HOC TAP BAC

Thế nước: Tầm nhìn năm 2030

Thứ hai - 26/08/2024 22:43 2.167 0
BGM - Từ mốc son 79 năm nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, dưới ngọn cờ của Đảng, nhìn lại gần 40 năm đổi mới, 35 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, “lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt”(1).

Từ nền tảng căn bản đó, chúng ta tự tin và vững chãi đi tới năm 2030 - một trăm năm Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đổi mới và phát triển 40 năm - nền móng của đất nước năm 2030
Năm 1986, Đại hội lần thứ VI của Đảng khởi động công cuộc đổi mới xã hội chủ nghĩa.
Đổi mới là cuộc cách mạng trong cách mạng thay đổi mọi giới hạn phát triển, chuyển cái có thể thành hiện thực trước hết và tập trung ở nhiệm vụ trung tâm chống khủng hoảng, phát triển kinh tế - giá đỡ của đổi mới - nền tảng ổn định xã hội.
Khởi thủy đổi mới, Việt Nam là một nước nghèo, bị chiến tranh tàn phá nặng nề; khủng hoảng kinh tế - xã hội diễn ra gay gắt, tỷ lệ lạm phát có thời điểm lên đến 774,7%, đời sống nhân dân hết sức khó khăn, khoảng ¾ dân số sống ở mức nghèo khổ.
Sau gần 40 năm đổi mới, nền kinh tế phát triển liên tục, với tốc độ tăng trưởng tương đối cao, trung bình khoảng gần 7% mỗi năm.
Năm 2023, theo bảng xếp hạng của Trung tâm Dự báo, phân tích kinh tế độc lập của Anh (CEBR), quy mô GDP Việt Nam xếp thứ 34, đạt 430 tỷ USD. Báo cáo nhận định, năm 2023, với GDP tăng 5,05%; lạm phát 3,25%, tức chưa phải đánh đổi giữa tăng trưởng và lạm phát như nhiều quốc gia khác. Thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần, lên mức 3.512 USD; Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008.
Mức tăng giá tiêu dùng năm 2023 thấp hơn tỷ lệ lạm phát trung bình 10 năm qua, là 3,8%. Tỷ lệ thất nghiệp giảm trong năm 2022; tỷ lệ nợ Chính phủ dự kiến 35% GDP, giảm khoảng 1,3 điểm phần trăm so với năm 2022. Tỷ trọng hàng Việt xuất sang Mỹ tăng gần 2%. Dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chảy tới mạnh mẽ từ các nền kinh tế châu Á, bao gồm cả Trung Quốc. Bảng xếp hạng liên minh kinh tế thế giới (World Economic League Table - WELT) của CEBR dự báo Việt Nam sẽ vượt Singapore, Thái Lan, vào nhóm 25 nền kinh tế lớn nhất thế giới và có bước nhảy vọt trong 14 năm tới.
Năm 2024, CEBR dự báo, quy mô Việt Nam dự kiến ở vị trí 33 trên bảng xếp hạng WELT, tăng 1 bậc so với báo cáo năm 2023, với quy mô GDP theo giá hiện hành đạt 462 tỷ USD; có thể vươn lên vị trí 24 vào năm 2033, với quy mô kinh tế đạt 1.050 tỷ USD. Và, năm 2038, quy mô GDP dự kiến đạt 1.559 tỷ USD, vươn lên vị trí 21, vượt qua các nền kinh tế khác trong khu vực ASEAN như Thái Lan (1.313 tỷ USD), Singapore (896 tỷ USD), Phi-lip-pin (1.536 tỷ USD) để lọt nhóm 25 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tốc độ tăng GDP hằng năm được dự báo trung bình đạt 6,7% trong giai đoạn 2024-2028 và sẽ là 6,4% trong 9 năm tiếp theo.
Nhìn tổng quan, năm 2022, quy mô GDP Việt Nam đạt khoảng 406,45 tỷ USD, tăng hơn 50 lần so với năm 1986, đứng trong nhóm 5 nước có quy mô kinh tế tăng nhiều nhất thế giới (Equatorial Guinea (GDP tăng 180,78 lần), Trung Quốc (GDP tăng 60,15 lần), Qua-ta (GDP tăng 53,51 lần), Việt Nam và Man-đi-vơ (GDP tăng 39,28 lần)(2).
Theo CEBR, với ưu thế dân số đông và trẻ, Việt Nam có cơ hội vượt qua gần hết các nước trong ASEAN về kinh tế như Singapore, Thái Lan hay Malaysia và trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Đổi mới là một cuộc giải phóng toàn diện nội lực Việt Nam nhằm phát triển từ toàn diện sang toàn diện, đồng bộ; từ hội nhập kinh tế quốc tế tới chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.
Phát triển kinh tế song hành với phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách phát triển. Tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm khoảng 1,5%; giảm từ 58% (năm 1993) xuống còn 5,8% (năm 2016) theo chuẩn nghèo của Chính phủ và dưới 3% năm 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều (tiêu chí cao hơn trước); hơn 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Hoàn thành xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000 và phổ cập giáo dục THCS năm 2010; số sinh viên đại học, cao đẳng tăng gần 17 lần trong 35 năm qua. Người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và người cao tuổi được cấp bảo hiểm y tế miễn phí. Liên hợp quốc công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các mục tiêu thiên niên kỷ. Năm 2019, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,704, thuộc nhóm nước có HDI cao của thế giới.
Và, với đường lối đối ngoại đúng đắn, Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, đa phương hóa, đa dạng hóa; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế: với 187/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, có quan hệ đối tác chiến lược với 15 nước, quan hệ đối tác toàn diện với 10 nước; quan hệ đối ngoại Đảng với 254 chính đảng ở 114 quốc gia. Việt Nam được thế giới đánh giá là “ngôi sao sáng của châu Á”, được xếp vào nhóm 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới.
Từ đổi mới, dự báo và đột phá, sáng tạo những giải pháp lớn tiếp tục phát triển mạnh mẽ, bền vững và nhân văn.
Qua tổ chức thực tiễn, càng khẳng định và xác thực sự đúng đắn của mục tiêu phát triển xã hội chủ nghĩa, các đặc trưng mô hình chủ nghĩa xã hội, hệ thống quan điểm chỉ đạo, định hướng phát triển đất nước, nhất là các mối quan hệ lớn mang tính quy luật và quy luật trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc: Về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; về tăng trưởng nhanh, mạnh với phát triển bền vững, nhân văn; về phát huy nhân tố con người, lấy nhân dân làm trung tâm; về phát huy vai trò của văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội; về động lực của sự phát triển; về xây dựng và phát triển Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; về đại đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế; về phương châm bảo đảm quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên; về vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; về đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển…
Mô hình chính trị và cơ chế vận hành tổng quát “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” trở thành hiện thực sinh động. Sức mạnh đại đoàn kết dân tộc được củng cố; dân chủ xã hội chủ nghĩa tiếp tục được phát huy. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả rõ rệt. Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có nhiều tiến bộ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn; bảo đảm thực hiện đồng bộ các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. MTTQ và các đoàn thể nhân dân tiếp tục ngày càng xứng đáng vai trò đại diện quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, nhân dân và là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân…
Dù trước những biến động to lớn, diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; các thế lực thù địch tăng cường chống phá cách mạng, nhưng nền quốc phòng, an ninh nước ta luôn vững vàng, không ngừng được củng cố và phát triển. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Gần 40 năm đổi mới, xét về quy mô, chúng ta “hoàn thành chặng đường đầu của thời kỳ quá độ”, trước mắt còn ngổn ngang bao thách thức to lớn của thời kỳ mới: Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xét về tính chất, những thành tựu đạt được từng bước đưa nước ta “ra khỏi khủng hoảng, nhưng một số mặt còn chưa vững chắc”, qua thực tiễn, “con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng được xác định rõ hơn” và đạt được “thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử”...
Dư luận quốc tế ghi nhận: “Thắng lợi của... đổi mới ở Việt Nam có ý nghĩa quốc tế, có tầm quan trọng lịch sử ở mức độ góp phần quyết định tương lai của chủ nghĩa xã hội trên phạm vi thế giới..., mở ra triển vọng khắc phục các cuộc khủng hoảng, thúc đẩy sự hình thành một trật tự thế giới mới công bằng hơn”(3).
(còn nữa)

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, .t I, tr. 103 -104.
(2) Trang thông tin điện tử tổng hợp Ban Kinh tế Trung ương, số ra ngày 17-8-2023.
(3) Lời chào mừng Đại hội VIII Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 23.

Tác giả:  TS. Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây