Bài cuối:
GỠ KHÓ CHO CẢ GIAI ĐOẠN
BGM - Năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu đầu tư xây dựng 55 trường đạt chuẩn quốc gia, tuy nhiên đến nay mới chỉ 34 trường có quyết định công nhận hoặc có quyết định thành lập đoàn khảo sát. 21 trường còn lại đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập cần tìm giải pháp tháo gỡ để công nhận đạt chuẩn theo chỉ tiêu UBND tỉnh giao năm 2024 và cả giai đoạn.
Chậm tiến độ
Trong 21 trường chưa gửi hồ sơ đăng ký khảo sát, thẩm định công nhận đạt chuẩn quốc gia năm 2024, ngoài 4 trường trên địa bàn thị xã Chơn Thành chưa có chủ trương đầu tư vốn xây dựng cơ sở vật chất thì 17 trường còn lại đang gặp khó khăn với nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, nhiều nhất là huyện Hớn Quản 7 trường, tiếp đến huyện Lộc Ninh 6 trường. Đây là những trường đã có chủ trương đầu tư vốn dự toán năm 2024, tuy nhiên tiến độ thi công, xây dựng các khối công trình, hạng mục còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ chung toàn tỉnh.
Ðại diện Ban Giám hiệu Trường THCS Tiến Thành, TP. Ðồng Xoài đón nhận danh hiệu trường đạt chuẩn quốc gia năm 2022
Theo chỉ tiêu đăng ký với UBND tỉnh, năm 2024, Hớn Quản đầu tư xây dựng 8 trường đạt chuẩn quốc gia nhưng huyện đăng ký xây dựng 9 trường, vượt 1 trường với tổng kinh phí 161,5 tỷ đồng. Trong đó, xây dựng mới 4 trường và đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất để công nhận lại 5 trường. Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hớn Quản Bùi Duy Dũng cho biết: Ngoài Trường tiểu học Trà Thanh đã được đánh giá ngoài chờ công nhận đạt chuẩn, số còn lại tiến độ đầu tư xây dựng rất chậm, thời gian kéo dài dẫn đến việc đăng ký đánh giá ngoài chưa đảm bảo tiến độ so với kế hoạch đầu năm. Lãnh đạo huyện đang quyết liệt chỉ đạo trước ngày 25-10, tất cả các trường phải đăng ký để đánh giá, mặc dù nhiều công trình chưa xây xong nhưng cam kết sẽ hoàn thiện sau.
Khó khăn huyện Hớn Quản gặp phải cũng là vướng mắc của huyện Lộc Ninh. Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Lộc Ninh Hoàng Văn Lợi cho biết, dù được quan tâm đầu tư nhiều nguồn lực, tuy nhiên khó khăn lớn nhất trong xây dựng trường chuẩn quốc gia trên địa bàn là tiến độ thực hiện chậm. Cụ thể, Trường TH&THCS Lộc Thịnh đã được lãnh đạo huyện phê duyệt, HĐND huyện thông qua đầu tư xây dựng 26 phòng học, phòng chức năng, phòng phụ trợ nhưng do vướng thủ tục pháp lý đấu thầu nên đến nay vẫn chưa khởi công xây dựng. Ngoài ra, một số trường trong lộ trình xây dựng đạt chuẩn quốc gia năm 2024 được phê duyệt vốn nhưng hiện vẫn chưa khởi công xây dựng do vướng các thủ tục pháp lý. Mong các cấp lãnh đạo tiếp tục quan tâm, chỉ đạo phòng, ban liên quan đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo xây dựng trường chuẩn quốc gia theo đúng lộ trình đề ra.
Trường tiểu học Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh hoàn thành đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị công nhận đạt chuẩn quốc gia năm 2024
Ngoài ra, một số trường trên địa bàn các huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập và Lộc Ninh chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do vướng mắc về nguồn gốc đất, diện tích đất của trường trong vùng quy hoạch bô-xít, đất lâm phần. Đối với huyện Hớn Quản, có 5 đơn vị đã gửi hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất về Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, tuy nhiên hồ sơ trích đo địa chính của các trường đang chờ thực hiện theo bản đồ địa chính mới.
Trường THPT Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh có phần đất bị người dân lấn chiếm nên trường đã làm tờ trình gửi UBND xã Lộc Hiệp, Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Lộc Ninh. Theo đó, UBND huyện Lộc Ninh đã có văn bản giao Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND xã Lộc Hiệp kiểm tra, giải quyết. Tuy nhiên, đến nay trường vẫn chưa được xác minh để có biện pháp giải quyết. Trường THPT Phú Riềng (cơ sở mới), huyện Phú Riềng đi vào hoạt động từ đầu năm học 2024-2025, tuy nhiên trường chưa nhận được quyết định bàn giao tài sản do công trình chưa quyết toán xong.
