Vì cuộc sống tốt đẹp hơn của phụ nữ và trẻ em
BGM - Là một trong những giải pháp để thực hiện hiệu quả các hoạt động của Dự án 8 do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam triển khai nhằm hướng đến bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, các tổ truyền thông cộng đồng đã được Hội LHPN tỉnh Bình Phước thành lập từ năm 2023 trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Hoạt động của các tổ truyền thông cộng đồng đã góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi đời sống của phụ nữ, trẻ em ngày càng tốt hơn.
Bài 1:
ÐẨY LÙI TÌNH TRẠNG TẢO HÔN
Tảo hôn, sinh nhiều con là tình trạng nhức nhối diễn ra nhiều năm qua trong vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa. Tình trạng này làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân nơi đây. Nhiều năm nay, xã Long Tân, huyện Phú Riềng đã quyết tâm đẩy lùi tình trạng tảo hôn, đem lại hiệu quả tích cực.
Nỗi lòng người mẹ tảo hôn
Thôn 6, xã Long Tân có 83% dân cư là đồng bào DTTS, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, mặt bằng dân trí thấp là nguyên nhân chính dẫn đến tồn tại nhiều phong tục cổ hủ, nạn tảo hôn và sinh con nhiều. Điển hình trường hợp tảo hôn của em Thị Nhân ở thôn 6. Đến nay đã lớn, hiểu những điều cán bộ thôn tuyên truyền là đúng đắn, Nhân có những lời khuyên đến các bạn nữ trong thôn: “Trước đây do không có kiến thức về tình yêu, giới tính và hôn nhân - gia đình, làm mẹ khi còn trẻ nên chưa có kinh nghiệm, kinh tế gia đình thiếu thốn trong khi con sinh ra không được khỏe mạnh, thường xuyên đau ốm khiến cuộc sống gia đình càng thêm chật vật. Những điều này làm ảnh hưởng đến tình cảm vợ chồng và là gánh nặng cho gia đình nội, ngoại hai bên. Từ bài học đắt giá của bản thân trong vấn nạn tảo hôn, em mong các bạn nữ vùng sâu, vùng xa không nên lấy chồng và sinh con sớm”.
Em Thị Nhân (bìa phải) chia sẻ tâm tư khi làm mẹ ở tuổi chưa trưởng thành
Chị Thị Sanh cùng ở thôn 6, xã Long Tân lập gia đình năm 19 tuổi, nhưng với quan điểm cũ và thiếu kiến thức trong kế hoạch hóa gia đình nên sinh đông con dù mới ngoài 30 tuổi nhưng chị Sanh đã có 4 người con. Do nhà nghèo nên các con không được đến trường. Dù vậy, chị từng có ý định sinh thêm con với quan niệm đông con để sau này có người chăm lo lúc về già. Nhưng từ khi được sự tư vấn, hướng dẫn của cộng tác viên dân số trong thôn và tổ truyền thông cộng đồng, chị Sanh dần thay đổi tư duy và phối hợp. Chị Sanh cho biết: “Hiện nhà tôi có 4 đứa con, con trai lớn mới học hết lớp 4 đã nghỉ học ở nhà phụ giúp ba mẹ đi cạo mủ cao su thuê. Cả nhà nhận 1 suất cạo mủ cao su thuê mỗi tháng 6 triệu đồng nhưng cần thêm 2 người đi phụ mới làm hết việc. Đứa con trai thứ hai dù đủ tuổi đến trường nhưng bị chậm nói, không theo kịp chương trình học nên phải ở nhà. Hai đứa còn lại đang tuổi mẫu giáo nhưng cũng không đến trường vì gia đình không có tiền”.
Năm 2023, Tổ truyền thông cộng đồng thôn 6, xã Long Tân được thành lập. Tổ thường xuyên tuyên truyền, phổ biến kiến thức Luật Hôn nhân và gia đình, tình trạng tảo hôn và hậu quả đến phụ nữ trong thôn, giúp họ hiểu rõ và thay đổi cuộc sống tốt hơn.
Tổ truyền thông cộng đồng thôn 6, xã Long Tân đến tận nhà người dân, khu dân cư tuyên truyền về hôn nhân gia đình
Chị Thị Nguyệt, cộng tác viên dân số thôn 6 chia sẻ: “Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền các gia đình không sinh con thứ 3, không cho con tảo hôn và vận động chị em sử dụng các biện pháp tránh thai, chăm sóc sức khỏe sinh sản định kỳ. Trước đây, có một số trường hợp không biết sử dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, khi được cộng tác viên dân số, ban thôn tuyên truyền đã dần thay đổi nhận thức về việc sinh con nhiều, hiện nay, tình trạng này đã giảm”.
Nguyên nhân sâu xa
Ông Vương Ngọc Bửu Sơn, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn 6, xã Long Tân cho biết: “Khi chưa thực hiện Dự án 8, thôn 6 là vùng đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn. Trình độ dân trí thấp, tình trạng tảo hôn rất nhiều. Trung bình mỗi năm có đến 8 vụ tảo hôn. Từ khi tổ truyền thông cộng đồng ra đời, thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân, đến nay tình trạng tảo hôn không còn”.
Tổ truyền thông cộng đồng thôn 6, xã Long Tân, huyện Phú Riềng lắng nghe tâm tư, chia sẻ của chị Thị Sanh về sinh nhiều con và kế hoạch hóa gia đình
Để thay đổi nhận thức và hướng người dân đến cuộc sống tốt đẹp hơn, các tổ chức, đoàn thể và hệ thống chính trị của xã đã chung tay thực hiện nhiều chương trình, chính sách ý nghĩa. Trong đó có việc thành lập và đưa vào hoạt động tổ truyền thông cộng đồng từ tháng 8-2023, do Hội LHPN xã phối hợp các đơn vị thực hiện. Bà Hoàng Thị Điều, Chủ tịch Hội LHPN xã Long Tân kiêm Bí thư Chi bộ thôn 6 cho biết: “Từ ngày thành lập các tổ truyền thông cộng đồng, hoạt động truyền thông phát triển kinh tế, đẩy lùi tảo hôn đi vào nền nếp, tạo chuyển biến tích cực. Đặc biệt, Phòng GD&ĐT huyện đã thành lập lớp xóa mù chữ cho người dân trên địa bàn. Ngoài ra, các hội, đoàn thể xã tạo điều kiện cho đồng bào DTTS tiếp cận vốn chính sách ưu đãi để phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo”.
Tổ truyền thông cộng đồng thôn 6, xã Long Tân là một trong những điểm sáng về truyền thông các vấn đề cấp thiết liên quan đến phụ nữ, trẻ em vùng DTTS, vùng sâu, vùng xa. Đến nay, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức được 6 điểm truyền thông mẫu cho tổ truyền thông cộng đồng; phối hợp với Ban Chính sách - Luật pháp, Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức 5 hội nghị tuyên truyền, tư vấn pháp luật dưới hình thức phiên tòa giả định tại 5 xã có thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn các huyện Bù Đốp, Bù Gia Mập, Bù Đăng, Lộc Ninh và Phú Riềng, cho hơn 2.500 hội viên, phụ nữ và người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi; tổ chức 7 lớp tập huấn nâng cao năng lực lồng ghép giới cho 615 lượt cán bộ thôn, ấp, người có uy tín trong cộng đồng là thành viên tổ truyền thông cộng đồng...
Các tổ truyền thông cộng đồng đã góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi đời sống của phụ nữ, trẻ em ngày càng tốt hơn. Trong ảnh: Truyền thông thay đổi khuôn mẫu giới trong việc nhà thông qua hình thức hỏi - đáp thu hút đông người dân xã Ðắk Ơ, huyện Bù Gia Mập tham gia - Ảnh: X.T
Tảo hôn và sinh con nhiều làm giảm chất lượng cuộc sống của phụ nữ, trẻ em vùng sâu, vùng xa nói chung. Đồng thời, hạn chế sự phát triển bản thân, làm chủ cuộc sống của phụ nữ DTTS. Vì vậy, việc từng bước đẩy lùi tình trạng này trong vùng đồng bào DTTS sẽ góp phần hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn cho phụ nữ, trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.