HOC TAP BAC

Tuyên ngôn độc lập và những bài học còn nguyên giá trị

Thứ ba - 03/09/2024 10:33 437 0
Tuyên ngôn độc lập là khúc khải hoàn sau gần 80 năm dân tộc Việt Nam bị thực dân Pháp đô hộ. Những giá trị mà Tuyên ngôn độc lập về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa vào ngày 2-9-1945 sẽ mãi trường tồn cùng lịch sử dân tộc.
Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Ảnh: T.L
Cùng nhịp với trào lưu tiến bộ của thế giới
Trong hành trình tìm con đường cứu nước cho dân tộc, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã quyết định đi sang phương Tây khi mà các bậc cha chú của Người đã đi về phương Đông. Quyết định đi tìm con đường cứu nước cho dân tộc qua ngả phương Tây được giáo sư Trần Văn Giàu khẳng định đây là một trong những sự kiện mang tính đột phá, quan trọng nhất trong số những hành động đột phá trong cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hẳn nhiên có nhiều lý do để Nguyễn Tất Thành có quyết định lịch sử này, nhưng không thể không nhắc tới một lý do vô cùng quan trọng là Nguyễn Tất Thành đã lớn lên và được hấp thụ những giá trị của nền văn hóa Pháp. Nước Pháp chính là nơi đã ra đời câu tuyên ngôn nổi tiếng “tự do - bình đẳng - bác ái” và chính câu tuyên ngôn này đã được treo ở Trường tiểu học Đông Ba nơi Nguyễn Tất Thành theo học.
Những giá trị vượt thời gian và không gian của Tuyên ngôn độc lập năm 1945 sẽ mãi ngự trị trong trái tim và khối óc của mỗi người Việt Nam yêu nước.
Tuyên ngôn độc lập về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã được mở đầu bằng chính những lời trích từ Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”; và “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.
Khi dẫn 2 bản Tuyên ngôn độc lập nổi tiếng từ những cuộc cách mạng dân chủ sớm trên thế giới, chắc hẳn Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn khẳng định một điều rằng, các quyền thiêng liêng và cơ bản của con người dù ở đâu, thời nào cũng là những quyền thiên định không ai có quyền chà đạp. Dẫn Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ, nước Pháp để thấy rằng, nhân dân Việt Nam chỉ chống xâm lược Pháp chứ không chống nền văn minh nước Pháp, không chống văn hóa Pháp.
Tinh thần bao dung, nhân nghĩa
Mùa thu năm 1945, nhân dân Việt Nam đã giành lại độc lập từ tay phát xít Nhật chứ không phải từ tay thực dân Pháp. Từ đêm 9-3-1945, thực dân Pháp đã đầu hàng phát xít Nhật và sau đó quay trở lại bóc lột dân ta. Hai kẻ chính phạm và tòng phạm này đã gây ra nạn đói dẫn tới cái chết oan khốc của gần 2 triệu đồng bào Việt Nam khi ấy.
Trước khi thua chạy và rút lui, thực dân Pháp còn đang tâm giết hại số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng. Thế nhưng, bằng tấm lòng nhân nghĩa, bao dung, nhân dân Việt Nam đã giữ “một thái độ khoan hồng và nhân đạo”, “Việt Minh đã giúp cho nhiều người Pháp chạy qua biên thùy, lại cứu cho nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật, bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ”. Đó chính là truyền thống nhân nghĩa, bao dung ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Nhìn lại lịch sử dân tộc Việt Nam, mỗi khi đánh thắng quân xâm lược, triều đình xưa không giết hại, mà còn cấp lương thảo, thuyền bè, xe ngựa để tống tiễn đội quân thất trận về bản quốc.
“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”. Với sự hy sinh xương máu của 4 thế hệ người Việt Nam kể từ khi thực dân Pháp nổ tiếng súng xâm lược đầu tiên bắn vào cửa biển Đà Nẵng chiều 31-8-1858, cái giá của độc lập, tự do phải trả thật vô cùng lớn.
Khổng Tử từng nói: Một chính quyền mà không có niềm tin của nhân dân thì chính quyền ấy không thể nào tồn tại được. Để xây đắp niềm tin của nhân dân ắt hẳn phải chăm lo lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Và, một ngày mà “đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”.
Trong một phát biểu lúc sinh thời, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Trong điều kiện ngày nay, nếu không chăm lo một cách cụ thể, thiết thực đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân thì dù có nói bao nhiêu về quan điểm quần chúng, về quyền làm chủ của nhân dân cũng đều là vô nghĩa và không có sức thuyết phục”.
Giữ vững nền độc lập, tự do
“Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Lê-nin từng khẳng định: “Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền càng khó khăn phức tạp hơn nhiều”. Lịch sử đã đủ dài và đủ dữ liệu để chứng minh luận điểm này của Lê-nin, nhất là đối với hoàn cảnh Việt Nam. Ngày 2-9-1945 đánh dấu ngày độc lập của nước Việt Nam, song phải mất đúng 30 năm sau, năm 1975, nền độc lập của Tổ quốc mới được trọn vẹn.
Trong 30 năm ấy, đã có biết bao những mất mát hy sinh, biết bao máu đã đổ. Thế nhưng, chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do” đã khích lệ và thúc giục mỗi người Việt Nam yêu nước không quản hy sinh đứng lên vì khát vọng độc lập, tự do, vì mục tiêu quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.

 

Tác giả: Vũ Trung Kiên (Báo Đ/Nai)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây