BGM - Huyện Bù Gia Mập có 35 người uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được UBND tỉnh công nhận. Mỗi người đều có sức ảnh hưởng, mức độ đóng góp khác nhau trong cộng đồng nhưng ở họ đều có điểm chung là gương mẫu, tận tụy, nhiệt tình, nói đi đôi với làm. Họ như những cánh chim đầu đàn dẫn dắt cộng đồng vượt qua khó khăn, thử thách, tiến về phía trước.
Trong 6 cá nhân của tỉnh được tuyên dương tại chương trình “Điểm tựa của bản làng” lần thứ II năm 2024, do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN phối hợp với Tạp chí Cộng sản, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng tổ chức, huyện Bù Gia Mập có các ông Điểu Yết, Điểu Ghế - người có uy tín tiêu biểu ở xã Bù Gia Mập và xã Đắk Ơ được tuyên dương, khen thưởng.
Cùng đồng bào bảo tồn văn hóa
“Cái gùi này ngày xưa đi rẫy dùng để mang cơm, mang lúa, là truyền thống của mình, các cháu đừng quên. Bất cứ lúc nào rảnh, ghé nhà ông sẽ dạy cho đan mấy cái này” - ông Điểu Yết, người có uy tín ở thôn Bù Nga, xã Bù Gia Mập căn dặn lớp trẻ trong thôn. Đã có lúc, nghề đan lát của đồng bào nơi đây bị mai một, nhưng với vai trò của mình, ông Điểu Yết đã làm “sống lại” một cách hiệu quả. Ông chọn lớp trẻ là người để truyền đạt. Ông dạy từ cách chọn tre, vót nan, kỹ thuật đan... thật cẩn thận và chi tiết. Từ đó, nét văn hóa đặc trưng của đồng bào được lớp trẻ học hỏi một cách bình dị, rất đỗi nhẹ nhàng. Ông Điểu Yết chia sẻ: Mình biết mà không truyền cho tụi nhỏ là mai mốt nó quên luôn. Truyền dạy vậy, tụi nhỏ vừa gìn giữ, phát huy rồi làm ra sản phẩm đem bán cũng có thêm thu nhập.
Ông Ðiểu Yết dạy trẻ em trong thôn cách vót và đan các dụng cụ truyền thống từ tre của đồng bào M’nông
Cũng với suy nghĩ đó, ông Điểu Yết đã dành thời gian dạy phụ nữ trong thôn đánh cồng chiêng. Những ngày cuối tuần, phụ nữ thôn Bù Nga lại cùng nhau đến nhà văn hóa để học đánh cồng chiêng. “Tập với nhau vừa vui vừa hiệu quả, để phong tục của dân tộc mình được duy trì, không thể mất được” - chị Thị Nhốt cho hay.
Ông Điểu Yết còn vận động bà con trong thôn tận dụng đất trống để trồng lá nhíp, đọt mây... một phần cải thiện bữa ăn, phần để bán và quảng bá món “canh thụt đọt mây, lá nhíp” phục vụ khách tham quan tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Là người có uy tín trong thôn, ông vận động bà con tham gia tổ cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng. Hiện có 69/169 hộ tham gia và có thu nhập ổn định từ việc nhận khoán, người dân trong thôn nâng cao ý thức bảo vệ rừng.
Ông Điểu Yết dạy phụ nữ trong thôn đánh cồng, chiêng
Để nói dân hiểu, làm dân tin, ông tích cực học hỏi thêm kiến thức, kinh nghiệm và gương mẫu trong cuộc sống. Từ những kiến thức học được, ông truyền đạt lại cho một số hộ dân trong thôn, giúp thay đổi mô hình canh tác, làm giàu chính đáng và chung tay xây dựng quê hương. Trong năm 2023, ông cùng Ban điều hành thôn hòa giải thành công 2 vụ bạo lực gia đình, 1 vụ tranh chấp đất đai... Là cá nhân vinh dự được tuyên dương “Điểm tựa của bản làng”, đó là động lực để ông tiếp tục cố gắng hơn. “Nhận danh hiệu thì vui lắm, nhưng cũng lo vì sợ làm không hết trách nhiệm, bổn phận của mình. Nhưng chắc chắn tôi sẽ làm hết sức vì bà con, cộng đồng” - ông Điểu Yết chia sẻ.
“Ông Điểu Yết là người đóng góp tích cực trong gìn giữ nét đẹp văn hóa đồng bào DTTS. Đồng thời có những hình thức tuyên truyền rất phù hợp để bà con hiểu và làm theo, như hạn chế bán điều non, tham gia tổ cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng... góp phần ổn định cuộc sống và thay đổi tư duy người dân trong thôn” - ông Điểu Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Bù Gia Mập cho hay.
Trách nhiệm với cộng đồng
“Bây giờ có nhà, có bò, giếng nước đầy đủ... đã thoát nghèo rồi thì phải chí thú làm ăn. Bên xã có tổ cộng đồng, vào đó đăng ký đi bảo vệ rừng quốc gia, mỗi tháng có thêm thu nhập, cũng đỡ lắm” - là cách nói ngắn gọn, hiệu quả mà ông Điểu Ghế, người có uy tín ở thôn 3, xã Đắk Ơ vận động bà con trong thôn. Người dân thôn 3 không còn phụ thuộc vào việc khai thác tài nguyên rừng, mà ngược lại có thu nhập thêm từ nhận khoán bảo vệ rừng. Ông Nguyễn Cảnh Đông, Kiểm lâm viên chính Vườn quốc gia Bù Gia Mập cho biết: Chúng tôi đánh giá rất cao vai trò của ông Điểu Ghế. Là người có uy tín, ông nhiệt tình và xông xáo tham gia đi tuần tra. Ông còn vận động người dân trong thôn tham gia tổ nhận khoán bảo vệ rừng. Từ vận động của ông, người dân sinh sống xung quanh địa bàn không còn vào rừng khai thác trái phép.
Ông Điểu Ghế (bìa phải) đến nhà vận động người dân chăm lo phát triển kinh tế để vươn lên trong cuộc sống
Thôn 3, xã Đắk Ơ đã có nhiều đổi thay, đời sống nhân dân ổn định, số hộ nghèo không tăng, một số hộ đã thoát nghèo bền vững. Kết quả đó có vai trò không nhỏ của ông Điểu Ghế. Là người có uy tín, ông phối hợp với xã, các hội, đoàn thể đến tận nhà người dân tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, vận động người dân áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, bỏ những tập quán lạc hậu… góp phần thay đổi đời sống người dân trong thôn. Anh Điểu Vương ở thôn 3 phấn khởi: Vợ chồng tôi được Nhà nước bình xét và hỗ trợ xây nhà, dụng cụ sản xuất... Đến nay, gia đình có nhà ở, có công việc, cuộc sống cơ bản ổn định.
Ông Ðiểu Ghế (thứ hai từ phải sang) cùng các thành viên tổ giao khoán, lực lượng kiểm lâm tham gia tuần tra
bảo vệ rừng Bù Gia Mập
Là người có uy tín, luôn ý thức được vai trò, đặc biệt là danh hiệu “điểm tựa của bản làng”, ông Điểu Ghế tích cực học hỏi nâng cao kỹ năng, trình độ, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Trở về sau hội nghị tuyên dương, ông càng có động lực hơn với công việc của mình. “Đoàn kết là bài học quan trọng nhất và tôi luôn ý thức rõ vai trò, nhiệm vụ của mình. Ở địa phương, tôi vận động bà con không nghe và không làm theo kẻ xấu xúi giục, không phân biệt người Kinh, Tày, Nùng. Chúng ta cùng sinh sống trên quê hương Bình Phước, có đoàn kết mới đi đến thành công” - ông Điểu Ghế chia sẻ.
Chương trình "Ðiểm tựa của bản làng" lần thứ II năm 2024 do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN phối hợp với Tạp chí Cộng sản, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng tổ chức đã tạo sức lan tỏa, góp phần động viên, khích lệ những người có uy tín tiêu biểu khu vực biên giới, biển đảo nhân lên sức mạnh đại đoàn kết, củng cố “thế trận lòng dân” nơi phên giậu của Tổ quốc. |