Chỉ thị 35 đề ra 7 yêu cầu bao gồm:(1). Công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp. (2). Lãnh đạo tổ chức thảo luận thật kỹ lưỡng, sâu sắc, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, chủ trương, định hướng lớn nêu tại dự thảo các văn kiện Đại hội XIV của Đảng và đại hội đảng bộ câp trên. (3). Công tác nhân sự phải bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, cấp uỷ. (4). Công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử phải thực hiện đúng nguyên tắc, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm đồng bộ, tổng thể, liên thông, chặt chẽ, dân chủ, khoa học, khách quan, công tâm, minh bạch, trách nhiệm giải trình…(5). Có cơ chế, tiêu chí sàng lọc hiệu quả để không bỏ "sót" những người thật sự có đức, có tài…(6). Đoàn đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên và (7). Trong quá trình chuẩn bị và tiến hành đại hội phải thường xuyên làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, nhất là công tác thông tin, tuyên truyền…
Nội dung đại hội đảng bộ các cấp: Thực hiện 4 nội dung: (1) Tổng kết thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025 và xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của nhiệm kỳ 2025 – 2030. (2) Thảo luận, đóng góp ý kiền vào dự thảo các văn kiện Đại hội XIV của Đảng và văn kiện đại hội đảng bộ cấp trên trực tiếp. (3) Bầu ban chấp hành đảng bộ nhiệm kỳ 2025 – 2030. (4) Bầu đoàn đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên. Chỉ thị cũng nêu rõ là những nơi thực sự có khó khăn về công tác chuẩn bị nhân sự, được cấp ủy có thẩm quyền đồng ý, thì đại hội với 3 nội dung, chưa tiến hành bầu cấp ủy khóa mới.
Chuẩn bị văn kiện đại hội và tổ chức thảo luận các dự thảo văn kiện: Chỉ thị quy định dự thảo văn kiện của cấp ủy trình đại hội gồm hai báo cáo chủ yếu là báo cáo chính trị của đảng bộ và báo cáo kiểm điểm của cấp ủy. Việc xây dựng và đóng góp ý kiến vào văn kiện phải phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc; có hình thức phù hợp, thiết thực để lấy ý kiến các đồng chí cán bộ lão thành, cán bộ nguyên lãnh đạo, giới trí thức, nhà khoa học, chuyên gia và ý kiến tham gia, góp ý, hiến kế của cán bộ, đảng viên, Nhân dân.
Có kế hoạch tuyên truyền về dự thảo báo cáo chính trị trên các phương tiện thông tin đại chúng để Nhân dân tham gia đóng góp ý kiến. Các cấp ủy chuẩn bị dự thảo nghị quyết đại hội, để đại hội thảo luận, quyết định. Đại hội các câp phải dành thời gian thỏa đáng, phát huy dân chú, trí tuệ, đề cao trách nhiệm của đại biểu.
Về công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử cấp ủy: Việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự cấp ủy khóa mới phải quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; tiêu chuẩn cán bộ nêu tại Quy định số 89-QĐ/TW, ngày 04/8/2017, Quy định số 214-QĐ/TW, ngày 02/01/2020 của Bộ Chính trị khóa XII và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cấp ủy các cấp căn cứ vào yêu cầu, tiêu chuẩn chung nêu tại Chỉ thị này để cụ thể hóa cho phù hợp với tình hình, đặc điểm ở cấp mình theo quy định.
2. Những điểm mới của nội dung Chỉ thị 35
Về yêu cầu: Chỉ thị 35 điều chỉnh, bổ sung câu từ từ mục 1, 2, 3, 4, 6,7 và bổ sung mục 5 của phần “yêu cầu”. Mục 5 mới là: “Có cơ chế, tiêu chí sàng lọc hiệu quả để không bỏ "sót" những người thật sự có đức, có tài; đồng thời, kiên quyết không để "lọt" vào cấp uỷ khoá mới những người: Bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng; phẩm chất, đạo đức, năng lực, uy tín giảm sút, ý thức tổ chức kỷ luật kém, mất đoàn kết; né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, không dám làm; có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, tư duy nhiệm kỳ, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, cục bộ, "lợi ích nhóm"
Có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá",...; vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước; vi phạm tiêu chuẩn chính trị, những điều đảng viên không được làm và quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều tài sản mà không giải trình rõ được nguồn gốc;
Vi phạm trách nhiệm nêu gương, để bản thân hoặc vợ (chồng), con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức, quyền để thu lợi bất chính; để nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng hoặc xảy ra tham nhũng, thất thoát lớn, vụ việc tiêu cực gây ảnh hưởng xấu ở địa phưong, cơ quan, đơn vị trong thời gian phụ trách. Nhân sự không trúng cử cấp uỷ cấp dưới, thì không giới thiệu để bầu cấp uỷ cấp trên.
Ảnh minh hoạ: Đại hội XIII của Đảng
3. Những điểm mới trong phụ lục đính kèm Chỉ thị 35
Về thời điểm tính độ tuổi tham gia cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội
Quy định về những đồng chí được giới thiệu tái cử cấp ủy: Bổ sung thêm đối tượng với cấp xã, theo đó: “Cán bộ, công chức cấp xã: Nam sinh từ tháng 01/1966, nữ sinh từ tháng 6/1970 trở lại đây. Trưởng công an cấp xã: Còn thời gian công tác ít nhất 30 tháng theo quy định về độ tuổi nghỉ hưu nêu tại Luật Công an nhân dân (sửa đổi, bổ sung năm 2023). Cán bộ hoạt động không chuyên trách: Giao ban thường vụ tinh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương quy định cụ thể độ tuổi tái cử cấp ủy bảo đảm theo tinh thần Kết luận số 64-KL/TW, ngày 28/5/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI”.
Về cơ cấu cấp uỷ: Chỉ thị 35 nâng độ tuổi lên 42 tuổi đối với cấp tỉnh, cấp huyện. Chỉ thị 35 độ tuổi đối với cấp xã là dưới 40 tuổi.
Số lượng ủy viên ban thường vụ, phó bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương nhiệm kỳ (2025 – 2030): Chỉ thị 35 quy định là từ 11-13 đồng chí và bổ sung đối với huyện đảo không quá 9 đồng chí.
Số lượng ủy viên ban thường vụ cấp cơ sở: Chỉ thị 35 quy định ban thường vụ không quá 05 đồng chí.
Thời điểm tính độ tuổi tham gia cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.
Thời điểm tính độ tuổi tham gia cấp uỷ (là thời điểm bắt đầu tổ chức đại hội đảng bộ ở mỗi cấp): Cấp cơ sở tháng 4/2025; cấp huyện và tương đương (gồm tất cả đảng bộ trực thuộc Đảng uỷ Công an Trung ương) tháng 6/2025; cấp trực thuộc Trung ương tháng 9/2025.
Thời điểm tính độ tuổi tham gia chức danh lãnh đạo hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân, đoàn đại biểu Quốc hội tháng 5/2026.
Thời điểm tính độ tuổi tham gia chức danh lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội là thời điểm đại hội ở các cấp của mỗi tổ chức.
Độ tuổi tham gia cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội: Những đồng chí lần đầu tham gia cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phải còn thời gian công tác ít nhất trọn 1 nhiệm kỳ trở lên tại thời điểm bắt đầu tổ chức đại hội đảng bộ ở mỗi cấp, thời điểm bầu cử hoặc đại hội của mỗi tổ chức theo quy định
Những đồng chí được giới thiệu tái cử cấp uỷ phải còn thời gian công tác ít nhất từ 1/2 nhiệm kỳ (30 tháng) trở lên tại thời điểm bắt đầu tổ chức đại hội đảng bộ ở mỗi cấp.
Cán bộ tái cử cấp uỷ thì được tái cử các chức danh lãnh đạo chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội nhưng phải còn thời gian công tác ít nhất 18 tháng trở lên tại thời điểm bầu cử hoặc đại hội của mỗi tổ chức. Thời điểm bầu cử hoặc đại hội của mỗi tổ chức theo quy định.
Ngoài ra Chỉ thị 35 còn bổ sung các nội dung: đối với các đảng bộ thực hiện chủ trương hợp nhất, sáp nhập; bổ sung điều kiện tổ chức hội nghị, rút gọn các bước; bỏ bước tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt và bỏ bước tổ chức hội nghị ban thường vụ và ban chấp hành lần 2 đối với quy trình nhân sự tái cử; bỏ nội dung giấy khai sinh trong danh mục hồ sơ nhân sự v.v…
Thời gian tiến hành đại hội đảng bộ các cấp: Đại hội đảng viên hoặc đại hội đại biểu cấp cơ sở không quá 2 ngày bắt đầu từ tháng 4/2025, hoàn thành trước ngày 30/6/2025. Đại hội đại biểu đảng bộ cấp huyện và tương đương không quá 3 ngày, hoàn thành trước ngày 31/8/2025. Đại hội đại biểu đảng bộ trực thuộc Trung ương không quá 4 ngày, hoàn thành trước ngày 31/10/2025.
Thời gian họp trù bị được tính vào thời gian tiến hành đại hội, đối với cấp huyện và tương đương trở lên không quá 1/2 ngày.
Thời gian tổ chức đại hội điểm: Cấp cơ sở vào đầu quý I/2025; cấp huyện và tương đương vào đầu quý II/2025; cấp trực thuộc Trung ương vào đầu quý III/2025.
Dừng việc bổ sung cấp uỷ viên và uỷ viên ban thường vụ cấp uỷ nhiệm kỳ (2020 – 2025) trước 6 tháng tính đến thời điểm bắt đầu tổ chức đại hội ở mỗi cấp. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Về quy trình nhân sự cấp ủy, gồm: Quy trình giới thiệu nhân sự tái cử cấp ủy, ban thường vụ, phó bí thư, bí thư cấp ủy và Quy trình giới thiệu nhân sự lần đầu tham gia cấp ủy, ban thường vụ, phó bí thư, bí thư cấp ủy. Trong đó, quy trình giới thiệu nhân sự tái cử chỉ thực hiện theo 2 bước (khác so với Chỉ thị trước đây thực hiện theo 5 bước).
Ý nghĩa chỉ thị:
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng: Chỉ thị 35 yêu cầu các cấp ủy đảng tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác tổ chức đại hội, đảm bảo đại hội diễn ra đúng quy định, dân chủ, công khai, minh bạch. Việc thực hiện tốt Chỉ thị 35 sẽ góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.
Chỉ thị 35-CT/TW ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc tổ chức đại hội đảng bộ các cấp mà còn góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.
Việc thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị không chỉ là nhiệm vụ quan trọng của các cấp ủy đảng, tổ chức đảng mà còn là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên. Sự nỗ lực, quyết tâm của toàn Đảng trong việc thực hiện Chỉ thị này sẽ góp phần quan trọng vào thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV, mở ra một giai đoạn phát triển mới cho đất nước./.