Để đáp ứng cơ sở vật chất cho các trường trực thuộc đạt chuẩn, Sở GD&ĐT đã tham mưu cấp kinh phí từ nguồn vốn sự nghiệp để sửa chữa cơ sở vật chất cho các đơn vị trong lộ trình đạt chuẩn quốc gia năm 2024 với kinh phí 2,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, đối với 12 trường được giao công nhận mới và công nhận lại trong năm 2024 và năm 2025 còn thiếu khoảng 40 tỷ đồng để đáp ứng các yêu cầu về cơ sở vật chất.
Dự báo khó khăn
Do đã được tỉnh bố trí kinh phí nên công tác xây dựng phòng học tại điểm lẻ và điểm chính của các trường trên địa bàn xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập thuộc dự án “Kiên cố hóa phòng học tạm, phòng học bán kiên cố cấp học mầm non và tiểu học cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa” đã được khởi công phần móng, có nơi đã dựng cột bê tông cốt thép. Tuy nhiên, sau đó cấp thẩm quyền, ngành chức năng có thông báo vướng quy hoạch bô-xít và đất lâm phần nên tất cả công trình tạm dừng thi công chờ tháo gỡ.
Điểm lẻ Trường TH&THCS Ngô Quyền, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập được khởi công xây dựng từ đầu năm 2024 nhưng tạm ngưng vì vướng đất lâm phần
Riêng đối với các công trình triển khai trước khi có quyết định quy hoạch khu dự trữ khoáng sản bô-xít được tiếp tục xây dựng hoàn thiện và đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia như Trường tiểu học Hai Bà Trưng, Trường THCS Lý Thường Kiệt. Tuy nhiên, sát Trường tiểu học Hai Bà Trưng là Trường mầm non Bông Sen đã có chủ trương đầu tư với quy mô 16 phòng học theo hướng đạt chuẩn quốc gia, nhưng phải tạm ngưng thi công từ đầu năm 2024 do vướng quy hoạch bô-xít.
Ngoài quy hoạch dự trữ khoáng sản, Phú Văn có 50 phòng học tại 7 điểm trường đã tạm dừng thi công do nằm trên đất lâm phần. Các điểm trường này được xây dựng đã lâu, có phòng xây gần 30 năm nay xuống cấp, không còn sử dụng nên thiếu phòng học, học sinh phải học tạm tại nhà văn hóa thôn. Bên cạnh đó, các điểm trường cần được đầu tư bổ sung thêm các công trình như sân, cổng, hàng rào, nhà vệ sinh...
Trường tiểu học Hai Bà Trưng, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia
“Những khó khăn này đã được UBND xã kiến nghị đến huyện, huyện kiến nghị lên tỉnh, tỉnh kiến nghị lên Trung ương tìm giải pháp tháo gỡ để sớm xây dựng các phòng học phục vụ nhu cầu học tập cho các cháu” - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Văn Đậu Đình Lương cho biết.
Theo đánh giá của Sở GD&ÐT, các phòng học trên địa bàn tỉnh được xây dựng theo Quyết định số 2212/QÐ-UBND ngày 30-8-2021 của UBND tỉnh, thuộc dự án “Kiên cố hóa phòng học tạm, phòng học bán kiên cố cấp học mầm non và tiểu học cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa” theo Quyết định số 900/QÐ-TTg ngày 20-6-2017 của Thủ tướng Chính phủ hiện phải tạm dừng vì liên quan đến quy hoạch quặng bô-xít, đất lâm phần. Do vậy, nhiều địa phương rất khó khăn trong việc đáp ứng phòng học cho các trường được đầu tư theo dự án nêu trên. Từ đó, khó có thể ưu tiên kinh phí mua sắm trang thiết bị, xây dựng cơ sở vật chất cho các trường trong lộ trình đạt chuẩn năm 2024 và 2025. |
Hiện ngân sách của các địa phương và của tỉnh hạn chế do nguồn thu tiền sử dụng đất giảm, trong khi đó, cần ưu tiên bố trí vốn cho các dự án quan trọng của tỉnh, dự án kết nối có tác động liên vùng, có sức lan tỏa, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời phải đảm bảo thứ tự ưu tiên phân bổ vốn đầu tư công được quy định tại Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 8-7-2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để đáp ứng tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia sẽ hạn hẹp.
Ngoài ra, nguồn tuyển giáo viên hiện nay khó khăn, trong khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đòi hỏi phân công giáo viên để dạy các tổ hợp môn một cách hài hòa. Đồng thời, kinh phí hợp đồng giáo viên thấp hơn nhiều lần so với việc trường phải chi trả tiền tăng giờ cho giáo viên khi môn học đó thiếu nên khó tuyển đầu vào.
Trên cơ sở thực trạng khó khăn, vướng mắc của các địa phương và trường học thuộc khối tỉnh quản lý, Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương chủ động, quyết liệt triển khai nhằm hoàn thành chỉ tiêu được giao về công tác xây dựng trường đạt chuẩn năm 2024, hướng đến đạt chỉ tiêu cho cả giai đoạn 2021-2025.