HOC TAP BAC

Kỷ nguyên mới và sứ mệnh của Ðảng

Thứ hai - 06/01/2025 20:53 181 0
BGM - Cụm từ “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” đang trở thành một trong những từ khóa được quan tâm nhiều nhất trên công cụ tìm kiếm Google. Đây cũng là đề tài trọng tâm của báo chí truyền thông, là chủ đề của các hoạt động hội thảo, tọa đàm… từ Trung ương đến địa phương. Điều này cho thấy, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc thực sự là ý chí, khát vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
Khát vọng lớn và những việc phải làm ngay
Dưới góc nhìn biện chứng, sự vật, hiện tượng khi tích lũy đủ về lượng sẽ tạo ra sự biến đổi về chất. Khi Đảng ta đặt mục tiêu, ý chí dẫn dắt đất nước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đời sống xã hội và không gian mạng đã có dư luận đa chiều. Một số người có ý kiến phản biện rằng, trong bối cảnh thế giới đầy biến động và bất ổn hiện nay, đặt vấn đề đưa dân tộc tiến vào kỷ nguyên mới liệu có “đúng” và “trúng” hay không, có sát với thực lực và triển vọng của Việt Nam hay không? Có thể diễn giải mục tiêu, giải pháp chiến lược xây dựng và phát triển đất nước theo một cách khác phù hợp hơn không?...
Trước một vấn đề quốc gia đại sự, việc có những ý kiến đa chiều trong dư luận xã hội là điều bình thường, nếu không muốn nói đó là những dấu hiệu rất tích cực của dân chủ. Bởi, ở một quốc gia lấy dân làm gốc, việc các tầng lớp nhân dân tham gia bàn công việc của Đảng đã chứng tỏ sự quan tâm, đồng hành, ủng hộ của dân đối với Đảng. Đảng khởi xướng mục tiêu, chiến lược phát triển của đất nước trong thời đại mới, nhưng nhân tố quyết định sự thành công lại nằm ở toàn dân, ở sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề về kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - nguồn: https://www.qdnd.vn
Để lý giải việc “đúng” và “trúng” của định hướng chiến lược vĩ mô, đòi hỏi câu trả lời phải xuất phát từ cơ sở lý luận và thực tiễn. Dưới góc nhìn khoa học biện chứng, giới chuyên gia đã chỉ rõ, kỷ nguyên là một giai đoạn lịch sử được đánh dấu bởi những đặc điểm quan trọng hoặc sự kiện có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của xã hội - văn hóa - chính trị - tự nhiên. Kỷ nguyên thường được sử dụng để phân chia thời gian trong lịch sử theo những biến cố lớn hoặc có sự thay đổi căn bản trong đời sống chính trị hay khoa học, công nghệ, môi trường. Ví dụ: Kỷ nguyên công nghiệp, kỷ nguyên thông tin, kỷ nguyên kỹ thuật số, kỷ nguyên vũ trụ. Còn trước đây là kỷ nguyên đồ đá, kỷ nguyên cổ đại, kỷ nguyên trung cổ…
“Kỷ nguyên mới” là sự phát triển liên tục, kế thừa những thành tựu, tinh hoa của những kỷ nguyên trước; nghiên cứu, đánh giá, tổng kết thực tiễn để tạo bước đột phá mới. Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, đó là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu…”. Xác định mục tiêu, giải pháp chiến lược cho công cuộc vươn mình của dân tộc Việt Nam đã được Đại hội XIII của Đảng nêu rõ, đó là đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao…
Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới được Đảng ta xác định là từ Đại hội XIV. Đảng kêu gọi mọi người dân Việt Nam, hàng trăm triệu người như một, đồng tâm hiệp lực, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ… Để hiện thực hóa mục tiêu, Đảng ta xác định 7 định hướng chiến lược về: Cải tiến phương thức lãnh đạo của Đảng; tăng cường tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền; thực hiện tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; chuyển đổi số; chống lãng phí; xây dựng đội ngũ cán bộ và phát triển kinh tế… Những định hướng chiến lược này vừa là giải pháp bền vững, lâu dài vừa là những phần việc cần kíp phải làm ngay.
Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng
Sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới (kỷ nguyên đổi mới và hội nhập), dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã đạt những thành tựu rất quan trọng. Đại hội XIII của Đảng khẳng định: Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Những thành tựu của công cuộc đổi mới cho chúng ta nhiều bài học bổ ích, trong đó nhân tố căn cốt là phải luôn giữ vững sự lãnh đạo của Đảng trong mọi hoàn cảnh. Đây là nhân tố cốt lõi, quyết định thành công của đường lối đổi mới và sự nghiệp cách mạng.
Ngay từ những bước đầu tiên thực hiện công cuộc đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã phát động, quyết liệt chỉ đạo thực hiện “Những việc cần làm ngay”. Đó là phải tập trung khắc phục những tồn tại, yếu kém trong bộ máy; tình trạng chây ì, bảo thủ, trì trệ trong tư duy, hành động của một bộ phận cán bộ, đảng viên; chống tham ô, lãng phí, cửa quyền… Đây là những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cần phải làm ngay, làm mạnh, làm quyết liệt. Trong những giai đoạn đầy cam go, đặc biệt là những năm đầu thập niên 90, khi hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu thoái trào, tan rã; sứ mệnh lãnh đạo, dẫn dắt dân tộc của Đảng ta đứng trước những thử thách vô cùng phức tạp. Công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng từ bên trong gắn liền với cuộc đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” từ các yếu tố bên ngoài đã giúp Đảng ta vững tay chèo, giữ cho đất nước đứng vững trước phong ba, bão táp; tạo tiền đề vươn ra biển lớn, từng bước hội nhập quốc tế. Thành tựu của công cuộc đổi mới là sự kế thừa những bài học kinh nghiệm lãnh đạo đất nước trong kỷ nguyên đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của Đảng. Đó chính là tầm nhìn chiến lược, là bản lĩnh lãnh đạo, là sự quy tụ lòng dân, phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại…
Nhắc lại những dấu ấn quan trọng trong công cuộc đổi mới và những bài học lịch sử để thấy rõ hơn vai trò lãnh đạo và tầm nhìn chiến lược của Đảng trong những giai đoạn có tính bước ngoặt. Đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới là một đòi hỏi tất yếu của cách mạng Việt Nam. Để từng bước hiện thực hóa khát vọng ấy, Đảng ta đã bắt tay ngay vào những việc phải làm ngay. Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy với tinh thần của một cuộc cách mạng, được Đảng ta xác định rõ phương châm, giải pháp: Trung ương nêu gương, địa phương hưởng ứng. Đây là quyết tâm chính trị rất lớn. Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy ở các cơ quan Trung ương, Chính phủ được thực hiện ngay, thực hiện nhanh, đồng bộ, hiệu quả, thể hiện rõ tinh thần nêu gương của Đảng. Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kêu gọi: “Tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”. Tinh thần ấy đã và đang trở thành tư tưởng hành động trong toàn Đảng và hệ thống chính trị.
Hòa cùng xu thế của cả dân tộc và quyết tâm chính trị của Trung ương, Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh Bình Phước cũng đã nhanh chóng, kịp thời tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 18 với tinh thần tỉnh nêu gương, các huyện, thị xã, thành phố hưởng ứng. Bình Phước đã cụ thể hóa Nghị quyết số 18 bằng Quyết định số 999 của Tỉnh ủy và các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể. Ðến nay, hệ thống chính trị toàn tỉnh đã giảm 2.340 biên chế, giảm chi thường xuyên từ ngân sách hơn 256 tỷ đồng. Chỉ tính riêng lĩnh vực báo chí truyền thông, Bình Phước là một trong những tỉnh đi đầu cả nước về sắp xếp tinh gọn, xây dựng mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Kỷ nguyên mới là công cuộc vươn mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam. Mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương trong Đảng và hệ thống chính trị; mỗi cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang là một thành tố trong guồng máy, tạo nên nội lực cho cả đoàn tàu tiến về phía trước. Xu thế không thể đảo ngược của thời đại và lợi ích quốc gia, dân tộc đòi hỏi chúng ta chỉ bàn làm, không bàn lùi. Sứ mệnh của Đảng được cấu thành từ tư duy, tư tưởng, hành động của tất cả cán bộ, đảng viên, tổ chức Đảng. Sự đoàn kết, thống nhất muôn người như một, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng chính là bài học xuyên suốt từ lịch sử, vừa là mục tiêu vừa là động lực tạo sức mạnh nội sinh để dân tộc Việt Nam thực hiện cuộc vươn mình vĩ đại trong thời đại mới.
 

Tác giả: Ðức Giang(BPO)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây