BGM - Bình Phước là nơi sinh sống của 40 dân tộc thiểu số. Trong suốt hành trình cách mạng, đồng bào các dân tộc luôn kiên trung, theo Đảng, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Sự đồng lòng của họ đã góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, đồng thời bảo tồn giá trị truyền thống, khẳng định sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc.
Chăm lo đời sống đồng bào các dân tộc
Nhờ có các chính sách của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền các cấp, cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao. Các chương trình hỗ trợ đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số được triển khai hiệu quả, giúp đồng bào có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Một trong những chương trình quan trọng là phát triển nông nghiệp, với các mô hình hiệu quả như trồng cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, giúp đồng bào vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, việc xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển giao thông, điện, nước sạch và các dịch vụ xã hội đã giúp cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh cùng lãnh đạo địa phương trao nhà đại đoàn kết cho gia đình bà Thị Dj Riêng ở thôn 7, xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng
Đầu năm 2023, gia đình bà Thị Pơi (dân tộc Khmer) ở xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp, được hỗ trợ 80 triệu đồng xây nhà. Ngoài nhà ở, bà còn được hỗ trợ kéo điện, đào giếng, tivi, nông cụ và cặp bò sinh sản. Nhờ vậy, đến nay gia đình bà đã cải thiện đời sống, phát triển kinh tế bền vững.
Thị Pơi, ấp Mười Mẫu, xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp chăm sóc đàn bò của gia đình được hỗ trợ
Ông Nguyễn Đức Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thiện thông tin: Từ năm 2019 đến nay, 102 hộ nghèo dân tộc thiểu số của xã đã được hưởng lợi từ Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh, giúp họ có điều kiện sản xuất, thoát nghèo bền vững.
Ít đất sản xuất và phải duy trì sinh hoạt cho 3 người nên dù cố gắng đến mấy, bà Thị Thìn ở ấp 3, xã Lộc An, huyện Lộc Ninh cũng không thể thoát khỏi cảnh nghèo đói. Tuy nhiên, vào năm 2022, niềm vui đến với bà khi được hỗ trợ xây nhà mới, kéo điện sinh hoạt và nhận 2 con bò sinh sản từ Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số của tỉnh, với tổng số tiền hỗ trợ hơn 130 triệu đồng. Hiện tại, bà Thị Thìn không còn phải lo lắng về chuyện đói no mà thay vào đó là niềm hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn cho gia đình.
Cùng với chương trình, các dự án từ trung ương, tỉnh và sự đóng góp của cán bộ, công chức, đảng viên trong Đảng bộ xã Lộc An (mỗi người hỗ trợ 2 ngày lương/năm) đã đồng hành cùng 7 hộ vừa thoát nghèo trong 3 năm qua, giúp họ ổn định thu nhập và thoát nghèo bền vững. Đầu năm 2024, xã Lộc An còn 2 hộ nghèo, 16 hộ cận nghèo; đến cuối năm 2024, xã đã thoát 2 hộ nghèo và 6 hộ cận nghèo. Hiện tại xã không còn hộ nghèo. Điều này không chỉ chứng minh hiệu quả cho các chính sách hỗ trợ, mà còn thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với đời sống đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Điểu Sơn, Chủ tịch UBND xã Lộc Ankhẳng định: Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số của tỉnh được triển khai thực hiện tại địa phương đã giúp bà Thìn và nhiều hộ dân khác vươn lên thoát nghèo. Từ đó, đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới càng thêm tin tưởng vào sự quan tâm của Đảng và Nhà nước.
Khát vọng vươn lên
Tại huyện Bù Đăng, các cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể đã triển khai hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, tập trung vào các lĩnh vực hỗ trợ kết cấu hạ tầng, sản xuất, giáo dục, nhà ở, nông cụ sản xuất, cây - con giống, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và đào tạo nghề.
Cụ thể, các dự án như xây dựng đường bê tông xi măng liên thôn Đắk Nung đi Đắk La (dài 1km), hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ đồng bào gặp khó khăn về nhà ở, nâng cấp các công trình tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S'tiêng sóc Bom Bo đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và giữ gìn bản sắc văn hóa. Những nỗ lực này không chỉ cải thiện cơ sở hạ tầng mà còn tạo ra cơ hội mới cho đồng bào vươn lên thoát nghèo và xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.
Phơi và đóng bao hạt điều tại HTX Nông nghiệp K và M, thôn 2, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng
Bà Thị Diệu Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng cho biết: "Hiệu quả từ các chương trình và dự án đã mang lại lợi ích thiết thực cho đời sống đồng bào, bà con dân tộc thiểu số rất phấn khởi. Đồng bào đã thể hiện quyết tâm cao, cùng với Đảng và chính quyền thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà huyện và tỉnh đã đề ra".
Trong thời gian qua, Bình Phước cũng đã thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) do đồng bào dân tộc thiểu số làm chủ. Những HTX này không chỉ tạo việc làm cho người dân mà còn hỗ trợ đào tạo nghề, phát triển những thế hệ trẻ tiềm năng. Điển hình như HTX Nông nghiệp K và M do chị Thị Mơm, dân tộc Châu mạ, đảng viên, Trưởng thôn 2, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng làm giám đốc hay HTX Thương mại dịch vụ Lộc Khánh do anh Trương Văn Kiên, dân tộc Nùng, ở ấp Đồi Đá, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh làm giám đốc… đã trở thành những mô hình phát triển kinh tế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Anh Trương Văn Kiên, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ Lộc Khánh cho biết: Ngoài hỗ trợ phân bón, kỹ thuật chăm sóc cây ăn trái cho các thành viên, hàng năm HTX còn cho bà con trong vùng vay vốn không tính lãi và hỗ trợ kỹ thuật trồng cây ăn trái, thu mua nông sản của bà con. Từ đó, bà con không lo đầu ra cho sản phẩm, yên tâm phát triển sản xuất.
Những HTX này không chỉ là điển hình trong tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số, mà còn chú trọng phát triển thế hệ đoàn viên, thanh niên, giúp họ trở thành những hạt nhân tiêu biểu trong làm kinh tế và phong trào. Qua đó, các HTX góp phần phát hiện, bồi dưỡng những nhân tố xuất sắc, tạo động lực giúp họ phấn đấu được đứng vào hàng ngũ của Đảng, thúc đẩy sự phát triển bền vững của cộng đồng.
Các thành viên HTX TMDV Lộc Khánh thu hoạch vụ sầu riêng năm 2024
Những chính sách phù hợp, cộng với sự nỗ lực vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần tạo nên Bình Phước ngày càng phát triển. Tinh thần đoàn kết, với niềm tin và khát vọng vươn lên mạnh mẽ, các dân tộc thiểu số sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, không ngừng nỗ lực xây dựng quê hương Bình Phước văn minh, hiện đại.