan Thanh Tú
Trước bối cảnh mới, thực tiễn mấy chục năm qua và đặc biệt gần 38 năm đổi mới càng cho thấy, trong quá trình phát triển, phải bảo đảm sự cân bằng và hài hòa một cách toàn diện giữa các phương diện phát triển chính trị - kinh tế - văn hóa và xã hội, chưa bao giờ như bây giờ, chúng ta cần một triết lý phát triển Việt Nam. Chúng ta phải vươn tới xác lập một nền văn hóa của sự phát triển mạnh mẽ, bền vững và nhân văn, với nền tảng là bản sắc văn hóa dân tộc và hiện đại cùng xung lực là kinh tế tri thức, kinh tế số và môi trường sinh thái phát triển hài hòa, bảo đảm sự ổn định toàn vẹn nền chính trị đất nước trên con đường phát triển xã hội chủ nghĩa, trong thời đại ngày nay.
Kỳ thực, ngay từ những năm 60 của thế kỷ XX, chúng ta hiểu rằng: Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có 4 vấn đề phải chú ý đến cũng phải coi trọng ngang nhau: kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói. Đặc biệt, gần 38 năm đổi mới toàn diện, đồng bộ, chúng ta càng hết sức coi trọng việc xử lý công việc đó.
Bình Phước không nằm ngoài xu thế tất yếu ấy.
Không đâu ở nước ta, mang nét độc nhất vô nhị về địa tự nhiên, địa chính trị, địa văn hóa, địa xã hội… như Bình Phước.
Đây là vùng đất “miền Đông gian lao mà anh dũng”, một trong những cái nôi của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc; nơi quần tụ của 41 dân tộc anh em và có nhiều người dân từ khắp mọi miền của Tổ quốc đến lập nghiệp. Do đó, văn hóa Bình Phước là sự hội tụ, giao thoa, thống nhất trong sự đa dạng; có sự phát triển hài hòa tinh hoa văn hóa truyền thống của các dân tộc từ nhiều vùng, miền trong cả nước.
Điều đó càng cho thấy, không chỉ về quy mô, mức độ mà đặc biệt về tính chất, vị thế, chức năng, nhiệm vụ của văn hóa mà bản thân văn hóa xuyên thấm trong toàn bộ các phương diện của đời sống kinh tế - xã hội, từ đối nội tới đối ngoại, càng cho thấy văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần xã hội, là gương mặt và tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc, là tấm "căn cước" của đất nước trong hội nhập toàn cầu. Kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy, bỏ quên văn hóa là đánh mất lớn, lãng quên văn hóa là sự thất bại khó có thể cứu vãn được trong ít chục năm, thậm chí hàng trăm năm.
Có thể nói, chính địa chính trị, địa kinh tế, địa văn hóa, địa ngoại giao và địa quân sự mà linh hồn là văn hóa sinh thái - văn hóa tâm linh - văn hóa đa sắc tộc - văn hóa  đô thị - văn hóa ngoại giao… kết tinh và hội tụ làm nên nền văn hóa Bình Phước cởi mở, cầu thị, tiếp biến, thích ứng và thống nhất trong đa sắc thái và độc đáo trở thành cái nôi làm nên tư chất, tầm nhìn, vị thế và sức mạnh con người Bình Phước xưa nay mềm dẻo, tinh tế, hài hòa, khẳng khái, kiên cường, khoan dung và hòa mục, là nguồn cội làm nên những thành tựu phát triển toàn diện của Bình Phước.
Đó là những nhân tố làm nên vị thế độc đáo, lợi thế đa diện, sức mạnh Bình Phước mà sâu hơn là tiền đề để kiến tạo và phát triển văn hóa chính trị, văn hóa dân tộc, trực tiếp là văn hóa kinh tế, văn hóa ngoại giao, văn hóa trong chính văn hóa… xây dựng một cách tổng thể và chiến lược triết lý phát triển mạnh mẽ, bền vững và nhân văn Bình Phước.

(Còn nữa)


 

Tác giả: TS. Nhị Lê

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây