HOC TAP BAC

Cảnh giác tội phạm công nghệ cao

Thứ năm - 09/01/2025 03:04 128 0
BGM - Cuối năm là thời điểm tội phạm gia tăng hoạt động, trong đó có tội phạm sử dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do đó, người dân phải hết sức tỉnh táo, không làm theo bất cứ yêu cầu nào của người lạ qua điện thoại, tin nhắn và cần cảnh giác khi tham gia các chương trình trúng thưởng, quà tặng hấp dẫn, đầu tư tài chính, làm nhiệm vụ online…
Mới đây, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh tiếp nhận đơn của ông Đ.T.H trú phường Tiến Thành, TP. Đồng Xoài trình báo việc ông bị tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo hơn 3 tỷ đồng, sau đó tiếp tục dính bẫy dịch vụ “lấy lại tiền” và mất thêm hơn 370 triệu đồng.
Đầu tư mua hàng online, mất tiền tỷ
Theo nội dung vụ việc, ông Đ.T.H thường xuyên sử dụng tài khoản cá nhân trên facebook để kết bạn trò chuyện với mọi người. Cách đây khoảng 3 tháng, tài khoản facebook tên “Tran Ngoc Hoa” kết bạn và nhắn tin làm quen thì ông H đồng ý. Hằng ngày, 2 người nhắn tin trao đổi qua lại về tình hình cuộc sống và hỏi thăm sức khỏe, công việc, gia đình. Đến tháng 11-2024, tài khoản facebook “Tran Ngoc Hoa” nhắn tin tư vấn ông H và gửi một đường link để tải app đăng ký tài khoản và làm nhiệm vụ online với cam kết sẽ được lợi nhuận từ 10-30%. Ông H cho biết: “Lúc đầu chưa tin tưởng nên tôi thử làm nhiệm vụ mua hàng với số tiền đầu tư 50 triệu đồng, nếu bị lừa thì coi như một bài học. Sau khoảng 30 phút đặt lệnh mua các sản phẩm trên app thì tôi thu về 54.960.000 đồng. Khoảng 2 tiếng đồng hồ sau, đối tượng nhắn tin rủ tôi lên “phòng” cao hơn và tham gia số tiền 300 triệu đồng, khoảng 40 phút sau thì tôi thu về cả gốc và lãi là 337.580.000 đồng…”.
Hình ảnh ứng dụng ông H đầu tư làm nhiệm vụ mua hàng và bị lừa mất hơn 3 tỷ đồng
Ông H thấy việc đầu tư có lãi và rút được tiền nên tin tưởng, tiếp tục tham gia để thu lợi nhuận. Sau đó, đối tượng rủ ông H đầu tư gói mua hàng 3 tỷ đồng, thì ông trả lời không có tiền. Đối tượng gợi ý góp tiền đầu tư chung, sẽ bỏ ra 2 tỷ đồng, còn ông H bỏ ra 1 tỷ đồng. Tin lời, ông H đã tham gia và nạp 1 tỷ đồng vào số tài khoản do “nhân viên chăm sóc khách hàng” trên app gửi. Tuy nhiên, lúc này đối tượng liên hệ và nói do ông mua một lần 2 sản phẩm nên bị vi phạm không cho đầu tư nữa và bộ phận “chăm sóc khách hàng” trả lời muốn tiếp tục tham gia và rút tiền về thì phải lên “phòng” cao hơn với số tiền đầu tư 6 tỷ đồng. Vì sợ không lấy lại được tiền nên ông vay mượn tiền nhiều lần để nạp vào. Cứ như thế, ông H bị cuốn vào những lời dụ dỗ của các đối tượng lừa đảo. Đến khi nghi ngờ bị tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì tổng số tiền ông nạp vào app đã là 3.101.000.000 đồng.
“Dính bẫy” liên hoàn
Sau khi bị tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa hơn 3 tỷ đồng, ông H không trình báo cơ quan công an để được hỗ trợ mà lên facebook tìm hiểu cách lấy lại tiền bị lừa. Sau đó, có một trang facebook tên “Thư viện Pháp Luật/Tư Vấn Pháp Luật miễn phí 24/7” nhắn tin và nói ông H gọi vào số điện thoại 0948.034.750 để được hỗ trợ. Thấy vậy, ông H đã gọi điện liên hệ thì đối tượng nói phải chuyển khoản số tiền 86.333.333 đồng để “mở băng tài khoản”. Thực hiện xong, liên hệ lại thì ông H được trả lời do ông không ghi nội dung chuyển khoản là “mở băng tài khoản” nên phải chuyển khoản lại số tiền 86.333.333 đồng. Sau khi chuyển tiền “mở băng tài khoản” lần 2, ông H liên hệ với đối tượng thì được cho số điện thoại kết bạn với một tài khoản Zalo có tên “Thu Trang” là người thuộc “bộ phận giải ngân” và được đưa vào nhóm Zalo có nhiều người cũng bị lừa như ông.
Ông Đ.T.H đến cơ quan công an trình báo vụ việc
Tham gia nhóm Zalo, lúc này đối tượng yêu cầu ông H phải đóng thêm 48.888.888 đồng để xác nhận số tài khoản. Sau khi đóng tiền xác nhận số tài khoản, đối tượng tiếp tục đề nghị ông thực hiện nhiều yêu cầu chuyển tiền khác... Sau khi nộp tổng 371 triệu đồng, đối tượng liên hệ gửi cho ông H “điều khoản nhận tiền”, cho biết số tiền quá lớn nên không chuyển khoản được mà lấy bằng tiền mặt, do đó phải gửi hồ sơ qua Tổng công ty cổ phần Viettel để giải mã bảo mật OTP tương đương với số tiền phí giải mã là 50 triệu đồng. Nghi ngờ bị lừa, ông H đã ra cửa hàng Viettel ở TP. Đồng Xoài hỏi thì được biết đây là thủ đoạn lừa đảo của tội phạm nên ông đến cơ quan công an trình báo. Hiện vụ việc đang được cơ quan công an thụ lý giải quyết.
Trước thực trạng này, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh khuyến cáo người dân, đây là thủ đoạn không mới, đã được cảnh báo trên các phương tiện thông tin, truyền thông chính thống, trang thông tin điện tử của cơ quan công an… Tuy nhiên, người dân vẫn lơ là mất cảnh giác nên dính “bẫy” lừa đảo. Đánh trúng tâm lý nạn nhân mới bị lừa muốn lấy lại tiền ngay nên các đối tượng lừa đảo trước đó mạo danh văn phòng luật sư hay tạo ra các trang với tên gọi “Trung tâm thu hồi tiền lừa đảo trên không gian mạng” rồi đưa lên các trang mạng xã hội, website để tiếp tục liên hệ nạn nhân nhằm lừa đảo lần 2.
Để tránh bị tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tiền, người dân thường xuyên cập nhật các thông tin về thủ đoạn phạm tội của đối tượng lừa đảo được đăng tải trên báo chí, truyền thông chính thống, trang thông tin điện tử của cơ quan công an để biết, cảnh giác phòng ngừa. Nếu là nạn nhân bị lừa mất tiền trên không gian mạng, cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất, tuyệt đối không nghe theo hướng dẫn của bất cứ đối tượng nào nói có thể lấy lại tiền mà phải chuyển phí trước. Người dân khi phát hiện thông tin về các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng hoặc những ai là nạn nhân cần kịp thời trình báo, tố giác với cơ quan công an để ngăn chặn, điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Tác giả:  Minh Chính - Xuân Hòa(BPO)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây