Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài, Người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, chiến sĩ cộng sản quốc tế mẫu mực, người bạn thân thiết của các dân tộc yêu chuộng hòa bình và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới. Người là kết tinh rạng ngời của đạo đức, trí tuệ, khí phách, lương tri của dân tộc và thời đại. Trong Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trước anh linh Người, đã đánh giá:
“Hơn 60 năm qua từ thời niên thiếu cho đến phút cuối cùng, Hồ Chủ tịch đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta và nhân dân thế giới. Người đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ.
Với tấm lòng yêu nước nồng nàn, Hồ Chủ tịch đã sớm đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm thấy ở chủ nghĩa Mác - Lênin ánh sáng soi đường cứu dân, cứu nước. Hồ Chủ tịch là người Việt Nam đầu tiên đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh nước ta, vạch đường chỉ lối cho cách mạng Việt Nam từng bước tiến lên, từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Hồ Chủ tịch là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, là người xây dựng nền Cộng hòa dân chủ Việt Nam và Mặt trận Dân tộc thống nhất, là người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Người là linh hồn, là ngọn cờ chói lọi, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng, chiến đấu anh dũng, viết nên những trang sử vẻ vang nhất của Tổ quốc ta.
Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta.
Người là tượng trưng cho tinh hoa của dân tộc Việt Nam, cho ý chí kiên cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam suốt bốn nghìn năm lịch sử. "Không có gì quý hơn độc lập, tự do". "Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ". Đó là lời kêu gọi cứu nước khẩn thiết hiện nay của Tổ quốc, là lời hịch của ông cha ta vang vọng tự ngàn xưa, là nghĩa vụ thiêng liêng của chúng ta đối với muôn đời con cháu. Người nói: "Nước ta là một, dân tộc ta là một". "Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam". Lúc còn sống, Người luôn luôn theo sát từng bước đi của cách mạng giải phóng miền Nam, ngày đêm Người tưởng nhớ đến đồng bào và chiến sĩ miền Nam với tấm lòng thương yêu không bờ bến.
Hồ Chủ tịch là tượng trưng cao đẹp của chủ nghĩa yêu nước chân chính kết hợp nhuần nhuyễn với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Trái tim, khối óc của Người dành cho dân tộc Việt Nam ta cũng hướng về giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Là người học trò trung thành của Các Mác và Lê-nin, Hồ Chủ tịch chẳng những là một nhà yêu nước vĩ đại, mà còn là một chiến sĩ xuất sắc trong phong trào cộng sản quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc của thế kỷ XX. Hồ Chủ tịch thường dạy chúng ta phải chăm lo bảo vệ sự đoàn kết quốc tế, vì sự nghiệp to lớn của cách mạng Việt Nam, vì nghĩa vụ cao cả đối với cách mạng thế giới”.
Nguyễn Sinh Cung, tên thời thơ ấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sinh ngày 19/5/1890, tại làng Hoàng Trù (còn gọi là làng Trùa), xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, nay là xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An - vùng đất địa linh nhân kiệt và giàu truyền thống yêu nước. Từ năm 1895 đến năm 1901, do công việc và cuộc sống, Nguyễn Sinh Cung cùng cha và mẹ chuyển đến Huế và bắt đầu học chữ Hán tại làng Dương Nỗ1.
Ngôi nhà ở làng Dương Nỗ ngoại ô thành phố Huế,
nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng cha và anh ở trọ từ 1898 - 1901.
Lưu trữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ảnh: Đinh Hồng Sơn, 26/4/2025
Số nhà 112 Đường Mai Thúc Loan thành nội Huế, nơi gia đình cụ Nguyễn Sinh Sắc đã ở từ năm 1895 - 1901.
Tháng 2/1901 cụ bà Hoàng Thị Loan đã qua đời tại đây.
Lưu trữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Chụp ngày 26/4/2025
Ngày 10/02/1901, Nguyễn Sinh Cung chịu tang lớn trong tuổi thiếu niên: bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu, lâm bệnh qua đời tại Huế (theo âm lịch là ngày 22 tháng 12 năm Canh Tý)2. Sau khi mẹ mất, Nguyễn Sinh Cung được cha đưa về Nghệ An, gửi bà ngoại chăm sóc. Tại quê, Nguyễn Sinh Cung tiếp tục học chữ Hán với thầy giáo Hoàng Phan Quỳnh tại xóm Vang, làng Hữu Biệt, cách Hoàng Trù 3km (nay thuộc xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An)3 và thầy Vương Thúc Quý khi thầy đang mở lớp cho một số thanh niên trong làng vào tháng 09/1901.
Nguyễn Tất Thành đang nghe các bậc cha chú đàm đạo việc nước
Lưu trữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Chụp ngày 26/4/2025
Nhà thầy Quý còn là nơi lui tới của các sĩ phu yêu nước trong vùng. Nhiều khi Nguyễn Sinh Cung được thầy sai tiếp nước cho những vị khách đặc biệt ấy, nhờ đó cậu thiếu niên dần dần hiểu được thời thế, vận mệnh của dân tộc, sự day dứt của các bậc cha chú trước cảnh nước mất nhà tan. Vấn đề thời cuộc quan hệ đến sự sống còn của dân tộc đã ngày một thấm sâu vào trái tim và khối óc cậu thiếu niên yêu nước. Càng đi vào cuộc sống nhân dân, Nguyễn Tất Thành càng thấm thía thân phận cùng khổ của người dân mất nước. Thuế khóa vốn nặng nề lại còn thêm những thủ đoạn cướp trắng trợn và dã man của bọn hào lý. Nhân dân đã đau khổ lại càng thêm cùng cực.
Ngoài thời gian học tập. Nguyễn Tất Thành thường theo cha đến các vùng trong tỉnh như làng Đông Thái, quê hương Phan Đình Phùng, làng Trùng Lễ, quê hương của Lê Ninh, thăm các di tích thành Lục Niên, miếu thờ La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, v.v..
Tháng 9/1905, Nguyễn Tất Thành được phụ thân cho vào học tiếng Pháp ở thuộc thành phố Vinh, cách Kim Liên khoảng 14 km tại trường Pháp - bản xứ (École franco - indigène)4. Vì “Muốn đánh kẻ thù thì phải học tiếng kẻ thù để hiểu được kẻ thù”5. Chính tại trường tiểu học này, Nguyễn Tất Thành lần đầu tiếp xúc với khẩu hiệu: Tự do, bình đẳng, bác ái6.
Tháng 9/1906, Nguyễn Tất Thành vào học lớp dự bị (Cours préparatoire) tại Trường Tiểu học Pháp - Việt tỉnh Thừa Thiên7. Trường dạy ba chữ: chữ Quốc ngữ, chữ Pháp và chữ Hán. Ngoài việc học ở nhà trường, Nguyễn Tất Thành còn nhờ người mượn sách ở Lầu làng thư (nơi lưu trữ sách và các loại văn thư của triều Nguyễn) về đọc.
Trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba ở Huế,
nơi Nguyễn Tất Thành đã học niên khóa 1907 - 1908.
Lưu trữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Chụp ngày 26/4/2025
Tháng 9/1907, Nguyễn Tất Thành vào học lớp sơ đẳng (Coursélémentaire)8 tại Trường Tiểu học Pháp - Việt tỉnh Thừa Thiên.
Tòa Khâm sứ Trung Kỳ ở Huế, nơi Nguyễn Tất Thành
đã tham gia đấu tranh chống thuế 1908
Lưu trữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Chụp ngày 26/4/2025
Nguyễn Tất Thành tham gia biểu tình chống thuế ở Huế (9/5/1908),
lúc đó Người còn là học sinh trường Quốc học Huế.
Lưu trữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Chụp ngày 26/4/2025
Thông tri mật số 291 của Sở mật thám Trung kỳ ngày 13/2/1920 (có đoạn nhắc đến việc Nguyễn Tất Thành tham gia đấu tranh chống thuế 1908 ở Huế).
Lưu trữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Chụp ngày 26/4/2025
Ngày 12/4/1908, Nguyễn Tất Thành tham gia cuộc biểu tình chống thuế của nông dân Thừa Thiên. Thời kỳ này, hưởng ứng phong trào đấu tranh của nhân dân của cả nước, nông dân các tỉnh Trung Kỳ nổi dậy chống thuế9. Họ đi tay không. Họ chỉ đòi giảm thuế. Để tỉnh đoàn kết nhất trí, họ đều cắt tóc ngắn và gọi nhau là “đồng bào”. Vì những hoạt động yêu nước, tham gia cuộc đấu tranh nông dân, Nguyễn Tất Thành đã bị thực dân Pháp để ý theo dõi. Ông Nguyễn Sinh Sắc cũng bị khiển trách vì lý do đã để cho con trai có những hoạt động bài Pháp.
Tháng 8/1908, Nguyễn Tất Thành với tên gọi Nguyễn Sinh Côn có thể được nhận vào Trường Quốc học Huế, theo thư của ông Hiệu trường Quốc học Sukê (Chouquet) gửi ông Khâm sứ Trung Kỳ10.
Trường Quốc học Huế, nơi Nguyễn Tất Thành theo học niên khóa (1908 - 1909). Lưu trữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Chụp ngày 26/4/2025
Tháng 9/1908, Nguyễn Tất Thành vào lớp trung đẳng (Cours moyen) tại Trường Quốc học Huế. Theo hồi ức của một số cựu học sinh Trường Quốc học năm 1908, thì trường có 4 lớp: dự bị, sơ đẳng, trung đẳng, cao đẳng11. Cũng trong thời gian học ở Quốc học Huế cũng là năm mà sách Tân thư của Trung Quốc được lưu hành ở nhiều nơi, đặc biệt là các sĩ phu yêu nước. Những tư tưởng cải cách của Lương Khải Siêu thức tỉnh những người có chút ít kiến thức. Đất Thừa Thiên cũng dấy lên phong trào đòi cải cách thông qua nhiều hình thức vận động, trong đó có cuộc vận động cắt tóc ngắn. Nguyễn Tất Thành đã tham gia phong trào cắt tóc ấy12. Nguyễn Tất Thành còn được nghe kể về những hành động của những ông vua yêu nước như Thành Thái, Duy Tân và những bàn luận về con đường cứu nước trong các sĩ phu yêu nước.
Đầu tháng 6/1909, Nguyễn Tất Thành theo cha vào huyện Bình Khê13 thuộc tỉnh Bình Định (nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) nhân ngày ông Nguyễn Sinh Sắc được cử nhậm chứa tri huyện ở đó.
Thời gian ở Bình Khê, Nguyễn Tất Thành thường được phụ thân dẫn đi thăm các sĩ phu trong vùng và thăm di tích lịch sử vùng Tây Sơn, nơi phát tích của anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ.
Tháng 9/1909, tiếp tục học, Nguyễn Tất Thành được cha gửi đến Quy Nhơn để học thêm tiếng Pháp với thầy giáo Phạm Ngọc Thọ14 dạy tại Trưởng Tiểu học Pháp - Việt Quy Nhơn theo chương trình lớp cao đẳng (Cours supérieur)15.
Ngày 17/01/1910, Nguyễn Tất Thành được tin cha bị triều đình bãi chức và triệu hồi về Huế16.
Trường Dục Thanh Phan Thiết - Bình Thuận,
nơi Nguyễn Tất Thành dạy học trước khi vào Sài Gòn.
Lưu trữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Chụp ngày 26/4/2025
Tháng 9/1910, trên đường đi từ Quy Nhơn vào Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành dừng Phan Thiết. Do hết tiền, nhờ người quen của phụ thân, anh được giới thiệu vào làm Trợ giáo môn thể dục, đồng thời phụ trách hoạt động ngoại khóa tại trường Dục Thanh17 (Trường Dục Thanh nằm trong khuôn viên gia đình cụ Nguyễn Thông, một nhà nho yêu nước. Ông Nguyễn Quý Anh, con trai cụ và Nguyễn Trọng Lội, làm hiệu trưởng), trường được thành lập năm 190718.
Từ tháng 9/1910 đến trước tháng 2/1911, Nguyễn Tất Thành dạy học ở Trường Dục Thanh (Phan Thiết). Thời gian đầu, thầy Thành ở nhà cụ Hồ Tá Bang, sau chuyển ra ở cùng học sinh ở nội trú trường tại một căn nhà có tên gọi là nhà Ngư trong vườn cụ Nguyễn Thông19.
Thầy giáo Nguyễn Tất Thành được học trò quý mền vì thầy thương yêu học sinh hết mực và có cách giáo dục rất nhẹ nhàng mà thấm thía. Chính vì vậy, những người học trò được học với thầy Thành vẫn còn nhớ những bài thơ ca yêu nước mà thầy đã truyền bá cho học sinh:
Nước Nam ta thời Hồng Lạc
Mấy ngàn năm khai thác đến nay
Á châu một cõi này
Giống vàng ta xưa nay một loài.
Hoặc Bài ca hớt tóc:
…
Gọi cúp tóc là thất trung thất hiếu,
Chớ tóc dài trung hiếu với ai đâu?
Kìa trong ngũ đại châu
Nào ai dài tóc có đâu như mình?20.
Ngoài giờ lên lớp, thầy Thành rất say mê đọc sách. Trong khu vườn của gia đình cụ Nguyễn Thông, có một ngôi nhà sách. Tại đây, qua Tân thư lần đầu tiên thầy Thành đã có dịp tiếp cận với tư tưởng Lư Thoa (J.J Rousseau), Mạnh Đức Tư Cưu (Ch. De Montesquieu), Phục Nhĩ Thái (Fr. Voltaire),… những văn hào và triết gia Pháp đã khởi dựng các thuyết nhân quyền, dân quyền, tự do, bình đẳng, bác ái21,…
Những ngày ở Phan Thiết, Nguyễn Tất Thành đã suy nghĩ về con đường Phan Châu Trinh vạch ra và đang được một số người có tâm huyết thực hiện: mở Liên Thành Thương quán, phát triển kinh tế để “hậu nhân sinh”, lập Liên Thành Thư xã và Trường Dục Thanh để “khai dân trí”, đi diễn thuyết cổ động đồng bào để “chấn dân khí”, Nguyễn Tất Thành khâm phục lòng yêu nước của Phan Châu Trinh nhưng chưa hoàn toàn tán thành đường lối của ông22.
Nguyễn Tất Thành quyết chí tìm cách ra nước ngoài, xem thế giới làm như thế nào rồi trở về giúp đồng bào. Trước mắt, với anh là con đường học hỏi.
Nhà số 5 đường Châu Văn Liêm, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh,
nơi Chủ tịch Hồ Chí minh đã ở trước khi ra đi tìm đường cứu nước.
Lưu trữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Chụp ngày 26/4/2025
Đầu tháng 2/1911, thầy giáo Nguyễn Tất Thành rời Phan Thiết vào Sài Gòn. Anh ở tạm tại trụ sở các chi nhánh của Liên Thành công ty đặt tại Sài Gòn, như nhà số 3, đường Tổng đốc Phương (nay là số 5 đường Châu Văn Liêm); nhà số 128, Khánh Hội, v.v..23
Lần đầu tiên vào Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành thấy thêm nhiều điều mới lạ, nhất là cảnh ăn chơi xa hoa của riêng người Pháp, còn người dân Việt Nam thì đa số vẫn rách rưới, làm lũ, làm đủ nghề nặng nhọc, kéo xe, bốc vác… sống chui rúc trong những túp nhà lụp xụp, tối tăm. Ở đất nước thuộc địa này, Nguyễn Tất Thành càng thấy rõ hơn sự đối lập giữa hai cảnh sống của bọn thực dân và những người lao động mất nước.
Anh đi vào xóm chợ, làm quen với những thanh niên cùng lứa tuổi đang làm thợ hay học nghề ở Trường kỹ nghệ thực hành (École pratique d’ industrie), Trường đào tạo thợ may Á Đông ở Sài Gòn (École des mécaniciens asiatiques de Saigon); anh cũng làm quen với những hiệu giặt đồ là ở gần cảng Nhà Rồng, chuyên nhận giặt quần áo cho thủy thủ trên tàu của Pháp để xin việc trên tàu. Anh đang tìm cách thực hiện những chuyến đi xa.
Cảng Sài Gòn - Nhà Rồng những năm đầu thế kỷ XX
Lưu trữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Chụp ngày 26/4/2025
Tàu Amiral Latouche Trê ville, con tàu đưa Nguyễn Tất Thành
ra đi tìm đường cứu nước, ngày 05/6/1911.
Lưu trữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Chụp ngày 26/4/2025
Năm 1911, bến cảng Sài Gòn đã có nhiều tàu biển của nước ngoài ra vào, có tàu của Pháp, Anh, của Na Uy, Nhật, Đức,… Chiếc tàu lớn của hãng Sácgiơ Rêuyni (Chargerus Réunis) đậu gần cột cờ Thủ Ngữ, nổi lên dòng chữ Amiran Latusơ Tơrêvin24 (Amiral Latouche Tréville). Tàu này cập bến Sài Gòn ngày 17/5/1911. Ngày 21/5, rời cảng Sài Gòn đi Hải Phòng. Ngày 2/6/1911, tàu trở lại Sài Gòn.
Ngày 2/6/1911, một thủy thủ của tàu Amiran Latusơ Tơrêvin, một tàu lớn vừa chở khách của hãng Năm Sao25 dẫn Nguyễn Tất Thành, với tên mới là Văn Ba, lên tàu thuyền trưởng Maixen (Maisen) và được nhận làm phụ bếp trên tàu26.
Những trang sổ theo dõi tàu ra vào cảng Sài Gòn tháng 6/1911.
Lưu trữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Chụp ngày 26/4/2025
Trang sổ lương của các thủy thủ đoàn tàu Amiral Latouche Trê ville năm 1911.
Thủy thủ mang tên Văn Ba là Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này
Lưu trữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Chụp ngày 26/4/2025
Ngày 5/6/1911, tàu Amiran Latusơ Tơrêvin rời bến cảng Sài Gòn đi Mácxây (Marseille), mang theo một người thanh niên Việt Nam đầy lòng yêu nước, thương dân, ôm ấp một hoài bão lớn: tìm hiểu nền văn minh thế giới, ra sức học hỏi để trở về giúp nước. Một giai đoạn mới, một bước ngoặt mới mở ra trong cuộc đời Nguyễn Tất Thành.
***
Từ thời niên thiếu, chàng trai Nguyễn Tất Thành đã nhận thức được tình hình đất nước thông qua việc tìm hiểu, tham gia vào các phong trào yêu nước để dần hình thành những tư tưởng yêu nước và tiến bộ. Đặc biệt, những tư tưởng của Người được đánh dấu bằng sự kiện xuất ngoại (5-6-1911), bôn ba 30 năm tìm đường cứu nước, truyền thống quê hương, gia đình cùng những tư tưởng tiến bộ của các nhà Nho yêu nước tiến bộ thời bấy giờ đã vun vén ý chí, quyết tâm nơi chàng trai trẻ Nguyễn Ái Quốc. Khác với tư tưởng và con đường cứu nước của các vị tiền bối, Người có con đường cứu nước của riêng mình, cũng bằng tình yêu thương dân tộc, bằng hai bàn tay trắng,… Người đã trở về, giải phóng con người giải phóng dân tộc, thành lập Nhà nước của nhân dân, giúp con người tự do ấm no hạnh phúc cho đến ngày hôm nay.
Đinh Hồng Sơn- Đoàn thanh niên xã Bù Gia Mập
- Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (2006), Hồ Chí Minh tiểu sử, Nxb. Lý luận Chính trị, Hà Nội, tr.42.