Huyện Bù Gia Mập chuyển mình trong thời đại 4.0
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động sâu rộng đến mọi mặt đời sống xã hội, yêu cầu đặt ra đối với bộ máy chính quyền là phải đổi mới mạnh mẽ phương thức quản lý, điều hành, phục vụ nhân dân. Đối với một huyện vùng biên giới như Bù Gia Mập, nhiệm vụ này càng trở nên cấp thiết khi địa phương vừa phải đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo quốc phòng – an ninh, vừa rút ngắn khoảng cách với các đô thị trung tâm. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, Huyện cần triển khai đồng bộ ba nhóm giải pháp trọng tâm:
Xây dựng chính quyền số cấp huyện
Xây dựng chính quyền số không chỉ là chủ trương lớn của Trung ương mà còn là đòi hỏi thực tiễn từ cơ sở. Đối với Bù Gia Mập, cần có những bước đi phù hợp với đặc điểm địa hình rộng, dân cư phân tán, hạ tầng chưa đồng đều. Trước hết, cần tập trung đầu tư phát triển hạ tầng số, đảm bảo đường truyền internet tốc độ cao đến cấp xã, thôn, ấp; ưu tiên các khu vực trung tâm hành chính, trường học, trạm y tế. Cùng với đó, phải đồng bộ hệ thống phần mềm quản lý điều hành giữa các phòng, ban và UBND các xã – nhằm xây dựng hệ sinh thái quản trị hiện đại, thông suốt, chính xác và thời gian thực.
Song song, chính quyền cần tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động hành chính, thông qua các nền tảng số như cổng thông tin điện tử, trang mạng xã hội của chính quyền. Đặc biệt, cần mở rộng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, hướng đến phục vụ người dân “mọi lúc, mọi nơi”, giảm thiểu thời gian, chi phí đi lại và phiền hà. Việc số hóa quy trình tiếp nhận – giải quyết – phản hồi ý kiến của người dân là tiền đề để xây dựng chính quyền “kiến tạo, liêm chính, phục vụ”.
Cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số
Cải cách hành chính là khâu then chốt để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Trong thời đại 4.0, cải cách không chỉ dừng lại ở đơn giản hóa thủ tục mà còn phải gắn liền với ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data). Huyện, cần rà soát toàn bộ quy trình hành chính để rút ngắn các khâu trung gian, loại bỏ những thủ tục rườm rà, không còn phù hợp với thực tiễn. Việc ban hành các quyết định hành chính nên chuyển từ mô hình “truyền thống – giấy tờ” sang “số hóa – điện tử hóa”, đảm bảo độ tin cậy, đồng thời tăng khả năng truy xuất, lưu trữ.
Đặc biệt, cần ứng dụng AI trong xử lý hồ sơ, tự động hóa việc tiếp nhận – phân loại – tra cứu thông tin trong các lĩnh vực như tư pháp, hộ tịch, đất đai, bảo trợ xã hội… Điều này không chỉ giúp tăng tốc độ xử lý mà còn giảm thiểu sai sót do con người, góp phần xây dựng một nền hành chính thông minh, lấy người dân làm trung tâm phục vụ. Đồng thời, khuyến khích sử dụng các ứng dụng mobile để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, góp phần tạo lập môi trường hành chính thân thiện, hiện đại.
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức
Con người là yếu tố quyết định thành bại của công cuộc chuyển đổi số và cải cách hành chính. Trong điều kiện cả nước đang thực hiện tinh giản các tổ chức trung gian, hướng đến mô hình bộ máy hành chính ba cấp: Trung ương – Tỉnh – Cơ sở, yêu cầu đặt ra là phải cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại.
Huyện Bù Gia Mập cần đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số cho toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ cấp huyện đến cấp xã, thôn, bản. Trọng tâm là kỹ năng sử dụng phần mềm quản lý, làm việc trên môi trường mạng, bảo mật thông tin và xử lý tình huống hành chính trong môi trường số hóa. Đồng thời, cần nâng cao tư duy số cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý – những người giữ vai trò then chốt trong việc định hướng chiến lược, chỉ đạo triển khai các chính sách cải cách, đổi mới.
Bên cạnh đào tạo, huyện cần có chiến lược trẻ hóa đội ngũ, thu hút cán bộ trẻ có trình độ công nghệ, tư duy hiện đại tham gia vào bộ máy hành chính. Những cán bộ có năng lực đổi mới, dám nghĩ, dám làm, cần được tạo điều kiện thử sức tại các mô hình chính quyền số, hành chính công hiện đại. Song song, cần xây dựng cơ chế thi đua, khen thưởng gắn với kết quả đổi mới, sáng tạo, trong đó lấy hiệu quả công việc, mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo đánh giá cán bộ.
Đây là nền tảng để hình thành một đội ngũ “vừa hồng, vừa chuyên”, đủ sức gánh vác nhiệm vụ trong điều kiện bộ máy tinh gọn, quản lý hiện đại, phục vụ hiệu quả nhân dân vùng biên giới trong thời đại 4.0.