HOC TAP BAC

"Đinh Rú - Dấu ấn về một tượng đài chiến thắng"

Thứ năm - 02/01/2025 21:10 252 0
BGM - Tượng đài Phước Long chiến thắng là hình ảnh thân quen với nhiều người. Đây không chỉ là biểu tượng nghệ thuật của điêu khắc, mà còn là biểu tượng mang giá trị lịch sử về ngày Phước Long chiến thắng 6-1-1975. Nhưng ít ai biết, tượng đài này đã được Đinh Rú - nhà điêu khắc nổi tiếng tạo dựng từ cách đây hơn 40 năm. Ông đã về với đại ngàn, nhưng ông đã để lại dấu ấn từ một tượng đài chiến thắng!... Loạt bài viết (nhiều kỳ) của tác giả Lê Thảo về câu chuyện này, không chỉ để ghi chép về những con số, hình ảnh quý giá của nhà điêu khắc Đinh Rú gắn với quá trình dựng xây tượng đài Phước Long chiến thắng, mà còn là lời tri ân của lãnh đạo tỉnh Bình Phước, thị xã Phước Long cùng thế hệ trẻ hôm nay dành cho ông và gia đình, nhân kỷ niệm tròn 50 năm ngày Phước Long chiến thắng 6-1-1975.
Kỳ 1:
BIỂU TƯỢNG CỦA MỘT TƯỢNG ĐÀI CHIẾN THẮNG
Tượng đài Phước Long chiến thắng tại ngã ba cầu Đắk Lung, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước - Ảnh: Gia Khánh
Ngã ba cầu Đắk Lung, trước Bảo tàng thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước là một không gian rộng, nơi đặt tượng đài Phước Long chiến thắng 6-1-1975.
Biểu tượng về chiến sĩ oai hùng và niềm vui chiến thắng
Tượng đài này là một hình khối bằng đá. Từ chân tượng đến chóp đỉnh hình tượng nhân vật có chiều cao hơn 5m. Trụ khối vuông có chiều rộng mỗi cạnh là 2,6m được đặt trên nền bệ tròn lát gạch có đường kính rộng khoảng 5m và có bậc tam cấp để bước lên chân tượng.  
Ảnh: Gia Khánh
Khối đá chân tượng cao 1,68m được khắc nổi, nhủ vàng hình ảnh nhiều nhân vật là những chiến sĩ và các cô gái dân tộc mang tính biểu tượng cho tình đoàn kết quân - dân. Khối đá cao gần 1m chồng bên trên là dòng chữ "Phước Long chiến thắng - 6-1-1975". Trên cùng, tạc tượng 3 nhân vật gắn kết nhau, gồm 2 nam và 1 nữ. Đó là hình ảnh những chiến sĩ giải phóng, có dáng thế kề vai xông về phía trước, trông rất oai hùng,
Ảnh: Gia Khánh
Đó chính là biểu tượng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; biểu tượng của một tinh thần đoàn kết các dân tộc trong đấu tranh bảo vệ quê hương và là hình ảnh khắc ghi về ngày Phước Long giành được thắng lợi trong chiến dịch Đường 14 - Phước Long, mở đầu cho đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 
Bộ đội chủ lực tiến công giải phóng cứ điểm Bộ chỉ huy cảnh sát ngụy ở Phước Long - Ảnh tư liệu
Chiến dịch Đường 14 - Phước Long là thắng lợi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Lần đầu tiên, ta tiến công giải phóng hoàn toàn một tỉnh ở miền Nam (tỉnh Phước Long, nay thuộc tỉnh Bình Phước), uy hiếp trực diện tuyến phòng thủ bắc Sài Gòn của địch, qua đó giúp Bộ Chính trị khẳng định quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Nhìn tổng thể, khối tượng đài Phước Long chiến thắng rất đẹp và oai hùng. Hình ảnh của tượng đài mang tính biểu tượng cao với đường nét và dáng thế đầy biểu cảm, gợi cho người xem nhớ về những chiến sĩ giải phóng năm nào với lòng tự hào của những người chiến thắng. 
Biểu tượng ngợi ca lòng biết ơn và để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ
Tượng đài Phước Long chiến thắng được các vị lãnh đạo tiền nhiệm của huyện Phước Long trước đây chọn đặt trên một trục đường mang nhiều dấu ấn lịch sử - ngay ngã ba cầu Đắk Lung - nơi ghi dấu tích về những mất mát, hy sinh của quân và dân ta…
 Cầu Đắk Lung - chứng tích lịch sử tại Phước Long - Ảnh tư liệu
Từ ngã ba này là các trục đường dẫn về chợ Phước Long ra đến Phước Bình. Mặt trước tượng đài nhìn về hướng nam - nơi có ngọn núi Bà Rá uy nghiêm, hùng vĩ, từng là khu căn cứ địa cách mạng của quân và dân ta. 
Núi Bà Rá cao 723m - hướng nhìn từ cầu Đắk Lung, Phước Long - Ảnh: Phú Quý
Phía sau tượng đài cũng là dấu tích của Dinh Tỉnh trưởng Phước Long năm xưa...
Ngay sát chân tượng đài ngày nay, còn có Bảo tàng chiến dịch Đường 14 - Phước Long với nhiều hiện vật được lưu giữ... đã là nơi nhiều lão thành cách mạng tìm về để ôn lại ký ức xưa và là nơi để giáo dục truyền thống cách mạng cho bao thế hệ trẻ tiếp nối hôm nay.
Bảo tàng chiến dịch Đường 14 - Phước Long, nơi giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng với nhiều hiện vật trong chiến tranh - Ảnh: Gia Khánh
Biểu tượng khởi nguồn sức mạnh văn hóa, tinh thần thể thao cao thượng và niềm tin chiến thắng
Những năm 1990-1996, khi có Đài phát hình đặt trên đỉnh núi Bà Rá, để tiếp phát lại chương trình truyền hình của tỉnh Sông Bé, VTV lúc bấy giờ, hình ảnh tượng đài này cũng từng được sử dụng làm hình hiệu cho chương trình truyền hình.
 Hình hiệu của Đài Truyền hình Sông Bé phát tại núi Bà Rá giai đoạn những năm 1990 - Ảnh tư liệu
Cho đến năm 1997, khi chia tách tỉnh Sông Bé và thành lập Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước, hình ảnh tượng đài này vẫn được tiếp tục sử dụng làm hình hiệu và đã trở thành một biểu tượng rất đỗi thân quen của người dân, cùng với giai điệu "Đồng chí ơi người chiến sĩ giải phóng quân/ miền Nam anh hùng, thành đồng Tổ quốc/ Anh đi về đâu, từ Quy Nhơn đến Biên Hòa/ vượt qua Sông Bé oai hùng, về Phước Long xây chiến thắng!...".
Những ca từ trong bài hát "Mỗi bước ta đi" của cố nhạc sĩ Thuận Yến, gắn liền với hình tượng lấy từ tượng đài Phước Long chiến thắng trong hình hiệu của Đài Truyền hình Sông Bé và sau này là Bình Phước cứ vang lên mỗi ngày, như mãi khơi dậy một khí thế hào hùng của những đoàn quân năm xưa...
Những năm 1990 trở về đây, Phước Long còn gắn liền với một giải chạy truyền thống hằng năm được tổ chức đúng vào ngày 6-1 - ngày Phước Long chiến thắng. Từ một giải việt dã truyền thống 6-1 được huyện đoàn tổ chức, Đài Sông Bé đã khởi xướng tổ chức nên một giải chạy leo núi đúng vào ngày 6-1 hàng năm. Giải chạy leo núi lần đầu tiên được tổ chức năm 1993, với tên gọi là Giải Việt dã leo núi Bà Rá tranh Cúp Truyền hình Sông Bé. 
Đc Nguyễn Trung Hiếu, nguyên Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Sông Bé phát biểu khai mạc giải Việt dã leo núi Bà Rá tranh Cúp Truyền hình Sông Bé lần thứ 3/1995 - Ảnh tư liệu
Sau khi chia tách tỉnh, giải chạy này mang tên Việt dã leo núi Bà Rá tranh Cúp Truyền hình Bình Phước. Để rồi phát triển với quy mô và hình thức ngày càng lớn mạnh ra cả nước và quốc tế, có sự đồng hành của nhiều doanh nghiệp lớn tham gia tài trợ cho giải. Năm 2005, giải chạy leo núi này được nâng tầm cấp quốc gia với tên gọi Giải Việt dã leo núi toàn quốc "Chinh phục đỉnh cao Bà Rá" và sau đó được công nhận là một giải chạy nằm trong hệ thống thi đấu điền kinh quốc gia với tên gọi là Giải Vô địch Quốc gia Việt dã leo núi  "Chinh phục đỉnh cao Bà Rá" như ngày nay. 
Hơn 30 năm, kể từ năm 1993 và đến ngày 6-1-2025 này đã là lần thứ 30 giải Việt dã leo núi Bà Rá được tổ chức, gắn liền với biểu tượng của tượng đài Phước Long chiến thắng.
