HOC TAP BAC

Giữ gìn đức “chính” theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Thứ tư - 25/09/2024 03:44 250 0
BGM- Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Trên quả đất, có hàng muôn triệu người. Song số người ấy có thể chia làm hai hạng: người thiện và người ác. Trong xã hội, tuy có trăm công, nghìn việc. Song những công việc ấy có thể chia làm 2 thứ: việc chính và việc tà. Làm việc chính, là người thiện. Làm việc tà, là người ác”. Cùng với cần, kiệm, liêm thì “chính” là đức tính quan trọng mà mỗi người nói chung và mỗi cán bộ, đảng viên phải có để trở thành người có ích cho xã hội.

Trong bài viết “Thế nào là chính” đăng trên Báo Cứu quốc ngày 2-6-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chính nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Điều gì không đứng đắn, thẳng thắn, tức là tà”. Bàn về tầm quan trọng của đức “chính” đối với mỗi người, Bác nhấn mạnh: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông/Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc/Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính/Thiếu một mùa, thì không thành trời/Thiếu một phương, thì không thành đất/Thiếu một đức, thì không thành người”. Trong Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9-5-2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, Đảng ta tiếp tục xác định những phẩm chất cơ bản mà mỗi cán bộ, đảng viên phải có là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Dù ở thời kỳ nào, giai đoạn nào, việc rèn luyện đức “chính” cho mỗi người nói chung và mỗi cán bộ, đảng viên đều là nhiệm vụ quan trọng của Đảng ta.
Theo Bác, đức “chính” được biểu hiện trên 3 phương diện là: đối với chính mình, đối với người khác và đối với công việc. Trước hết, đối với mình, “chính” được thể hiện qua việc không tự kiêu, không tự đại mà luôn luôn cầu tiến; không ngừng tự soi, tự sửa, tự phê bình để phát huy mặt tốt, sửa chữa khuyết điểm bản thân; luôn nêu cao lòng tự trọng, danh dự, không cơ hội chính trị, không tham vọng quyền lực, ra sức bảo vệ uy tín, danh dự của bản thân và tổ chức đảng... Đối với người khác, “chính” là việc yêu quý, kính trọng, không nịnh cấp trên, không coi thường cấp dưới; chân thành, đoàn kết, giúp đỡ những người xung quanh để cùng tiến bộ; thẳng thắn, khách quan, công tâm trong phê bình, nhận xét, đánh giá người khác, thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh… Cuối cùng, đối với công việc, “chính” là đặt việc công, việc nước lên trên, lên trước việc cá nhân; không sợ khó nhọc, hiểm nguy, luôn nỗ lực cố gắng, tâm huyết, trách nhiệm, dấn thân để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, tiến bộ, văn minh; việc thiện thì nhỏ mấy cũng làm, việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh…
“Chính” không chỉ là điều làm nên cốt cách, giá trị của mỗi người mà còn là nền tảng để xây dựng một xã hội tốt đẹp, văn minh, tiến bộ. Đặc biệt, với cán bộ, đảng viên - những người đại diện cho Đảng trước quần chúng nhân dân, những người được quần chúng tin tưởng giao quyền lãnh đạo thì việc rèn luyện, giữ gìn, phát huy đức “chính” càng có ý nghĩa quan trọng. Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu, đi đầu trong rèn luyện đức “chính” để cấp dưới và mọi người học tập, noi theo. Bác từng chỉ ra: “Tự mình phải chính trước, mới giúp người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý”, “Nếu chính mình tham ô bảo người ta liêm khiết có được không? Không được. Mình trước hết phải siêng năng, trong sạch thì mới bảo người ta trong sạch, siêng năng được”…

Việc cán bộ, đảng viên giữ gìn đức “chính” là biện pháp hiệu quả để nâng cao uy tín cá nhân nói riêng và uy tín của Đảng nói chung trong lòng quần chúng nhân dân, từ đó củng cố vững chắc khối đoàn kết trong Đảng, giữa Đảng với quần chúng cũng như khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây sẽ là nguồn sức mạnh to lớn để đưa đất nước ta tiến lên chủ nghĩa xã hội một cách nhanh, mạnh, bền vững như mục tiêu Đảng đã đề ra.
Mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn khắc ghi và thực hiện nghiêm lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc đi xa: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Nếu xa rời đức “chính”, cán bộ, đảng viên sẽ dễ dàng mắc phải chủ nghĩa cá nhân và kéo theo đó là rất nhiều căn bệnh thứ phát nguy hiểm, trở thành những người có hại cho Tổ quốc, cho Đảng, cho nhân dân. Thực tế cho thấy, nhiều cán bộ, đảng viên vì không giữ đức “chính” mà đã đánh mất chính mình, lợi dụng quyền lực, chức vụ của bản thân để thực hiện các hành vi tham nhũng, tiêu cực, gây dư luận xấu, tạo cớ cho các đối tượng phản động, chống đối, thù địch lợi dụng để xuyên tạc, kích động chống phá đất nước.
Để có đức “chính”, mỗi người nói chung và mỗi cán bộ, đảng viên nói riêng phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, tự soi, tự sửa, tự đấu tranh với những mặt “bất chính” trong mình. Cũng như các phẩm chất đạo đức khác, “chính” đi vào cuộc sống không phải qua những khẩu hiệu suông, không phải bằng cách học thuộc và đi rao giảng cho người khác mà phải thể hiện bằng hành động. Cách đơn giản nhất để giữ đức “chính” là: “Mỗi ngày cố làm một việc lợi cho nước (lợi cho nước tức là lợi cho mình), dù là việc nhỏ, thì một năm ta làm được 365 việc. Nhiều lợi nhỏ cộng thành lợi to” như lời Bác dạy. Ngược lại, với những cán bộ, đảng viên xa rời đạo đức cách mạng, không giữ vững đức “chính” phải kiên quyết giáo dục, rèn luyện để họ sửa chữa, khắc phục; với những trường hợp không thể cải tạo, gây hại cho đất nước thì căn cứ tính chất, mức độ của vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước

Tác giả: Anh Tú(BPO)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây