HOC TAP BAC

Truyền dạy Cồng Chiêng cho thế hệ trẻ người S’tiêng, M’nông tại Vườn Quốc gia Bù Gia Mập

Thứ tư - 23/10/2024 23:17 575 0
Truyền dạy Cồng Chiêng cho thế hệ trẻ người S’tiêng, M’nông tại Vườn Quốc gia Bù Gia Mập
Cũng giống như bao cộng đồng các dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên nói chung, cộng đồng người dân tộc S’tiêng , M’nông trên địa bàn huyện Bù Gia Mập nói riêng nguy cơ không gian văn hóa cồng chiêng đang dần bị mai một bởi tác động của nhiều yếu tố khách quan và chủ quan như sự xâm thực của các dòng văn hóa ngoại lai hay không gian văn hóa bản địa bị thu hẹp.
Nhằm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy không gian văn hóa cồng chiêng đồng thời giúp cho các bạn trẻ người S’tiêng, M’nông kế thừa, gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình, khơi dậy niềm đam mê diễn tấu cồng chiêng.
Hình 1: Các nghệ nhân đang truyền dạy cồng chiêng cho các em học viên tại nhà dài Vườn Quốc Gia Bù Gia Mập.
Chiều ngày 19/10/2024 tại nhà dài truyền thống S’tiêng – Vườn Quốc gia Bù Gia Mập Phòng VH Huyện Bù Gia Mập phối hợp với UBND xã Bù Gia Mập, Vườn Quốc gia Bù Gia Mập tổ chức mở lớp: Truyền dạy văn hóa phi vật thể nghệ thuật trình diễn dân gian, nghệ thuật trình diễn cồng - chiêng của đồng bào S’Tiêng.
Hình 2: Nghệ nhân Điểu Tiếp đang hướng dẫn học viên đánh cồng chiêng.
Lớp truyền dạy cồng chiêng diễn ra từ ngày 19/10/2024 đến ngày 23/10/2024 với sự tham gia của 15 học viên là những bạn trẻ người dân  M’nông ,S’tiêng sinh sống trên địa bàn xã Bù Gia Mập các bạn sẽ được sự hướng dẫn và truyền dạy bởi 5 nghệ nhân lớn tuổi người S’tiêng của xã Phú Nghĩa.
Qua 5 ngày học tập nhiệt tình, sôi nổi và sự hướng dẫn tận tâm của các nghệ nhân, các bạn học viên được trang bị nhiều kiến thức cơ bản về các loại cồng chiêng của đồng bào dân tộc S’tiêng như: Nhận biết về chiêng, kỹ năng nghe, cảm thụ tiếng chiêng, cách cầm chiêng, đánh chiêng, phân nhịp. Đặc biệt, các học viên cũng sẽ được truyền dạy cách bắt nhịp, diễn tấu một số bài chiêng truyền thống của dân tộc như: Đón khách, mừng lúa mới…
Hình 3: Các học viên đang học đánh cồng chiêng
Việc mở lớp truyền dạy cồng chiêng là một hoạt động thiết thực, giúp cho các học viên là người đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là thế hệ trẻ kế thừa, gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình, khơi dậy niềm đam mê diễn tấu cồng chiêng cho thế hệ trẻ, qua đó góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy không gian văn hóa cồng chiêng trên địa bàn huyện Bù Gia Mập nói riêng, trên địa bàn tỉnh Bình Phước nói chung.                                                                     

Tác giả:  Trường Giang - Điểu Thấp - Trung tâm Tuyên truyền, Du lịch và Cúu hộ bảo tồn(BGMOL)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây