Kết nối nguồn lực bảo tồn, khơi dậy tiềm năng tài nguyên Vườn quốc gia Bù Gia Mập
Với sự quan tâm, lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự hợp tác của các sở, ngành, địa phương và nỗ lực của tập thể Ban Quản lý Vườn quốc gia (VQG) Bù Gia Mập, nguồn tài nguyên đa dạng của “lá phổi xanh” vùng “miền Đông gian lao anh dũng” được bảo tồn nguyên vẹn và dần trở thành điểm du lịch lớn của Bình Phước. Song Tiến sĩ Vương Đức Hòa - Giám đốc Ban cho biết: Phát triển du lịch tại VQG luôn là bài toán khó của các địa phương và VQG Bù Gia Mập cũng không ngoại lệ. Ban đang nỗ lực tham mưu, tháo gỡ các điểm nghẽn để phát triển du lịch đi đôi với gìn giữ nguồn tài nguyên rừng, gắn bảo tồn với khai thác hợp lý tiềm năng.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước - bà Trần Tuệ Hiền làm việc tại VQG Bù Gia Mập, tháng 01/2024
Một vài chia sẻ của ông về VQG Bù Gia Mập; nét đặc trưng, điểm nhấn nổi bật trong hệ thống VQG hiện hữu; ý nghĩa đối với sự phát triển của tỉnh và khu vực?
Trong số 34 VQG ở Việt Nam, Bù Gia Mập đại diện cho sự chuyển tiếp từ Tây Nguyên xuống đồng bằng Nam bộ, nơi bảo tồn và phát triển mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng kín thường xanh trên đồi núi thấp có độ cao dưới 1000m so với mực nước biển. Nằm trên địa bàn xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, ở cực Bắc của tỉnh Bình Phước, VQG có diện tích 25.593,47ha, trong đó gồm 25.505ha rừng tự nhiên (4.134ha rừng giàu, 1.310ha rừng trung bình, 169ha rừng nghèo, 304,8ha rừng phục hồi, rừng hỗn giao 17.851ha, và rừng tre nứa, lồ ô 1.776,5ha); là nơi lý tưởng phục vụ nghiên cứu khoa học, bảo tồn nguồn gen quý hiếm các loài động, thực vật.
Kết quả nghiên cứu 1.114 loài thực vật thuộc 480 chi và 126 họ; trong đó có 88 loài nguy cấp quý hiếm (11 loài ghi trong Sách Đỏ thế giới - IUCN năm 2020; 14 loài ghi trong Sách Đỏ Việt Nam năm 2007; 76 loài ghi trong Nghị định 06/2019/NĐ-CP và 05 loài ghi trong danh lục CITES năm 2019).
Khu hệ động vật ghi nhận 835 loài, gồm 106 loài thú, 248 loài chim, 59 loài bò sát, 28 loài lưỡng cư, 342 loài côn trùng và 49 loài cá; trong đó có 106 loài động vật nguy cấp quý hiếm (09 loài ghi trong Sách Đỏ thế giới - IUCN năm 2020; 15 loài ghi trong Sách Đỏ Việt Nam năm 2007; 84 loài ghi trong Nghị định 06/2019/NĐ-CP và 40 loài ghi trong danh lục CITES năm 2019). Ngoài ra, nơi đây còn có nhiều loài nấm có ích và nhiều sinh vật khác chưa được nghiên cứu thống kê.
Bù Gia Mập là cánh rừng nguyên sinh liền khoảnh lớn nhất Bình Phước, một trong 02 VQG lớn nhất khu vực Đông Nam bộ. Cùng với Cát Tiên, Bù Gia Mập đang góp phần phòng hộ, điều tiết nguồn nước các hồ thủy điện, thủy lợi vùng hạ du sông Bé. Với việc sở hữu nhiều giá trị về cảnh quan, sinh thái và văn hóa đặc trưng, VQG Bù Gia Mập còn là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn của tỉnh và khu vực.
Ts. Vương Đức Hòa, Giám đốc Ban Quản lý VQG Bù Gia Mập đón Bằng công nhận Cây di sản Việt Nam
Hơn 02 thập niên thành lập (từ năm 2002), Ban đã tham mưu, thực hiện các giải pháp, hoạt động nào nhằm bảo tồn, bảo vệ, khai thác hợp lý và phát huy các giá trị về tài nguyên thiên nhiên, sinh cảnh, động thực vật, văn hóa đặc trưng của VQG Bù Gia Mập?
VQG Bù Gia Mập được thành lập theo Quyết định số 170/2022/QD-TTg ngày 27/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Khi mới thành lập, Vườn có 30 cán bộ, công nhân viên (05 người có trình độ đại học), gồm Ban Giám đốc, 02 phòng chuyên môn và 01 hạt kiểm lâm. Đến nay, bộ máy Ban đã hoàn thiện gồm Ban giám đốc, 02 phòng tham mưu, 01 trung tâm, 01 hạt kiểm lâm với 94 cán bộ, nhân viên và người lao động. Cơ sở vật chất, trang bị và phương tiện được quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành. Năng lực chuyên môn cán bộ cũng được cải thiện với 01 tiến sĩ, 05 thạc sĩ, trình độ đại học có 47 người, 10 cao đẳng - trung cấp có 10 người,… Tất cả đều yên tâm gắn bó với sự phát triển của Vườn.
Ban đã triển khai nhiều giải pháp, hoạt động bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, cứu hộ bảo tồn động vật hoang dã và phát triển du lịch. Đơn vị đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng,… Ban đã giao khoán rừng cho người dân bản địa tham gia bảo vệ với hơn 600 hộ tại 15 đơn vị nhận khoán; túc trực 24/7 với lực lượng kiểm lâm - mô hình duy nhất trong các VQG ở Việt Nam; ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý, bảo vệ, phòng chống cháy rừng, sử dụng biện pháp kỹ thuật lâm sinh “đốt trước”, tăng cường tuần tra, bảo vệ rừng tận gốc, từng thời điểm, thời vụ,…
Ngoài ra, Ban còn phối hợp với các tổ chức, nhà khoa học, viện nghiên cứu triển khai nhiều hoạt động điều tra đa dạng sinh học trên toàn lâm phần. Công tác cứu hộ bảo tồn được chú trọng; người dân và chính quyền đã chuyển giao nhiều loại động vật quý hiếm để huấn luyện, tái thả về tự nhiên.
Thời gian qua, tại VQG Bù Gia Mập đã hình thành một số tuyến điểm, loại hình du lịch sinh thái gắn với các giá trị về tài nguyên thiên nhiên, sinh cảnh, động thực vật và văn hóa đặc trưng của các cộng đồng dân cư vùng đệm; qua đó tạo sinh kế bền vững và góp phần bảo tồn văn hóa đặc trưng.
Đoàn nghiên cứu Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Erfurt, Cộng hòa Liên bang Đức khảo sát tại VQG Bù Gia Mập
Những chia sẻ của ông về sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bình Phước trong lãnh, chỉ đạo và bố trí nguồn lực đầu tư cho VQG những năm gần đây?
Những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao và bố trí nhiều nguồn lực cho triển khai các dự án, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng.
Từ năm 2010 - 2011, Dự án di dời và ổn định dân xâm canh trong lâm phần VQG Bù Gia Mập ra khỏi khu vực định canh, định cư (giai đoạn I) được thực hiện; đã chuyển toàn bộ 212 hộ dân, hoán đổi 294ha vườn điều xâm canh ra ngoài lâm phần VQG; giúp người dân yên tâm sản xuất và nâng cao nhận thức bảo vệ rừng.
Từ năm 2012 đến nay, thực hiện chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011 - 2020 (Quyết định 24/QĐ-TTg ngày 01/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ), mỗi năm, Ban đã hỗ trợ 480 triệu đồng/12 thôn vùng đệm thuộc 02 xã Đăk Ơ và Bù Gia Mập để tu sửa công trình công cộng và mua cây, con giống phát triển.
Hiện phương án phát triển rừng bền vững tại VQG Bù Gia Mập giai đoạn 2021 - 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt, làm cơ sở triển khai các hạng mục, chương trình đầu tư phát triển đồng bộ, toàn diện. Ngày 16/9/2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1693/QĐ-UBND công nhận Khu du lịch sinh thái VQG Bù Gia Mập là Khu du lịch cấp tỉnh và triển khai nhiều kế hoạch thúc đẩy phát triển du lịch tại Vườn.
Bên cạnh đó, Tỉnh ủy cũng thông qua nhiều chương trình hành động, điểm nhấn là chương trình vận động đưa VQG Bù Gia Mập trở thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới. UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm kết nối, xúc tiến hình ảnh VQG đến du khách; chọn Bù Gia Mập là trọng điểm thu hút, đầu tư phát triển du lịch,… Đây là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy các hoạt động du lịch sinh thái tại Vườn trong thời gian tới.
Tái thả động vật về rừng
Việc sớm triển khai Đề án phát triển du lịch nhằm khai thác, phát huy giá trị to lớn về tài nguyên thiên nhiên, lịch sử và văn hóa của VQG Bù Gia Mập là rất cấp bách; không chỉ hấp dẫn du khách mà còn thu hút được nguồn lực đầu tư từ xã hội và doanh nghiệp. Ông có thể cho biết một vài kiến nghị xung quanh vấn đề này?
Hiện VQG Bù Gia Mập đã được UBND tỉnh phê duyệt Đề án phát triển du lịch sinh thái giai đoạn 2018 - 2025. Song do những chồng chéo về cơ chế, chính sách nên chưa bố trí được nguồn vốn triển khai. Tập thể Ban và người dân mong mỏi các cấp, ngành quan tâm tháo gỡ các “nút thắt” để Đề án sớm triển khai, tạo thuận lợi cho việc đầu tư phát triển du lịch, góp phần tạo sinh kế cho người dân và giảm áp lực nguồn tài nguyên rừng.
Đặc biệt, VQG Bù Gia Mập không chỉ có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hệ động thực vật phong phú, nhiều nét văn hóa đặc trưng mà còn là nơi ghi lại dấn ấn lịch sử đất nước với điểm di tích quốc gia đặc biệt: Điểm cuối tuyến đường ống xăng dầu Trường Sơn. Tuy vậy, do dòng thời gian che phủ nên điểm di tích này đang dần bị mai một. Hướng đến chào mừng 50 năm thống nhất đất nước (1975 - 2025), nếu được kịp thời quan tâm đầu tư, di tích sẽ trở thành điểm sáng về du lịch, “địa chỉ đỏ” về giáo dục cách mạng bởi đây chính là truyền thống, niềm tự hào của Bộ đội Trường Sơn, ngành Xăng dầu, của người dân Bình Phước và của cả tình đất, tình người “miền Đông gian lao, anh dũng ”.
Trân trọng cảm ơn ông!
Tác giả: Ngô Khuyến (Vietnam Business Forum)