Giải Vô địch Quốc gia Việt dã leo núi "Chinh phục đỉnh cao Bà Rá" lần thứ 27/2021 - Ảnh tư liệu
Khi phong trào chạy xe đạp phát triển mạnh ở Sông Bé và nhiều nơi trong cả nước, Đài Phát thanh - Truyền hình Sông Bé - nay là Bình Dương cũng tiếp tục khởi xướng và tổ chức thêm Giải chạy xe đạp tranh Cúp Truyền hình về Phước Long vào ngày 5-1 hàng năm. 
Sau này, giải được duy trì và phát triển lớn mạnh với nhiều chặng thi đấu có cự ly khác nhau đến nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Song, chặng đấu đầu tiên vẫn là cuộc đua "về nguồn" mang tên "Về Phước Long xây chiến thắng", được tổ chức đúng vào ngày 5-1 để gắn liền với Giải chạy việt dã leo núi ngày 6-1 hàng năm.
Chặng đua xe đạp "Về Phước Long xây chiến thắng" năm 2021 - Ảnh: Lê Thảo
Vào ngày 5-1-2025 này, người dân Phước Long sẽ lại được dịp dõi theo, đón chào hàng trăm vận động viên chuyên nghiệp và phong trào đổ về tượng đài Phước Long - đích đến của chặng đua "Về Phước Long xây chiến thắng" lần thứ 10, do Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương tổ chức. 
Hàng năm, cứ vào sáng ngày 5-1, hàng chục chiếc môtô với cờ giải dẫn đường cho hàng trăm cua rơ trong và ngoài nước từ Bình Dương đua theo lộ trình gần 100km, qua các tuyến phố, con đường của các địa phương Bình Dương - Bình Phước để về đến Phước Long, ngay dưới chân tượng đài chiến thắng. Giải đua như một cuộc về nguồn, tạo nên không khí thật sôi động và rộn ràng để ngay sáng sớm hôm sau 6-1, cũng từ tượng đài chiến thắng này, lại tiếp nối những bước chân rầm rập của hàng ngàn vận động viên cùng nhau tranh tài chinh phục đỉnh cao Bà Rá.
Những hình ảnh đó, có thể nói như đưa mọi người về những ký ức hào hùng của quân và dân Phước Long trong ngày chiến thắng năm xưa...
Các em học sinh Phước Long tươi vui đón chào đoàn đua xe đạp "Về Phước Long xây chiến thắng" năm 2021 - Ảnh: Lê Thảo
Nửa thế kỷ trôi qua, kể từ ngày Phước Long chiến thắng - 6-1-1975, hình ảnh tượng đài này cũng đã trải qua hơn 40 năm "sống" cùng hồn sông núi của dân tộc; để khơi gợi cho thế hệ hôm nay và mai sau lòng biết ơn, niềm tự hào và ý chí mạnh mẽ trong những bước đường phía trước...
Hình ảnh tượng đài Phước Long chiến thắng là điểm nhấn trong logo của thị xã Phước Long ngày nay - Ảnh internet
Đối với Đảng bộ, quân và dân Phước Long, chiến thắng Phước Long ngày 6-1-1975 là một sự kiện đặc biệt, một bản anh hùng ca vẫn còn hát mãi, sống mãi với núi rừng, với con người nơi đây.
Ngày 6-1-2025 này, khi tỉnh Bình Phước và thị xã Phước Long đón chào kỷ niệm 50 năm ngày Phước Long chiến thắng (6-1-1975 - 6-1-2025) thì giải chạy leo núi này cũng vừa tròn 30 lần tổ chức. Cùng với đó, tượng đài Phước Long chiến thắng cũng là biểu tượng có hơn 40 năm tuổi, kể từ khi được xây dựng và chính thức đưa vào sử dụng từ ngày 6-1-1985. 
Hơn 40 năm tồn tại cùng thời gian, cùng với bao đổi thay của Phước Long hôm nay - Tượng đài Phước Long chiến thắng đã là một biểu tượng thân quen và tự hào của người dân Phước Long. Đó còn là những giá trị lịch sử cần lưu giữ cho mai sau. Và đó còn là câu chuyện về một chiến sĩ - nhà điêu khắc Đinh Rú và câu chuyện xây dựng tượng đài này...
Tháng 12-2024
Kỳ 2 (kỳ cuối): Tìm về ký ức - Chuyện xây tượng đài chiến thắng

 

Tác giả:  Lê Thảo(BPO)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây