(Tiếp theo kỳ trước)
Nắm chắc nguyên tắc, phương châm chỉ đạo và hệ chuẩn mực về đạo đức đối với tổ chức đảng và đảng viên
Như vậy, vấn đề đạo đức của đảng viên và xây dựng đạo đức trong Đảng tự nhiên là vấn đề rất quan trọng, có ý nghĩa căn bản, là vấn đề mang tính quy luật của công tác xây dựng Đảng hiện nay.
Về quan điểm cơ bản
Ba vấn đề về nguyên tắc cần thấu triệt, gồm: Xây dựng Đảng về đạo đức là một nhân tố hợp thành chỉnh thể toàn bộ công tác xây dựng Đảng, xuyên thấm trong từng công việc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Xây dựng Đảng về đạo đức là “cái gốc” của công việc xây dựng Đảng, là nội dung và môi trường của các công việc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Xây dựng Đảng về đạo đức là tiêu chí nhận diện, phân định và hoàn thiện tư cách đảng viên; là “cái gốc” của đảng viên, thước đo về trình độ, năng lực chính trị, tổ chức và hoạt động lãnh đạo, uy tín của tổ chức đảng.
Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là một Đảng thật sự đạo đức, văn minh. Ảnh: TL.
Về phương châm chỉ đạo xây dựng Đảng về đạo đức
Từ thực tế và yêu cầu nêu trên, cần nắm chắc 4 phương châm chỉ đạo xây dựng Đảng về đạo đức:
Một là, gắn chặt việc giáo dục nhận thức, tri thức về đạo đức hành động với thực thi hành động đạo đức.
Hai là, gắn chặt xây dựng Đảng về đạo đức với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức; người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức đảng… gương mẫu thực hành đạo đức; mỗi tổ chức đảng phải là môi trường thực hành và cổ vũ đạo đức trong Đảng và làm rường cột lan tỏa, phát triển đạo đức toàn xã hội của Đảng.
Ba là, Đảng dựa vào nhân dân, trực tiếp là công luận, để xây dựng Đảng về đạo đức, thông qua phê bình, giám sát, kiểm tra một cách công khai, minh bạch, ở mọi nơi, mọi lúc và đối với mọi cán bộ, đảng viên.
Bốn là, gắn chặt việc xây dựng Đảng về đạo đức với chống những thứ phi đạo đức, vô đạo đức trong bộ máy của Đảng, Nhà nước, các thành viên của hệ thống chính trị và ngoài xã hội, bằng giáo dục, kỷ luật, pháp luật và sức mạnh dư luận.
Về đạo đức của tổ chức đảng
Suy thoái đạo đức, lối sống tất yếu đi liền với những biến dạng, tha hóa về động cơ chính trị, lý tưởng cách mạng. Nó cũng đi liền với suy thoái tư tưởng, chính trị, sự yếu kém về tổ chức. Sự mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng, làm lung lay mối quan hệ mật thiết giữa dân với Đảng sẽ là nguy cơ làm tan rã Đảng. Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh: “Tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng. Tập trung thực hiện mục tiêu: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, bè phái, “lợi ích nhóm”, nói không đi đôi với làm”.
Điều đó càng cho thấy, đạo đức càng phải được đặt ở vị trí ngang hàng với chính trị, tư tưởng và tổ chức, càng chứng tỏ vị trí, vai trò quan trọng của đạo đức trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.
Theo đó, xây dựng Đảng về đạo đức tự nhiên là một yếu tố cấu thành nên nội dung công tác xây dựng Đảng; đồng thời, là cơ sở và động lực bảo đảm về đạo đức cho công việc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đó là linh hồn, là xương cốt của xây dựng Đảng về văn hóa, là nền tảng tinh thần đạo đức của Đảng. Đạo đức sẽ được thể hiện trong văn hóa chính trị, văn hóa hành xử trong Đảng, giữa cấp trên với cấp dưới, giữa đảng viên với đảng viên, đảng viên với nhân dân. Đạo đức cùng với năng lực hành động tạo nên nhân cách của mỗi người, trí tuệ của mỗi cán bộ, đảng viên và danh dự của toàn Đảng. Trong mỗi tổ chức đảng và trong toàn Đảng, nhân cách của từng đảng viên, của cấp ủy, nhất là người đứng đầu cấp ủy phản ánh diện mạo đạo đức, nhân cách của Đảng. Đó chính là sự biểu hiện vị thế quan trọng của đạo đức trong mối quan hệ với chính trị, tư tưởng và tổ chức trong chỉnh thể công tác xây dựng Đảng; là đặc trưng bản chất của một chính đảng cách mạng, một đảng chân chính.
Đảng lãnh đạo và cầm quyền để nhân dân là chủ và làm chủ, vì hạnh phúc của nhân dân. Một cách tự nhiên, càng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, coi phát triển đất nước là lợi ích cốt lõi của quốc gia - dân tộc. Đến lượt mình, Đảng phải kết tinh và thể hiện tinh hoa của dân tộc, tạo được sự thống nhất và đồng thuận cao nhất giữa Đảng với nhân dân và dân tộc. Đảng mạnh từ cội nguồn sức mạnh của lòng dân, chế độ bền vững do Đảng lãnh đạo cũng từ sự bền vững của khí phách, bản lĩnh dân tộc. Xây dựng Đảng lúc này phải gắn liền với phát triển sức mạnh toàn diện của nhân dân, để Đảng tiếp tục xứng đáng là người dẫn đường và là động lực trong cuộc phát triển bền vững dân tộc. Đó là bảo đảm chắc chắn nhất cho sự bền vững của chế độ, của đất nước; đến lượt mình, sức mạnh Đảng tự bảo vệ mình trước mọi thử thách, san bằng mọi hiểm nguy, trong công việc cầm quyền của mình.
Chỉ có như thế, Đảng ta mới thực sự là “con nòi của giai cấp lao động”, giữ vững bản chất của một Đảng cách mạng chân chính, phấn đấu, hy sinh chỉ vì nhân dân, vì sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của đất nước, vì sự trường tồn của dân tộc ta.
Ảnh TL
Kế thừa những nhân tố đạo đức, tổng hòa toàn bộ yêu cầu về phát triển đạo đức trong Đảng, của Đảng, trên nền móng đạo đức dân tộc truyền thống và đạo lý loài người, với vị thế là một Đảng cầm quyền hiện nay, có thể hình dung và khái quát yêu cầu đạo đức của tổ chức đảng gồm các nhân tố sau đây:
Một là: Trung thành. Đảng trung thành và phát triển đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trên nền tảng truyền thống dân tộc và thâu hóa mọi tinh hoa thời đại.
Hai là: Hy sinh. Đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân, của dân tộc và Tổ quốc. Với tư cách là người lãnh đạo, là “đứa con nòi” phải biết và cần hy sinh, vì lợi ích thiêng liêng đó.
Ba là: Cầu thị. Để xứng đáng “là văn minh”, “là trí tuệ, là danh dự, là lương tâm”, Đảng tự mình cầu thị để tiến bộ không ngừng. Đó là tư cách cách mạng của một đảng chân chính, chắc chắn. Học tập, lắng nghe và cẩn thận sửa lỗi. Thiếu đức đó nhất định phạm phải nguy cơ “kiêu ngạo cộng sản”; và vô hình trung, tự làm thấp mình, làm nghèo mình, nhất định sẽ không thể tiến bộ, nếu không nói tự thoái bộ và tự rời khỏi vai trò của người dẫn đường dân tộc và tự đào thải khỏi vũ đài lịch sử dân tộc và nhân loại.
Bốn là: Trọng dân. Đảng ta là “đứa con nòi của giai cấp lao động”. Không trọng nhân dân là không có đạo lý. Không trọng nhân dân Đảng sẽ không còn cơ sở xã hội - chính trị của mình và cầm chắc thất bại, Đảng chỉ là “người khổng lồ có đôi chân đất sét ngập nước”; cán bộ, đảng viên chỉ là con cá mắc cạn. Không trọng dân là tự cô lập mình.
Năm là: Nghiêm minh. Đảng là tổ chức cách mạng, thống nhất, chặt chẽ… nên tự nhiên phải giữ vững và trui rèn đức nghiêm khắc và minh bạch theo Điều lệ Đảng và pháp luật. Thiếu đức này, Đảng tự biến mình thành “câu lạc bộ ban đêm”.
Sáu là: Thủy chung. Đó chính là đức trước sau như một, vô luận trong hoàn cảnh nào, trong hành xử với bạn bè, đồng chí, quốc tế. Đó là tư chất của một đảng chân chính, cách mạng; chính là bản chất quốc tế của Đảng Cộng sản. Thiếu đức này, Đảng mới có đức một nửa, “đi bằng một chân”.
Về chuẩn mực đạo đức của đảng viên
Lý tưởng chính trị của Đảng quyện trong đạo đức, trở thành đạo đức chính trị của Đảng; đến lượt nó, đạo đức của Đảng cũng chính là mục tiêu chính trị của Đảng, bảo đảm công cuộc lãnh đạo, cầm quyền nhân văn của Đảng thành công bền vững. Lịch sử xác tín rằng, những người vĩ đại nhất không ai không có đạo đức thật sự nhân bản và ngang tầm.
Theo đó, chuẩn mực đạo đức của đảng viên hiện nay, phải thể hiện trong thực tiễn, theo Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9-5-2024 của Bộ Chính trị khóa XIII:
Một là: Yêu nước, tôn trọng nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc.
Suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng cách mạng của Đảng; nêu cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với sự nghiệp cách mạng của Đảng; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Tôn trọng, tin tưởng, gần gũi và gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân; tạo điều kiện để nhân dân phát huy quyền làm chủ, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại đến dân phải hết sức tránh.
Đặt lợi ích quốc gia - dân tộc, lợi ích chung của Đảng, Nhà nước và của nhân dân lên trên hết, trước hết; kiên quyết, kiên trì đấu tranh với mọi hành vi gây phương hại đến lợi ích quốc gia - dân tộc, lợi ích của Đảng, Nhà nước và của nhân dân.
Hai là: Bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập.
Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng và các nguyên tắc xây dựng Đảng. Kiên quyết, kiên trì bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Thực hiện nghiêm Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, ý chí vươn lên, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần phát triển đất nước, địa phương, cơ quan, đơn vị. Xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách. Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thách thức, hành động vì lợi ích chung, vì nước, vì dân.
Chủ động nâng cao kiến thức, kỹ năng; năng lực công tác, làm việc trong môi trường quốc tế. Tích cực tham gia quá trình hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng theo đường lối đối ngoại của Đảng phù hợp với luật pháp quốc tế, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng cộng đồng vì hòa bình, ổn định, tiến bộ và phát triển.
(còn nữa)