HOC TAP BAC

PHÁT HUY HIỆU QUẢ TIỀM NĂNG DU LỊCH CÁC DI TÍCH, THIẾT CHẾ VĂN HÓA TRÊN ĐỊA BÀN XÃ BÙ GIA MẬP

Thứ năm - 20/03/2025 05:20 149 0
Cùng những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo theo dòng chảy lịch sử, xã Bù Gia Mập còn được thiên nhiên ban tặng những cảnh vật hùng vĩ, các con sông, danh lam thắng cảnh đẹp. Tất cả những tiềm năng ấy đã và đang trở thành điểm tựa nội sinh giúp xã biên giới khó khăn phát triển du lịch văn hóa - lịch sử kết hợp du lịch sinh thái, là địa chỉ đỏ cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh niên khơi dậy tự hào dân tộc và lòng yêu nước.
* Tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch trên địa bàn
Xã Bù Gia Mập là xã biên giới khó khăn với 73% là đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống, từ đời sống hằng ngày và lịch sử đấu tranh cách mạng đã tạo điều kiện cho sự hình thành các đặc điểm và thiết chế văn hóa đặc trưng của địa phương, dưới đây là một số di sản vật thể và phi vật thể nổi bật đã được Nhà nước công nhận:
Di tích quốc gia đặc biệt Điểm cuối đường ống xăng dầu VK96: Di tích thuộc hệ thống di tích lịch sử quốc gia Đặc biệt Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, di tích Điểm cuối đường ống dẫn xăng dầu VK96 còn có những tên gọi khác như: Ký hiệu K22, O30, sau này sử dụng mật danh VK. Tại di tích hiện nay còn sáu hố chôn bồn xăng và cách rãnh chôn đường ống dẫn, nằm cách đường tuần tra Vườn quốc gia Bù Gia Mập khoảng 500m. Các hố chôn bồn đều có hình chữ nhật, diện tích mỗi hố chôn bồn có chiều ngang khoảng 4 - 5m, chiều dài khoảng 8 - 12m, chiều sâu khoảng 1 - 2m nằm dọc phía bên phải đường rừng rẽ vào diện tích. Tất cả các rãnh chôn đường ống dẫn xăng dầu vào các bồn đều có hướng từ đường tuần tra vào các bồn.
Di tích Điểm cuối đường ống xăng dầu VK96 là điểm cuối của đường ống xăng dầu Trường Sơn, là điểm tập kết, trung chuyển cung cấp xăng dầu cho tiền tuyến, đóng vai trò quan trọng góp phần làm nên chiến thắng trong kháng chiến chống Mỹ, cũng là nơi ghi dấu những chiến công thầm lặng của bộ đội Trường Sơn, bộ đội xăng dầu.
Chương trình “Dân vận khéo kết nối biên cương” của Ban Dân vận MTTQVN tỉnh Bình Phước, thành phố Hồ Chí Minh tại Điểm cuối đường ống xăng dầu VK96
Ảnh: Nguyễn Văn Đủ - CC. VH-XH
Với những giá trị lịch sử tiêu biểu, di tích Điểm cuối đường ống dẫn xăng dầu VK96 tại xã Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt ngày 09/12/2013.
Di tích lịch sử - danh lam thắng cảnh Thác Đăk Mai 1: Nằm trên dòng suối Đăk Mai bắt nguồn từ tỉnh Đăk Nông theo hướng Tây Nam, đến địa phận xã Bù Gia Mập thì đổi theo hướng Nam đến địa phận thôn Bù Nga (xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập) mở rộng từ 20 - 50m và thay đổi độ cao đột ngột từ 8 - 10m tạo nên thác Đăk Mai 1 hùng vĩ, từ đây, dòng suối Đăk Mai tiếp tục chảy về hướng Nam và hòa vào dòng Đăk Ké, cuối cùng đổ vào hồ thủy điện Thác Mơ. Điểm đặc biệt của thác Đăk Mai 1 là hai giếng trời nằm đối xứng nhau được hình thành do lực xoáy của dòng nước, bên trong những hang có nhiều tảng đá với hình thù kỳ lạ.
Thác Đăk Mai 1 vào mùa mưa nhìn từ dưới lên
Ảnh: Nguyễn Văn Đủ - CC. VH-XH. Năm 2024
Địa hình hiểm trở, có rừng bao bọc, trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khu vực thác Đăk Mai 1 được lựa chọn trở thành căn cứ Ban An ninh Khu 10 từ tháng 10 đến tháng 12/1966, đây là lực lượng tiền thân của Công an tỉnh Bình Phước ngày nay. 
Với những giá trị lịch sử - văn hóa, ngày 06/8/2014 thác Đăk Mai 1 được UBND tỉnh Bình Phước quyết định xếp hạng là di tích lịch sử - danh lam thắng cảnh.
Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghề đan gùi và nghề dệt thổ cẩm của người S’tiêng tỉnh Bình Phước”
Ngày 25/5/2024, tại Vườn Quốc gia Bù Gia Mập đã diễn ra lễ công bố Nghề đan gùi và nghề dệt thổ cẩm của người S’Tiêng ở Bình Phước được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Để dệt thổ cẩm và một chiếc gùi phải trải qua nhiều công đoạn, từ tìm nguyên liệu đến quy trình làm thủ công rất độc đáo và là nét đặc trưng của đồng bào thiểu số S’tiêng tỉnh Bình Phước nói chung và xã Bù Gia Mập nói riêng, các sản phẩm thổ cẩm, gùi ngoài được sử dụng để phục vụ đời sống hằng ngày, đây còn là sản phẩm được sử dụng làm vật trao thể hiện tình cảm quý trọng, thiêng liêng giữa các thế hệ, gắn kết đời sống của người S’tiêng.
Việc công nhận Nghề đan gùi và Nghề dệt thổ cẩm người S’tiêng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có giá trị văn hóa to lớn trong việc ghi nhận, tuyên truyền và quảng bá rộng rãi đến nhân dân trong và ngoài tỉnh; động viên đồng bào tiếp tục giữ gìn và phát huy nét đẹp truyền thống của dân tộc.
Đồng bào người S’tiêng trình diễn dệt thổ cẩm
Ảnh: Nguyễn Văn Đủ - CC. VH-XH. Năm 2024
Vườn quốc gia Bù Gia Mập - điểm đến hấp dẫn du lịch sinh thái
Vườn Quốc gia Bù Gia Mập được chuyển hạng từ khu bảo tồn thiên nhiên Bù Gia Mập theo Quyết định số 170/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững tại địa phương và khu vực. Tổng diện tích hơn 25.601,18 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên là 25.505 ha, độ che phủ rừng trên 90% với nhiều loại động, thực vật phong phú, rừng vườn Quốc gia Bù Gia Mập trở thành nơi lý tưởng phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học nhằm bảo tồn nguồn gen quý hiếm. Đây là những giá trị cảnh quan và sinh thái hấp dẫn giúp vườn Quốc gia Bù Gia Mập trở thành điểm du lịch, thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan, tạo bước đệm vững chắc giúp người dân địa phương đưa các giá trị văn hóa, sản phẩm thủ công tới du khách.
 
