HOC TAP BAC

Vàng trong lửa. Bài cuối: Ngục tối không giam được lý tưởng cộng sản

Thứ ba - 31/12/2024 02:53 218 0
 

Tổ chức đảng sớm được thành lập ở nhà tù Côn Đảo và ở mỗi giai đoạn, mỗi nhà lao có khi là chi ủy, đảo ủy, tổ đảng, ban đấu tranh chính trị... Tùy tình hình thực tế, nghị quyết của tổ chức đảng là những vấn đề đấu tranh thiết thực với đời sống người tù. Trọng tâm là xây lý tưởng cách mạng, bảo vệ khí tiết người cộng sản. Bởi vì, đấu tranh tại nhà tù Côn Đảo không đơn thuần là đòi tự do, dân sinh, dân chủ, mà còn để xây dựng và bảo vệ lực lượng cho cách mạng, cho Đảng từ xa. 

Hoạt động ở chốn lao tù, tổ chức đảng đặt lên hàng đầu lòng trung thành với Đảng, xem đây là tiêu chuẩn quan trọng nhất của người đảng viên. Bất cứ ai giữ cương vị nào trong Đảng, khi bị bắt phải giữ vững khí tiết, vào tù không dao động, không cầu an, không ngại đấu tranh. Đảng viên phải tán thành việc tổ chức đảng ở trong tù, phải tham gia hoạt động trong tù, vận động quần chúng tù thường phạm, tuyên truyền binh lính, gác ngục và đi đầu trong mọi phong trào đấu tranh… 

Hình ảnh mô phỏng tinh thần đấu tranh, bảo vệ khí tiết của người tù cộng sản ở nhà tù Côn Đảo
Kết nạp Đảng khi chưa đầy 17 tuổi, có tới 11 năm bị đọa đày khắp các nhà lao, từ trong đất liền ra Côn Đảo, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa chia sẻ, cho dù ở đâu, nhà tù hay ngoài đời, thời xưa hay nay, khí tiết của người cộng sản, bản lĩnh, lập trường của người đảng viên vẫn quan trọng nhất. Trong chốn lao tù, mặt giáp mặt với kẻ thù và trước những đòn roi, nhục hình của cai ngục, người cộng sản rất dễ dao động, buông xuôi nếu không giữ vững khí tiết, lập trường cách mạng. Chính vì vậy, tổ chức đảng bằng nhiều cách thức bí mật, luôn chú trọng tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cho người tù, đồng thời đoàn kết, yêu thương, đùm bọc và cảm hóa tù thường phạm. 
 Tù nhân đục khoét tường và truyền tin cho nhau trong nhà tù Côn Đảo
Trong ngục tù, nhất là tù chính trị, đòi hỏi sự đấu trí gay gắt, bản lĩnh quyết đoán. Người tù chính trị đứng trước sự lựa chọn: sinh mệnh của mình và sinh mệnh quốc gia, dân tộc. Vì vậy, công tác chính trị tư tưởng vô cùng quan trọng. Làm tốt công tác này sẽ góp phần rèn bản lĩnh, khí tiết người cộng sản và xây dựng khối đoàn kết thống nhất, phát huy sức mạnh nội sinh, chiến đấu và chiến thắng kẻ thù, chiến thắng chính bản thân. Cho nên, địa ngục trần gian Côn Đảo cũng là nơi trui rèn, đào tạo nên một đội ngũ những người yêu nước có lập trường chính trị và phẩm chất đạo đức trong sáng, để khi trở về là những cán bộ tốt cho Đảng. 
Vào một ngày đầu tháng 10-2024, như đã hẹn, chúng tôi có mặt tại Văn phòng Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Đồng Nai. Vui vẻ, khí chất trong giao tiếp, nhưng khi nhớ lại những ngày tháng bị đọa đày nơi “địa ngục trần gian” Côn Đảo, nước mắt các cựu tù lại rơi. Nhiều giọng kể bị lạc đi vì uất hận, xúc động, nghẹn ngào nơi cổ họng. Với các cựu tù chính trị Côn Đảo, đó là những tháng ngày không thể quên của tuổi trẻ can trường, nhiệt huyết.

Cựu tù Phạm Minh Kha năm nay 74 tuổi say sưa kể rằng, xác định bị đày ra Côn Đảo trong gông cùm, xiềng xích của nhà tù Mỹ - ngụy coi như đi không hy vọng ngày về. Đó là nơi người tù bị tra tấn dã man, khắc nghiệt nhất trong hệ thống nhà tù từ Bắc chí Nam trên lãnh thổ Việt Nam. Thế nhưng, đòn roi vẫn không đau bằng sự lựa chọn nghiệt ngã mà Mỹ - ngụy đặt ra cho người tù cộng sản. Cựu tù Phạm Minh Kha cho biết: “Tôi bị bắt, tù đày tháng 6-1970, khi ấy vừa tròn 20 tuổi. Ở cái tuổi hừng hực khí thế của tuổi trẻ, tương lai phía trước còn dài, sau những đòn tra tấn thẩm cung không thành, chúng bắt tôi lựa chọn chào cờ Tổ quốc hay cờ ba que (cờ của chế độ Việt Nam cộng hòa). Đây là sự lựa chọn đáng nhớ trong cuộc đời tôi. Vì nhất quyết chọn chào cờ Tổ quốc nên tôi bị tra tấn dã man và đưa vào biệt giam. Đến nay, tôi vẫn tự hào về sự lựa chọn đó”.
Các tờ báo xuất bản trong tù được trưng bày tại Bảo tàng Côn Đảo
Khi được hỏi: Điều gì đã giúp những người tù cộng sản vượt qua được nỗi đau thể xác, sự đày ải, tra tấn về tinh thần của kẻ thù? Cựu tù Phạm Minh Kha khẳng định: Đó là nhờ bản lĩnh, khí tiết của người cộng sản, sống là phải tranh đấu, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Bác Hồ và niềm tin vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Chính niềm tin là động lực để người tù có được tinh thần đấu tranh bền bỉ.
“Ngày chiến thắng, chưa chắc đã có mình” - chia sẻ của nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa chỉ có 8 từ thôi nhưng chất chứa một nghị lực phi thường mà không đòn roi nào có thể khuất phục. Cao hơn đó là lý tưởng của người cộng sản - sẵn sàng hy sinh tính mạng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Cựu tù chính trị, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa chia sẻ: “Mình phải xác định như vậy bởi trên con đường đi đến thắng lợi, mình ở trong tù có thể bị giết bất cứ lúc nào. Nói như vậy không phải bi quan, mà là để khi kẻ thù có những âm mưu, dụ dỗ thì mình đều có thể vượt qua. Bởi mạng sống của mình là quý giá nhất, nhưng khi đã xác định có thể hy sinh bất cứ lúc nào trên con đường đi đến thắng lợi thì mọi vật chất đều là tầm thường, mọi cám dỗ, âm mưu của kẻ thù đều có thể vượt qua”.
Tài liệu học môn đại số và hình học của tù nhân Côn Đảo
Cựu tù Lê Tú Cẩm ở TP. Hồ Chí Minh được trao trả tại sân bay quân sự Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) năm 1974 sau 7 năm bị giam cầm, đày ải khắp các nhà lao trong đất liền rồi ra Côn Đảo. Bà chia sẻ: “Với tôi, những năm tháng ở nhà tù Côn Đảo sống không bằng chết, đây thực sự là địa ngục của trần gian. Bọn cai ngục tra tấn không chỉ bằng đánh đập mà còn bằng hành hạ. Chúng liệng vôi bột vào thân thể người tù, không vui thì chúng bịt hết các lỗ thông gió của phòng giam, không dọn thùng vệ sinh… Đó là những kiểu hành hạ rất dã man. Thế nhưng, dù khó khăn đến mấy, tra tấn cỡ nào, chúng tôi vẫn lạc quan, tin tưởng cách mạng nhất định sẽ thắng lợi”.  

Trước sinh tử nơi địa ngục trần gian Côn Đảo, người tù chính trị thà chết chứ nhất định không chịu đầu hàng, thà chết chứ không ly khai Đảng, thà chết chứ không đả đảo Bác Hồ, thà chết chứ không để mất khí tiết người cộng sản. Họ đã có chỗ dựa, có được sự lãnh đạo của một tổ chức đảng rất uy tín; bên cạnh đó là các tổ chức đoàn thể và những người cộng sản, đồng chí, đồng đội. Nhà tù Côn Đảo luôn luôn là chiến trường cách mạng quyết liệt với kẻ thù… Bà Trần Thị Hòa, Phó Trưởng ban Liên lạc toàn quốc Chiến sĩ cách mạng Việt Nam bị địch bắt tù đày, Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Đồng Nai chia sẻ: Tù nhân trong hệ thống nhà tù Côn Đảo không chỉ bị bỏ đói, xiềng xích mà còn bị tra tấn dã man, làm lao dịch khổ sai và chế độ ăn uống vô cùng kham khổ. Thế nhưng, “địa ngục không giam được trái tim người cộng sản”.

“Ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Học tập và tự học tập là một trong những nội dung quan trọng được những người tù cộng sản quan tâm. Cựu từ Lê Tú Cẩm chia sẻ: “Trong tù, chúng tôi luôn chủ động tổ chức cuộc sống cho mình để không phải “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”. Mỗi ngày nếu không bị địch đàn áp thì sáng ra chúng tôi học. Mỗi người học một chuyện. Người biết chữ dạy người không biết. Người không học chữ thì học may, thêu, làm đồ thủ công, học ca hát… Nói chung, chúng tôi luôn tổ chức cuộc sống cho mình để không phí hoài những ngày tháng trong tù”. 

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa kể rằng, cuộc sống ở tù rất đẹp, tuy khó khăn, bị tra tấn, đày ải dã man, nhưng chị em tù nhân luôn yêu thương, đùm bọc nhau. Trong ảnh: Tượng mô phỏng hình ảnh các nữ tù bị giam cầm, đày ải ở nhà tù Côn Đảo 

Các cựu tù ở Bà Rịa - Vũng Tàu kể rằng, có thời kỳ, các khám tù chính trị ban đêm đèn sáng như sao, mọi người chụm đầu vào đọc và viết, nghiên cứu, thảo luận. Những người án nhẹ 5 năm, 10 năm tin có ngày về ráng học để phục vụ cách mạng. Người mang án chung thân cũng tin tưởng sự thành công của cách mạng mà học. Ngay cả những người không nghĩ đến ngày về cũng lao vào học để hiểu thêm lẽ sống, để sống lạc quan, tăng thêm sức mạnh đấu tranh với kẻ thù. Có người thì tâm niệm “có chết làm ma biết chữ vẫn hơn”. Những người tù cộng sản đã không để lãng phí tuổi đời thanh xuân của mình, biến nhà tù thành trường học vì họ có niềm tin vào tương lai của cách mạng, tin rằng sẽ có ngày trở về phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.
Nguyên Phó Chủ tịch Trương Mỹ Hoa chia sẻ: Người ta nói nhà tù là trường học bởi ở đây có học làm người cách mạng, học làm người cộng sản. Trong tù, mọi người thương yêu, đùm bọc, dạy cho nhau học, học để dần hoàn thiện mình. Nhặt được cục gạch cũng dùng để học. Nhiều chị em ở tù không biết chữ, nhưng sau khi ra tù thì làm được toán đại số. Ở tù là rèn luyện trong đấu tranh, rèn luyện ý chí cách mạng. 

“Trong tù, có cán bộ, lãnh đạo, đảng viên, quần chúng nhân dân; có thầy giáo, bác sĩ, học sinh, sinh viên, người già, người trẻ, đoàn viên thanh niên. Thực dân, đế quốc thực hiện chính sách “chia để trị”, xáo trộn tù chính trị với tù thường phạm để không hình thành nên tổ chức đấu tranh… Tuy nhiên, chính điều này càng thuận lợi cho cán bộ, đảng viên gần hơn với quần chúng, từ đó đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, đưa chủ trương, nghị quyết đến với các thành phần, tầng lớp tù nhân nhanh và hiệu quả hơn” - cựu tù Nguyễn Thị Hiền ở phường 3, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ.
“Xây dựng” là một trong 2 tờ báo nổi tiếng xuất bản trong nhà tù Côn Đảo giai đoạn 1955-1975. Trong ảnh: Gian trưng bày hoạt động báo chí trong tù ở Bảo tàng Côn Đảo
Nhờ được học tập và rèn luyện trong nhà tù Côn Đảo, khi mãn hạn tù, được ân xá hay vượt ngục thành công, những người tù chính trị đã góp phần đắc lực khôi phục phong trào cách mạng, có người đã trở thành lãnh tụ xuất sắc của Đảng và Nhà nước ta như: Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh; Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng; Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng; Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa… Trường học nơi ngục tối đã không chỉ trui rèn ý thức, ý chí, sức mạnh mà còn là nơi nâng cao trình độ và nhận thức chính trị, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng cho những người tù yêu nước. 
Hình ảnh mô phỏng bản lĩnh, khí tiết người tù ở nhà lao Côn Đảo - một mình trong phòng giam vẫn kiên cường quyết chiến với kẻ thù
Tại Bảo tàng Côn Đảo, chúng tôi cũng như nhiều du khách dừng lại khá lâu tại gian trưng bày về hoạt động báo chí và tuyên truyền ở nhà tù Côn Đảo. Có lẽ họ cũng như chúng tôi khá bất ngờ vì ở nơi ngục tù, tuyến lửa trong lòng địch, mọi hoạt động cách mạng đều bí mật, thế nhưng vì sao báo chí vẫn ra đời và xuất bản được. Đó là sự sáng tạo thông minh tuyệt vời, là sự lãnh đạo tài tình của tổ chức Đảng ở Côn Đảo. 
Nhóm tác giả tìm hiểu hoạt động làm báo, nội dung báo chí của các tù nhân tại Bảo tàng Côn Đảo
Nghĩ về tinh thần học tập, rèn luyện của các chiến sĩ cách mạng nơi ngục tù, ta càng thấm thía hơn chủ trương không ngừng rèn luyện tri thức, đạo đức của người cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay. Bởi thời gian qua, đã có không ít cán bộ, đảng viên vì thiếu tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất hằng ngày mà sa ngã, đánh mất mình. Trong đó có không ít cán bộ cấp cao, người từng “vào sinh ra tử” nơi chiến trường nhưng lại “chết” vì những “viên đạn bọc đường”. Những câu chuyện, bài học kinh nghiệm của xây lý tưởng, đạo đức cách mạng trong địa ngục trần gian Côn Đảo năm xưa luôn còn giá trị không chỉ ở hôm nay.
Năm 1970, Mỹ - ngụy thành lập Tiểu đoàn thí điểm Tâm lý chiến tại Trại Phú An - nơi thành lập Đảng bộ Lưu Chí Hiếu nhằm đối phó và lôi kéo những người cộng sản kiên trung
Qua những câu chuyện của các cựu tù chính trị Côn Đảo, các nhân chứng lịch sử…, chúng ta càng thấy lấp lánh vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng như sen trong bùn, hiện thân trong hoạt động của tổ chức đảng giữa “tuyến lửa” nhà tù Côn Đảo, càng khẳng định quyết tâm và tương lai của công cuộc xây dựng, chỉnh đốn và phát triển của Đảng ta ngang tầm sứ mệnh dẫn dắt công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ trong kỷ nguyên mới hôm nay. Đây là hiện thân sức mạnh, uy tín và danh dự của Đảng; là sự thật hiển hiện sức mạnh của đất nước, dưới ngọn cờ của Đảng, bác bỏ mọi sự bôi nhọ, vu khống và phủ nhận về Đảng. 

Các cựu tù chính trị là những cặp đôi gặp nhau ôn lại kỷ niệm về những năm tháng bị đọa đày nơi địa ngục trần gian Côn Đảo - Ảnh chụp lại từ Bảo tảng Côn Đảo
Năm 2014, tại hội nghị gặp mặt các đồng chí tham gia cấp ủy trong nhà tù và trại giam của địch thời kỳ chống Mỹ cứu nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Công tác xây dựng Đảng và lãnh đạo đấu tranh của các cấp ủy trong các nhà tù và trại giam của địch thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã góp phần làm rạng rỡ pho tượng lịch sử bằng vàng của Đảng ta, của dân tộc ta. Thời gian đã lùi xa, nhưng những giá trị, tinh thần của cuộc đấu tranh của cán bộ, đảng viên và quần chúng kiên trung trong các nhà tù, trại giam của địch vẫn mãi là hành trang cho cuộc sống hôm nay và mai sau. Những bài học kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, lãnh đạo đấu tranh trong hoàn cảnh đặc biệt ở lao tù cần được phát huy trong bối cảnh mới”.
Cựu tù Trần Thị Hòa (bìa phải), Phó Trưởng ban Liên lạc toàn quốc Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Đồng Nai chia sẻ với khách tham quan tại Bảo tàng côn Đảo về những năm tháng bị đày ải, tra tấn ở nhà tù Côn Đảo
Phát huy tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, đại đoàn kết toàn dân tộc, với thời cơ, vận hội mới, với thế và lực mới, chưa bao giờ như hôm nay, chúng ta đã hội đủ những điều kiện cần thiết và đang đứng trước cơ hội lịch sử đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Cả đất nước đang “vươn mình” ra thế giới, lãnh trách nhiệm cao cả thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập nước, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong nhiều thế và lực để phát triển, có phần đóng góp lực từ kinh nghiệm, từ bản lĩnh chính trị, ý chí kiên trung, “vàng trong lửa” của những cựu tù cộng sản Côn Đảo năm xưa. 
Trở về với thời bình, các cựu tù chính trị Côn Đảo tiếp tục thực hiện nhiều chính sách an sinh xã hội, vì sự phát triển của thế hệ trẻ - Ảnh chụp lại từ Bảo tàng Côn Đảo
Phía trước chúng ta có nhiều thuận lợi, cơ hội cùng những khó khăn, thách thức đan xen, lịch sử đã sang trang, viết tiếp truyền thống anh hùng của một dân tộc anh hùng. Một kỷ nguyên mới đã mở ra, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam tới tầm cao của quốc gia phát triển, vững bước trên con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Thực hiện: Minh Nhâm - Hoàng Thu - Minh Luận - Nguyễn Ngân - Diệc Quyền
Coder: Xuân Dương
 

Tác giả: Báo Bình Phước

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây