HOC TAP BAC

Huyện Bù Gia Mập: một số nhiệm vụ và giải pháp thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn (2024 – 2029)

Thứ năm - 30/05/2024 03:51 333 0
Bù Gia Mập là huyện miền núi, biên giới, diện tích tự nhiên là 106.464 ha, có 08 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 02 xã biên giới là Đăk Ơ và Bù Gia Mập với đường biên giới dài hơn 64 km; dân số trên địa bàn huyện là 21.019 hộ với 81.978 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có 6.555 hộ, với 29.983 khẩu, chiếm khoảng 36,6% dân số toàn huyện; toàn huyện có 23 thành phần dân tộc phân bố đều khắp ở các xã trên địa bàn huyện, có 03 xã và 16 thôn đặc biệt khó khăn.
Số hộ nghèo toàn huyện là 440 hộ, với 1.540 nhân khẩu chiếm tỷ lệ 2,03%; trong đó hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số là 262 hộ với 1.009 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 59,55%. Hộ cận nghèo toàn huyện là 609 hộ, với 2.384 khẩu, chiếm tỷ lệ 2,82%, trong đó hộ cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số là 334 hộ, với 1.395 khẩu, chiếm tỷ lệ 54,84%.
 
Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Bù Gia Mập lần thứ III, năm 2024 đã diễn ra thành công tốt đẹp, tại đại hội đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn (2024-2029) như sau:
Thực hiện tốt các chính sách, chương trình, dự án đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số có hiệu quả, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện Bù Gia Mập, Tỉnh Bình Phước.
Đẩy mạnh công tác giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới. Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vay tiền với lãi suất cao, cầm cố đất, bán điều non, bán đất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ nay đến năm 2029.
1 là: Về phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi:
Tập trung rà soát, bổ sung, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với tiềm năng, lợi thế của xã và đặc điểm tập quán văn hóa của từng dân tộc; quy hoạch phát triển sản xuất, chế biến gắn với quy hoạch dân cư và quy hoạch kết cấu hạ tầng kỹ thuật; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển kinh tế hàng hóa; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Xây dựng kế hoạch khuyến khích phát triển ngành nghề truyền thống tạo điều kiện phân công lao động, giải quyết đất sản xuất nông nghiệp; giải quyết thêm việc làm, tăng thu nhập ổn định cuộc sống.
Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động người đồng bào dân tộc thiểu số; đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, gắn trách nhiệm các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất nông - lâm nghiệp của Nhà nước đào tạo và sử dụng lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số.
2 là: Về phát triển Giáo dục và đào tạo, nâng cao nguồn lực, đội ngũ cán bộ người DTTS:
Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phòng học cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục và đào tạo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tiếp tục thực hiện tốt chính sách ưu tiên dành cho con em đồng bào dân tộc thiểu số vào học tại các trường Đại học, Cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp trong và ngoài Tỉnh.
Đẩy mạnh giáo dục cộng đồng, công tác xã hội hóa giáo dục, nâng cao dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh công tác giáo dục, phổ biến tuyên truyền pháp luật vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng đến công tác xây dựng, đào tạo bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số.
Quan tâm đến công tác phát triển Đảng  trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển đoàn viên, Hội viên là người đồng bào dân tộc thiểu số. Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân tộc từ huyện đến cơ sở. Xây dựng và phát huy vai trò của già làng tiêu biểu, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, các chính sách dân tộc, nhằm thực hiện có hiệu quả giai đoạn (2024-2029)
Rà soát lại số sinh viên cử tuyển người đồng bào dân tộc thiểu số tốt nghiệp ra trường về địa phương chưa được bố trí công tác; tuyển dụng, bố trí công việc phù hợp với công việc chuyên môn đã được đào tạo. Đầu tư kinh phí bồi dưỡng về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số hiện tại để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được giao góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương.
3 là: Về phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân:
Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe người dân, đầu tư hoàn thiện, nâng cấp Trạm Y tế xã, đào tạo đội ngũ cán bộ y tế thôn bản đạt chuẩn; Tăng cường công tác truyền thông về ý thức và biện pháp tự bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho bản thân. Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ và giáo dục y tế cho đội ngũ y, bác sỹ và nhân viên y tế, ưu tiên đào tạo y, bác sỹ là người đồng bào dân tộc thiểu số. Nâng cao hơn nữa chất lượng chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt chế độ miễn giảm viện phí, cấp thẻ bảo hiểm y tế kịp thời cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo.
Hỗ trợ việc bảo tồn, khai thác, sử dụng những bài thuốc dân gian và phương pháp chữa bệnh cổ truyền của đồng bào các dân tộc thiểu số đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận; Tập trung xây dựng, củng cố, mở rộng cơ sở y tế; đầu tư các trang thiết bị, thuốc phòng và chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số ở những thôn, xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới.
4 là: Về phát triển Văn hóa - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi:
Giải quyết hài hòa mối quan hệ tương tác giữa phát triển kinh tế với bảo tồn và phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục quan tâm việc sưu tầm, khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số như khôi phục và tổ chức lại các lễ hội; phục chế các nhạc cụ tiêu biểu của các dân tộc; loại trừ các tập tục lạc hậu, mê tín, dị đoan.
Phát triển toàn diện văn hóa các dân tộc thiểu số, chính sách bảo tồn, giữ gìn, tôn vinh và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết, tập quán, tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, đặc biệt là đối với dân tộc thiểu số tại chỗ; xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa ở các thôn đồng bào gắn với việc bảo quản, giữ gìn nếp sống văn minh, bài trừ mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu.
Đầu tư phát triển nguồn nhân lực tại chỗ tạo nguồn cán bộ làm tốt công tác tham mưu cho chính quyền về các vấn đề văn hóa - xã hội một cách kịp thời, cần phát huy vai trò của già làng tiêu biểu, người có uy tín và các nghệ nhân trong công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục bà con nhận thức đầy đủ về ý nghĩa và giá trị của công tác bảo tồn và giữ gìn văn hóa các dân tộc trong điều kiện hội nhập kinh tế.
Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ thực hiện bình đẳng giới, hỗ trợ trẻ em, nhất là trẻ em nghèo đồng bào dân tộc thiểu số vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
5 là: Về xây dựng hệ thống chính trị, Quốc phòng - an ninh vùng dân tộc thiểu số và miền núi:
Phát huy vai trò già làng tiêu biểu, người có uy tín để làm cầu nối giữa Đảng, chính quyền với các cộng đồng dân tộc thiểu số trong công tác tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc thiểu số đoàn kết, tôn trọng nhau, giúp nhau cùng tiến bộ, vận động mọi người ra sức tham gia phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh trật tự an toàn xã hội.
Thực hiện tốt chính sách động viên, khuyến khích già làng tiêu biểu, trưởng thôn, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tham gia công tác kiểm tra, giám sát các chương trình, chính sách chính sách dân tộc được Nhà nước đầu tư xây dựng trên địa bàn.
Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, phát huy sức mạnh tại chỗ, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, tăng cường công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường thế và lực quốc phòng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên các địa bàn trọng điểm, phức tạp, các xã biên giới.
Thực hiện tốt Chỉ thị số 06/2008/CT-TTg ngày 01/02/2008 của Thủ tướng Chính phủ về phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần mang lại hiệu quả thiết thực nhằm giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
6 là: Về xây dựng Nông thôn mới:
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ sản xuất thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia, nhằm nâng cao nguồn thu nhập cho người dân. Thực hiện tốt về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, chăn nuôi ở nông thôn. Định hướng Nhân dân ổn định phát triển cây trồng không chạy theo giá cả thời vụ. Ưu tiên và huy động các nguồn vốn của các doanh nghiệp liên kết với các hợp tác xã để phát triển sản xuất và chăn nuôi theo mô hình tập trung, liên kết cùng có lợi theo tính ổn định và bền vững.
Tập trung xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện đường giao thông, trường học trên cơ sở kế hoạch vốn được giao. Lồng ghép với các nguồn vốn khác và huy động nguồn lực trong Nhân dân xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ cho các xã xây dựng nông thôn mới.

Tác giả: ĐQ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây