HOC TAP BAC

Giữ trọn lời thề Đảng viên: Thi đua ái quốc để giữ trọn lời thề đảng viên

Thứ ba - 04/06/2024 04:31 904 0
Cách đây 76 năm, ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi Thi đua ái quốc”. Dù năm tháng trôi qua, dù bối cảnh đất nước đã có nhiều thay đổi nhưng những chỉ dẫn Người để lại vẫn luôn là “sợi chỉ đỏ” để mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân học tập, noi theo.

Yêu nước là một truyền thống quý báu của nhân dân ta. Suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, lòng yêu nước đã trở thành nguồn sức mạnh vô địch để nhân dân ta đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc giang sơn Tổ quốc. Để phát huy nguồn sức mạnh này, trong “Lời kêu gọi Thi đua ái quốc” được đưa ra cách đây 76 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau”… Việc tích cực, chủ động tham gia các phong trào thi đua yêu nước là cách thức hữu hiệu để đảng viên giữ trọn lời thề khi vào Đảng.



Khi lòng yêu nước bị phủ bụi

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II, Đảng ta đánh giá: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Với tinh thần yêu nước, nhiều thế hệ cha ông đã sẵn sàng hy sinh máu xương để bảo vệ vững chắc dáng hình Tổ quốc. Trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, hàng loạt phong trào thi đua yêu nước đã nở rộ, khơi dậy nguồn sức mạnh to lớn để bảo vệ đất nước, như: “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công”, “Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt”… Vậy nhưng đáng buồn thay, trong bối cảnh hiện nay, khi sống trong môi trường hòa bình, ổn định thì không ít cán bộ, đảng viên lại lãng quên, phủ bụi lên lòng yêu nước, gục ngã trước “vũng trâu đằm” tham nhũng, tiêu cực.



Chưa bao giờ công cuộc “đốt lò” lại rực lửa như hiện nay. Hàng loạt quan chức từ Trung ương đến địa phương, từ cấp cao đến cấp thấp đã bị đưa ra xử lý hình sự về những hành vi liên quan đến tham nhũng, tiêu cực. Đánh giá một cách công bằng và sòng phẳng, trong số những quan chức suy thoái, không ít người trước đó đã có những đóng góp lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được vinh danh tại đại hội thi đua yêu nước các cấp. Họ đã từng nỗ lực, cố gắng hết mình trong học tập, sản xuất, lao động và nhận được sự tin yêu, ủng hộ của đồng chí, đồng nghiệp cùng quần chúng nhân dân. Thậm chí, có những người còn trở thành hình mẫu, tấm gương để cấp dưới học tập, noi theo. Thế nhưng khi có quyền lực, nhiều người lại đánh mất chính mình, bị tha hóa trước sự cám dỗ của vật chất, vinh hoa. Có những người mắc vào căn bệnh “thành tích”, háo danh, phô trương, thích được đề cao, ca ngợi một cách phù phiếm. Từ đó, họ đi vào con đường che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, tìm đủ chiêu trò để “đánh bóng” tên tuổi. Bên cạnh đó, có những người đã lợi dụng các phong trào thi đua yêu nước để phục vụ mưu đồ, lợi ích cá nhân, thực hiện các hành vi “chạy thành tích”, “chạy khen thưởng”, “chạy danh hiệu” nhằm làm bàn đạp cho chạy chức, chạy quyền. Cũng chính bởi vậy mà ở không ít nơi các phong trào thi đua yêu nước đã bị biến tướng, trở thành dịp để tung hô, bợ đỡ, nịnh nọt cấp trên... Đây là một điều vô cùng chua xót!



Đảng viên đi trước, làng nước theo sau

Yêu nước là phẩm chất tối quan trọng mà mỗi người phải có. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đưa ra lời dạy: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, “mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa”… Với vị thế là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, mỗi đảng viên phải giữ trọn lời thề khi vào Đảng, không ngừng nỗ lực, cố gắng phấn đấu, rèn luyện, cống hiến cho Tổ quốc.

Thi đua yêu nước không cần phải “đao to búa lớn” mà bắt đầu từ những việc hết sức bình dị, đời thường. Nói như cách của Bác: “Thi đua là thực hiện tốt công việc hằng ngày”. Trong bối cảnh hiện nay, chỉ cần mỗi cán bộ, đảng viên hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm trong công việc, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, không dám nghĩ, không dám làm, thiếu ý thức phục vụ nhân dân đã là một cách thiết thực để thể hiện lòng yêu nước.


Đoàn đại biểu học sinh trường Trưng Vương, đại diện cho các học sinh có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Học tốt” của Hà Nội đến chúc mừng sinh nhật Bác Hồ, ngày 19-5-1958, tại Phủ Chủ tịch. Ảnh: TTXVN

Để các phong trào thi đua yêu nước luôn bảo đảm tính thực chất và hiệu quả, mỗi cán bộ, đảng viên phải quán triệt rõ lời căn dặn của Bác: “Cần, kiệm, liêm, chính là nền tảng của đời sống mới, nền tảng của thi đua ái quốc”. Cùng với nâng cao năng lực chuyên môn, từng cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện đạo đức, giữ vững bản chất của người cộng sản. Như đại thi hào Nguyễn Du từng khẳng định: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Đảng viên chỉ thực sự được mọi người yêu quý khi họ có cái tâm trong sáng, lòng nhiệt thành cách mạng và tình yêu Tổ quốc nồng nàn. Đối với những người lợi dụng các phong trào thi đua yêu nước để phục vụ lợi ích cá nhân, phô trương thanh thế, “đánh bóng” tên tuổi phải kiên quyết xử lý nghiêm minh theo đúng quy định pháp luật.

Tác giả: Báo Bình Phước-Anh Tú

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây