Trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, không gian mạng và các phương tiện truyền thông hiện đại đã trở thành một mặt trận tư tưởng quan trọng, nhạy cảm và đầy thách thức. Với khả năng lan truyền nhanh, tính ẩn danh cao và phạm vi ảnh hưởng rộng lớn, không gian mạng vừa là công cụ hữu hiệu phục vụ tuyên truyền chủ trương, chính sách, nâng cao dân trí, vừa là môi trường bị các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, gây mất ổn định chính trị - xã hội.

Huyện Bù Gia Mập là huyện vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của tỉnh Bình Phước, với hơn 34% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, địa hình rộng lớn, giao thông còn nhiều khó khăn, tình hình tư tưởng, văn hóa, an ninh mạng luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Trong những năm qua, Các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị đã và đang triệt để lợi dụng không gian mạng và môi trường văn hóa – xã hội để phát tán thông tin sai trái, xuyên tạc chính sách dân tộc, kích động tư tưởng ly khai, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây hoang mang trong quần chúng, nhất là vùng đồng bào dân tộc và thanh thiếu niên.Trong lĩnh vực văn hóa – xã hội, tình trạng lệch chuẩn văn hóa, du nhập tệ nạn, truyền bá mê tín dị đoan, xuyên tạc tôn giáo… cũng đang ảnh hưởng nhất định đến lối sống, tư duy và nhận thức của một bộ phận người dân, đặc biệt là giới trẻ. Những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” xuất hiện ngày càng tinh vi dưới vỏ bọc “phản biện xã hội”, “tự do ngôn luận”, đặt ra yêu cầu cấp bách trong công tác phòng ngừa và đấu tranh tư tưởng từ cơ sở.
Trong bối cảnh đó, việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng, truyền thông và các lĩnh vực văn hóa – xã hội trên địa bàn Bù Gia Mập là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, lâu dài, gắn liền với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân, giữ vững ổn định địa bàn chiến lược vùng biên giới.
Trong thời gian qua, các thế lực thù địch sử dụng mạng xã hội (Facebook, YouTube, TikTok...) để đăng tải, chia sẻ thông tin xuyên tạc, sai sự thật, chống phá Đảng và Nhà nước, lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, đất đai, môi trường để kích động, gây mất ổn định chính trị - xã hội. Đưa tin giả (fake news), sai lệch nhằm gây hoang mang dư luận, mất niềm tin trong nhân dân. Tuyên truyền văn hóa độc hại, lối sống lệch lạc, cổ súy cá nhân chủ nghĩa, kích động bạo lực, phản văn hóa.
Các thế lực thù địch, cơ hội chính trị ngụy trang dưới vỏ bọc “phản biện xã hội”, “đa nguyên chính trị”, “dân chủ nhân quyền”, “bảo vệ môi trường”...Tấn công tâm lý thông qua việc bôi nhọ hình ảnh lãnh đạo, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng. Sử dụng công nghệ AI, deepfake, giả mạo tài liệu, dựng video sai sự thật để thao túng dư luận. Tác động đến tình hình tư tưởng, văn hóa – xã hội.
Hiện nay, một bộ phận người dân, nhất là thanh niên vùng sâu, vùng xa dễ bị tác động bởi các thông tin thiếu kiểm chứng. Là đối tượng để các thế lực thù địch sử đụng chiêu trò xuyên tạc chính sách dân tộc, tôn giáo gây chia rẽ đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng an ninh vùng biên giới. Và các trào lưu lệch chuẩn trên mạng xã hội tác động sâu rộng đến bản sắc văn hóa và thuần phong mỹ tục địa phương.
Qua theo dõi, nắm bắt tình hình trên không gian mạng, có thể nhận thấy một số tài khoản mạng xã hội ẩn danh có xu hướng đăng tải, chia sẻ thông tin sai lệch về chủ trương chính sách dân tộc, tôn giáo. Các hội nhóm kín lợi dụng danh nghĩa hoạt động cộng đồng để lan truyền tư tưởng cực đoan, bài xích Đảng, phủ nhận vai trò chính quyền cơ sở, lợi dụng danh nghĩa “hoạt động xã hội”, “phát triển cộng đồng” để tiếp cận người dân, gieo rắc thông tin thất thiệt, nhất là trong các đợt dịch bệnh, thiên tai.
Việc đấu tranh, phác bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng ở huyện Bù Gia Mập còn gặp một số khó khăn, do: Trình độ dân trí, khả năng nhận biết thông tin chính thống của một bộ phận người dân còn hạn chế; Lực lượng chuyên trách về an ninh mạng còn mỏng, kinh nghiệm chưa đồng đều, nhất là sau khi bỏ Công an cấp huyện; vai trò phối hợp hoạt động giữa các cơ quan, đơn vị chưa thực sự nhịp nhàng, đồng bộ; việc nắm bắt tư tưởng, thái độ chính trị, hoạt động của các thế lực thù địch trên không gian mạng có nơi, có lúc chưa thực sự hiệu quả; công tác truy xét, truy tìm phục vụ yêu cầu thu thập, củng cố tài liệu, chứng cứ điện tử để đấu tranh, xử lý đối tượng còn gặp nhiều khó khăn; Một bộ phận người dân chưa nhận thức rõ hậu quả từ các hành vi của mình trong việc đăng tải, chia sẻ những thông tin xấu, độc; việc sàng lọc thông tin trên không gian mạng còn nhiều hạn chế nên dễ bị kẻ xấu lợi dụng...
Để công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trên không gian mạng đạt hiệu quả, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp cần triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là trong thanh thiếu niên dân tộc thiểu số.
Thứ hai, Xây dựng, nhân rộng các mô hình điểm trong đấu tranh phản bác trên không gian mạng gắn với đặc thù của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Thứ ba, Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong nhận diện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
Thứ tư, Quan tâm, đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các chính sách phát triển toàn diện.
Thứ năm, Tăng cường năng lực quản trị không gian mạng ở cấp cơ sở, phổ cập kỹ năng số và an toàn thông tin.
Thứ sáu, Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay là cuộc đấu tranh “không tiếng súng”, nhưng đầy cam go, phức tạp. Trong môi trường số hóa và toàn cầu hóa, nếu không tỉnh táo, không có “sức đề kháng tư tưởng”, chúng ta rất dễ bị cuốn theo làn sóng tư tưởng độc hại, phản văn hóa, phản dân tộc. Chính vì vậy, việc kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng; nâng cao cảnh giác cách mạng; không ngừng đổi mới phương pháp tuyên truyền, giáo dục; làm tốt công tác “dân vận khéo”... sẽ là chìa khóa để từng cán bộ, đảng viên, từng đoàn viên, thanh niên, từng người dân Bù Gia Mập giữ vững trận địa tư tưởng – văn hóa – truyền thông trong lòng dân, nơi biên cương Tổ quốc.