Với tinh thần đoàn kết cùng ý chí tự lực, tự cường, nắm bắt thời cơ thuận lợi, ra sức thi đua lao động sản xuất, huyện Bù Gia Mập đã gặt hái những thành tựu nổi bật trên hành trình đổi mới và hội nhập. Phấn đấu xây dựng huyện phát triển ổn định, bền vững với phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Phát triển”, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XII và Nghị quyết của cấp ủy cấp trên đề ra.
Huyện Bù Gia Mập phát động phong trào xây dựng nông thôn mới năm 2024
15 năm đổi mới và phát triển
Huyện Bù Gia Mập là một huyện biên giới, miền núi được thành lập theo Nghị quyết số 35 ngày 11/8/2009 của Chính phủ và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/11/2009. Từ một huyện có xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, trải qua 15 năm, với 2 lần điều chỉnh địa giới hành chính, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, sự chung sức, đồng lòng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tình hình phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) của Bù Gia Mập có nhiều bước chuyển biến tích cực.
Các chỉ tiêu trên các lĩnh vực đều có sự chuyển biến rõ rệt theo từng năm. Hệ thống chính trị tiếp tục được kiện toàn, ngày càng đi vào hoạt động hiệu lực, hiệu quả. So với trước đây, Bù Gia Mập ngày nay đã có sự phát triển vượt bậc về KT - XH, trật tự an ninh, khoác lên mình một diện mạo mới. Đời sống nhân dân được nâng lên. Vượt qua những khó khăn, 06 tháng đầu năm 2024, giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 1.502 tỷ đồng; công nghiệp ước đạt 1.163 tỷ đồng, tăng 2,9% so với cùng kỳ; thương mại - dịch vụ ước đạt 2.320 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/5/2024, thu ngân sách là 72 tỷ 164 triệu đồng, đạt 49,09% dự toán tỉnh giao và bằng 35,03% dự toán HĐND huyện thông qua; thực hiện cấp mới 260 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Công tác đầu tư xây dựng cơ bản được tăng cường, toàn huyện đạt 17,4/19 tiêu chí nông thôn mới (NTM). Lĩnh vực y tế, giáo dục được chú trọng; tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững ổn định, giúp nhân dân yên tâm lao động, sản xuất. Những kết quả hôm nay sẽ là tiền đề vững chắc để huyện nhà không ngừng thay đổi và vươn lên.
Khởi công công trình nâng cấp mở rộng đường giao thông nông thôn tại xã Phú Văn
Dấu ấn Nghị quyết của lòng dân
Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 02 về tập trung mọi nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống giao thông nông thôn (GTNT) và Nghị quyết số 03-NQ/HU về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Qua hơn nửa nhiệm kỳ lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, với sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, Nghị quyết số 02 và 03 đã đạt những kết quả tích cực, được người dân đồng thuận, hưởng ứng cao.
Trong đó, Nghị quyết số 02 về phát huy mọi nguồn lực, tập trung đầu tư phát triển hệ thống GTNT là một trong 3 chương trình đột phá theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bù Gia Mập lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra. Toàn huyện đã đẩy mạnh phong trào làm đường GTNT rộng khắp ở 08 xã và 68 thôn. Đến nay, hệ thống giao thông của huyện ngày càng hoàn chỉnh và đang từng bước được nâng cấp, phục vụ đắc lực cho phát triển KT - XH, lưu thông hàng hóa và đi lại của người dân.
Huyện phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành xây dựng NTM đối với 04 xã (Phú Văn, Phước Minh, Đăk Ơ, Bù Gia Mập), hoàn thành xây dựng NTM nâng cao đối với 03 xã Đa Kia, Phú Nghĩa, Đức Hạnh đạt tỷ lệ 37,5%, trong đó thực hiện hoàn thành ít nhất 02 thôn đạt thôn dân cư kiểu mẫu. Tập trung xây dựng mới 17km đường tại trung tâm hành chính huyện, trong đó xây dựng kết cấu hạ tầng, các tuyến đường khu trung tâm hành chính huyện (10km), xây dựng đường vành đai trung tâm hành chính huyện (4,2km), xây dựng đường và bờ đập kết nối ĐT760 (từ ngã tư Tiền Giang đến ngã ba Hồng Chiến 2,8km),...
Trung tâm hành chính huyện Bù Gia Mập
Bên cạnh đó, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/HU về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2020 - 2025. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo tinh thần Nghị quyết số 03, nông dân Bù Gia Mập đã từng bước thay đổi tư duy sản xuất từ canh tác nhỏ lẻ, manh mún sang phát triển kinh tế tập thể như hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, câu lạc bộ,... tạo được một số cánh đồng mẫu lớn, hình thành một số vùng trồng chuyên canh.
Việc chuyển đổi từ trồng trọt, chăn nuôi theo hướng truyền thống sang canh tác, chăn nuôi áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân. Để thực hiện các chỉ tiêu, từng bước đưa Nghị quyết vào cuộc sống, các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã đồng bộ triển khai 3 nhiệm vụ trọng tâm. Đó là, hình thành vùng nguyên liệu; thu hút đầu tư vào lĩnh vực bảo quản sau thu hoạch và chế biến nông sản; chỉ đạo, hướng dẫn hình thành liên kết chuỗi giá trị.
Trong đó, phát triển 3 ngành trọng điểm là chăn nuôi, trồng trọt và lâm nghiệp để tạo nguồn nguyên liệu sản xuất. UBND huyện cũng ban hành Kế hoạch số 139/KH-UBND nhằm phân công trách nhiệm cụ thể cho các xã, cơ quan, đơn vị, tổ chức và người dân triển khai một cách chặt chẽ, có lộ trình phù hợp. Huyện xác định tập trung phát triển nhóm sản phẩm chính, đặc trưng, hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, chú trọng các quy trình sản xuất an toàn sinh học giúp nâng cao năng suất cây trồng, bảo vệ sinh thái, hướng đến nông nghiệp an toàn.
Sau hơn nửa nhiệm kỳ triển khai đưa Nghị quyết số 03 vào cuộc sống, huyện Bù Gia Mập có 15 HTX và 20 tổ hợp tác đang hoạt động hiệu quả và chủ yếu sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch. Trên địa bàn huyện có 2 sản phẩm (mít sấy và tiêu sạch Cô Hai) được công nhận OCOP 3 sao và 3 sản phẩm đang hoàn thiện hồ sơ thủ tục đánh giá. Các mô hình sản xuất và chăn nuôi nông nghiệp an toàn gắn với xây dựng NTM cũng được thành lập và đang phát huy hiệu quả như:
Mô hình chăm sóc tiêu theo hướng sinh học tại các xã Phước Minh, Phú Văn, Đắk Ơ; mô hình màng phủ nông nghiệp tại các xã Bù Gia Mập, Bình Thắng, Phú Nghĩa; mô hình chăn nuôi dê; trồng ca cao dưới tán điều,... Riêng đối với nhóm sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng của huyện như điều, tiêu, cà phê, cây ăn trái và cây lúa được ngành nông nghiệp huyện hỗ trợ tái canh, áp dụng khoa học - kỹ thuật, đưa giống mới vào trồng nhằm tăng năng suất; đồng thời liên kết với công ty, doanh nghiệp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 2 HTX được cấp mã vùng trồng xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc với diện tích 187ha.
Nghị quyết số 03 đặt ra mục tiêu đến năm 2025, toàn huyện phấn đấu có khoảng 8 sản phẩm OCOP và thành lập mới ít nhất 12 HTX sản xuất nông nghiệp duy trì phát triển bền vững. Khoảng 40 - 50% HTX nông nghiệp tham gia chương trình OCOP; 15% diện tích trồng cây công nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic. Hình thành các vùng trồng cây ăn trái chất lượng cao và đạt tiêu chuẩn về nông nghiệp sạch; phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại tập trung, có quy mô theo chuỗi liên kết, bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn sinh học với quy mô đạt khoảng 20% trên tổng đàn trong toàn huyện,…
Để thực hiện các mục tiêu trên, huyện Bù Gia Mập sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Đồng thời, duy trì, nâng cao hoạt động cũng như mở rộng mô hình kinh tế tập thể; tập trung phát triển nhóm sản phẩm đặc trưng của huyện, hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Thành lập các cụm công nghiệp, mời gọi nhà đầu tư, xây dựng nhà máy, hình thành các cánh đồng mẫu lớn. Song song đó, tổ chức cho HTX, tổ hợp tác tham gia các gian hàng hội chợ quảng bá thương hiệu; nâng cao vai trò của cơ quan quản lý, vận động người dân tham gia các chuỗi liên kết.