Đoàn Thanh niên xã Bù Gia Mập tham quan Vườn Quốc gia Bù Gia Mập
Ảnh: Nguyễn Văn Dũng - Bí thư Đoàn xã Bù Gia Mập. Năm 2024
* Phát huy giá trị văn hóa thể gắn với phát triển du lịch
Có thể nói, các di tích trên địa bàn xã phong phú về thể loại gồm: di tích lịch sử văn hóa - cách mạng, danh lam thắng cảnh cùng hệ sinh thái vô cùng đa dạng, đặc điểm các di tích có vị trí liền kề nhau, có mối quan hệ mật thiết. Một số di tích, địa điểm đẹp nằm trong quần thể Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Ngoài ra, trên địa bàn xã có con đường ĐT741 huyết mạch nối liền từ Tây Nguyên với các tỉnh miền Đông, tạo cầu nối thúc đẩy quảng bá du lịch địa phương. Vì vậy, việc phát huy giá trị các di tích gắn liền với phát triển du lịch rất thuận lợi. Tuy nhiên, cần lưu ý một số giải pháp sau:
- Tăng cường truyền thông trong quảng bá tiềm năng, lợi thế cho phát triển du lịch. Có thể ở một số địa phương khác, vai trò của truyền thông đã phổ biến nhưng ở xã Bù Gia Mập thì khác, nếu như trước đây, truyền thông chưa phát huy hiệu quả ở một số địa phương trong đó có xã Bù Gia Mập do điều kiện giao thông, kết nối đường truyền khó khăn, thì ngày nay, các kênh mạng xã hội như tiktok, facebook, zalo,… website của các ngành, các cấp chính quyền được xây dựng và hoạt động hiệu quả, giúp những thông tin đăng tải được nhanh chóng đến người sử dụng internet. Tuy nhiên, những thông tin được đăng tải cần chính xác, kịp thời, đi đôi với giáo dục vì môi trường mạng xã hội mà truyền thông truyền tải nội dung có nhiều thành phần, đối tượng khác nhau, qua đó giúp nâng cao nhận thức của công chúng về các di sản văn hóa của địa phương, thu hút sự quan tâm, thúc đẩy đưa nét đẹp văn hóa, con người xã Bù Gia Mập đến với công chúng.
Đông đảo người dân tham gia Lễ hội mừng lúa mới năm 2024 của người S’tiêng tại không gian văn hóa nhà dài - Vườn quốc gia Bù Gia Mập
Ảnh: Nguyễn Văn Đủ - CC. VH-XH
- Phát huy giá trị phải đi đôi với bảo tồn. Cần xác định rõ phát triển du lịch trên cơ sở khai thác các giá trị di tích gắn với công tác bảo tồn tính đa dạng, gìn giữ được yếu tố gốc (như việc làm thủ công dệt thổ cẩm, đan gùi của người S’Tiêng), để làm được việc đó, hằng năm cần tổ chức các lớp tập huấn “truyền nghề” lại cho các thế hệ sau để giá trị di sản luôn được bảo tồn và phát triển; Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương vào các hoạt động bảo tồn di tích, phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống và phát triển du lịch văn hóa với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Bên cạnh đó, hạn chế thấp nhất những tác động xấu từ con người đến môi trường sinh thái, phát huy nét riêng của văn hóa địa phương “đậm đà bản sắc dân tộc”.
Bế giảng lớp tập huấn kỹ thuật đan lát truyền thống của người M’Nông tại xã Bù Gia Mập năm 2024
Ảnh: Điểu Út - CC. VP-TK
- Xây dựng, cải tạo các tuyến giao thông, đáp ứng nhu cầu di chuyển của du khách. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 1 (2021 - 2025), tính đến đầu năm 2025 xã Bù Gia Mập có thêm 12km đường nhựa, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn được thiết kế hiện đại, bảo đảm chất lượng, phục vụ nhu cầu đi lại cơ bản của người dân và du khách. Đặc biệt các tuyến đường dân sinh được người dân đồng lòng hiến đất, làm đường đã thay đổi diện mạo cơ sở hạ tầng xã Bù Gia Mập, góp phần xây dựng nông thôn mới gắn liền với phát triển du lịch. Tuy nhiên, thực tế một số tuyến đường đến di tích còn thô sơ, hạn chế đi lại vào mùa mưa. Vì vậy, cần có sự quan tâm, phối hợp của các ngành, cơ quan, mạnh thường quân nhằm cải thiện hệ thống giao thông đến các điểm di tích.
- Xây dựng các tổ hợp tác thúc đẩy các mặt du lịch. Mỗi du khách khi đến địa điểm du lịch đều có những mục đích khác nhau, nhưng cơ bản nhất vẫn là trải nghiệm thực tế các đặc sản vùng miền, ngắm những thắng cảnh đẹp, được tham gia các hoạt động văn hóa của địa phương. Việc hình thành các tổ hợp tác nhằm thúc đẩy quảng bá di tích bằng cách làm cho du khách thấy và hướng dẫn du khách được trải nghiệm từ sinh hoạt, tham gia một số trò chơi, nấu ăn,… trong các lễ hội truyền thống của địa phương. Đồng thời các sản phẩm thủ công của tổ hợp tác có thể bày bán khi chính quyền và địa phương cho phép, góp phần cải thiện đời sống đồng bào trên địa bàn xã.
Thanh niên xã phối hợp lực lượng biên phòng dọn dẹp vệ sinh Thác Đăk Mai 1
Ảnh: Nguyễn Văn Dũng - Bí thư Đoàn xã Bù Gia Mập
Đối với du khách muốn trải nghiệm các di tích, tổ hợp tác phân công các thành viên thuyết minh, hướng dẫn để có trải nghiệm tốt nhất. Bên cạnh đó, cần giữ lại nét mộc mạc, độc đáo, không pha tạp đối với các giá trị vật thể và phi vật thể, hướng đến phát triển du lịch bền vững, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của du khách và nhân dân./.

Tài liệu tham khảo:
  1. https://baotangbinhphuoc.org.vn/
  2. http://vuonquocgiabugiamap.vn/
 

Tác giả: Đinh Hồng Sơn - Đoàn thanh niên xã Bù Gia Mập

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây