HOC TAP BAC

“Di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc bồi dưỡng tính Ðảng cho cán bộ, đảng viên hiện nay

Thứ tư - 17/07/2024 21:13 7.351 0
Đã 55 năm, kể từ khi Người để lại "Di chúc", đọc lại những tư tưởng của Người trong tác phẩm có thể thấu hiểu, thấm nhuần sâu sắc hơn những chỉ dẫn về đạo đức cách mạng và tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh; những lời căn dặn tâm huyết, thiết tha của Người mà "Di chúc" chuyên chở. Để từ đó thực hiện tốt hơn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh qua việc thực hiện công tác giáo dục và bồi dưỡng tính Đảng cho cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay. Đây là nhiệm vụ vô cùng quan trọng đặt ra cho cán bộ, đảng viên. Thực hiện tốt những lời chỉ dẫn trong “Di chúc” góp phần cùng Đảng, nhân dân ta thực hành đạo đức cách mạng, từng bước thực hiện lý tưởng xã hội chủ nghĩa, xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

“Di chúc” - sự kết tinh những căn cốt nhất về đạo đức người cách mệnh
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện lịch sử vô giá, là bảo vật quốc gia1. Di chúc kết tinh những tinh hoa đạo đức, những nội dung cốt lõi nhất của tư tưởng Hồ Chí Minh, thể hiện tầm nhìn vượt thời đại, chỉ ra phương hướng phát triển cho cách mạng Việt Nam.
Trong bản “Di chúc” thiêng liêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân"2. Trong mọi giai đoạn cách mạng, vai trò của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt ở các cấp luôn là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém"3.
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Ủy viên dự khuyết Trung ương Ðảng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh; Bí thư Trung ương Ðoàn, Chủ tịch Hội đồng Ðội Trung ương Nguyễn Phạm Duy Trang và Bí thư Tỉnh đoàn Trần Hoàng Trực trong lễ khánh thành công trình “Ðường cờ Tổ quốc” tại TP. Ðồng Xoài Ảnh: Bảo Long
Để định hướng cho việc giáo dục, rèn luyện đạo đức đối với cán bộ, đảng viên, trong “Di chúc” Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra nội dung cốt lõi của đạo đức cách mạng đó là: Trung với nước, hiếu với dân (phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân); yêu thương con người; cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; tinh thần quốc tế trong sáng.
“Trung với nước, hiếu với dân” (phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân) là nội dung cơ bản, bao trùm của đạo đức cách mạng. Khác với quan niệm về đức trong Nho giáo, Hồ Chí Minh xây dựng nội dung cho nền đạo đức mới. “Trung với nước, hiếu với dân” là mối quan hệ với đất nước, với dân tộc, thể hiện trách nhiệm đối với sự nghiệp dựng nước, giữ nước và sự phát triển của đất nước, đó là phẩm chất đạo đức quan trọng nhất của người cán bộ, đảng viên. Trong "Di chúc", Người khẳng định: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”4.
“Yêu thương con người” là một trong những phẩm chất đạo đức cách mạng cao đẹp nhất. Hồ Chí Minh đã dành cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người, đem lại tự do, hạnh phúc cho những người lao động nghèo khổ. Trong “Di chúc”, Người căn dặn đầu tiên là công việc đối với con người. Một trong những điều làm nên dấu ấn, sức sống lớn lao của “Di chúc” là những tư tưởng nhân văn cách mạng ngời sáng và giá trị nhân bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh quan tâm đến việc bồi dưỡng đạo đức và tài năng cho các thế hệ thanh niên, lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng, làm cho họ trở thành lực lượng nòng cốt xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Người yêu cầu sửa đổi chế độ giáo dục cho phù hợp với hoàn cảnh và đặc biệt là chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng, giáo dục tinh thần yêu nước cho đoàn viên và thanh niên, đào tạo họ trở thành những người kế thừa xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”. Trong “Di chúc”, Người nhắc nhở: “Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy học thêm các ngành, các nghề, để đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc. Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta”5.

Trong “Di chúc”, Người viết: “Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”6. Có thể thấy đối với phụ nữ, Người đặc biệt quan tâm đến vấn đề giúp đỡ chị em tham gia công tác xã hội để tiến tới sự bình đẳng, tiến bộ thật sự cho phụ nữ.
“Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” là các chuẩn đạo đức của người cách mạng, giải quyết mối quan hệ “với tự mình”. “Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” chính là các đức tính cần có của người cách mạng, tất yếu như tự nhiên có bốn mùa của trời; có bốn phương của đất; người cách mạng cần có cần kiệm liêm chính, cần có chí công vô tư. Người cách mạng phải chí công vô tư, có chỗ Người dùng “dĩ công vi thượng”, “thiết diện vô tư”… không nên “tư thù, tư oán”, “kéo bè kéo cánh”, “địa phương chủ nghĩa”… Trong "Di chúc", Người căn dặn: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”7.
Với Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng còn thể hiện ở tinh thần quốc tế trong sáng. Với một tinh thần trong sáng, trước khi đi xa, Người hy vọng: “Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình”8.
Những quan điểm, tư tưởng và tấm gương của Người về đạo đức nói chung và trong “Di chúc” đã trở thành những chuẩn mực đạo đức của con người Việt Nam mới, là vũ khí chống lại sự tha hóa về đạo đức, các hiện tượng phi đạo đức trong xã hội. Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức đạt đến sự thống nhất chặt chẽ giữa nói và làm, giữa lý luận và thực tiễn, suy nghĩ với hành động, giữa việc công cũng như đời tư trong sáng, giản dị, tấm gương ấy có sức lan tỏa kỳ diệu. Là sức mạnh, quyết tâm cho toàn Đảng, toàn dân ta trong sự nghiệp cách mạng.
(còn nữa)
(1) Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận bảo vật quốc gia (đợt 1) cho 30 hiện vật, nhóm hiện vật. Bản Di chúc, bản thảo Nhật ký trong tù, cuốn Ðường cách mệnh, bản thảo viết tay Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, bản thảo Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước (văn bản Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trên Ðài Tiếng nói Việt Nam sáng ngày 17-7-1966)… là 5 trong số 30 bảo vật quốc gia.
(2) Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, tr.269.
(3) Sđd, T.5, tr.273.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr. 621-622. 
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr. 616-617.
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr. 617.
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr. 622.
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr. 623.




 

Tác giả: Báo Bp(Hải Yến - Thùy Linh - Thanh Long)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây